Chính sách KH&CN Thứ sáu, 29/03/2024 , 12:30 am
Cập nhật : 16/07/2012 , 16:07(GMT +7)
Hoạt động KH&CN: Thiếu động lực cho đội ngũ cán bộ
Còn nhiều bất cập trong công tác thu hút, đãi ngộ cán bộ KH&CN
Những khó khắn, vướng mắc về cơ chế chính sách đãi ngộ và sử dụng cán bộ khoa học, về hệ thống thang bảng lương đối với nhân lực khoa học,… đã được các đại biểu nêu ra tại Hội thảo chính sách phát triển nhân lực KH&CN tổ chức tại Hà Nội mới đây. Nhân sự kiện này, chúng tôi xin ghi nhận một số ý kiến của các đại biểu tại Hội thảo.

Hãy bắt đầu từ việc trọng dụng và rèn luyện người tài, phát huy nguồn nhân lực cao là chính sách cốt yếu là ý kiến của nhiều nhà quản lý, nhà khoa học khi đóng góp ý kiến trong chính sách đãi ngộ, trọng dụng nhân lực KHCN. Mục tiêu của chính sách nên hướng vào việc xây dựng đội ngũ nhân lực đủ năng lực để giải quyết các nhiệm vụ khoa học lớn cần thiết nhất đối với sự phát triển KT-XH của đất nước. Đội ngũ đó phải là hệ thống các tập thể KH&CN xuất sắc, có sự gắn kết hữu cơ với nhau chứ không phải các cá nhân hay các đơn vị riêng lẻ. Vấn đề đổi mới chế độ, chính sách đối với đội ngũ này không đơn giản chỉ là đề xuất giải pháp về tuyển dụng, chính sách tiền lương, đãi ngộ, mà quan trọng hơn là tạo điều kiện và môi trường để họ phát huy vai trò, thấy được tác dụng thực sự của mình đối với xã hội.

 

Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KH&CN

Quản lý theo chế độ công chức không phù hợp với hoạt động KH&CN

Trong thời gian qua, đội ngũ cán bộ KH&CN tuy đã có bước phát triển về số lượng nhưng chất lượng và năng lực còn hạn chế, phân bố chưa hợp lý theo vùng miền và các lĩnh vực hoạt động. Tình trạng hẫng hụt đội ngũ chưa được khắc phục, thiếu các nhà khoa học, các tổng công trình sư có trình độ cao và có năng lực chủ trì các nhiệm vụ nghiên cứu quan trọng quy mô quốc gia và quốc tế.

Tình trạng ấy có một phần nguyên nhân rất quan trọng là do cơ chế chính sách đãi ngộ và sử dụng cán bộ chưa có thực sự ưu đãi, thu hút cán bộ. Đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ của nước ta nói chung hiện còn đang phải xoay xở để tồn tại trong những cái bất hợp lý của cơ chế hành chính hóa khoa học và công nghệ, bình quân chủ nghĩa dẫn tới nhiều tâm tư và không có động lực để cống hiến cho sự nghiệp KH&CN.

Bên cạnh đó, việc quản lý cán bộ KH&CN theo chế độ công chức không phù hợp với hoạt động KH&CN, làm hạn chế khả năng luân chuyển và đổi mới cán bộ, thiếu cơ chế đảm bảo để cán bộ được phát huy khả năng sáng tạo, tự chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Chính sách thu hút trọng dụng nhân tài, chế độ tiền lương còn nhiều bất hợp lý, không khuyến khích cán bộ KH&CN toàn tâm với sự nghiệp KH&CN.

TS. Văn Tất Thu, Thứ trưởng Bộ Nội Vụ
Khắc phục tình trạng hành chính hóa, bình quân chủ nghĩa

Hệ thống thang, bảng lương đối với đội ngũ viên chức khoa học, công nghệ được xây dựng chủ yếu căn cứ vào thâm niên công tác, chưa chú trọng đến yếu tố hiệu quả công việc, không phản ánh đúng mức chệnh lệch về trình độ chuyên môn cũng như đòi hỏi của công việc đang đảm nhiệm. Chính sách tiền lương chưa đảm bảo cuộc sống của đội ngũ viên chức khoa học, chưa có tác dụng động viên, khuyến khích các viên chức khoa học, công nghệ tích cực, say mê, gắn bó với nghề…

Để tháo gỡ vấn đề này, theo tôi cần mạnh dạn nghiên cứu đổi mới, hoàn thiện chế độ, chính sách đối với đội ngũ viên chức KH&CN, như: từng bước khắc phục tình trạng hành chính hóa, bình quân chủ nghĩa để phù hợp với tính chất lao động, nghề nghiệp mang tính đặc thù của đội ngũ viên chức KH&CN.

Vấn đề đổi mới chế độ, chính sách đối với đội ngũ này không đơn giản chỉ là đề xuất giải pháp về tuyển dụng, chính sách tiền lương, đãi ngộ, mà quan trọng hơn là tạo điều kiện và môi trường để họ phát huy vai trò, thấy được tác dụng thực sự của mình đối với xã hội.

Ông Tạ Đức Thịnh, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường,  Bộ GD-ĐT

Thay đổi tư duy rồi mới đến hành động

Hiện nay có sự mất cân đối về phân bố số lượng cán bộ nghiên cứu giữa các ngành, giữa các vùng miền. Đầu tư cho KH&CN còn chưa nhiều nhưng sử dụng chưa hiệu quả. Tuy nhiên, đổi mới toàn diện nhân lực cho KH&CN không thể tách rời phương hướng đổi mới giáo dục Việt Nam. Muốn thực hiện được điều đó, trước mắt phải đổi mới tư duy nhận thức và tiếp nữa là đổi mới về hành động.

Đổi mới có trọng tâm, định hướng không dàn trải, thông qua sự đổi mới này sẽ tháo gỡ những nút thắt khác. Một trong những vấn đề cốt lõi nhất của ngành giáo dục là đổi mới về  cơ chế quản lý đào tạo, sau đó là đổi mới về đào tạo giảng viên, giảng viên. Từ những trọng tâm này sẽ tạo nên bức tranh mới cho nền giáo dục Việt Nam.



GS Vũ Minh Giang, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội
Đừng tính đến chuyện có một chính sách chung cho toàn bộ đội ngũ khoa học

Chúng ta cần xem xét trong giai đoạn hiện nay chúng ta cần loại cán bộ khoa học nào và hãy tập trung tạo điều kiện trọng dụng người ta, chứ đừng tính đến chuyện phát hiện người tài hay đào tạo.

Ví dụ ở Trung Quốc, một giáo sư được hưởng lương cao là người mà đáp ứng được tiêu chí mà họ đặt ra, được sinh viên hưởng ứng. Những người này sẽ được hưởng chính sách lương đặc biệt.

Vì vậy, theo tôi hãy bắt đầu sử dụng đúng cái mà chúng ta muốn, đừng tính đến chuyện có một chính sách chung cho toàn bộ đội ngũ khoa học. Muốn như vậy, đòi hỏi chúng ta phải dũng cảm phá bỏ chủ nghĩa bình quân và trọng dụng người tài biểu hiện ở ba điểm sau: thể hiện sự tin dùng, giao việc; có chế độ đãi ngộ, tạo điều kiện làm việc cần thiết; kết quả được sử dụng và đánh giá công bằng.

Chúng ta phải có chiến lược đào tạo đội ngũ, cũng không nên tính đến chuyện quy hoạch đội ngũ bao nhiêu người làm cái này bao nhiêu người làm cái kia. Nhà nước chỉ tập trung điều tiết vào những lĩnh vực cần thiết như khoa học cơ bản, chứ không thể sắp xếp toàn bộ đội ngũ KHCN cho cả nước, bởi những cái đó phải để phát triển theo nhu cầu của thị trường.

Tin, ảnh: Nhóm PV





Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner