Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Hà Nội là trung tâm lớn về KH&CN, mục tiêu đến năm 2025 xây dựng thủ đô Hà Nội trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và DDMST dẫn đầu của cả nước, tiến tới là trung tâm KH&CN hàng đầu của khu vực Đông Nam Á trong một số lĩnh vực.
Ngày 14/7/2020, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội chủ trì làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và Ban Cán sự đảng UBND Thành phố Hà Nội về kết quả hoạt động KH&CN Thành phố Hà Nội thời gian qua; phương hướng, nhiệm vụ phát triển KH&CN trong thời gian tới. Cùng dự có các đồng chí: Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN; Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ban Cán sự đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương; lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy, Thường trực HĐND, UBND thành phố; các sở, ban, ngành thành phố.
Mỗi chính sách ban hành đều lấy doanh nghiệp là trung tâm.
Phát biểu mở đầu, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, Hà Nội là trung tâm đầu não về chính trị, hành chính quốc gia và trở thành 5 trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế. Cuộc làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ KH&CN sẽ giúp Thành ủy đánh giá toàn diện thực trạng phát triển khoa học, công nghệ của Thủ đô, qua đó xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ; hoàn thiện quan điểm, tầm nhìn về lĩnh vực này trong Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố.
Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị lãnh đạo Bộ KH&CN tập trung trao đổi, thảo luận vào 6 nhóm vấn đề chính trong hợp tác giữa hai đơn vị: Thứ nhất, cơ chế chính sách về KH&CN mang tính đột phá phù hợp với đặc thù Thủ đô. Thứ hai, phối hợp phát triển tiềm lực về KH&CN. Thứ ba, thu hút đào tạo đội ngũ nhân lực và tri thức về KH&CN để KH&CN trở thành đột phá trong phát triển Thủ đô. Thứ tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của các Doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố. Thứ năm, Thành phố mong nhận được sự phối hợp và hỗ trợ của Bộ KH&CN cũng như các bộ ngành liên quan trong phát triển thị trường KH&CN và hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Cuối cùng, hợp tác để phát triển Khu CNC Hoà Lạc trở thành một trung tâm nghiên cứu đổi mới sáng tạo tầm quốc gia. Ngoài ra, còn có hợp tác trong một số lĩnh vực khác và phát triển sản phẩm chủ lực OCOP...
Đặc biệt, các ý kiến cần tập trung giúp thành phố triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển khoa học, công nghệ với tinh thần để mỗi doanh nghiệp phải là một trung tâm đổi mới, sáng tạo và mỗi chính sách ban hành đều lấy doanh nghiệp là trung tâm.
Bí thư Thành ủy cũng đề nghị các đại biểu tập trung bàn giúp thành phố đề ra những chính sách đãi ngộ xứng đáng để thu hút đội ngũ trí thức, nhất là đội ngũ chuyên gia hàng đầu cả trong nước và ngoài nước; xây dựng mạng lưới sáng kiến, sáng tạo Hà Nội, đưa khoa học, công nghệ trở thành một trong những đột phá có tính chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
8 kiến nghị với Bộ KH&CN
Toàn cảnh buổi làm việc.
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, thời gian qua, hoạt động KH&CN đã có những đóng góp quan trọng, ngày càng khẳng định vai trò là động lực thúc đẩy sự nghiệp phát triển KT-XH của Thủ đô.
Các Chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI về phát triển KH&CN đã triển khai, mang lại hiệu quả tốt. Các chủ trương, cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời tạo môi trường pháp lý thuận lợi, minh bạch, hiệu quả để phát triển KH&CN đã được ban hành, cụ thể hóa và triển khai thực hiện. Cải tiến quy trình, rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, tăng cường thực hiện các dịch vụ công trực tuyến; kiện toàn, nâng cao chất lượng bộ máy quản lý nhà nước; sắp xếp, tinh gọn các đơn vị sự nghiệp, các cơ quan nghiên cứu khoa học, công nghệ Thành phố.
Công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có nhiều đổi mới, hiệu quả hơn, theo hướng xã hội hóa và gắn kết với sản xuất, kinh doanh. Cơ chế quản lý các nhiệm vụ khoa học, công nghệ được đổi mới và nâng cao hiệu lực. Bên cạnh đó, Thành phố đã có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thông qua việc triển khai các đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm có giá trị thực tiễn và khả năng thương mại hóa cao, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển ý tưởng, hoàn thiện công nghệ, phát triển sản phẩm mới làm cơ sở thành lập các doanh nghiệp khoa học công nghệ. Phong trào khởi nghiệp sáng tạo bước đầu đã lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.
Thị trường KH&CN tiếp tục được đẩy mạnh với nhiều hình thức. Đã có sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sang cơ chế thị trường. Bước đầu tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, góp phần phát triển kinh tế thủ đô nhanh và bền vững.
Các sản phẩm KH&CN thực sự trở thành hàng hóa, nhu cầu mua bán công nghệ ngày càng tăng. Các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ… được quan tâm triển khai. Hoạt động sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ và hạt nhân, tiêu chuẩn đo lường chất lượng có bước tiến bộ, thông tin, thống kê KH&CN từng bước đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Tiềm lực KH&CN được quan tâm đầu tư phát triển. Hà Nội đã phối hợp với các bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh tiến độ, cơ bản hoàn thành đầu tư cơ sở hạ tầng chung của Khu công nghệ cao Hòa Lạc, tạo thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài nước. Công tác liên kết, hợp tác, hội nhập quốc tế về KH&CN được đẩy mạnh và chủ động hơn trong một số lĩnh vực. Quan hệ phối hợp với các doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu trên địa bàn được mở rộng, hiệu quả ngày càng tăng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động KH&CN của TP. Hà Nội nhìn chung còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng của Thủ đô. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực quan trọng để nâng cao năng suất lao động, khả năng cạnh tranh, thúc đẩy phát triển KT-XH Thủ đô. Hệ thống cơ chế, chính sách về KH&CN chưa hoàn thiện; chưa khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư thực hiện đổi mới, chuyển giao, nâng cao trình độ công nghệ; chưa tạo tính tự chủ cho các đơn vị nghiên cứu; kết nối hoạt động nghiên cứu giữa các nhà khoa học với thị trường và doanh nghiệp còn yếu. Thị trường KH&CN ở Thủ đô còn nhiều hạn chế, hiệu quả chưa cao; vai trò của các tổ chức trung gian, tư vấn chuyển giao công nghệ còn mờ nhạt, nhất là các tổ chức có chức năng xúc tiến, định giá công nghệ.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo thành phố Hà Nội nêu 8 kiến nghị với Bộ KH&CN. Trong đó, đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện cho các nhà khoa học tập trung vào công việc nghiên cứu, nâng cao chất lượng sản phẩm nghiên cứu; đẩy mạnh ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn. Hà Nội cũng kiến nghị Bộ hỗ trợ Thành phố trong nghiên cứu, xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST đến năm 2030; liên kết mạng lưới tổ chức chuyển giao công nghệ, các tổ chức trung gian thị trường KH&CN; tạo lập và chia sẻ cơ sở dữ liệu KH&CN phục vụ hoạt động KH&CN của Thành phố; hướng dẫn giao quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản là kết quả của nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước…
Hà Nội phải dẫn đầu cả nước về KH&CN
Đóng góp ý kiến, lãnh đạo các bộ, ngành hoàn toàn nhất trí với mục tiêu chung và 10 mục tiêu cụ thể nhằm phát triển khoa học, công nghệ của thành phố trong giai đoạn tới. Trong đó, năm 2025, dự kiến đầu tư từ doanh nghiệp cho khoa học, công nghệ ở Hà Nội sẽ chiếm khoảng 70% mức đầu tư từ ngân sách cho lĩnh vực này. Đầu tư của thành phố cho khoa học, công nghệ sẽ không thấp hơn 1% GRDP.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định, về mặt KH&CN, Hà Nội có 3 cái nhất. Một là, tiềm lực KH&CN có hạ tầng mạnh nhất, nhiều trung tâm nghiên cứu, số lượng giáo sư tiến sỹ nhiều nhất và đóng góp tỷ lệ cao nhất trong tiềm lực KH&CN quốc gia. Thứ hai, nguồn lực đầu tư cho KH,CN&ĐMST của Hà Nội cũng cao nhất cả nước (cả về đầu tư từ ngân sách cũng như của các doanh nghiệp). Thứ ba, Hà Nội dẫn đầu cả nước về sản phẩm đầu ra của nghiên cứu KH&CN cũng như số lượng công bố quốc tế. Chính vì thế, tác động của KH&CN với phát triển kinh tế - xã hội và năng suất lao động của Hà Nội cũng ở mức cao nhất cả nước.
“Với tiềm năng, hội tụ nguồn lực, sức sáng tạo, năng lực, ý chí vươn lên của người Hà Nội chắc chắn trong thời gian tới, diện mạo phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo của Thủ đô sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa” - Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định bày tỏ tin tưởng.
Thứ trưởng Bộ KH&CN cũng lưu ý, thời gian tới, các doanh nghiệp sẽ là "chủ đầu tư" lớn nhất với lĩnh vực đầu tư phát triển KH&CN, do đó cần các cơ chế để khơi thông nguồn đầu tư này. Với thế mạnh của mình, Hà Nội cũng cần tận dụng đẩy các startup lên trở thành một lực lượng kinh tế mới.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh chỉ rõ nhiệm vụ của ngành KH&CN, đó là phát triển hệ thống ĐMST, thành lập các trung tâm nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, trung tâm ĐMST, định hướng phát triển, mở rộng mạng lưới các trung tâm ĐMST. Trong đó, khởi nghiệp sáng tạo có vai trò quan trọng thúc đẩy kinh tế, tạo việc làm, giải quyết khó khăn thách thức, nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo phát triển bền vững quốc gia.
Đánh giá cao những thành tựu KH&CN của TP. Hà Nội, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết, Hòa Lạc hiện là cái nôi của các mô hình điểm, thúc đẩy phát triển KH&CN dẫn đầu cả nước. Trách nhiệm của Bộ KH&CN, các bộ ngành phải đồng hành, chung sức cùng Thủ đô, phối hợp, tháo gỡ chính sách để Hà Nội đạt được những mục tiêu đề ra. Trong đó, Bộ KH&CN sẽ đẩy mạnh các hoạt động, giải pháp hỗ trợ. Với sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, những điểm sáng mới về khởi nghiệp sáng tạo tiếp tục được hình thành, góp phần xây dựng, phát triển Thủ đô.
“Trên địa bàn Hà Nội hiện có 80% trường đại học, viện nghiên cứu; 82% phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia; 65% giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và tiến sĩ khoa học sống ở Hà Nội, phần lớn tinh hoa cả nước đang tập trung tại đây. Vì vậy, Hà Nội phải phát triển thêm nhiều đề tài, sáng chế hữu ích, có tính thực tiễn, xứng tầm Thủ đô của đất nước” - Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.
Trước 8 kiến nghị của thành phố, Bộ trưởng cho biết, Bộ sẽ có chương trình hà
nh động cụ thể. Trước mắt tập trung chương trình trọng điểm về doanh nghiệp và sản phẩm. "Mạng lưới sáng kiến" sẽ được tập trung để xây dựng trong cuối năm 2020.
Xác định 6 lĩnh vực tập trung hợp tác
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ đánh giá, Hà Nội có tiềm lực KH&CN rất lớn bởi trên địa bàn TP hiện có 124 trường đại học, 113 viện nghiên cứu (chiếm 80% cả nước), 14 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia (chiếm 82% cả nước) và 105 tổ chức KH&CN công lập do các trường đại học, viện nghiên cứu công lập thành lập.
Theo Bí thư Thành uỷ, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, KH,CN&ĐMST thực sự là động lực chủ yếu phát triển KT-XH với 10 nhóm mục tiêu. Cụ thể, xây dựng Hà Nội trở thành Trung tâm công nghệ cao với tiềm lực nghiên cứu khoa học, năng lực nghiên cứu, sáng chế và ứng dụng chuyển giao công nghệ dẫn đầu cả nước. Phát triển nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn phục vụ cho việc đề ra các giải pháp quản lý đô thị lớn, thông minh, hiện đại gắn với đặc thù của Thủ đô. Hà Nội phấn đấu là đầu tầu của cả nước trong việc thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo. Phấn đấu đến năm 2025, phần đầu tư của xã hội cho KH,CN&ĐMST chiếm 70% tổng đầu tư; tổng đầu tư cho KH,CN&ĐMST không thấp hơn 1% GRDP của Thủ đô…
Để thực hiện được các mục tiêu này, Bí thư Thành ủy mong muốn, Bộ KH&CN và TP. Hà Nội phối hợp hiệu quả trên 6 lĩnh vực và phấn đấu là một trong những hình mẫu về hợp tác giữa địa phương với Bộ KH&CN. Trong đó, Bí thư Thành ủy đề nghị, Bộ KH&CN phối hợp với Thành phố trong tham vấn, xây dựng chính sách phù hợp với đặc thù của Thủ đô cũng như thử nghiệm những chính sách mới, mô hình kinh tế mới. Hỗ trợ Thành phố trong xây dựng, triển khai chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST đến năm 2030 của TP. Hà Nội. Đồng thời, đồng bộ với chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST quốc gia đến năm 2030.
Bí thư Thành ủy cũng đề nghị Bộ KH&CN phối hợp với Thành phố trong phát triển tiềm lực KH&CN Thủ đô; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho KH,CN&ĐMST; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sử dụng hiệu quả Quỹ phát triển KH&CN. Hoàn thiện chính sách tuyển dụng, thu hút đội ngũ trí thức, nhất là chuyên gia KH&CN đầu ngành, nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài; phối hợp trong giải quyết các vấn đề bức xúc của Thủ đô cũng như nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về KH&CN của Thành phố.
Ngoài ra, Bí thư Thành ủy cũng đề nghị, Bộ KH&CN hợp tác xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về KH&CN của Hà Nội kết nối với toàn quốc. Xây dựng vườn ươm công nghệ, công nghiệp hỗ trợ tại Khu CNC Hòa Lạc. Hai bên cũng cần phối hợp trong nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, xây dựng thị trường KH&CN, hệ sinh thái KH&CN và ĐMST...
“Thành phố cam kết cùng với Bộ KH&CN, các Bộ liên quan trong việc hoàn thiện cở sở hạ tầng, thu hút nhà đầu tư lớn về KH&CN để tạo bước phát triển đột phá cho Khu CNC Hòa Lạc và góp phần xây dựng đô thị vệ tinh Hòa Lạc theo Quy hoạch của Chính phủ với quy mô 600.000 dân” - Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.
Ngay sau kết luận của Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ, đại diện Văn phòng Thành ủy và Văn phòng Ban Cán sự đảng Bộ KH&CN đã ký Thông báo chung về Kết luận của Bí thư Thành ủy với Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ KH&CN tại buổi làm việc. Đại diện Bộ KH&CN và UBND thành phố cũng đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác để triển khai cụ thể hóa các nội dung kết luận nêu trên.
Bài, ảnh: PV