“Phát triển thị trường khoa học và công nghệ là một trong những vấn đề cần tăng cường, đẩy mạnh, trong đó hoàn thiện thể chế, chính sách là yếu tố hàng đầu để phát triển thị trường khoa học và công nghệ”.
Đây là chia sẻ của ông Phạm Đức Nghiệm – Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN tại buổi tạo đàm “Đối thoại Chính sách liên quan đến phát triển thị trường KH&CN” tổ chức ngày 10/11, tại Hà Nội.
Ba điểm nghẽn trong phát triển thị trường KH&CN
Toạ đàm “Đối thoại chính sách liên quan đến phát triển thị trường KH&CN” trong khuôn khổ hợp tác giữa Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN và Tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp & Khoa học Thịnh vượng chung (CSIRO) thuộc Chương trình Aus4Innovation (Chương trình tăng cường thúc đẩy hợp tác khoa học kỹ thuật và đổi mới sáng tạo Australia – Việt Nam). Tọa đàm do ông Phạm Đức Nghiệm - Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN và ông Trần Hậu Ngọc - Viện trưởng Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ chủ trì.
Tham dự buổi tọa đàm có đại diện Đại sứ quán Australia; đại diện Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ KH&CN; đại diện Trung tâm hỗ trợ DNNVV - Cục Phát triển doanh nghiệp - Bộ KH&ĐT; đại diện Cục Sở hữu trí tuệ, Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ, Cục Năng lượng nguyên tử, Cục thông tin; đại diện 12 Sở KH&CN các địa phương, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, gần 30 Viện nghiên cứu, hơn 10 trường đại học và học viện; các hiệp hội và doanh nghiệp...
Buổi tọa đàm với các nội dung đối thoại, phân tích, trao đổi nhằm hỗ trợ các viện nghiên cứu, trường đại học và các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc xây dựng các quy định phù hợp về chuyển giao công nghệ bao gồm: pháp luật về chuyển giao công nghệ; Các vấn đề về quản trị tài sản trí tuệ của trường đại học, viện nghiên cứu; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (gồm các vấn đề về giao quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản là kết quả nghiên cứu hình thành từ nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước); Luật hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ (các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, gắn kết với viện, trường).
Ông Phạm Đức Nghiệm – Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN phát biểu tại buổi tọa đàm.
Phát biểu khai mạc, ông Phạm Đức Nghiệm cho biết: Hiện nay có 3 điểm nghẽn trong phát triển thị trường KH&CN cần phải khắc phục trong thời gian tới. Thứ nhất là nhận thức của xã hội về thị trường KH&CN còn hạn chế, không đồng bộ nên việc tổ chức vào thực tiễn còn khác nhau giữa các bộ ngành, địa phương. Thứ hai là sau khi kết thúc các đề tài nghiên cứu, các công nghệ chưa sẵn sàng chuyển giao, chưa được đánh giá khả năng thích ứng trên thị trường, thiếu đơn vị môi giới. Thứ ba là các công nghệ không được xác thực để giao dịch thì đòi hỏi phải thẩm định, đánh giá, kiểm định về tính ổn định, yếu tố rủi ro có thể gặp phải khi ứng dụng vào sản xuất.
Trong đề án Tái cơ cấu ngành KH&CN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng góp phần phát triển kinh tế, đã đề ra các giải pháp thực hiện. Trong đó, phát triển thị trường KH&CN là một giải pháp quan trọng với những nội dung chủ yếu: Đẩy mạnh hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ; Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu triển khai, khai thác sáng chế, giải mã công nghệ nhập khẩu, ưu tiên mua bán công nghệ nội địa do các tổ chức KH&CN tạo ra; Thúc đẩy hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng và đào tạo nhân lực về năng suất chất lượng cho các doanh nghiệp; Phát triển nhanh và đồng bộ các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN; Đổi mới phương thức tổ chức chợ công nghệ và thiết bị, kết nối cung cầu công nghệ, thương mại điện tử trong KH&CN; Đẩy nhanh thực hiện áp dụng cơ chế thị trường trong cung ứng các dịch vụ công, dịch vụ hạ tầng về KH&CN; Thúc đẩy phát triển mối liên kết giữa viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp nhằm thương mại hóa sản phẩm KH&CN.
Bên cạnh đó là phát triển mạng lưới các tổ chức xúc tiến liên kết giữa viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp. Xây dựng mô hình phòng thí nghiệm phối thuộc, nhóm nghiên cứu hỗn hợp viện nghiên cứu - trường đại học - doanh nghiệp; phát triển mạnh hình thức doanh nghiệp đặt hàng nhiệm vụ KH&CN cho viện nghiên cứu, trường đại học thực hiện; Liên kết với viện, trường xây dựng và cùng tổ chức thực hiện nhiệm vụ KH&CN các cấp và thí điểm thành lập quỹ đầu tư KH&CN với sự tham gia của các trường đại học, viện nghiên cứu, các nhà khoa học, nhà nước và doanh nghiệp.
Chính sách là yếu tố quan trọng hàng đầu
Tại buổi tọa đàm, TS. Hà Nguyệt Thu, Cục Sở hữu trí tuệ đã chia sẻ về các vấn đề về quản trị tài sản trí tuệ của trường đại học, viện nghiên cứu. Theo TS. Hà Nguyệt Thu, các trường đại học và viện chức nghiên cứu muốn mở rộng hợp tác với các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp cần có chính sách quản lý sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ hiệu quả. Thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, các trường đại học – viện nghiên cứu sẽ hình thành một số sản phẩm nghiên cứu nhất định. Các trường đại học, viện nghiên cứu thực hiện tốt quản trị tài sản trí tuệ sẽ khuyến khích được hoạt động sáng tạo, thúc đẩy việc khai thác, chuyển giao công nghệ, tránh lãng phí, thất thoát. Đặc biệt, thúc đẩy quản trị tài sản trí tuệ trong các cơ sở nghiên cứu sẽ giúp tránh được nguy cơ tranh chấp về sở hữu trí tuệ; nguy cơ hàng giả; nguy cơ nghiên cứu và triển khai trùng lặp; tránh được rủi ro trong vấn đề tiêu chuẩn hóa và nguy cơ rò rỉ bí quyết.
Theo TS. Nguyễn Hữu Xuyên – Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ: Chuyển giao công nghệ giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp, tạo động lực cho nền kinh tế phát triển nhanh dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Do đó, cần tạo môi trường pháp lý thuận lợi hơn nữa cho hoạt động chuyển giao công nghệ, nhất là cơ chế bắt buộc đăng ký chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam, tăng cường kiểm soát và xây dựng chiến lược nhập khẩu công nghệ phù hợp để hạn chế tình trạng chuyển giá, gian lận và tiếp nhận công nghệ không thân thiện với môi trường.
Việt Nam cần gắn hoạt động chuyển giao công nghệ với việc nâng cao năng lực công nghệ nhằm phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội và khoa học, công nghệ. Việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận công nghệ cần được thực hiện đồng bộ, tương thích và có lộ trình, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế và khoa học, công nghệ từng giai đoạn.
Cùng với đó là hỗ trợ doanh nghiệp đánh giá, định giá công nghệ để phục vụ cho việc thu hút, nhập và chuyển công nghệ, đặc biệt, trong các ngành, lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam. Kích thích nguồn cung công nghệ trong nước thông qua các tổ chức nghiên cứu và phát triển, đồng thời, tạo hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho chuyển giao công nghệ.
Đồng thời, có các chính sách ưu đãi tài chính phù hợp cho hoạt động chuyển giao công nghệ, đặc biệt là hoạt động chuyển giao công nghệ trong ngành công nghiệp hỗ trợ. Có như vậy, doanh nghiệp mới thực sự được kích thích đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ, tạo đà cho quá trình chuyển giao công nghệ tại Việt Nam đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống.
Các đại biểu trao đổi tại buổi tọa đàm
Bên cạnh đó, ông Lê Văn Khương, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phía Bắc, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ về các giải pháp để thúc đẩy doanh nghiệp gắn kết viện, trường. Theo đó, cần phải đưa các sáng chế, phát minh, kết quả nghiên cứu, nguồn nhân lực để triển khai trong nước; khuyến khích cơ chế tự chủ của Viện, trường gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường và xã hội; Nâng cao năng lực, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển; Tận dụng lợi thế của cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 chia sẻ, kết nối, phát huy sáng tạo cộng đồng; thúc đẩy tư vấn triển khai, chia sẻ kết quả nghiên cứu công nghệ.
Để phát triển thị trường KH&CN có hiệu quả, việc hoàn thiện thể chế, chính sách là yếu tố hàng đầu. Trong đó, hoàn thiện hệ thống chính sách về sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ và cạnh tranh, đảm bảo phù hợp với các cam kết của Việt Nam trong các định chế quốc tế và khu vực; hoàn thiện chính sách đầu tư từ ngân sách nhà nước cho phát triển thị trường KH&CN, trọng tâm là cơ chế, chính sách đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển các tổ chức trung gian và thúc đẩy nhu cầu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.
Trong phiên thảo luận của toạ đàm, các đại biểu đưa ra các vấn đề xoay quanh Nghị định số 70 của Chính phủ, chương trình 592 của Bộ KH&CN, đầu mối giao quyền và thẩm định giá của Bộ KH&CN. Các diễn giả tại toạ đàm đã thảo luận và giải đáp các câu hỏi của đại biểu.
Đa số các ý kiến cho rằng: Hiện nay, điểm nghẽ của phát triển thị trường KH&CN là sau khi kết thúc các đề tài nghiên cứu, các công nghệ chưa sẵn sàng chuyển giao, chưa được đánh giá khả năng thích ứng trên thị trường, thiếu đơn vị môi giới. Đặc biệt, để công nghệ có thể được đem ra trao đổi, mua bán trên thị trường, rất cần phải thẩm định và đánh giá công nghệ đó. Một trong những điểm nghẽn của thị trường KH&CN hiện nay chính là việc chưa thể gắn cho sản phẩm khoa học công nghệ một mức giá có thể là cơ sở cho việc trao đổi ấy. Do đó, theo các đại biểu để phát triển thị trường KH&CN có hiệu quả, việc hoàn thiện thể chế, chính sách là yếu tố hàng đầu. Trong đó, hoàn thiện hệ thống chính sách về sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, thẩm định và đánh giá công nghệ, đảm bảo phù hợp với các cam kết của Việt Nam trong các định chế quốc tế và khu vực; hoàn thiện chính sách đầu tư từ ngân sách nhà nước cho phát triển thị trường KH&CN, trọng tâm là cơ chế, chính sách đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển các tổ chức trung gian và thúc đẩy nhu cầu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.
Bài, ảnh: Đăng Minh