Tiềm lực KH&CN Thứ bảy, 20/04/2024 , 02:02 pm
Cập nhật : 15/06/2015 , 17:06(GMT +7)
Hiệu quả sử dụng ngân sách cho KH&CN
Tạo động lực khuyến khích nghiên cứu khoa học
Đây là một trong những vấn đề nóng được nhiều đại biểu đề cập khi chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Quân, ngày 12/6.

Đầu tư cho KH&CN chỉ dưới 1,5%

Hiện nay, Nhà nước duy trì mức đầu tư cho hoạt động KH&CN (chưa tính kinh phí sự nghiệp môi trường và an ninh, quốc phòng) với tỷ lệ khoảng 1,36-1,59% tổng chi ngân sách nhà nước. Tình hình phân bổ kinh phí dành cho KH&CN giai đoạn 2011-2015, bao gồm: tổng kinh phí được giao, tỷ lệ % trong tổng chi ngân sách nhà nước, tỷ lệ % trong 2% của tổng chi ngân sách nhà nước. Nhìn chung ngân sách cho KH&CN vẫn chiếm tỷ trọng rất thấp trong tổng chi so với một số lĩnh vực khác như giáo dục, đảm bảo xã hội, các hoạt động kinh tế.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TPHCM) đề cập là ngân sách Nhà nước dành cho KH&CN là 2%/năm. Tuy nhiên chưa năm nào được cấp đủ nhưng nhiều nơi cũng không sử dụng hết trong khi một số tổ chức nghiên cứu lại thiếu ngân sách để thực hiện, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết: Theo quy định, Nhà nước dành 2% tổng chi ngân sách cho KH&CN. Số này đều được bố trí đủ. Tuy nhiên, phần thực giao cho KH&CN thì dưới 2% do chúng ta phải để dự phòng và an ninh, quốc phòng liên quan đến KH&CN.

Khi Bộ KH&CN có ý kiến với Bộ Tài chính và Quốc hội thì phần dự phòng an ninh, quốc phòng liên quan đến KH&CN mấy năm gần đây tăng lên nhiều, nên phần thực còn lại dành cho hoạt động KH&CN chỉ dưới 1,5%, không đủ cho hoạt động này có hiệu quả.

Trong những năm qua, kinh phí sự nghiệp khoa học từ ngân sách trung ương và địa phương được tập trung dành cho các hoạt động của các tổ chức KH&CN, chủ yếu được dành cho chi hoạt động thường xuyên, phần còn lại được dành cho chi các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh. Trong khi đó, hoạt động đổi mới công nghệ quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp, nền sản xuất nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, qua đó thúc đẩy phát triển nền kinh tế có được chủ yếu dựa trên thành tựu của các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, một phần từ các nhiệm vụ cấp bộ, cấp tỉnh. Bên cạnh đó, mặc dù kinh phí đầu tư phát triển hằng năm luôn ở mức trên 40% kinh phí chi cho hoạt động KH&CN nhưng vai trò chủ quyết của Bộ KH&CN đối với phần kinh phí này là chưa cao. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do sự chưa thống nhất giữa Bộ KH&CN và Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc phân bổ nguồn kinh phí này và các quy định về thẩm quyền phân bổ ngân sách địa phương của Ủy ban nhân dân và Hội đồng nhân dân.

Tuy vậy, Bộ trưởng Nguyễn Quân vẫn thừa nhận kinh phí ít nhưng thực tế có tình trạng sử dụng không hết số tiền này bởi trước đây, chúng ta xây dựng kế hoạch KH&CN theo tư duy nền kinh tế tập trung, kế hoạch hóa. Nhiệm vụ của KH&CN phải được phê duyệt từ tháng 7 năm trước và tới tháng 1 năm sau mới có.  Chính vì vậy, khi kinh phí được giao thì đề tài đã lạc hậu, không đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Bên cạnh đó, việc chuyển đổi nhiệm vụ nghiên cứu cũng cứng nhắc (đề tài cấp Nhà nước không chuyển cho cấp Bộ được, cấp Bộ không chuyển cho địa phương được và ngược lại) nên chỉ còn cách là hoàn lại ngân sách Nhà nước. Chưa kể nhiều địa phương sử dụng kinh phí KH&CN không đúng mục đích.

Với tinh thần của Luật KHCN năm 2013, vấn đề này sẽ được giải quyết vì từ nay chúng ta thực hiện theo cơ chế quỹ. Hàng năm, Nhà nước giao kinh phí cho KH&CN và đề tài dự án phê duyệt đến đâu, cấp tiền đến đấy, không có tình trạng đăng ký năm trước đến năm sau mới có tiền.

Nhiều kết quả đáng ghi nhận

Trong những năm qua, việc sự dụng ngân sách đầu tư cho các nhiệm vụ KH&CN đã đem lại hiệu quả cao tiêu biểu như: Viện nghiên cứu Cơ khí, Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị trong nước thiết kế, chế tạo các thiết bị cơ khí thủy công phục dự án thủy điện. Cho đến nay đã thiết kế, chế tạo cung cấp thiết bị cơ khí thuỷ công cho khoảng 20 dự án thuỷ điện bao gồm cả Thủy điện Sơn La và Lai Châu với tỷ lệ nội địa hóa trên 90%. Hiệu quả đem lại là doanh nghiệp Việt Nam có thể làm chủ thiết kế, chế tạo và cung cấp thiết bị với giá từ 1,5 đến 2 USD/kg thay cho trước đây phải nhập khẩu với giá khoảng 3 USD/kg, đồng thời, tạo công việc cho hàng ngàn lao động ngành cơ khí.

Việt Nam là nước thứ hai của châu Á và là một trong bốn nước trên thế giới (sau Mỹ, Bỉ, Trung Quốc) tự sản xuất được vắc-xin Rota. Công nghệ này đã giúp cho Việt Nam chủ động sản xuất vắc-xin dự phòng (ước tính khoảng 3 triệu liều/năm) với giá thành chỉ bằng 1/3 giá vắc-xin ngoại (hãng GSK-Bỉ).

Đặc biệt, Việt Nam đã tự thiết kế chế tạo thành công Máy biến áp điện lực 3 pha 500 kV- 3 x150 MVA, là thiết bị cỡ lớn, chủ lực của hệ thống truyền tải điện quốc gia với chất lượng tương đương Châu Âu. Thiết bị được Công ty Cổ phần chế tạo thiết bị điện Đông Anh chế tạo đã được lắp đặt và đưa vào vận hành an toàn tại Trạm biến áp Nho Quan, Ninh Bình, tháng 11/2011. Thành công này đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của lực lượng cán bộ kỹ thuật chế tạo máy biến áp Việt Nam, đưa Việt Nam là nước đầu tiên của khu vực Đông Nam Á chế tạo thành công chủng loại máy cỡ lớn này.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân: nói về hiệu quả của việc sử dụng ngân sách nhà nước cho KH&CN, theo thông lệ quốc tế, do đặc thù của hoạt động KH&CN, chưa có một hệ tiêu chí đánh giá được thừa nhận chung về cách thức tính toán chất lượng và hiệu quả của hoạt động nghiên cứu và phát triển để từ đó đo đếm được hiệu quả đầu tư cho KH&CN. Đầu tư cho KH&CN là đầu tư cho tương lai, và Nhà nước có trách nhiệm đầu tư cho tương lai ngay cả khi không thể tính toán được hiệu quả tác động của KH&CN trong ngắn hạn. Chính vì thế, chỉ có thể đưa ra các nhận định định tính mà rất khó định lượng về hiệu quả của việc sử dụng ngân sách nhà nước.

Bài, ảnh: Đăng Minh


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner