Thời gian qua, chương trình quân - dân y kết hợp đã được triển khai rộng rãi ở nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng cao, biên giới, hải đảo và mang lại hiệu quả thiết thực trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Đó là kết quả của cụm công trình “Kết hợp quân – dân y xây dựng nền quốc phòng toàn dân, phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân và bộ đội trong thời kỳ đổi mới” của các tác giả GS.TS. Nguyễn Văn Thưởng, GS.TS.Lê Bách Quang, cố GS.TS.Phạm Ngọc Giới và các cộng sự thực hiện.
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn
Kết hợp quân - dân y (KHQDY) là truyền thống của ngành Y tế từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và phát triển qua các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.
Đầu những năm 90, xuất phát từ yêu cầu của công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân và thực trạng xuống cấp của mạng lưới y tế cơ sở trong cả nước, thực hiện nhiệm vụ chiến lược về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân và xây dựng tiềm lực y tế quốc phòng,… nhiều đề tài, công trình nghiên cứu khoa học về KHQDY đã được triển khai ở cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp Ngành và tương đương. Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng đã thống nhất đưa hoạt động KHQDY thành “Chương trình y tế số 12 – KHQDY xây dựng nền quốc phòng toàn dân phục vụ sức khỏe nhân dân” với mục tiêu phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn ngành y tế vào việc phục vụ sức khỏe nhân dân và lực lượng vũ trang thời bình; chuẩn bị sẵn sàng đối phó hiệu quả, khi có chiến tranh hoặc các tình huống bất ngờ khác xảy ra.
Tuy nhiên, công tác quản lý, chỉ đạo còn phân tán, chưa toàn diện, tổng hợp, khái quát thành những lý luận khoa học và chưa đưa ra được mô hình hoạt động cụ thể, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội cho từng địa phương.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng Bằng Giải thưởng cho các tác giả của các công trình, cụm công trình đạt giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN. (Ảnh: Nguyễn Hạnh)
Trước thực trạng đó, chương trình khoa học và công nghệ (KH&CN) trọng điểm cấp Nhà nước, cụm công trình “Kết hợp quân – dân y xây dựng nền quốc phòng toàn dân, phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân và bộ đội trong thời kỳ đổi mới” đã hình thành, phát triển với nhiều đề tài, dự án, công trình nghiên cứu khoa học và đã mang lại những thành tựu không nhỏ, thúc đẩy phát triển khoa học tổ chức y tế và tổ chức quân y cũng như phát triển ngành y tế nói chung.
Đề tài KH&CN cấp Nhà nước “Nghiên cứu xây dựng mô hình tổ chức và hoạt động của bệnh xá quân – dân y tại khu vực trọng điểm” đã nghiên cứu, đề xuất các loại hình bệnh xá quân – dân y, phòng khám đa khoa khu vực quân – dân y xã đảo; đưa ra các giải pháp về phương thức hoạt động, tổ chức điều trị,… của các loại hình bệnh xá quân – dân y gắn liền trong hệ thống tổ chức y tế liên hoàn từ tuyến xã đến cụm liên xã, huyện, tỉnh với các cơ sở y tế tuyến sau để tạo nên mạng lưới tổ chức, cứu chữa hiệu quả trong trong thời bình và khi có chiến tranh, thiên tai, thảm họa khác.
Cũng có thể kể đến kết quả của đề tài KH&CN cấp Nhà nước “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp kết hợp quân – dân y trong phòng chống dịch bệnh nguy hiểm, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa và các tình huống khẩn cấp khác”. Đề tài được đặt ra ở thời điểm khi tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong nước diễn biến rất phức tạp. Nhiều vụ dịch mới, nguy hiểm xuất hiện. Điển hình là vụ chất “bột màu trắng” trên máy bay của hãng hàng không quốc gia Việt Nam và nhiều vụ gửi bưu phẩm có “bột màu trắng” trong năm 2010 tại một số cơ quan hành chính,… trong khi ngành y tế chưa xây dựng được một quy trình xử lý mang tính chuyên nghiệp cũng như chưa có hệ thống ứng phó và các phân đội đặc nhiệm phản ứng nhanh như các nước phát triển.
Các tác giả đã nghiên cứu, đề xuất mô hình cơ chế quản lý, điều hành và triển khai đội y tế dự phòng cơ động quân – dân y tại các tỉnh, thành phố trọng điểm theo phương thức KHQDY để phòng chống dịch bệnh nguy hiểm, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa và các tình huống khẩn cấp khác.
Đề tài KH&CN cấp Nhà nước “Nghiên cứu xây dựng quy trình kết hợp các lực lượng trong tổ chức thu dung, cấp cứu và điều trị hàng loạt tại các tuyến bệnh viện, phục vụ ứng cứu khi xảy ra thảm họa” đã nghiên cứu, đề xuất quy trình kết hợp các lực lượng trong tổ chức thu dung, cấp cứu và điều trị hàng loạt tại các tuyến bệnh viện khi xảy ra thảm họa, có tính đến yếu tố nhiễm độc, nhiễm xạ phù hợp với điều kiện y tế Việt Nam. Nghiên cứu cũng đã đề xuất xây dựng mô hình phòng khám đa khoa lưỡng dụng. Trong điều kiện bình thường, đây sẽ là phòng khám bệnh đa khoa, khi có thảm họa sẽ triển khai thành nơi tiếp nhận, thu dung, phân loại cấp cứu nạn nhân hàng loạt và xử lý vệ sinh toàn bộ cho nạn nhân, khử trùng, tẩy uế phương tiện bị nhiễm độc, nhiễm xạ.
Xây dựng được “thế trận lòng dân”
Các mô hình, giải pháp nói trên đã góp phần quan trọng thực hiện nhiều nhiệm vụ mang tính chiến lược về an ninh – quốc phòng trong giai đoạn hiện nay. Chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, vật tư y tế của quân và dân y, đảm bảo đáp ứng tại chỗ khi có thiên tai, thảm họa và các tình huống cần thiết khác; hình thành mạng lưới tổ chức, cứu chữa y tế liên hoàn trên một địa bàn tỉnh hay khu vực phòng thủ ở cả 3 cấp xã, huyện, tỉnh và khu vực, nhằm phục vụ công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và bộ đội trong thời bình và đáp ứng được việc cứu chữa người bị nạn khi có chiến tranh và các tình huống thiên tai, thảm họa khác.
Đến nay, hoạt động kết hợp quân – dân y theo các mô hình, biện pháp, giải pháp đã được nghiên cứu, đề xuất của cụm công trình đã được phát triển hầu hết ở các địa bàn, không chỉ ở những khu vực trọng điểm mà đã nhân rộng ra ở các địa phương khác trong toàn quốc. Điều đó chứng tỏ hiệu quả thực tiễn, giá trị khoa học rất cao của mô hình đề xuất, có tác động quan trọng trong thúc đẩy hoạt động của tuyến y tế cơ sở, là một trong những giải pháp mang tính chiến lược trong sự nghiệp y tế.
Trên cơ sở kết quả thực tiễn của hoạt động KHQDY, trong đó có các kiến nghị, đề xuất của cụm công trình, Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 23/2/2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã xác định “đưa chương trình kết hợp quân – dân y thành một nội dung của chương trình mục tiêu y tế quốc gia” và từ tháng 7/2007 đến nay, dự án KHQDY đã trở thành một dự án trong chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm, HIV/AIDS.
Hiện trên toàn quốc đã có 8 bệnh viện kết hợp quân – dân y; 38 bệnh xá quân – dân y; 3 trung tâm y tế quân – dân y huyện đảo; 5 phòng khám đa khoa, phòng khám khu vực kết hợp quân – dân y và 125 trạm y tế quân – dân y, phòng khám quân – dân y.
Có thể nói, thời gian qua, các nghiên cứu của cụm công trình đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cụm công trình được đánh giá là là cụm công trình khoa học xuất sắc, có giá trị cao, là kết quả của sự dày công nghiên cứu, cống hiến trí tuệ và tài năng của các nhà khoa học, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ghi nhận những đóng góp to lớn của các nhà khoa học, mới đây, Đảng và Nhà nước đã trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ với cụm công trình “Kết hợp quân – dân y xây dựng nền quốc phòng toàn dân, phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân và bộ đội trong thời kỳ đổi mới”. Điều đó cũng thể hiện sự đánh giá cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với những đóng góp, những chiến công thầm lặng của các nhà khoa học đối với đất nước.
Nguyễn Hạnh