Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ ba, 05/11/2024 , 01:23 am
Cập nhật : 22/08/2016 , 21:08(GMT +7)
Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN: Tôn vinh tài năng, trí tuệ và sự cống hiến của các nhà khoa học
Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc
Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ (KH&CN) là hai Giải thuởng cao quý thuộc lĩnh vực KH&CN do Đảng và Nhà nước trao tặng cho tác giả công trình có giá trị cao về khoa học, công nghệ và thực tiễn. Công trình được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN là công trình khoa học tiêu biểu, có giá trị cao về KH&CN, hiệu quả kinh tế - xã hội, có ảnh hưởng rộng lớn, lâu dài trong đời sống, là kết quả của sự dày công nghiên cứu, cống hiến trí tuệ và tài năng của các nhà khoa học phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc đã có chia sẻ về việc tổ chức xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN đợt 5.

PV: Xin Thứ trưởng cho biết điểm đặc biệt cũng như giá trị của Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN so với các giải thưởng khác về KH&CN hiện có ở Việt Nam?

Thứ trưởng Phạm Công Tạc: Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN là những giải thưởng cao quí nhất dành cho KH&CN của Việt Nam. Do vậy, việc xét giải thưởng được tiến hành nghiêm túc, chặt chẽ, khoa học, công bằng trên hệ thống tiêu chí được công bố công khai, minh bạch.

Giá trị của Giải thưởng theo qui định ở thời điểm hiện nay là hơn 320 triệu đồng đối với Giải thưởng Hồ Chí Minh và hơn 200 triệu đồng đối với Giải thưởng Nhà nước về KH&CN.

PV: Được biết, Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN đang chuẩn bị trao giải lần thứ 5. Giải thưởng đã có tác động như thế nào đối với những cá nhân, tập thể đã nhận được giải thưởng qua 4 lần trao giải, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Phạm Công Tạc: Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN đã được trao tặng cho những công trình/cụm công trình đặc biệt xuất sắc và xuất sắc, có giá trị cao về KH&CN. Đồng thời, giải thưởng là sự tôn vinh các nhà khoa học đã có những cống hiến cho nền khoa học nước nhà trong những năm qua. Giải thưởng cũng đã có tác động tích cực trong việc khích lệ các nhà khoa học tiếp tục cống hiến, sáng tạo và hình thành các trường phái khoa học, xây dựng các nhóm nghiên cứu tạo cơ hội cho thế hệ trẻ tiếp tục dấn thân vào con đường nghiên cứu khoa học. Những giải thưởng được trao tặng cũng giúp cho cộng đồng khoa học thế giới thấy được diện mạo của nền khoa học Việt Nam. Đối với nhà khoa học, ngoài chế độ đãi ngộ về vật chất và điều kiện làm việc, việc được tôn vinh, ghi nhận những đóng góp sẽ là nguồn động viên rất lớn. 

PV: Đối với những giải thưởng có giá trị như Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN, công tác tổ chức luôn được coi trọng. Thứ trưởng có thể cho biết công tác tổ chức đã được tiến hành như thế nào?

Thứ trưởng Phạm Công Tạc: Việc xét giải thưởng được thực hiện nghiêm túc qua ba cấp: Hội đồng cấp cơ sở, Hội đồng cấp bộ ngành và Hội đồng cấp Nhà nước. Ở Hội đồng cấp Nhà nước gồm hai bước: Hội đồng chuyên ngành và Hội đồng nhà nước.

Tính đến hết ngày 22/7/2016, 19 hội đồng chuyên ngành cấp nhà nước đã hoàn thành họp xét gần 100 công trình KH&CN thuộc các lĩnh vực. 

Việc xét tặng giải thưởng đã được Hội đồng các cấp đánh giá công bằng, dân chủ, khách quan, biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín. Tại Hội đồng cấp nhà nước, các công trình được Hội đồng đề nghị tặng Giải thưởng phải được ít nhất 90% thành viên hội đồng bỏ phiếu đồng ý.

Như vậy, các công trình được đề nghị Giải thưởng không những phải qua sự đánh giá công bằng, nghiêm túc, khắt khe của Hội đồng các cấp và đều là những công trình rất xứng đáng. Lễ trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN đợt 5 sẽ được tổ chức vào dịp Quốc khánh 2/9.

PV: Thứ trưởng có nhận xét gì về các công trình/cụm công trình đăng ký xét chọn trong đợt này? Cụ thể là, các lĩnh vực KH&CN có nhiều công trình của nhà khoa học trẻ không? Có doanh nghiệp KH&CN tham gia không?

Thứ trưởng Phạm Công Tạc: Lần đầu tiên nhà nước trao giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng nhà nước về KH&CN vào năm 1996. Tức là sau hơn nửa thế kỷ kể từ khi nước ta giành được độc lập. Trong những đợt đầu trao giải thưởng, các tác giả được vinh danh phần lớn là những nhà khoa học lão thành, đầu ngành đã có đóng góp lâu dài cho nền khoa học và cho đất nước. 

Đây là lần thứ năm trao Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN. Đợt xét giải thưởng năm nay xuất hiện nhân tố mới: Đó là sự tham gia của các công trình của những nhà khoa học trẻ và công trình của các nhà khoa học trong khối doanh nghiệp.

Và một trong số đó đã được giải thưởng Hồ Chí Minh. Đó là công trình “Xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu” của tác giả Hoàng Đức Thảo (Công ty TNHH Thoát nước và Phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Cụm công trình "Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ nhằm đảm bảo an toàn truyền máu, phục vụ cho cấp cứu và đảm bảo đủ máu dự trữ cho điều trị" được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN trong đợt này

PV: Sau khi tổ chức trao giải thưởng, Bộ KH&CN có kế hoạch thế nào để các giải thưởng tiếp tục phát huy giá trị trong đời sống thực tiễn, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Phạm Công Tạc: Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng nhà nước về KH&CN được trao cho các công trình thuộc rất nhiều lĩnh vực KH&CN, KH&XHNV, Khoa học kỹ thuật... Trong đó có những công trình khoa học ứng dụng, có những công trình nghiên cứu cơ bản, nên việc phát huy kết quả nghiên cứu trong thực tiễn cũng ở những mức độ khác nhau, phù hợp với đặc thù của từng lĩnh vực nghiên cứu. 

Đồng thời,  các công trình nghiên cứu ứng dụng khi được trao giải thưởng đều đã phải chứng minh được giá trị thực tiễn. Công trình thường đã có đóng góp rất lớn trong đời sống kinh tế xã hội. Giải thưởng là ghi nhận kết quả của một quá trình đóng góp.

Cuối cùng, được trao giải thưởng cũng sẽ giúp các công trình được biết đến rộng rãi hơn, lan toả giá trị trong cộng đồng, và càng được triển khai ứng dụng nhiều hơn.

PV: Sau mỗi đợt trao Giải thưởng, tôi có cảm giác thông tin về công trình, về tác giả đạt giải đi vào quên lãng. Đợt trao giải lần này, Bộ KH&CN có kế hoạch tuyên truyền như thế nào, thưa ông?

Thứ trưởng Phạm Công Tạc: Nghiên cứu khoa học là công việc hết sức âm thầm. Kết quả của lao động nghiên cứu sáng tạo cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân loại, nhưng những đóng góp của các nhà khoa học không phải lúc nào cũng được mọi thành viên trong xã hội biết đến. Có những công trình khoa học chỉ đóng vai trò trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Do đó, nếu có tạo ra cảm giác cho độc giả như vậy cũng là điều tự nhiên.

Trao giải thưởng là Đảng, nhà nước muốn tôn vinh những lao động sáng tạo âm thầm đó. Đợt trao giải lần này, chúng tôi thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông tổ chức nhiều hoạt động trong suốt quá trình xét giải để quảng bá, giới thiệu về các công trình, tác giả được giải và đặc biệt là sẽ tổ chức lễ trao giải thưởng trọng thể vào dịp Quốc khánh để toàn xã hội, cộng đồng trong và ngoài nước biết đến.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Hà Chi (ghi)

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner