Trước các thách thức lớn do đại dịch COVID-19 gây ra, thời gian qua đã có hàng loạt giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp KH&CN vượt qua các khó khăn. Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Trần Xuân Đích, Phó Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
PV: Trước những tác động tiêu cực của dịch bệnh đến việc sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp khoa học và công nghệ (DNKHCN) đã có những ứng phó như thế nào để thay đổi và thích ứng đối với tình hình hiện nay, thưa ông?
Ông Trần Xuân Đích: Bên cạnh những khó khăn do dịch bệnh gây ra, cũng có không ít những cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam có thể nắm bắt tận dụng. Một số doanh nghiệp đã nghiên cứu và triển khai nhiều ứng dụng công nghệ để tăng khả năng tiếp cận khách hàng, thay đổi phương thức kinh doanh từ trực tiếp truyền thống sang kinh doanh online, giao hàng và thanh toán tận nhà, duyển dịch cơ cấu sản phẩm trong đó nghiên cứu và sản xuất kinh doanh các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu cao, nội địa hóa nguồn cung nguyên vật liệu. Một số doanh nghiệp đã nghiên cứu đầu tư dây chuyền sản xuất các thiết bị y tế, các sản phẩm chế phẩm sinh học phục vụ cho công tác phòng, chống dịch.
Có thể nói dịch Covid là một thách thức cũng là một cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam đổi mới tư duy, đổi mới sáng tạo để thích ứng với môi trường kinh doanh mới. Ví dụ một số doanh nghiệp: Cty Sao Thái Dương đã hợp tác với các nhà khoa học để chế tạo thành công hai bộ kit phát hiện virus SARS-CoV-2, Công ty CP Công nghệ mới Nhật Hải đang bắt tay nghiên cứu chế tạo thử nghiệm một số hợp chất nano từ thiên nhiên có khả năng ức chế Sars-CoV-2, ngăn bão hòa Cytokine và giảm khả năng đông máu, hỗ trợ điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19,…
- Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đóng góp quan trọng trong việc phòng, chống dịch Covid-19 như nghiên cứu thành công bộ kit xét nghiệm virus SARS-CoV-2, chế tạo thành công máy thở, nghiên cứu chế tạo vaccine… Ông đánh giá như thế nào về việc này?
Ông Trần Xuân Đích: DNKHCN đặc biệt có thế mạnh trong hoạt động nghiên cứu, làm chủ và ứng dụng kết quả KH&CN. Đây là lực lượng doanh nghiệp đi tiên phong trong việc tạo ra hoặc ứng dụng các kết quả KH&CN, mô hình kinh doanh mới. Việc chuyển hướng kinh doanh và tập trung nghiên cứu các sản phẩm mới phù hợp với thách thức do dịch bệnh mang lại trong thời gian qua của nhiều DNKHCN đã chứng minh ưu thế này. Bộ KH&CN khẳng định chủ trương ủng hộ, khuyến khích các DNKHCN đẩy mạnh việc đầu tư, nghiên cứu, tạo ra các sản phẩm mới phục vụ kịp thời nhu cầu phòng chống dịch bệnh của đất nước. Bộ sẽ tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp này để kịp thời thương mại hóa các sản phẩm mới này thông qua nhiều biện pháp như: hỗ trợ đánh giá, công nhận kết quả KH&CN mới; hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; hỗ trợ tuyên truyền, giới thiệu về các kết quả KH&CN này của doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các thủ tục để bổ sung vào danh mục sản phẩm KH&CN nhằm thụ hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước dành cho DNKHCN,..
- Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong nửa đầu năm 2020 gặp nhiều khó khăn bởi từ giữa tháng 3-2020 đến nay, dịch bệnh đã ảnh hưởng đến các thị trường đối tác thương mại lớn của Việt Nam là Mỹ, EU, Nhật Bản, ông đánh giá tác động của dịch bệnh lên việc xuất khẩu, nhập khẩu của DNKHCN như thế nào?
Ông Trần Xuân Đích: Tình hình xuất khẩu tháng 5-2020 vừa được Bộ Công thương công bố từ kết quả khảo sát gần 130.000 doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Theo đó về thị trường tiêu thụ và xuất khẩu, 57,7% số doanh nghiệp bị ảnh hưởng cho biết thị trường tiêu thụ bị giảm mạnh; 47,2% doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu khẳng định hàng hóa sản xuất ra không xuất khẩu được. Hoạt động xuất nhập khẩu từ đầu quý 2-2020 đã chịu tác động mạnh bởi dịch COVID-19, đặc biệt ở các đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam như: EU, Mỹ, Nhật, ASEAN…Dù tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 5-2020 đạt 37,9 tỉ USD, tăng 5% so với tháng trước, nhưng giảm 15,7% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 5 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 196,84 tỉ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, 3 nhóm hàng chính là nông - thủy sản, nhiên liệu - khoáng sản và công nghiệp chế biến tình hình xuất khẩu có cải thiện so với tháng trước, nhưng nếu so với cùng kỳ năm 2019 thì giảm mạnh, trong đó giảm mạnh nhất đến 60,6% là nhiên liệu - khoáng sản. Cùng chung chuỗi tác động toàn cầu ấy, các DNKHCN cũng đã và đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức. Khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, đầu tư đã đến với các DNKHCN ngay từ đầu mùa dịch, khi thị trường xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều DNKHCN ở nhiều ngành nghề khác nhau bị thu hẹp quy mô hoạt động, sụt giảm doanh thu, thậm chí “đóng băng” giao dịch.
- Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, ông nhận định như thế nào về xu hướng của chuỗi cung cầu hàng hóa, nhất là lĩnh vực xuất nhập khẩu trong thời gian tới?
Ông Trần Xuân Đích: Sau đại dịch COVID-19, vấn đề dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc đã và đang được một số quốc gia như Mỹ, Nhật, châu Âu... xem xét đặt ra, nhằm giảm bớt sự lệ thuộc vào nguồn cung từ quốc gia này. Đánh giá của Phòng Thương mại Hoa Kỳ (Amcham) tại Việt Nam cho thấy, khoảng 1/3 công ty Hoa Kỳ tại Trung Quốc xác định sẽ hủy bỏ hoặc tạm dừng đầu tư vào Trung Quốc. Có tới 40% DN cho hay sẽ dịch chuyển một phần hoặc toàn bộ dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc. Dự báo năm 2020, xu hướng dịch chuyển sản xuất, đầu tư từ thị trường Trung Quốc sẽ dịch chuyển đến các nước trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Hiện nay, sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam nói chung và DNKHCN nói riêng phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung nguyên vật liệu cũng như bán thành phẩm sang thị trường Trung Quốc và Hoa Kỳ, kể cả các ngành lớn như dệt may, da giầy... Việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do tác động của dịch bệnh đã khiến các DN nhận ra sự cấp bách của việc đa dạng hóa danh mục sản xuất, chuỗi cung ứng, tránh phụ thuộc vào một quốc gia.
Với những quyết sách về kinh tế và phương châm chống dịch hiệu quả của Chính phủ trong thời gian qua đã, đang và sẽ tiếp tục tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, các tập đoàn nhập khẩu - bán lẻ đối với thị trường Việt Nam. Đây là thời cơ để Việt Nam có thể bứt ra và giảm dần sự phụ thuộc. Đây cũng là cơ hội tốt để DN Việt Nam nói chung, DNKHCN nói riêng đón bắt những làn sóng đầu tư mới, những thị trường xuất nhập khẩu mới. Câu hỏi được đặt ra lúc này là, làm sao để chúng ta tận dụng được lợi thế của việc dịch chuyển chuỗi cung ứng và chuyển dịch sản xuất. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần chuẩn bị tốt nhất các điều kiện nhằm thu hút và sẵn sàng đón tiếp, giới thiệu địa điểm cho các nhà đầu tư để tranh thủ đón làn sóng dịch chuyển dòng vốn đầu tư sau đại dịch COVID-19.
Trong bối cảnh dịch bệnh, DNKHCN đối mặt với không ít khó khăn và thách thức
- Để đồng hành, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách về tài khóa, tiền tệ, bảo hiểm. Ông đánh giá thế nào về sự cần thiết và mức độ hấp thụ của DNKHCN đối với các chính sách nói trên?
Ông Trần Xuân Đích: Sau 6 tháng đầu năm 2020, Việt Nam hứng chịu đợt bùng phát dịch Covid-19 đầu tiên với đỉnh điểm là lệnh cách ly xã hội toàn quốc trong tháng 4. Mặc dù đã có sự hỗ trợ của Thông tư 01/2020/TT-NHNN cho phép giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản cho vay chịu ảnh hưởng bởi đại dịch, bên cạnh đó, tác động tiêu cực đối với ngân hàng có độ trễ lớn hơn so với doanh nghiệp, nhưng nợ xấu ở các ngân hàng vẫn phình to rõ rệt.
Cụ thể, thống kê của VietnamFinance đối với 25 ngân hàng thương mại đã công bố báo cáo tài chính quý II/2020 có đầy đủ thuyết minh (*) cho thấy, tổng nợ xấu nội bảng đã tăng 22% trong 6 tháng qua, từ mức trên 79.100 tỷ đồng lên mức trên 96.400 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng theo đó tăng từ mức 1,44% cuối năm 2019 lên mức 1,7% kết thúc tháng 6/2020.
Cộng đồng DNKHCN đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong việc ban hành và triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ DN. Đây là các chính sách hết sức quan trọng và thiết thực, được ví như là các biện pháp “hà hơi”, tiếp sức nhằm giúp DN vực dậy sau đại dịch COVID-19. Các DN còn đánh giá về tầm quan trọng trong triển khai các chính sách này: “Nhanh 1 ngày thì DN sống, chậm 1 ngày DN có thể sẽ không còn”.
Tuy nhiên, việc triển khai chính sách theo phản ánh của DN còn chậm. Liên quan đến các chính sách hỗ trợ DN, ngày 15-5-2020, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 183/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN với chủ đề “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế”; ngày 29-5-2020, Chính Phủ ban hành Nghị quyết số 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Cộng đồng DNKHCN kỳ vọng, các bộ, ban, ngành và địa phương sẽ sớm có kế hoạch triển khai thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại các văn bản trên để các chính sách nhanh chóng đi vào thực tiễn và DN thực sự hấp thụ được chính sách này.
- Nhiều DNKHCN do còn hạn chế về quy mô và nhân lực nên khó tiếp cận các chính sách ưu đãi. Mặt khác do quy định chưa cụ thể nên các sở, ngành khác chỉ áp dụng theo văn bản pháp luật của ngành đó. Vậy, theo ông, cần giải pháp nào để giải quyết vấn đề này ?
Ông Trần Xuân Đích: Tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến DNKHCN nhằm đảm bảo tính thống nhất, khả thi và hiệu quả của các chính sách hỗ trợ, đây là nhiệm vụ được Bộ KH&CN đặc biệt chú trọng. Trong thời gian qua, Bộ đã kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền đồng thời ban hành nhiều quy định nhằm đưa các chính sách hỗ trợ DNKHCN triển khai được trên thực tiễn. Tiêu biểu: đưa quy định về hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm KH&CN của DNKHCN vào Luật Đầu tư 2020; phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Thông tin truyền thông xây dựng văn bản hướng dẫn ưu đãi thuế TNDN cho DNKHCN; tiếp tục đề xuất bổ sung quy định xác định dự án đầu tư mới trong lĩnh vực KH&CN để đảm bảo sự thống nhất và khả thi của Nghị định 13/2019/NĐ-CP với hệ thống các văn bản pháp luật chuyên ngành.
Bên cạnh đó, Cục PTTTDN tăng cường phối hợp với các Sở KH&CN triển khai các hội thảo, tọa đàm online ở các địa phương nhằm hỗ trợ DNKHCN tiếp cận được với các chính sách mới của Nhà nước; Cục tăng cường các hoạt động đào tạo, tập huấn theo nhiều hình thức dành cho cán bộ, công chức của các Sở KH&CN để nâng cao năng lực hỗ trợ tư vấn DNKHCN thụ hưởng các chính sách ưu đãi;
Ngoài ra, Cục cũng đã có kế hoạch phối hợp với các tổ chức dịch vụ tư vấn như công ty, văn phòng luật, các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN để các tổ chức này đẩy mạnh các hoạt động tư vấn giúp DNKHCN.
Đăng Minh (lược ghi)