Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN: Tôn vinh các nhà khoa học có công trình xuất sắc
Dây chuyền công nghệ bê tông thành mỏng đúc sẵn của Công ty TNHH Thoát nước và PTĐT tỉnh BRVT
Các công trình được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ (KH&CN) là những công trình xuất sắc, tiêu biểu, được ứng dụng hiệu quả nhất, có ý nghĩa to lớn trong việc bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, nâng cao năng lực cạnh tranh, vị thế, trình độ KH&CN của đất nước.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết như trên tại Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN diễn ra tối 15/01.
Giải thưởng cao quý nhất trong lĩnh vực KH&CN
Theo ông Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ KH&CN, Chủ tịch Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng HCM và Giải thưởng NN về KH&CN, Giải thưởng HCM, Giải thưởng NN về KH&CN lần thứ 5 đã nhận được sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học, tổ chức nghiên cứu, các doanh nghiệp trong phạm vi cả nước, với 102 công trình được đề xuất gồm 95 công trình và 7 công trình trình mật. Trong số 95 công trình có 27 công trình đề nghị xét tặng Giải thưởng HCM và 68 công trình đề nghị xét tặng Giải thưởng NN về KH&CN. Điều này chứng tỏ sức ảnh hưởng sâu rộng và sự lan tỏa của Giải thưởng đối với cộng đồng các nhà khoa học trong cả nước.
Bộ KH&CN đã tổ chức 2 Hội nghị tập huấn ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cho các Bộ, ngành, địa phương về công tác xét thưởng. Đồng thời phối hợp với các cơ quan truyền thông ở Trung ương và Địa phương để tuyên truyền, phổ biến thông tin về giải thưởng đến các nhà khoa học trên cả nước.
Các công trình đạt Giải thưởng lần này đã được xem xét thông qua hệ thống các tiêu chí đánh giá minh bạch, chặt chẽ và khoa học về nhiều phương diện, cả về giá trị khoa học, công nghệ và giá trị thực tiễn, hiệu quả kinh tế-xã hội. Triển khai công tác đánh giá, xét chọn các công trình tham dự giải thưởng năm nay có hơn 200 nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam và quốc tế, đại diện cho các ngành lĩnh vực KH&CN trên cả nước tham gia vào 19 hội đồng chuyên ngành cấp nhà nước và hội đồng nhà nước. Các hội đồng đã làm việc với tinh thần công tâm, trung thực và hết sức khách quan để lựa chọn ra được các công trình xứng đáng nhất trong rất nhiều các công trình được đề xuất. “Đây thực sự là công việc hết sức khó khăn đối với các nhà khoa học trong việc đánh giá, vì các công trình tham dự đều là các công trình có ý nghĩa khoa học và thực tiễn rất to lớn”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Nhiều kỹ thuật y – dược hiện đại được chuyển giao
Về lĩnh vực Khoa học Y – Dược, có tới 4/16 công trình, cụm công trình được xét tặng Giải thưởng. Có thể kể đến cụm công trình “Ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị một số bệnh lý mạch não bằng điện quang can thiệp nội mạch” của GS.TS. Phạm Minh Thông và 4 đồng tác giả. Cụm công trình đã làm thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận can thiệp trước đây với hiệu quả rất cao, an toàn; đã thay thế hoàn toàn phẫu thuật trong điều trị thông động mạch cảnh xoang hang do chấn thương, một bệnh khá phổ biến ở Việt Nam bằng can thiệp nội mạch;.. Thành tựu của công trình đã được chuyển giao cho nhiều trung tâm Y khoa lớn.
Hay cụm công trình “Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật lọc máu hiện đại trong hồi sức cấp cứu bệnh nhân nặng và ứng phó với một số dịch bệnh nguy hiểm” của GS.TS. Nguyễn Gia Bình và 27 đồng tác giả đã xây dựng được các quy trình kỹ thuật lọc máu hiện đại hoàn chỉnh cả về chỉ định kỹ thuật và theo dõi trong cấp cứu điều trị, giảm biến chứng, thời gian nằm viện, giảm chi phí điều trị nhiều loại bệnh hiểm nghèo, giảm tỷ lệ tử vong: Sốc nhiễm khuẩn giảm 15-20% , suy đa tạng giảm 20%, viêm tụy cấp nặng giảm 40%, suy gan cấp giảm 30-40%, ngộ độc cấp paraquat giảm 20%.
Cùng với đó, cụm công trình “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hiện đại về bức xạ ion hóa trong chẩn đoán, điều trị ung thư và một số bệnh lý khác” của GS.TS. Mai Trọng Khoa và 3 đồng tác giả đã tiên phong chủ động, sáng tạo, mạnh dạn tìm tòi, chọn lọc một số kỹ thuật hiện đại về bức xạ ion hóa trong chẩn đoán, điều trị ung thư,… từ các nước phát triển hàng đầu thế giới về ứng dụng thành công trong chuyên ngành y học hạt nhân, ung bướu tại Việt Nam. Theo GS.TS Mai Trọng Khoa, cụm công trình được tiến hành trong vòng 20 năm tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai. Kết quả ứng dụng thực tiễn của cụm công trình đã được phổ biến, chuyển giao cho nhiều cơ sở y tế trong cả nước, góp phần đáng kể vào việc chẩn đoán, điều trị hiệu quả ung thư, tăng tỷ lệ điều trị trong nước, giảm chi phí cho các bệnh nhân ung thư,…
Nhiều công trình của nhà khoa học trẻ và khối doanh nghiệp
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc, những đợt trao Giải thưởng trước đó, các tác giả được vinh danh phần lớn là những nhà khoa học lão thành, đầu ngành đã có đóng góp lâu dài cho nền khoa học và đất nước. Trong đợt xét tặng Giải thưởng năm nay xuất hiện nhân tố mới, đó là sự tham gia của các công trình do những nhà khoa học trẻ thực hiện và công trình của các nhà khoa học trong khối doanh nghiệp.
Có thể kể đến công trình "Xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu" của ông Hoàng Đức Thảo - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thoát nước và Phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. TS. Hoàng Đức Thảo cho biết, “Chúng tôi đã góp phần thực hiện một cuộc cách mạng về KH&CN trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị (giải pháp hào kỹ thuật bê tông cốt thép đúc sẵn); hạ tầng kỹ thuật nông thôn (giải pháp kênh, mương hộp bê tông cốt thép, bê tông cốt sợi thành mỏng đúc sẵn); bảo vệ môi trường nước (thiết bị nạo vét hệ thống thoát nước) và phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu - mực nước biển dâng (giải pháp công nghệ cấu kiện lắp ghép bảo vệ bờ sông, hồ, đê biển)”.
Hay công trình “Nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện công nghệ thu gom, xử lý, vận chuyển dầu thô trong điều kiện đặc thù của các mỏ Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro và các mỏ kết nối trên thềm lục địa Nam Việt Nam” của TS. Từ Thành Nghĩa (Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro) và 29 đồng tác giả. Công trình đã góp phần phát triển ngành công nghiệp khai thác dầu khí ở Việt Nam với việc đưa mỏ Bạch Hổ vào khai thác năm 1986, mang lại nguồn thu ngoại tệ lớn, tạo ra sản phẩm mới, đưa Việt Nam trỏ thành nước xuất khẩu dầu.
Giàn khoan tự nâng 90m nước Tam Đảo 03 có thể thay thế hàng nhập khẩu
Hoặc cụm công trình “Nghiên cứu thiết kế chi tiết và ứng dụng công nghệ để chế tạo, lắp ráp và hạ thủy giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90m nước phù hợp với điều kiện Việt Nam” của Kỹ sư Phan Tử Giang - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Chế tạo Giàn khoan Dầu khí (PV Shipyard) và 16 đồng tác giả. Giàn khoan tự nâng 90m nước Tam Đảo 03 là công trình đầu tiên, trọng điểm quốc gia về chế tạo giàn khoan dầu khí tự nâng có khối lượng kết cấu, thiết bị hơn 12.000 tấn. Kỹ sư Phan Tử Giang – một trong những tác giả rất trẻ được nhận Giải thưởng cho biết, sản phẩm “Made in Viet Nam” - Giàn khoan Tam đảo 03 có thể thay thế hàng nhập khẩu, đã được đưa vào hoạt động trước thời hạn 2 tháng, làm lợi trực tiếp cho đất nước 18,3 triệu USD.
Các công trình được trao tặng Giải thưởng là kết quả của sự dày công nghiên cứu, cống hiến trí tuệ, tài năng của các nhà khoa học, có công trình có thể coi là sự nghiệp của cả một đời người như công trình về “Ngữ dụng học” của cố GS. Đỗ Hữu Châu, hay công trình“Khái luận văn tự học chữ Nôm” của GS. Nguyễn Quang Hồng,… Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh thời đã cho rằng "nguồn lực vật chất là hữu hạn. Còn nguồn lực trí tuệ, khả năng sáng tạo là vô hạn". Người đã khẳng định "trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc”. Người nhìn nhận KH&CN ở tầm là một động lực lịch sử, một lực lượng cách mạng.
Giải thưởng HCM, Giải thưởng NN về KH&CN đã khẳng định được giá trị của các công trình, cụm công trình được giải. Đồng thời là động lực thúc đẩy những người làm khoa học nỗ lực, sáng tạo hơn nữa để có được các công trình xuất sắc, có tính ứng dụng cao, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội rộng lớn, đóng góp cho thành công của công cuộc hội nhập của đất nước với thế giới.