Là một trong những nội dung trọng tâm nghiên cứu của Đề tài mang mã số KX.01.48/16-20 thuộc Chương trình “Nghiên cứu những vấn đề trọng yếu về khoa học xã hội và nhân văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” vừa được Hội đồng nghiệm thu gần đây tại Hà Nội.
Văn hóa trong không gian công cộng
Báo cáo tại buổi nghiệm thu, PGS.TS. Trịnh Văn Tùng, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ nhiệm Đề tài cho biết: Không gian công cộng (KGCC) từ xưa tới nay luôn đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, cho sự tương tác của con người với con người, con người với thiên nhiên và con người với vật chất, cho sự lưu giữ ký ức chung và góp phần tạo dựng nên các biểu tượng gắn bó của cộng đồng dân cư với khu phố, thành thị và cộng đồng địa phương, khuyến khích sự tương tác, hòa nhập xã hội và thể hiện bản sắc văn hóa, lối sống qua các biểu hiện về ứng xử, thực hành văn hóa của cộng đồng.
Tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và kéo theo là đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ với tốc độ cao. Từ một xã hội tập trung chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp, sau hơn 30 năm “Đổi mới”, tính đến tháng 5/2019, Việt Nam có 819 đô thị các loại bao gồm cả các đô thị đặc biệt gắn với khu công nghiệp, khu kinh tế và đến năm 2020, dân số đô thị Việt Nam ước đạt 40%.
Về mức độ đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa của người dân, KGCC còn là nơi con người đối mặt với nhau và có thể nhận thức được sự tồn tại của nhau, còn là nơi mà ai cũng có thể tiếp cận được nhưng không phải trả phí hoặc trả phí một cách tượng trưng. Nó không phải là của riêng cá nhân nào, mà là tài sản chung của tất cả mọi người. Nhìn tổng thể, những năm gần đây, chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực với sự đóng góp của các tổ chức xã hội và cộng đồng đã tạo cải tạo, mở rộng KGCC, tuy nhiên, các vai trò của KGCC đô thị chưa thực sự đáp ứng nhu cầu (thụ hưởng văn hóa) của các tầng lớp nhân dân trong đời sống xã hội.
Vậy, trong bối cảnh công nghiệp hóa, đô thị hóa ngày càng gia tăng như hiện nay, lối ứng xử văn hóa trong không gian công cộng (KGCC) ở nước ta hiện nay như thế nào? Những nguyên nhân nào dẫn đến những ứng xử chưa đúng, chưa đẹp và chưa phù hợp của người Việt Nam trong KGCC? Xu hướng ứng xử của người Việt Nam tại KGCC trong những năm gần đây và những năm tới như thế nào?… Đây là những câu hỏi đang rất cần được trả lời một cách thấu đáo về khoa học để làm nền tảng cho việc hoạch định chính sách về văn hóa và về không gian công cộng ở nước ta.
Ứng xử phù hợp theo thời cuộc
Có hai xu hướng biến đổi khuôn mẫu ứng xử của người Việt Nam hiện nay so với 5 năm trước. Xu hướng thứ nhất cho rằng, có một sự tiếp diễn, liên tục và tiếp biến văn hóa giữa lối sống nông nghiệp, nông dân, nông thôn sang một lối sống đô thị đã và đang được đô thị hóa. Xu hướng thứ hai cho rằng, giữa nông thôn và thành thị luôn có một khoảng cách, từ đó có sự chuyển dịch, xâm nhập của lối sống nông thôn vào đô thị tạo nên sự biến đổi khuôn mẫu ứng xử theo chiều hướng tiêu cực (tức là sự xâm nhập lẫn nhau giữa các giá trị văn hóa nông thôn và văn hóa đô thị, giữa văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại).
Toàn cảnh buổi nghiệm thu Đề tài
Theo đó, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, nhóm nghiên cứu Đề tài đã tập trung vào một số nội dung nghiên cứu gồm: thực tiễn những biểu hiện ứng xử của người Việt Nam hiện nay; nguyên nhân của những ứng xử chưa đúng, chưa đẹp và chưa phù hợp hay những hành vi lệch chuẩn; xu hướng biến đổi ứng xử của con người Việt Nam hiện nay so với 5 năm trước đây và xu hướng ứng xử của người Việt Nam trong thời gian tới; vai trò của KGCC trong đời sống của người Việt Nam hiện nay; giải pháp phát huy các ứng xử đúng, đẹp và phù hợp đồng thời điều chỉnh các ứng xử xấu xí.
Trong đó, nội dung nghiên cứu được thực hiện trong ba loại hình KGCC cơ bản như: không gian giao thông; không gian tâm linh; không gian vui chơi - giải trí. Đối tượng nghiên cứu của Đề tài là văn hóa ứng xử của người Việt Nam trong KGCC với ba hợp phần cơ bản (ứng xử giữa con người với con người; ứng xử giữa con người với cơ sở vật chất - kỹ thuật; ứng xử giữa con người với môi trường thiên nhiên).
Cũng theo PGS.TS. Trịnh Văn Tùng, Đề tài với phương pháp thu thập thông tin xã hội học định tính và định lượng trên phạm vi 8 tỉnh/thành phố đại diện cho toàn quốc đã mang lại sự hiểu biết tương đối toàn diện, có hệ thống cả trên phương diện lý luận và thực tiễn về văn hóa ứng xử của người Việt Nam hiện nay trong KGCC cũng như giúp chúng ta có thể hiểu được mức độ cân bằng và hài hòa của người Việt Nam trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay của đất nước. Đặc biệt, lần đầu tiên, nhóm nghiên cứu Đề tài đã viết được một công thức toán học vi phân tích phân để mô hình hóa các điều kiện lý thuyết cần bằng tổng thể ứng xử của con người trong xã hội.
Phần lớn các thành viên Hội đồng đều đánh giá cao ý nghĩa của Đề tài về lối ứng xử văn hóa trong không KGCC ở nước ta hiện nay cũng như khái quát phần lớn nhiều vấn đề, nội dung liên quan. Tuy nhiên, GS.TS. Phạm Hồng Tung (thành viên Hội đồng) cho rằng, Đề tài cần tiếp tục bổ sung thêm việc tiếp cận văn hóa, hành vi ứng xử của con người giữa văn hóa đô thị và văn hóa nông thôn, đồng thời phân loại KGCC phù hợp trước xu thế cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (giữa không gian ảo và không gian thực) cũng như tác động của con người giữa hành vi “online” và “offline”.
Cũng theo GS.TS. Đặng Cảnh Khanh (thành viên Hội đồng), ngoài tiếp tục làm rõ việc tiếp cận của con người với lối ứng xử KGCC truyền thống hiện nay, cần xác định các chuẩn mực trong việc ứng xử và quản lý nhằm hạn chế tối đa quan niệm “phép vua thua lệ làng”. Đồng thời, phân tích sâu hơn nữa theo lăng kính triết học khi con người tham gia vào KGCC với tư cách là khách hàng hay là chủ sở hữu KGCC.
Đồng quan điểm với ý kiến trên, GS.TS. Phạm Văn Đức (Chủ tịch Hội đồng) nhấn mạnh, mặc dù là một đề tài rộng và khó, tuy nhiên nhóm nghiên cứu đã khéo léo khuôn vấn đề vào ba loại hình KGCC một cách hợp lý, thiết kế nghiên cứu logic và triển khai nghiên cứu một cách bài bản để đạt được kết quả Xuất sắc là một thành công lớn. Đồng thời, Đề tài này cũng mở ra một hướng nghiên cứu mới về ứng xử của con người Việt Nam trong KGCC ảo và sự tương tác giữa giữa KGCC thực và KGCC ảo hiện nay.
Bài, ảnh: Tần Quỳnh