Với nhiều hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) hỗ trợ DN trong suốt 5 năm qua (2005-2010) của tỉnh Hải Phòng, nhiều DN đã thực sự “ăn lên làm ra”. Dù với nguồn kinh phí đầu tư còn khiêm tốn, nhưng cũng đã phần nào khẳng định hiệu quả của phương thức quản lý mới, vai trò “bà đỡ” của cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời khẳng định vai trò của KHCN với sản xuất đời sống, được dư luận xã hội và các DN đánh giá cao.
Ông Bùi Thanh Tùng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Hải Phòng cho biết: Bên cạnh việc quan tâm hỗ trợ ứng dụng kết quả của hàng trăm nhiệm vụ nghiên cứu KHCN cấp nhà nước, cấp thành phố vào thực tiễn sản xuất và đời sống, thời gian qua, Hải Phòng đã tập trung đổi mới cơ chế quản lý KHCN, hướng mạnh vào hỗ trợ DN và cơ sở thông qua các hình thức hỗ trợ trực tiếp. Với kinh phí đầu tư từ ngân sách trung bình trên 2 tỷ đồng/năm, thông qua việc triển khai Chương trình KH&CN hỗ trợ DN, gần 700 lượt DN trên địa bàn thành phố đã được hỗ trợ với nhiều nội dung như: hỗ trợ xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (ISO 9000, TQM…), bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (HACCP, KALZEN); hệ thống quản lý môi trường (ISO 14000); xây dựng, đăng ký bảo hộ và quảng bá các đối tượng sở hữu trí tuệ (sáng chế, giải pháp hữu ích, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu chứng nhận…); xây dựng và áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng, sản xuất sạch hơn; hỗ trợ chào bán, tìm kiếm công nghệ, thiết bị tại các chợ công nghệ thiết bị; hỗ trợ kinh phí cho các nhiệm vụ KHCN DN theo phương thức trọn gói (30% chi phí cho nghiên cứu, thử nghiệm sản phẩm, công nghệ mới) và các hoạt động chuyển giao công nghệ…
Nhờ sự hỗ trợ này, Hải Phòng đã có thêm 240 tổ chức/DN áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (ISO9000, IS014000, TQM, HACCP…); 1.408 văn bằng bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp mới được cấp, đưa tổng số văn bằng sở hữu công nghiệp của các DN trên địa bàn đạt con số 1.759 (gấp hơn 5 lần so với năm 2005); trên 30 DN được hỗ trợ và triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn, tiết kiệm hàng chục tỷ đồng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường; 12 hợp đồng tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ nước ngoài trong một số lĩnh vực sản xuất ưu tiên được tư vấn thiết lập và hỗ trợ xác nhận đăng ký; hàng trăm lượt DN được hỗ trợ tham gia các chợ công nghệ và thiết bị quốc gia và khu vực, các hội chợ triển lãm thương hiệu nổi tiếng, giải thưởng chất lượng Việt Nam và khu vực để quảng bá thương hiệu, công nghệ của các tổ chức/ DN của Hải Phòng với các đối tác với giá trị hàng trăm tỷ đồng đã được ký kết tại các kỳ hội chợ, triển lãm.
Bên cạnh đó, với việc thành lập và đưa vào hoạt động sàn giao dịch công nghệ và thiết bị Hải Phòng đã góp phần thúc đẩy hình thành và phát triển thị trường công nghệ, phục vụ đổi mới công nghệ, sản xuất kinh doanh của các DN thông qua hỗ trợ giao dịch công nghệ, thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu khoa học, tạo lập diễn đàn liên kết giữa nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ DN. Sau 18 tháng hoạt động, sàn này đã thu hút trên 5.500 lượt khách tới tham quan, trao đổi, giao dịch; tổ chức được trên 30 hội thảo khoa học, lớp đào tạo, tập huấn về lựa chọn, giới thiệu công nghệ, thiết bị tiên tiến của các nước châu Âu, các nước trong khu vực có khả năng chuyển giao cho các DN trên địa bàn thành phố và khu vực vùng duyên hải; tiến hành trên 30 cuộc môi giới, kết nối cho các DN gặp gỡ, thương thảo, ký kết hợp đồng mua bán công nghệ, thiết bị; duy trì, vận hành thường xuyên hoạt động của chợ công nghệ và thiết bị trực tuyến (techmarthaiphong.com.vn) với trên 1.500 công nghệ, thiết bị được chào bán của gần 400 nhà cung cấp trong và ngoài nước, thu hút 200.000 lượt người truy cập; xây dựng cơ sở dữ liệu DN với hơn 4.000 biểu ghi. Các đơn vị, DN hoạt động tại sàn đã ký kết các hợp đồng cung cấp công nghệ, thiết bị cho các khách hàng trên địa bàn thành phố Hải Phòng và vùng duyên hải Bắc Bộ, doanh số năm 2009 đạt 100 tỷ đồng, 9 tháng đầu năm 2010 gần 140 tỷ đồng… Đặc biệt, sàn là đơn vị đầu tiên trong cả nước đã tổ chức thành công phiên đấu giá công nghệ, thiết bị với 4 hệ thống công nghệ thiết bị có chất lượng, mở ra một hình thức giao dịch công nghệ và thiết bị mới thiết thực, hiệu quả.
Ông Tùng chia sẻ thêm, hỗ trợ DN đổi mới công nghệ và phát triển thị trường công nghệ đều nhằm nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh và khả năng cạnh tranh trên thị trường của DN nhất là trong bối cảnh hội nhập. Do vậy, đây vẫn là nhiệm vụ trọng tâm của KHCN Hải Phòng trong thời gian tới. Cùng với việc tiếp tục tham mưu cho Uỷ ban nhân dân thành phố các cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ trực tiếp cho các DN, Sở KHCN sẽ chủ trì, phối hợp với các ngành tập trung triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển thị trường công nghệ từ nhóm “giải pháp kích cung” (chuyển mạnh hoạt động nghiên cứu ứng dụng gắn với thị trường, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy các DN đặt hàng với các tổ chức KHCN, khuyến khích đào tạo nhân lực KHCN…); các giải pháp về hình thành và phát triển các tổ chức trung gian tư vấn, dịch vụ đến nhóm “giải pháp kích cầu” (xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của tất cả các thành phần kinh tế nhằm thúc đẩy ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và đổi mới công nghệ trong các DN; xây dựng lộ trình và các cơ chế thuận lợi, khuyến khích các DN tích cực tham gia vào thị trường KHCN…)./.