“May mắn đã thiết lập quy trình số hóa tài liệu từ rất sớm, trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nên có doanh nghiệp đã thích nghi ngay khi phải chuyển đổi sang công nghệ số” - Luật sư Vũ Mạnh Hùng - đồng Trưởng Làng dịch vụ hỗ trợ và kết nối cộng đồng trả lời phỏng vấn An ninh Thủ đô tại Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (TECHFEST) năm 2021 đang diễn ra.
Kết nối, hội tụ các nhà khoa học chia sẻ tri thức tới cộng đồng
Việc lựa chọn chủ đề hỗ trợ về sức khỏe có phải là một nhánh của Hội tụ nguồn lực trong sự kiện thường niên Techfest 2021 năm nay, thưa ông?
Luật sư Vũ Mạnh Hùng - đồng Trưởng Làng dịch vụ hỗ trợ và kết nối cộng đồng: Sự kiện TECHFEST 2021 với chủ đề “Đổi mới sáng tạo - Kiến tạo tương lai” (Tiếng Anh: Embracing innovation - Reshaping the future) là một phần trong Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đánh dấu hành động cụ thể của Chính phủ để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Làng dịch vụ hỗ trợ và kết nối cộng đồng nằm trong hệ sinh thái TECHFEST 2021. Với sứ mệnh Kết nối - Hội tụ - Lan tỏa, Làng dịch vụ hỗ trợ và kết nối cộng đồng tổ chức Hội thảo ngày 30-10-2021 với mục đích lan tỏa các công nghệ của các doanh nghiệp và nhà khoa học Việt Nam. Chúng tôi kỳ vọng đây là nơi kết nối, hội tụ các nhà khoa học với các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp công nghệ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe (MedTech) và chia sẻ tri thức tới cộng đồng.
Ông có chia sẻ rằng các Làng Công nghệ trong Techfest có thể sẽ thay đổi theo từng năm. Năm nay, trong bối cảnh vượt qua dịch bệnh đầy thách thức thế này, bên cạnh lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, còn có ưu tiên nào nữa
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, con đường khởi nghiệp sáng tạo, vốn chông gai lại càng thêm chông gai bội phần. Việc đổi mới sáng tạo, thay đổi phương thức sinh hoạt, làm việc và tương tác không còn là lựa chọn, mà đã trở thành bắt buộc. Bên cạnh lĩnh vực công nghệ y tế và chăm sóc sức khỏe, chúng tôi cũng đã và đang tổ chức các buổi hội thảo để lan tỏa các lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) đã diễn ra ngày 22-10-2021 và công nghệ nông nghiệp (Agritech) vào ngày 6-11-2021 tới đây.
Ông nói đến công nghệ nông nghiệp (Agritech). Liệu giải pháp này có thể giúp các nhà khởi nghiệp có thể nâng cao năng suất chất lượng và chuỗi cung ứng thích ứng với bối cảnh đại dịch?
Cá nhân tôi cho rằng trước tình hình đại dịch Covid-19 kéo dài và phức tạp, toàn thế giới đang dồn toàn bộ nguồn lực để giải quyết, nên việc ảnh hưởng tác động khốc liệt không chỉ với nông nghiệp mà còn nhiều lĩnh vực khác. Bên cạnh đó, tốc độ phát triển khoa học công nghệ rất nhanh và phổ cập rộng rãi, nên việc ứng dụng các mô hình, giải pháp công nghệ cao trong nông nghiệp là tất yếu và phù hợp với hoàn cảnh hiện tại. Chính vì vậy, dư địa cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo còn rất lớn. Đây chính là mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực Agritech thỏa sức phát triển.
Lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) đang có nhiều khởi sắc, nhưng liệu những gương mặt quá mới có đủ sức trụ vững đi qua “cơn bão” Covid-19 không, thưa ông?
Tôi thấy rằng công nghệ tài chính (Fintech) hiện đã và đang có những tác động sâu rộng trong mọi đời sống của xã hội, với tốc độ phát triển vũ bão. Fintech hứa hẹn là thị trường tiềm năng cho các tập đoàn, các công ty công nghệ cũng như cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam và thế giới. Đại dịch Covid-19 kéo dài và phức tạp cũng sẽ là động lực lớn để thúc đầy người dân nhanh chóng tiếp cận và sử dụng các công cụ của công nghệ tài chính (Fintech) và đây cũng là một cơ hội lớn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech phát triển mà giảm được các chi phí truyền thông, quảng bá hay định hướng (Educate) người tiêu dùng sử dụng các công nghệ tại chính.
“Nguồn lửa nội lực” tiếp sức phục hồi kinh tế
Chúng tôi hình dung Techfest là ngày hội giao thương 4.0, theo ông làm thế nào để có thể “tiếp lửa” cho doanh nghiệp, tiếp sức hồi phục kinh tế bằng hỗ trợ công nghệ một cách hiệu quả hơn?
TECHFEST năm nay hướng tới thúc đẩy giải pháp công nghệ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, nền tảng đổi mới sáng tạo “mở” trong giải quyết vấn đề của xã hội trong bối cảnh Covid-19 và phục hồi nền kinh tế hậu Covid-19. Đây thời điểm “startup” cần nắm bắt cơ hội mới vươn lên, để phát triển doanh nghiệp dựa trên các sáng kiến công nghệ. Với chuỗi hội thảo về Fintech, MedTech và Agritech mong muốn góp phần nhỏ “tiếp lửa” cho doanh nghiệp, cũng như lan tỏa ra thị trường thông tin những công nghệ mới. Qua đó hy vọng phần nào tiếp sức, phục hồi nền kinh tế. Bên cạnh cách chính sách phù hợp kịp thời, thì bản thân mỗi doanh nghiệp cũng phải nỗ lực vượt qua khó khăn bằng chính nội lực, và sức sáng tạo của doanh nghiệp, đó chính là “nguồn lửa nội lực” tiếp sức phục hồi kinh tế.
Với vai trò đồng Trưởng Làng và với tư cách một doanh nghiệp thì theo ông sẽ mất bao nhiêu lâu để doanh nghiệp của ông có thể hồi phục lại trạng thái như trước dịch Covid-19? Và các nhà khởi nghiệp có thể tìm thấy cơ hội gì trong quá trình hồi phục nền kinh tế hiện nay?
Tôi cho rằng không thể phủ nhận đại dịch Covid-19 đã tác động khốc liệt đến từng doanh nghiệp. Công ty Luật TNHH Vũ và Cộng sự (VUGIA&PARTNERS) may mắn đã thiết lập quy trình số hóa tài liệu từ rất sớm, trước khi dịch Covid-19 xảy ra. Do đó, khi dịch Covid-19 bùng phát, chúng tôi cũng đã không mất nhiều thời gian để thích nghi cũng như chuyển đổi sang hoạt động sử dụng các công nghệ số. Thời gian xây dựng quy trình quản lý nội bộ cũng như quy trình làm việc cũng chỉ mất thời gian rất ít, do đã có một số quy trình cơ bản. Nhưng dịch Covid-19 bên cạnh những tác động tiêu cực tới nền kinh tế và xã hội, thì theo tôi, nếu xét về mặt công nghệ, nó cũng có mặt tích cực. Đó là buộc các doanh nghiệp cần phải xem xét một cách nghiêm túc quá trình chuyển đổi số trong hoạt động của doanh nghiệp. Chính trong nguy khó, thì cơ hội mở ra rất nhiều cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo nhanh chóng đưa ra thị trường các sản phẩm công nghệ cũng như chiếm lĩnh thị trường.
Nguồn: anninhthudo.vn