Xu hướng phát triển ứng dụng công nghệ giao thông thông minh (ITS) là xu hướng tất yếu đối với các nước trên thế giới, Việt Nam cũng đang trong trào lưu đó. Tuy nhiên, do hạn chế về kinh tế - xã hội, trình độ KH&CN, ITS tại Việt Nam chưa cao, các ứng dụng thực tế của ITS được triển khai chưa nhiều.
Xu hướng tất yếu
Viện Ứng dụng Công nghệ đã tổ chức Hội thảo các giải pháp công nghệ nâng cao năng lực vận hành Hệ thống giao thông tại Việt Nam vào ngày 26/6 nhằm giới thiệu một số thông tin về xu hướng phát triển công nghệ ITS, những chính sách liên quan đến ITS của Nhật Bản; ứng dụng công nghệ ITS trong quá trình phát triển mạng lưới giao thông vận tải tại Việt Nam.
Hội thảo có sự tham gia của đại diện lãnh đạo một số đơn vị của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giao thông Vận tải và chuyên gia của Nhật Bản đến từ Đại học Tổng hợp Tokyo, Bộ Giao thông Cơ sở hạ tầng đất đai, Dự án JICA…
Hệ thống ITS có mặt tại Việt Nam vài năm nay và đến nay không còn xa lạ đối với cộng đồng, các nhà khoa học Việt Nam. Hiện nay, xu hướng phát triển ứng dụng ITS là xu hướng tất yếu đối với các nước trên thế giới, Việt Nam cũng đang trong trào lưu đó. Tuy nhiên, do hạn chế về kinh tế - xã hội, trình độ KH&CN, ITS tại Việt Nam chưa cao, các ứng dụng thực tế của ITS được triển khai chưa nhiều.
Hội thảo thu hút sự tham gia của chuyên gia trong nước và quốc tế (Ảnh: Ngũ Hiệp)
Do vậy, các tổ chức KH&CN nghiên cứu về ITS tại Việt Nam trong đó có Viện Ứng dụng Công nghệ đã xác định cần phải nỗ lực nhiều hơn trong nghiên cứu để tìm ra giải pháp ứng dụng ITS thực tế tại Việt Nam. Viện Ứng dụng Công nghệ xác định nghiên cứu về ứng dụng ITS tại Việt Nam là một trong những định hướng được ưu tiên phát triển.
GS.TS. Lê Hùng Lân Viện trưởng Viện Ứng dụng Công nghệ cho biết, hiện Viện Ứng dụng Công nghệ đang thực hiện hai nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia về ứng dụng ITS đó là: nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hệ thống hỗ trợ lái xe khách an toàn và hợp tác song phương với Tập đoàn SUMITOMO của Nhật Bản về nhận dạng các tham số giao thông đô thị bằng xử lý ảnh.
Trong quá trình nghiên cứu Viện Ứng dụng Công nghệ xác định Nhật Bản là nước có hệ thống ITS phát triển nhất thế giới làm đối tác chính để trao đổi hợp tác và học hỏi kinh nghiệm.
Chia sẻ về định hướng, quá trình phát triển ITS tại Việt Nam, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ KH&CN, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, trong hệ thống đường bộ Việt Nam ITS chủ yếu phát triển đối với đường cao tốc trên diện rộng từ Bắc – Trung – Nam. Trong giai đoạn 2010-2015 Bộ Giao thông Vận tải sẽ hợp nhất, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn ưu tiên đối với ITS. Song song với đó là thiết lập, đưa vào vận hành hệ thống kiểm soát xe, thu phí điện tử, giám sát hành trình cho xe tải, xe khách. Cùng với đó là xây dựng hệ thống giám sát điều khiển giao thông thông qua các dự án thành phần. Tiếp đó giai đoạn 2015-2020, Bộ Giao thông Vận tải sẽ triển khai nâng cấp một số dịch vụ trên đường cho hệ thống ITS, hệ thống hỗ trợ thông tin xe khách liên tỉnh và các tuyến xe buýt nội đô. Giai đoạn 2020-2030 là phát triển một số dịch vụ khác phù hợp với thực tế.
JICA đã hỗ trợ Bộ Giao thông Vận tải trong nghiên cứu cơ bản phát triển ITS. Các tiêu chuẩn hóa ITS xây dựng từ 2013. Vấn đề cốt lõi của tiêu chuẩn hóa là tiêu chuẩn chức năng của hệ thống. Dự kiến tháng 7/2015 sẽ ban hành 4 tiêu chuẩn ITS. Hiện ITS đã được triển khai tại một số tuyến đường như Pháp Vân – Cầu Giẽ và Cầu Giẽ - Ninh Bình. Hệ thống kiểm soát tải trọng xe được triển khai trên 63 tỉnh thành. Về thu phí điện tử, Việt Nam đã áp dụng một số công nghệ như DSRC, RFID, công nghệ thiết bị định vị giám sát hành trình xe…
Cần có chính sách phù hợp
Tại Hội thảo, ông Oguchi Takashi, Đại học Tổng hợp Tokyo cho biết hiện Đại học Tổng hợp Tokyo đã liên kết, hợp tác với một số viện nghiên cứu ở một số nước và mong muốn thời gian tới hợp tác với Viện Ứng dụng Công nghệ. Giới thiệu về hoạt động của đơn vị mình, ông Oguchi Takashi cho biết, Đại học Tổng hợp Tokyo đã nghiên cứu ITS từ năm 2003. Hiện có 70 nhà khoa học, Giáo sư trong cả nước tiến hành nghiên cứu ITS. Đại học Tokyo đang triển khai một số hoạt động chính gồm tổ chức hội thảo về ITS; tổ chức các khóa học cho cán bộ tại các doanh nghiệp; mở lớp học cho học sinh, sinh viên…Tính đến nay, Đại học Tokyo đã đào tạo nguồn nhân lực ITS cho hơn 16 quốc gia đang phát triển.
Ông Hideyuki Kanoshima, Bộ Giao thông Cơ sở hạ tầng đất đai cho rằng cần làm thế nào để người dân, doanh nghiệp thấy được ITS đem lại hiệu quả thực sự đối với đời sống. Trên thực tế triển khai nhiều dự án, kinh nghiệm cho thấy có ba hệ thống giao thông đem lại hiệu quả đó là: hệ thống dẫn đường, hệ thống truyền phát thông tin tự động trên đường cao tốc và hệ thống thu phí tự động.
Đưa ra gợi ý phát triển hệ thống ITS tại Việt Nam, ông Hideyuki Kanoshima cho biết cần phải phân loại rõ các định nghĩa, khái niệm áp dụng ITS tại Việt Nam dùng cho lĩnh vực nào, để làm gì? Trên cơ sở đó đưa ra những chính sách và chiến lược phù hợp. Cần có sự hợp tác của các đơn vị có liên quan như Bộ KH&CN, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công an, Viện nghiên cứu, khu vực doanh nghiệp tư nhân. Đặc biệt, cần có sự tham gia trực tiếp của lãnh đạo cấp cao để đảm bảo cho việc thống nhất chính sách của nhà nước đến việc thực hiện trên toàn quốc. Vì ITS là lĩnh vực mới đòi hỏi nhân lực có trình độ khoa học kỹ thuật cao nên cần đảm bảo nguồn nhân lực.
Lê Hà