Hiện nay, giá trị các mặt hàng nông sản ở nước ta rất thấp, chủ yếu là xuất ở dạng thô. Nhận thấy những hạn chế của nông sản sau thu hoạch, đội ngũ nghiên cứu khoa học Công ty TNHH Phát triển ứng dụng kỹ nghệ mới (SAV) đã nghiên cứu, chế tạo thành công máy sấy nông sản/lúa bằng năng lượng mặt trời, sử dụng ống nhiệt thủy tinh chân không. Kết quả này, hứa hẹn sẽ mang lại nhiều kết quả tích cực góp phần nâng cao mức thu nhập cho bà con nông dân, nâng cao sức cạnh tranh cho hạt gạo Việt Nam trên trường quốc tế.
Sử dụng năng lượng “trời cho”
Năng lượng mặt trời (NLMT) được coi là nguồn năng lượng ưu việt, đó là nguồn năng lượng sẵn có, siêu sạch và miễn phí. Việt Nam là nước có tiềm năng lớn về NLMT, trải dài từ 8 độ vĩ Bắc đến 23 độ vĩ Bắc, có cường độ bức xạ mặt trời tương đối cao, bình quân có 2.000 – 2.500 giờ nắng mỗi năm, trị số tổng xạ từ 100 – 175 kcal/cm2/năm. Việc sử dụng NLMT sẽ đem lại hiệu quả kinh tế lớn, đồng thời bảo đảm sự bền vững của môi trường. Tuy nhiên, nguồn nhiệt năng từ năng lượng mặt trời đang được sử dụng rất hạn chế.
Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu lớn về gạo, cà phê, điều, hồ tiêu,…Tuy nhiên, giá trị của các mặt hàng này chưa cao do người dân chủ yếu sử dụng phương pháp phơi khô thủ công và xuất khẩu thô. Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong (Viện Khoa học xã hội Hà Nội): “Hiện giá trị xuất khẩu của các mặt hàng nông sản ở nước ta rất thấp, nguyên nhân là chủ yếu mới xuất ở dạng thô. Điển hình nhất là mặt hàng cà phê, người nông dân sản xuất ra nếu bán được 15.000 đồng/kg, nhưng sau khi nhập về và chế biến, các nước bán ra tới 1,5 triệu đồng/kg (tức gấp 1.000 lần)”.
Theo ông Nguyễn Viết Vinh - Tổng Thư ký Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, thực trạng ở nước ta hiện nay là hầu hết các mặt hàng nông sản, thủy sản đều phải qua khâu tiêu thụ của nước ngoài. Hiện 1kg cà phê chỉ bán được trung bình 2USD nhưng qua khâu chế biến người ta bán tới 7USD/ cốc cà phê.
Tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, khâu sấy lúa đến thời điểm hiện nay mới trang bị được hơn 6 nghìn máy sấy các loại, tương đương hơn 9 nghìn lò quy chuẩn loại SH4: 4 tấn/mẻ đang sử dụng, chỉ sấy được khoảng 31% sản lượng lúa Hè Thu..... Việc “thắt cổ chai” cơ khí hóa tại khâu sấy này đã gây tổn thất lớn, ước thất thoát tới 970.000 tấn lúa mỗi năm (tương đương khoảng 5.000 tỷ đồng/ năm), chưa kể làm giảm giá trị gạo xuất khẩu do sấy không đảm bảo kỹ thuật.
Hiệu quả cao
Với sự hỗ trợ của Chương trình Đối tác Đổi mới Sáng tạo Việt Nam – Phần Lan, Bộ Khoa học và Công nghệ, đội ngũ nghiên cứu khoa học Công ty TNHH Phát triển ứng dụng kỹ nghệ mới (SAV) đã thực hiện dự án “Hỗ trợ nghiên cứu và chế tạo máy sấy nông sản/lúa bằng năng lượng mặt trời, sử dụng ống nhiệt thủy tinh chân không”.
Khách tham quam sản phẩm máy sấy nông sản/lúa bằng năng lượng mặt trời
Hệ thống sấy nông sản bằng năng lượng mặt trời sử dụng ống nhiệt thủy tinh chân không được Công ty SAV nghiên cứu kết hợp hai tiến bộ khoa học kỹ thuật/hai công nghệ cao là ống thủy tinh chân không và thiết bị ống nhiệt vào một thiết bị mới gọi là Bộ thu nhiệt NLMT dùng ống nhiệt ống thủy tinh chân không để cấp nhiệt cho máy sấy nông sản… Với việc triển khai ứng dụng các công nghệ cao này, qua tính toán và nhiều thực nghiệm, cho thấy hiệu suất của bộ thu NLMT có thể đạt 55% - 65%.
Ông Trần Công Lý – Giám đốc Công ty SAV cho biết: So với chi phí sấy lúa bằng máy sấy tĩnh vỉ ngang lò trấu cỡ 30 tấn/mẻ là 150.000 đồng/tấn lúa (gồm các phí bốc xếp, đốt lò, điện, trấu, khấu hao thiết bị, lãi ngân hàng) thì với loại máy sấy này vẫn có lợi hơn khoảng 27.000 đồng/tấn, đó là chưa kể các ích lợi khác do sử dụng năng lượng sạch - năng lượng mặt trời. Với tiền sấy thuê bằng máy sấy hiện nay khoảng 250.000 đồng/tấn, như vậy lãi trên dưới 127.500 đồng/tấn, do đó chỉ cần sấy 588 tấn lúa là có thể thu hồi vốn đầu tư, tương đương thời gian thu hồi vốn của 01 modul sấy khoảng 3,9 năm (nếu chỉ tính sấy 7 giờ/ngày).
“Từ những kết quả thử nghiệm trong phòng thí nghiệm cũng như kết quả thu được trên thực tế với chế tạo mẫu máy 250 kg/mẻ phục vụ quy mô hộ gia đình của dự án này, khả năng áp dụng của đề tài khá cao, có thể triển khai ngay được. Tuy nhiên, trong thời gian tới chúng tôi sẽ nghiên cứu chế tạo loại máy sấy có công suất sấy lớn hơn, nhằm phục vụ cho quy mô sấy của các hợp tác xã, các đơn vị dịch vụ sấy”, ông Trần Công Lý cho biết.
Đánh giá về tính khả thi của dự án, theo TS. Nguyễn Thúy Anh, Viện trưởng Viện Kinh tế Hợp tác và các loại hình Hợp tác xã thì đây là sản phẩm máy sấy nông sản bằng năng lượng mặt trời đưa vào sử dụng thực tiễn sẽ mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực đối với sự phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam. Sản phẩm này hoàn toàn phù hợp với mục tiêu Chương trình Quốc gia của Việt Nam về sử dụng năng lượng và bảo vệ môi trường thông qua việc nghiên cứu phát triển công nghệ mới, sử dụng nguồn năng lượng mặt trời. Sản phẩm máy sấy sẽ giúp bà con nông dân giảm chi phí, xóa đói giảm nghèo.
Sấy nông sản bằng năng lượng mặt trời sử dụng ống nhiệt thủy tinh chân không đem lại hiệu quả cao về kinh tế góp phần giải quyết một phần nhu cầu chế biến sản phẩm nông nghiệp, một nhu cầu cấp thiết mà hiện tại Việt Nam mới chỉ đáp ứng được 30%. Sản phẩm trên nếu được đưa ra thị trường sẽ góp phần giúp các hộ nông dân, các hợp tác xã có sản phẩm hiệu quả cao hơn, giúp nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống, góp phần đảm bảo công tác an sinh xã hội đối với người dân.
Bài, ảnh: Phương Nga – Đăng Minh