Sở KH&CN Hải Phòng vừa tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện dự án: Xây dựng mô hình sản xuất nấm ăn và phân mùn hữu cơ từ phế phụ phẩm nông nghiệp góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đây là dự án thuộc Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới thành phố Hải Phòng đến năm 2020.
Nhiều địa phương của Hải Phòng đã và đang sử dụng rất thành công chế phẩm sinh học BiomixRR để sản xuất nấm ăn và phân mùn hữu cơ từ phế phụ phẩm nông nghiệp (rơm rạ, cây rau màu sau thu hoạch…).
Chế phẩm BiomixRR đặc biệt phát huy hiệu quả khi được phun lên rơm rạ để ủ thành giá thể trồng nấm. Từ những đống rơm, rạ phải rất lâu mới phân hủy hết thì sau khi tưới dung dịch Biomix RR lên và ủ đống bằng nilon, có thể sử dụng được sau 25-30 ngày. Sau quá trình thu hoạch nấm liên tục khoảng 30-35 ngày, rơm rạ phế phẩm tiếp tục được chất đống, ủ thành phân bón lót cho cây trồng.
Bên cạnh đó, loại phân bón hữu cơ còn giúp làm sạch đất nông nghiệp. Theo tính toán của các nhà khoa học, sau 3 năm liên tục dùng loại phân bón này, môi trường trong sạch được khôi phục, tôm cá lại trở về với đồng ruộng.
Ông Phạm Văn Lục, Chủ tịch xã An Thọ (huyện An Lão) cho biết, trung bình mỗi năm, ruộng đồng của An Thọ thải ra đến 2.500 tấn rơm rạ. Và để xử lý số rơm rạ này, người nông dân thường đổ ngay ra đường phơi, có khi còn đốt luôn trên đường ảnh hưởng đến giao thông cũng như khiến nhiều tuyến đường nhựa bị hỏng. Hoặc một số hộ trong quá trình tuốt lúa lại phun luôn rơm xuống các dòng kênh mương nội đồng, gây tắc nghẽn các con đập, ô nhiễm nguồn nước...
Năm nay, việc thu hoạch rơm rạ để đánh đống rồi ủ bằng chế phẩm bằng chế phẩm BiomixRR vừa nhanh vừa sạch, lại mang về sản phẩm hữu ích đối với bà con, ông Lục nhấn mạnh.
Đoàn khảo sát Sở KH&CN kiểm tra chất lượng nấm rơm trồng từ giá thể sử dụng chế phẩm sinh học
Quy trình công nghệ sản xuất nấm ăn và phân mùn hữu cơ do Liên hiệp khoa học sản xuất sản phẩm kỹ thuật cao (Sở KH&CN Hải Phòng) chuyển giao tới các xã. Quy trình này giúp rút ngắn thời gian ủ đảo nguyên liệu, đẩy nhanh quá trình tạo giá thể sản xuất nấm, giảm chi phí nhân công.
Tin, ảnh: Hân Minh (Sở KH&CN Hải Phòng)