Trong quá trình sản xuất, bụi có chứa amiang phát tán ra môi trường lao động gây hại cho đường hô hấp và nhiều khả năng gây bệnh ung thư phối.
Tìm kiếm giải pháp phòng ngừa các bệnh liên quan đến amiang là một trong những nội dung trọng tâm tại Hội thảo khoa học “Xây dựng năng lực và nghiên cứu phòng ngừa bệnh liên quan đến amiang năm 2010 và những năm tiếp” được tổ chức tại Hà Nội ngày 21/12
Ông Apolinar Tolentino, Công đoàn xây dựng quốc tế cho biết, hiện nay đã có 53 nước cấm sử dụng amiang trắng như: Nhật Bản, Australia, Mỹ, Canada... Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã nhận thấy nguy cơ đe dọa đối với lực lượng lao động trong ngành chế tạo vì họ phải tiếp xúc với các quy trình sản xuất lạc hậu. WHO đã tuyên bố rằng, tất cả các loại amian, kể cả amian trắng cũng gây ra các bệnh như bệnh phổi, ung thư và ung thư biểu mô.
Về phía Việt Nam, GS.TS Lê Vân Trình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học kỹ thuật - Bảo hộ lao động cho biết, Viêt Nam là một trong 10 nước sử dụng nhiều amiang nhất thế giới, khoảng trên 60.000 tấn/năm. Mặc dù số người được phát hiện mắc các bệnh liên quan đến amiang ở Việt Nam chưa nhiều nhưng amiang là loại vật liệu có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp nên việc phòng ngừa khả năng mắc bệnh tật luôn là việc làm cần thiết.
Các đại biểu cho rằng, bên cạnh các giải pháp như tăng cường năng lực thực thi pháp luật, quản lý hành chính, chăm sóc y tế, tăng cường năng lực và nâng cao nhận thức… việc triển khai các biện pháp công nghệ, kỹ thuật nhằm giảm thiểu mức độ nguy hại, giảm thiểu sự tiếp xúc của người lao động với các yếu tố nguy hại trong các cơ sở sản xuất tấm lợp amiang, kết hợp với bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng là việc làm cần thiết đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan quản lý, cơ quan nghiên cứu và doanh nghiệp.
Hội thảo này là một trong những hoạt động nằm trong Dự án: Phòng chống các bệnh liên quan đến amiang triển khai trong năm 2010 bắt đầu từ tháng 2 và sẽ kết thúc vào cuối tháng 12. Dự án được coi như một thử nghiệm để sau đó có thể phát triển rộng hơn không những ở Việt Nam mà có thể mở rộng hơn ra các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Trước mắt là trong vùng Sông Mê Kông.
Thu Uyên