Đề tài “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp nhằm ổn định sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân trên đất lâm nghiệp ở Tây Nguyên” mã số ĐTĐL.CN-01/20 do PGS.TS. Trần Quang Bảo làm chủ nhiệm, tổ chức chủ trì là Trường Đại học Lâm nghiệp với mục tiêu xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn đề xuất chính sách và giải pháp nhằm ổn định sản xuất nông nghiệp, đời sống của người dân trên đất lâm nghiệp vùng Tây Nguyên.
Thông tin từ Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên mới đây về Báo cáo kết quả tự đánh giá nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia Đề tài trên cho biết, thời gian thực hiện đề tài từ tháng 3/2020 đến tháng 02/2022. Đề tài có những đóng góp mới đó là đánh giá được thực trạng sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp vùng Tây Nguyên. Hiện trạng sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp đã được điều tra, đánh giá theo từng loại rừng (đặc dụng, phòng hộ và sản xuất). Việc xác định rõ hiện trạng sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp theo từng loại rừng đã cung cấp thông tin chính xác về vị trí, quy mô diện tích, cơ cấu cây trồng nông nghiệp chính và chủ quản lý, sử dụng đất (có bộ cơ sở dữ liệu và bản đồ kèm theo). Bên cạnh đó, còn đánh giá được thực trạng các mô hình sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp, hiệu quả kinh tế xã hội và môi trường của các mô hình, kết quả này góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với diện tích sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp ở Tây Nguyên.
Đề tài đã phân tích được ảnh hưởng của những nhân tố chủ yếu đến sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp của người dân ở Tây Nguyên. Ảnh hưởng của các nhân tố chủ yếu đến sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp của người dân ở Tây Nguyên đã được nghiên cứu cho từng loại đất rừng (đặc dụng, phòng hộ, sản xuất), kết quả này góp phần xác định các giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp và ổn định đời sống của người dân trên đất lâm nghiệp ở Tây Nguyên.
Thông qua đề tài đã xác định được các quan điểm và hệ thống giải pháp bao gồm: Giải pháp về: quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp, đất đai và sử dụng đất lâm nghiệp bền vững, ổn định dân cư, sinh kế gắn với bảo vệ và phát triển rừng cho cộng đồng dân cư sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp, phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ và phát triển rừng bền vững, hỗ trợ thị trường, tiêu thụ sản phẩn từ sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp. Cùng với đó là đề xuất cơ chế, chính sách trước mắt và lâu dài nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp và ổn định đời sống người dân trên đất lâm nghiệp.
Về hiệu quả kinh tế, từ những quan điểm, định hướng, giải pháp và chính sách được đề xuất từ kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ tạo ra động lực mới khuyến khích các đối tượng khác nhau tham gia quả lý sử dụng đất lâm nghiệp, quản lý sử dụng rừng một cách bền vững và hiệu quả. Đồng thời tạo ra cơ chế để các bên liên quan đến sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp tích cực quản lý và sử dụng một cách bền vững và hiệu quả. Các kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương, các chủ rừng, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng…. có cơ sở pháp lý phù hợp để ổn định sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân trên đất lâm nghiệp ở Tây Nguyên. Việc áp dụng các kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ góp phần không nhỏ nâng cao hiệu quả quản lý tổng hợp đất lâm nghiệp, phát triển bền vững rừng và nâng cao đời sống kinh tế của người dân ở các địa phương ở vùng Tây Nguyên.
Về hiệu quả xã hội, việc xác định được những giải pháp chính sách nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp và ổn định đời sống người dân trên đất lâm ng hiệp ở vùng Tây Nguyên của đề tài có ý nghĩa quan trọng cho cách tiếp cận quản lý sử dụng đất, rừng theo hướng đồng quản lý, trong đó đặc biệt chú ý huy động sự tham gia của người dân, cộng đồng và các tổ chức xã hội dân sự trong quản lý, bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp nhằm giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo vệ và phát triển rừng với giải quyết các vấn đề và sinh kế, ổn định đời sống của người dân trên đất lâm nghiệp ở Tây Nguyên.
Về hiệu quả môi trường, các giải pháp của đề tài hướng đến quản lý rừng, đất lâm nghiệp một cách bền vững, đồng thời huy động được người dân, đặc biệt là người dân hiện đang sản xuất nông nghiệp lâm nghiệp tham gia thực hiện bảo vệ rừng và phục hồi rừng trên diện tích đang sản xuất nông nghiệp từ đó góp phần nâng cao độ che phủ rừng, tăng cường khả năng hấp thụ các bon của rừng và giảm tác động của biến đổi khí hậu.
Tin: PV
(Ảnh minh họa, nguồn: internet)