Sáng kiến “Biện pháp giáo dục kỹ năng mềm về trồng dược liệu dưới tán rừng cho học sinh, thông qua bộ môn sinh học trong trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) - THCS Trà Don, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam” của tác giả Võ Đăng Chín đạt giải khuyến khích tại cuộc thi “Sáng kiến vì cộng đồng” lần thứ IV.
Đây là cuộc thi do Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, UBND thành phố Hà Nội và Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp tổ chức.
Những năm gần đây, ngoài việc nâng cao chất lượng dạy và học chính khóa, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) còn quan tâm đến chương trình ngoại khóa. Cụ thể là đưa bộ môn dạy về dược liệu lồng ghép vào chương trình học.
Chương trình giáo dục kỹ năng mềm phải trang bị cho học sinh một hệ thống kiến thức tương đối đầy đủ về môi trường, kỹ năng trồng và khai thác một số loại cây dược liệu dưới tán rừng, phù hợp với tâm lý lứa tuổi; nâng cao hiểu biết và ý thức bảo vệ, phát triển nguồn dược liệu quý tại địa phương. Việc trồng các loại cây dưới tán rừng tự nhiên và trồng rừng góp phần hạn chế xói mòn, ngăn chặn và hạn chế lũ lụt nhằm phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và đời sống, giảm bớt tình trạng ô nhiễm môi trường sinh thái, ...
Đưa lý thuyết vào thực tiễn đào tạo về dược liệu quý
Tác giả Võ Đăng Chín lên nhận giả Khuyến khích tại cuộc thi "Sáng kiến vì cộng đồng" lần thứ IV
Theo đánh giá của Hội đồng Sơ khảo cuộc thi “Sáng kiến vì cộng đồng” lần thứ IV, sáng kiến “Biện pháp giáo dục kỹ năng mềm về trồng dược liệu dưới tán rừng cho học sinh, thông qua bộ môn sinh học trong trường PTDTBT- THCS Trà Don, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam” là sự cụ thể hóa “học đi đôi với hành”, giúp học sinh thay đổi tư duy của việc học đồng thời góp phần thay đổi nhận thức, xóa bỏ tập quán quản canh lạc hậu của đồng bào các dân tộc thiểu số. Sáng kiến góp phần nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ và khai thác bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ rừng nguyên sinh, rừng đầu nguồn, ổn định đời sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao của huyện Nam Trà My. Những mô hình đào tạo theo hướng này sẽ đặt nền móng cho việc nhân rộng diện tích các loại cây dược liệu, phát triển các vùng dược liệu vốn rất tiềm năng trên lãnh thổ Việt Nam.
UBND huyện Nam Trà My đã xây dựng Ðề án phát triển sâm Ngọc Linh và đang tiến hành nhân giống, di thực cây sâm từ đỉnh núi Ngọc Linh xuống các vùng thấp. Cùng với đó, khuyến khích doanh nghiệp và người dân trồng dược liệu để nâng cao thu nhập, thoát nghèo. Trang bị kiến thức về trồng cây dược liệu dưới tán rừng là việc làm cần thiết cho thế hệ trẻ nhằm định hướng cho các em phát triển kinh tế gắn với bảo vệ rừng ngay từ lúc ngồi trên ghế nhà trường. UBND huyện Nam Trà My cũng đã chỉ đạo phòng GD&ĐT huyện tiến hành biên soạn, chọn điểm đưa vào giảng dạy môn học về các loài cây thảo dược trên địa bàn, qua đó giúp học sinh nhận biết và nâng cao ý thức bảo vệ các loài thảo dược nơi đây. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, các loài dược liệu quý có sẵn ở vùng Ngọc Linh đã được đưa vào cuốn tài liệu nội bộ khoảng 30 trang. Sách được đưa xuống 33 ngôi trường trong huyện và ngay lập tức được thầy cô đưa vào giờ ngoại khóa, các tiết học dạy kỹ năng mềm, ...
Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, hiện nay toàn huyện có hơn 1.500 ha sâm, 3.000 ha quế và hơn 50 ha dược liệu khác. Mục đích của huyện khi đưa ra chương trình học về dược liệu tại các nhà trường là mong muốn học sinh phải biết được vùng đất nơi các em sinh ra là trung tâm dược liệu quốc gia. Các em sẽ là đối tượng chính tác động vào gia đình, cha mẹ, cộng đồng để người dân hiểu rõ điều này, từ đó tận dụng nó để làm bàn đạp thoát nghèo. Lâu dài hơn, khi các em lớn lên cũng sẽ là những chủ nhân của buôn làng, là lực lượng kế cận sở hữu những kho thuốc vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho người Xê Đăng.
Ngoài việc dạy học sinh nhận biết dược liệu, hiện nay một số thầy cô cũng được khuyến khích trồng dược liệu như sâm Ngọc Linh và các loại sâm khác để phát triển kinh tế gia đình, tăng thêm thu nhập. Những trường hợp này sẽ được huyện Nam Trà My hỗ trợ kỹ thuật, giúp kết nối tìm đầu ra cho sản phẩm, ...
Một góc vườn dược liệu của trường PTDTBT - THCS Trà Don
Giáo dục kĩ năng mềm về trồng dược liệu
Thầy giáo Võ Đăng Chín, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng trường PTDTBT - THCS Trà Don cho biết, trường PTDTBT - THCS Trà Don được UBND huyện và Phòng GD&ĐT huyện Nam Trà My giao nhiệm vụ thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh “Giáo dục kĩ năng mềm về trồng dược liệu dưới tán rừng cho học sinh Mẫu giáo, Tiểu học, THCS và THPT ở huyện Nam Trà My tỉnh Quảng Nam”. Đề tài do thầy Chín làm chủ nhiệm và tiến hành gặp gỡ các nhà khoa học, tích luỹ, tổng hợp tư liệu có liên quan để trên cơ sở đó biên soạn thành bộ tài liệu (giáo trình) giảng dạy cho học sinh 4 bậc học (từ mầm non đến THPT).
Thầy Võ Đăng Chín chia sẻ, bên cạnh đặt nền móng cho việc nhân rộng các loại cây dược liệu trên lãnh thổ Việt Nam nói chung và Nam Trà My nói riêng; phát triển, hình thành vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất trên quy mô công nghiệp, đề tài còn có ý nghĩa góp phần bảo vệ được rừng nguyên sinh, rừng đầu nguồn, nâng cao ý thức cho học sinh, người dân tộc thiểu số trong việc bảo vệ và khai thác bền vững tài nguyên thiên nhiên.
Đề tài được biên tập thành tài liệu, giáo trình đưa vào giảng dạy sẽ giúp học sinh nhận biết được đặc điểm hình thái và lựa chọn được khu vực có điều kiện phù hợp với cây dược liệu; rèn luyện được tính cẩn thận, tỉ mỉ, chịu khó; tạo ra cho các em những kĩ năng mềm trong trồng dược liệu, từ đó giúp gia đình tạo ra sản phẩm với số lượng lớn sẽ tạo nguồn thu nhập ổn định, góp phần phát triển kinh tế gia đình, đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững; nâng cao nhận thức của học sinh trong việc thực hành, từng bước thay đổi nhận thức, xóa bỏ tập quán lạc hậu của đồng bào các dân tộc thiểu số, ...
Các em học sinh trường PTDTBT - THCS Trà Don thực hành trồng cây dược liệu dưới tán rừng
Vào những giờ học dược liệu, học sinh sẽ được học lý thuyết cơ bản về đặc tính, công dụng, hình dạng các loài dược liệu trong môi trường tự nhiên. Sau đó sẽ là những giờ ngoại khóa, các thầy cô sẽ dẫn các em ra vườn thực nghiệm trồng các loài thuốc nam, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây thuốc. Những giờ học thực hành này đối với học sinh luôn là khoảng thời gian thú vị, khi các em khám phá ra nhiều điều bổ ích từ các loại cây cỏ xung quanh mình. Chính những hoạt động này dễ dàng giúp học sinh có ý thức bảo vệ môi trường. Điều này hứa hẹn sự thành công từ ý tưởng đưa cây dược liệu vào giảng dạy trong nhà trường của lãnh đạo UBND huyện Nam Trà My.
Bài, ảnh: Thùy Linh