Sở hữu trí tuệ Thứ năm, 25/04/2024 , 08:16 am
Cập nhật : 27/12/2021 , 14:12(GMT +7)
Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tài sản trí tuệ
ảnh minh họa
Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 được phê duyệt theo Quyết định số 1068/QĐ-TTg và Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2021 - 2030 đã đặt doanh nghiệp vào vị trí trung tâm cho đầu tư hỗ trợ, cho thấy vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong định hướng hoạt động sở hữu trí tuệ của Chính phủ.
Phát triển tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp
 
Theo Cục Sở hữu trí tuệ, trong xu thế phát triển, hội nhập kinh tế như hiện nay, doanh nghiệp lớn hay nhỏ khi tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh dù ít hay nhiều đều liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ. Quá trình thành lập, tồn tại và phát triển của một doanh nghiệp cũng có thể xem là quá trình phát triển của tài sản trí tuệ.
 
Công việc sản xuất kinh doanh hàng ngày của doanh nghiệp luôn được bao quanh bởi những sáng tạo thuộc sở hữu trí tuệ, mà từ đó phát sinh mọi loại quyền theo pháp luật. Tài sản trí tuệ bao gồm khoa học, công nghệ, nghệ thuật sáng tạo đã định dạng cho sự tồn tại, phát triển và tạo ra sự thịnh vượng cho các doanh nghiệp.
 
Tài sản trí tuệ của một doanh nghiệp thường gồm 3 phần: tiền vốn, tài sản hữu hình (nhà xưởng, trang thiết bị, …), tài sản vô hình. Tài sản vô hình chủ yếu là tài sản trí tuệ, uy tín, danh tiếng của doanh nghiệp. Thể hiện của tài sản trí tuệ như: thương hiệu /nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, các giải pháp kỹ thuật và công nghệ tiềm ẩn bên trong sản phẩm. Tài sản trí tuệ được xem là thước đo khả năng tồn tại, phát triển và hiệu quả hoạt động trong tương lai của doanh nghiệp.
 
Tài sản trí tuệ tác động nhiều đến các hoạt động của doanh nghiệp như trong kinh doanh, sản xuất và nó gắn liền với các hoạt động thương mại; tài sản trí tuệ được sinh lợi thông qua việc góp vốn kinh doanh; mua, bán, trao đổi; tạo thế cạnh tranh.
 
Xác định được giá trị của tài sản trí tuệ, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016 - 2020 đã được các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tích cực tham gia và đạt được kết quả nhất định.
 
Đến nay các doanh nghiệp khi xây dựng kế hoạch, chiến lược kinh doanh, đã sử dụng các tài sản trí tuệ như nhãn hiệu, sáng chế kiểu dáng công nghiệp… làm đòn bẩy để tìm kiếm nguồn lực đầu tư vào doanh nghiệp.
 
Cụ thể, trong 5 năm qua, thông qua Chương trình phát triển tài sản trí tuệ, nhiều địa phương, doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư cho sản phẩm của mình để trở thành tài sản trí tuệ được bảo hộ sở hữu trí tuệ và chỉ dẫn địa lý ở trong nước và quốc tế.
 
Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, để tạo điều kiện thuận lợi, mở đường cho việc tiếp cận các thị trường nước ngoài, góp phần khẳng định uy tín, giá trị thương hiệu của các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam trên bình diện quốc tế, cục đã và đang hỗ trợ địa phương và doanh nghiệp bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản cho sản phẩm vải thiều Lục Ngạn, thanh long Bình Thuận và cà phê Buôn Ma Thuột.
 
Ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ
 
Theo ông Trần Lê Hồng – Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, quyền sở hữu trí tuệ chính là một trong các công cụ mạnh trong đổi mới sáng tạo. Từ đó, tạo các hành lang pháp lý trong việc bảo hộ và bảo vệ tài sản trí tuệ. Đây chính là một loại tài sản quan trọng của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo vì nó giúp tạo ra được thế độc quyền, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
 
Tuy nhiên, trên thực tế nhiều nhóm khởi nghiệp chỉ tập trung vào hình thành doanh nghiệp, kêu gọi vốn đầu tư, ít chú trọng đến việc tạo lập các tài sản trí tuệ mới, bảo hộ và khai thác các quyền sở hữu trí tuệ; hoặc có bảo hộ và khai thác nhưng chưa hiệu quả.
 
Để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ, Cục Sở hữu trí tuệ đã và đang có những nỗ lực trong công tác hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật nhằm góp phần thuận lợi hóa hoạt động của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sáng tạo, hình thành, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
 
Theo đó, Cục Sở hữu trí tuệ đã tiến hành cải cách thủ tục hành chính, các quy trình, thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ được xây dựng theo hướng ngày một đơn giản hóa, thân thiện với người sử dụng và doanh nghiệp. Hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật được xây dựng, nâng cao chất lượng, xác lập quyền, tăng cường năng lực của hệ thống sở hữu trí tuệ nói chung, nhằm xử lý một cách nhanh nhất và chính xác nhất yêu cầu của người nộp đơn.
 
Cùng với đó, hệ thống tự động hóa công tác xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, nộp đơn trực tuyến đang được áp dụng tại Cục Sở hữu trí tuệ, giúp người nộp đơn được tiếp cận thông tin minh bạch, chính xác và thuận tiện. Việc gia nhập các hệ thống đăng ký đơn sở hữu công nghiệp quốc tế, ký kết và phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do với nhiều đối tác kinh tế với cấu phần sở hữu trí tuệ chiếm tỷ trọng lớn, đã và đang tạo ra các thuận lợi pháp lý tốt nhất về sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp.
 
Hiện nay, Cục Sở hữu trí tuệ tập trung vào việc triển khai Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 được phê duyệt theo Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2021 - 2030, trong đó ưu tiên cho hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ.
 
Một trong những giải pháp quan trọng được nêu trong Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia đến năm 2030 là triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) phát triển tài sản trí tuệ, đưa SMEs thành một nhóm đối tượng cụ thể và quan trọng trong chiến lược.
 
Nguồn://thoibaotaichinhvietnam.vn/

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner