Giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về KH&CN chính là những giải thưởng danh giá nhất đối với các nhà khoa học, góp phần khuyến khích, tạo động lực và điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ, say mê nghiên cứu, đổi mới sáng tạo.
Xung quanh sự kiện đặc biệt này, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ KH&CN, Chủ tịch Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN đợt 5.
PV: Thưa Bộ trưởng, xin ông cho biết ý nghĩa của Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN?
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh: Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN là những giải thưởng cao quý nhất trong lĩnh vực KH&CN, được Đảng và Nhà nước ghi nhận, tôn vinh và trao tặng cho các nhà khoa học, tác giả của các công trình, cụm công trình KH&CN xuất sắc và đặc biệt xuất sắc, có giá trị cao về KH&CN, có tác dụng lớn và lâu dài trong đời sống nhân dân, góp phần quan trọng và thiết thực phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh và sự nghiệp phát triển KH&CN của đất nước. Điều này cũng phản ánh đầy đủ tầm vóc và ý nghĩa của các công trình, cụm công trình đạt giải thưởng đối với sự phát triển KH&CN nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung.
PV: Đây là đợt thứ 5 Bộ KH&CN trao giải thưởng cao quý về KH&CN, Bộ trưởng đánh giá như thế nào về những đóng góp của các công trình, cụm công trình đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN đợt này?
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh: Trong đợt xét tặng Giải thưởng đợt 5 này đã ghi nhận, tặng thưởng Giải thưởng HCM cho 9 công trình, cụm công trình và Giải thưởng Nhà nước cho 7 công trình, cụm công trình KH&CN. Các công trình đạt giải thưởng lần này đều được đánh giá một cách minh bạch, chặt chẽ, khách quan thông qua hệ thống các tiêu chí trên nhiều phương diện cả về giá trị khoa học, công nghệ và giá trị thực tiễn, hiệu quả kinh tế - xã hội, hiệu quả KH&CN điều này phản ánh đầy đủ ý nghĩa quan trọng của các công trình đối với nền KH&CN nói riêng và sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung.
PV: Nói về KH&CN, chúng ta có nhiều lĩnh vực khác nhau như khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội và nhân văn…. Bộ trưởng có thể cho biết cụ thể hơn về các công trình, cụm công trình thuộc các lĩnh vực này?
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh: Trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, các công trình, cụm công trình đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh – giải thưởng cao quý nhất về KH&CN, đã có sự tác động mạnh mẽ, tiêu biểu. Có thể kể đến cụm công trình “Các bất biến và cấu trúc của vành địa phương và vành phân bậc”. Cụm công trình này đã mở ra một số hướng nghiên cứu mới quan trọng và được thế giới thừa nhận trong lĩnh vực đại số giao hoán như Lý thuyết vành Cohen – Macaulay suy rộng và dáng điệu tiệm cận của các bất biến.
Trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, đó là những thành tựu xuất sắc trong nghiên cứu về lịch sử tư tưởng Việt Nam, trong đó làm rõ tầm cao tư duy của dân tộc Việt Nam cũng như các giá trị, hạn chế và các bài học lịch sử quý báu mà ông cha ta để lại. Đó còn là những nghiên cứu về chữ Nôm theo một khung lý thuyết mới, các thao tác tiếp cận mới, qua đó công trình được giới nghiên cứu trong và ngoài nước nhiệt liệt đón nhận, sử dụng với tần số cao trong các chuyên khảo nghiên cứu chữ Nôm, ngữ văn Hán Nôm ở trong và ngoài nước.
Đối với lĩnh vực khoa học kĩ thuật, các công trình, cụm công trình đã tạo ra nhiều sản phẩm sinh động, mang thương hiệu Việt Nam, có giá trị to lớn đối với nền kinh tế như Giàn khoan tự nâng 90 m nước Tam Đảo 03, khi đưa vào sử dụng đã làm lợi lớn cho đất nước, đồng thời đưa Việt Nam vào một trong số ít quốc gia trên thế giới có đủ năng lực thi công giàn khoan khai thác dầu khí tự nâng. Hay như các loại sản phẩm bê tông thành vỏ mỏng đúc sẵn, lắp ghép có cấu tạo gọn nhẹ, chất lượng bền vững, chống xâm thưc, ăn mòn, thuận lợi thi công trong điều kiện bất lợi về địa hình, địa chất… thuộc cụm công trình “Xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kĩ thuật đô thị, nông thôn, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu” giúp giảm ít nhất 20% chi phí so với giải pháp truyền thống. Hiện các sản phẩm này cũng đã được xuất khẩu sang Lào, Camphuchia và một số nước khác trong khu vực.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, hai giống lúa mới OM6976 và OM5451 đã được ứng dụng vào sản xuất trên diện rộng và đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Diện tích ứng dụng của 2 giống lúa này trong sản xuất qua 3 năm từ 2013 – 2015 lên đến trên 3 triệu hecta ở Đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh Đông Nam Bộ, tạo ra lợi nhuận tăng thêm to lớn cho nông dân và trở thành 2 giống lúa xuất khẩu chất lượng cao chủ lực ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong lĩnh vực y - dược, nhiều thành tựu y học trên thế giới đã được triển khai ứng dụng và có hiệu quả tại Việt Nam, trong đó phải kể đến “Ứng dụng các kĩ thuật tiên tiến trong chuẩn đoán, điều trị một số bệnh lý mạch não bằng điện quang can thiệp nội mạch”. Đây là cụm công trình nghiên cứu có giá trị rất cao về KH&CN, là các kĩ thuật mới, hiện đại, ít gây tổn thương tổ chức lành xung quanh, điều trị qua đường nội mạch, thay thế phẫu thuật trong điều trị thông động mạch cảnh xoang hang và điều trị phình động mạch não tại Việt Nam. Đây là phương pháp điều trị ít biến chứng, không để lại di chứng nặng nề cho người bệnh, từ đó giảm các chi phí điều trị và giảm gánh nặng cho xã hội và gia đình.
Một công trình nữa cũng cần nhắc đến, đó là “Ứng dụng kĩ thuật hiện đại về bức xạ ion hóa trong chuẩn đoán, điều trị ung thư và một số bệnh lý khác”. Áp dụng kỹ thuật hiện đại này đã giúp nâng cao hơn chất lượng chuẩn đoán và điều trị bệnh ung thư, làm giảm tỷ lệ tử vong cũng như tăng tỷ lệ điều trị thành công, chữa khỏi cho các bệnh nhân ung thư và một số bệnh lý khác ở nước ta. Đây là kết quả rất ấn tượng, góp phần đưa chuyên ngành y học hạt nhân và ung bướu Việt Nam theo kịp trình độ của các nước tiên tiến trong khu vực và một số nước phát triển trên thế giới.
PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Trương Trần (thực hiện)