Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
KH&CN địa phương Thứ sáu, 01/11/2024 , 08:35 pm
Cập nhật : 16/12/2010 , 16:12(GMT +7)
Hoà Bình: Ứng dụng KH&CN để tạo bước đột phá
Nhiều tiến bộ KH&CN đã được chuyển giao tại Hòa Bình. Nguồn: Internet
Trong ba năm (2008 – 2010), Hòa Bình đã “mạnh tay” chi hơn 28 tỷ đồng cho hoạt động nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) vào đời sống, sản xuất và thu được những kết quả nhất định. Hòa Bình đã triển khai 48 đề tài, dự án với tổng kinh phí thực hiện trên 15 tỷ đồng chiếm 53% kinh phí sự nghiệp khoa học. Đây được coi là “đòn bẩy” thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh Hòa Bình.

Biến chuyển từ những dự án

Hoà Bình đã triển khai thành công nhiều dự án mang tính chiến lược, có vai trò to lớn đối với đời sống, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo báo cáo của UBND tỉnh, tấc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) quý I năm 2010 đạt 10,95%. Đơn cử như dự án “Xây dựng mô hình phát triển một số chủng loại cây ăn quả ôn đới phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” tại 2 xã Hang Kia, Pà Cò – huyện Mai Châu với kinh phí lên đến hơn 1,4 tỷ đã đạt được kết quả ban đầu. Dự án đã nghiệm thu và được đánh giá là hướng đi mới trong việc thay đổi tập quán canh tác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trong 3 năm thực hiện, dự án đã đào tạo, tập huấn và chuyển giao kỹ thuật cho 320 lượt người tham gia, xây dựng các mô hình vườn cây ăn quả ôn đới (đào, mận, hồng bằng giống mới, mỗi loại 3 ha). Bên cạnh đó, dự án còn xây dựng thêm nhiều vườn ươm giống và ghép cải tạo vườn tạp,...

Ông Sùng A Minh, một người dân xã Pà Cò cho biết, từ khi dự án xây dựng mô hình phát triển cây ăn quả ôn đới được thực hiện, đời sống người dân tộc Mông đã thay đổi căn bản. Cây thuốc phiện được trồng thay thế bằng cây ăn quả. Người dân không chỉ có cái ăn, cái mặc mà còn có tiền dành dụm trong nhà.

Được biết, trong thời gian tới, Hoà Bình sẽ tiếp tục thực hiện các dự án như: Xây dựng mô hình trồng và chế biến cây dược liệu theo hướng sản xuất hàng hoá tại huyện Cao Phong; ứng dụng công nghệ năng lượng mặt trời phối hợp động cơ Diezel để cấp điện cho vùng đặc biệt khó khăn,… Đây là những dự án có triển vọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội ở Hoà Bình.

Trong những năm qua, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng được coi là nhiệm vụ trọng tâm. Có nhiều đề tài nghiên cứu được ứng dụng vào thực tế, đem lại hiệu quả cao như:  phục tráng giống nếp cẩm tại huyện Kim Bôi, giống lúa chịu rét Đài Bắc 8 tại huyện Tân Lạc; chọn lọc và bảo tồn, nhân giống lợn bản địa tại Pà Cò – Mai Châu, sản xuất giống cá Lăng chấm bằng phương pháp nhân tạo; phục hồi quýt cổ tại xã Nam Sơn – Tân Lạc,… 

Đề tài “Xây dựng mô hình sản xuất giống cây và rau, hoa tại một số xã vùng cao huyện Tân Lạc gắn với tiêu thụ sản phẩm” đã giúp phục hồi 1.044 cây quýt cổ, lựa chọn cây ưu tú để sản xuất cây giống cung cấp cho nông dân trồng khoai tây, su su và  xây dựng mô hình trồng hoa thương phẩm. Từng bước tạo ra sản phẩm hàng hoá để phục vụ cho liên kết 4 nhà trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Mô hình đang được triển khai tại các xã vùng cao tạo thành vùng sản xuất hàng hoá góp phần xóa đói giảm nghèo cho tỉnh.

Nhờ nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, Hòa Bình cũng đã lưu giữ được nguồn gen 50 giống tại Kim Bôi và Thành phố Hoà Bình và tiến hành phục tráng được 02 giống Đài bắc số 8 và giống nếp cẩm. Với việc thực hiện đề tài này, Hòa Bình đã có nhiều kết quả khả quan trong việc thu thập, bảo tồn các giống bản địa, lưu giữ nguồn gien quý, phục tráng nhiều giống lúa để mở rộng diện tích, đưa ngành nông nghiệp phát triển hơn nữa.

Tiếp tục đầu tư để có những bước đi đột phá

Bà Cù Việt Hà – Giám đốc Sở KH&CN Hoà Bình cho biết: Hoạt động KH&CN của tỉnh Hoà Bình hàng năm đã được triển khai đảm bảo kế hoạch đề ra, công tác tổ chức thực hiện đã có nhiều đổi mới, đặc biệt với hoạt động triển khai thực hiện đề tài, dự án. Các đề tài, dự án được chọn lọc thực hiện đã cung cấp luận cứ khoa học cho việc đề ra chủ trương, chính sách của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội và nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn,đảm bảo an ninh lương thực.  

Cũng theo bà Hà, việc lập thị trường KH&CN được quan tâm đã góp phần tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp tìm kiếm, đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hoá.

Để khoa học thực sự tạo bước đột phá, Hoà Bình cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý KH&CN địa phương, tăng cường công tác đào tạo, tăng cường dự án thuộc chương trình nông thôn miền núi, có cơ chế hỗ trợ Chương trình 119 của Chính Phủ chuyển giao công nghệ cho phù hợp với quy mô vừa và nhỏ tại địa phương. Cùng với đó, bà Hà khẳng định sẽ đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ KH&CN tại các huyện trên địa bàn tỉnh để Hòa Bình có những bước đi đột phá trong thời gian tới, đưa mức thu nhập bình quân đầu người tăng lên, nền kinh tế - xã hội của tỉnh có những bước tiến dài hơn nữa.  

                       Nguyễn Trần
(Theo báo Tin tức/TTXVN)


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner