Tiềm lực KH&CN Thứ ba, 07/05/2024 , 09:46 am
Cập nhật : 24/12/2021 , 16:12(GMT +7)
Giải pháp công nghệ và vật liệu tiên tiến trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững
Toàn cảnh Hội thảo
Hội thảo khoa học “Các giải pháp công nghệ và vật liệu tiên tiến trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững” diễn ra ngày 21/12//2021 tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội đã quy tụ nhiều nhà khoa học uy tín trong và ngoài nước về lĩnh vực vật liệu và công nghệ tiên tiến trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Hội thảo do Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, trực tiếp là nhóm nghiên cứu mạnh về Vật liệu tiên tiến trong Bảo vệ môi trường và Phát triển xanh cùng với Trường Đại học Quy Nhơn phối hợp tổ chức. Hội thảo nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, trao đổi, nhấn mạnh những tiến bộ trong lĩnh vực bảo vệ, xử lý môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn. Thông qua Hội thảo khoa học góp phần củng cố, xác lập các hướng nghiên cứu cập nhật có hiệu quả của Phòng thí nghiệm trọng điểm Vật liệu tiên tiến Ứng dụng trong Phát triển xanh, nâng cao trình độ cán bộ và mở rộng liên kết quốc tế của Phòng thí nghiệm trong đào tạo và nghiên cứu.

Tham dự Hội thảo có đại diện: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Quy Nhơn, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Đặc biệt, Hội thảo có sự tham dự của ông Nhâm Hải Hưng, Tổng Lãnh sự nước CHXHCN Việt Nam tại Thượng Hải, Trung Quốc. 

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Trần Quốc Bình, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đánh giá cao tính thực tiễn của chủ đề hội thảo lần này. Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra nhanh chóng tại Việt Nam đã dẫn tới nhiều hệ lụy về môi trường, đe dọa tới mục tiêu phát triển bền vững. Vì vậy, hội thảo là cơ hội để các nhà khoa học trao đổi, chia sẻ những thông tin giá trị cho việc đối phó với những thách thức trong các vấn đề môi trường và đóng góp vào tương lai xanh của đất nước.

Tham dự hội thảo lần này có sự hợp tác giữa các nhà khoa học tới từ Việt Nam, Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. PGS.TS. Trần Quốc Bình đánh giá cao mối quan hệ, hợp tác chặt chẽ giữa các nhà khoa học, tổ chức và các trường đại học. PGS.TS. Trần Quốc Bình hy vọng hội thảo sẽ là tiền đề trở thành sự kiện thường niên trong tương lai.

Các nghiên cứu được trình bày tại hội thảo tập trung vào 2 hướng chính: Phát triển các vật liệu tiên tiến, vật liệu thế hệ mới, ứng dụng trong xử lý các đối tượng ô nhiễm môi trường và hóa học xanh; Các công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, ứng dụng trong cải tạo môi trường và phát triển xanh.

Các đại biểu tham dự trực tiếp tại buổi Hội thảo

Theo đó, các nhà khoa học đến từ Viện nghiên cứu cao cấp Thượng Hải và Trường Đại học Tokyo đã giới thiệu các nghiên cứu về ứng dụng của siêu bọt khí nano và công nghệ bong bóng siêu mịn. Cụ thể là các ứng dụng của siêu bọt khí nano (nanobubbles) trong nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản; khả năng kích thích sự nảy mầm của hạt giống khi sử dụng công nghệ bong bóng siêu mịn (UFB). 

Bên cạnh đó, các báo cáo tham luận tại Hội thảo cũng đã đề cập tới thông tin: về các loại vật liệu thế hệ mới được ứng dụng làm chất xúc tác cho quá trình sản xuất H2 hay làm điện cực cho pin Lithium ion và các quá trình hoá học và công nghiệp xanh đã được đề cập tới; kỹ thuật nitơ xen kẽ tiềm năng để chế tạo các khoảng trống oxy nhằm tạo ra chất xúc tác oxy hóa dựa trên nitơ pha tạp mangan; phương pháp tổng hợp vật liệu tổng hợp MS2/g-C3N4 (M = Mo, Sn và W) làm điện cực dương cho pin lithium-ion với dung lượng pin được nâng cao hơn; vật liệu quang xúc tác thế hệ mới (hệ vật liệu quang xúc tác dạng Z N,C,S-TiO2/WO3/rGO) với hoạt tính quang xúc tác vượt trội trong vùng ánh sáng khả kiến, ứng dụng trong phân hủy phẩm màu DB71.

Một số kết quả nổi bật của đề tài khoa học và công nghệ cấp Quốc gia thuộc chương trình: “Khoa học và công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và môi trường giai đoạn 2016-2020” do GS.TS. Nguyễn Văn Nội - Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm Vật liệu tiên tiến Ứng dụng trong Phát triển xanh chủ trì đã được trình bày tại Hội thảo. Bài trình bày tập trung giới thiệu về tổ hợp các giải pháp khoa học và công nghệ đã được áp dụng nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính và nâng cao khả năng chống chịu biến đổi khí hậu (BĐKH) trong 02 mô hình trình diễn thí điểm tại xã Lam Điền (Chương Mỹ, Hà Nội) và xã Hải Đông (Hải Hậu, Nam Định). Với mục tiêu chuyển hoá chính những thách thức về môi trường, hoạt động sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp tại địa phương thành cơ hội phát triển, chống chịu với biến đổi khí hậu. Các giải pháp trong mô hình chú trọng vào tuần hoàn chất thải, phụ phẩm nông nghiệp và nước thải. Bên cạnh đó, các hoạt động nâng cao nhận thức người dân địa phương về mô hình cộng đồng cacbon thấp, chống chịu cao cũng như cách thức thực hiện các giải pháp kĩ thuật cũng đã được thực hiện thông qua các đợt hội thảo, tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ, người dân, học sinh các trường học tại địa phương. Thông qua việc triển khai mô hình trình diễn đã giúp cho người dân địa phương hiểu được một cách trực quan về các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính và tăng khả năng chống chịu với BĐKH.

Phòng thí nghiệm trọng điểm Vật liệu tiên tiến Ứng dụng trong Phát triển xanh được thành lập ngày 13/8/2015 với nhiệm vụ chính là:

-Tập trung vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển để tạo ra các sản phẩm khoa học và công nghệ chủ lực, mang thương hiệu ĐHQGHN, thể hiện trách nhiệm quốc gia, tham gia giải quyết các vấn đề quan trọng trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của đất nước.

-Góp phần phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và hoàn thiện Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ của ĐHQGHN giai đoạn 2021 - 2030.

Các lĩnh vực nghiên cứu chủ yếu bao gồm:

-Phát triển vật liệu quang xúc tác cấu trúc nano và vật liệu tổng hợp nano cho các ứng dụng môi trường.

-Phát triển các vật liệu tiên tiến cho tăng trưởng xanh (hấp thụ CO2, tách nước,...)

-Phát triển các vật liệu đa chức năng để kiểm soát chất lượng môi trường, công nghiệp xanh và nông nghiệp thông minh.

-Phát triển các chất hấp phụ thân thiện với môi trường từ chất thải nông nghiệp, khoáng chất tự nhiên,... để xử lý môi trường và hấp thụ CO2.

-Giám sát môi trường và đánh giá rủi ro.

-Phát triển quản lý và tái chế chất thải bền vững theo hướng kinh tế tuần hoàn để xử lý ô nhiễm môi trường và tận dụng làm nguyên liệu cải tạo đất.

-Ứng dụng công nghệ tiên tiến và hệ thống tích hợp xử lý môi trường.

Tin, ảnh: Bảo Chi và CTV


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner