Ngày 15/6, tại Hà Nội, Hội đồng Nghiệm thu cấp Nhà nước đã đánh giá nghiệm thu Dự án sản xuất thử nghiệm “Hoàn thiện quy trình công nghệ và hệ thống thiết bị nuôi cá lồng vùng biển mở và ứng dụng nuôi cá giò thương phẩm” mã số KC.07.DA07/11 – 15 do ThS. Chu Chí Thiết, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I làm Chủ nhiệm.
Việt Nam có tiềm năng to lớn để phát triển nuôi biển, với hơn 3600 km đường biển và nhiều hòn đảo lớn nhỏ, tạo ra nhiều vùng mặt nước có điều kiện phù hợp để phát triển nuôi trồng thủy sản. Thực tế cho thấy, nghề nuôi trồng thủy sản đã và đang đóng góp vai trò lớn vào hoạt động sinh kế, tạo việc làm và cải thiện đời sống cho ngư dân và các nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc nuôi cá ở các vùng ven bờ, vịnh kín sóng gió đang chịu ảnh hưởng do ô nhiễm môi trường, dịch bệnh bùng phát đã gây thiệt hại cho người nuôi. Mặt khác, nuôi cá biển tại các eo, vịnh thường xung đột lợi ích với các hoạt động khác như giao thông vận tải, du lịch và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên
Đó chính là lý do Dự án trên được thực hiện, nhằm hoàn thiện quy trình công nghệ và hệ thống thiết bị tiên tiến phục vụ nuôi cá lồng vùng biển mở với quy mô 4 lồng trắng tròn bằng vật liệu nhựa HDPE, mỗi lồng có dung tích 1.200m3 chịu được gió đến cấp 12. Đồng thời xây dựng mô hình nuôi cá giò (Rachycentron canadum) trong lồng ở vùng biển mở, năng suất 15 tấn/ lồng, sản lượng đạt 60 tấn/chu kỳ 12 tháng.
Sau hơn 3 năm thực hiện, Dự án đã hoàn thiện được thiết kế, lắp đặt và vận hành hệ thống 04 lồng cá biển mở dung tích 1.200m3, đường kính 15m, có khả năng điều khiển chìm, nổi tới độ sâu 10m. Nhóm thực hiện Dự án cũng đã xây dựng được mô hình trang trại nuôi thương phẩm cá giò, cá chim vây vàng quy mô công nghiệp tại Vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa với Tổng sản phẩm thu hoạch được là 65,1 tấn cá thương phẩm trong đó cá giò đạt được 30 tấn, năng suất 12,6 kg/ m3, cỡ 4,2-4,5kg/con, cỡ tỷ lệ sống 74%, hệ số thức ăn 2,6; cá chim vây vàng tiến hành 2 vụ nuôi, thu được 34,9 tấn, cỡ trung bình 0,6 kg/con, tỷ lệ sống đạt 82%. Hệ số thức ăn 2,2. Trong quá trình nuôi, cá chim không xuất hiện dịch bệnh gây chết cá.
Toàn cảnh buổi nghiệm thu
Đồng thời, nhóm thực hiện Dự án đã xác định được 5 loài sinh vật bám vào các bộ phận của hệ thống lồng nuôi, gồm: Sun thuộc giống Balanus sp, thuộc lớp Maxillopoda, ngành Athropoda. Ngoài ra còn xuất hiện một số loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ gồm 3 giống Perna viridis, Pinctada và Ostrea; định kỳ 30 ngày kéo lưới giặt từng phần bằng máy bơm cao áp hoặc định kỳ 60 ngày thay lưới lồng nuôi để hạn chế sự tăng lên của sinh vật bám vào lưới lồng…
Kết quả đạt được của Dự án là cơ sở để mở rộng nghề nuôi cá vùng biển mở ở nước ta, góp phần thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020 theo Quyết định 1690/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và khẳng định chủ quyền biển đảo của nước ta trong bối cảnh hiện nay.
Nhóm thực hiện Dự án đề xuất tiếp tục nghiên cứu về nhu cầu dinh dưỡng và sản xuất thức ăn công nghiệp cho cá giò nhằm giảm ảnh hưởng của việc sử dụng cá tạp trong nuôi thương phẩm cá giò ở Việt Nam. Nhóm cũng đã kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục hỗ trợ về vốn và các chính sách nhằm khuyến khích để Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I và các doanh nghiệp tham gia mở rộng, phát triển nghề nuôi cá biển nhằm góp phần phát triển kinh tế biển, hải đảo ở nước ta trong thời gian tới.
Tin, ảnh: Phương Nga