Tiềm lực KH&CN Thứ sáu, 29/03/2024 , 05:47 am
Cập nhật : 06/05/2019 , 10:05(GMT +7)
Gặp nhà khoa học Việt có hơn 100 công bố quốc tế trong lĩnh vực Cơ học
PGS.TSKH. Phạm Đức Chính
Dành trọn cả tuổi thanh xuân theo đuổi nghiên cứu khoa học, dám chấp nhận và vượt qua mọi gập ghềnh trên con đường nghiên cứu khoa học. Say với nghiên cứu khoa học đến mức ngay cả khi được đề bạt chức vụ ông cũng đã từ chối và đến “39 tuổi” mới lập gia đình. Tính đến nay đã ở tuổi ngoài 60, người con gốc Thành Nam đã có hơn 100 công bố quốc tế ISI trong lĩnh vực Cơ học.

Đó là PGS.TSKH. Phạm Đức Chính, Viện Cơ học. Với công trình "Consistent limited kinematic hardening plasticity theory and path-independent shake-down theorems", PGS.TSKH. Phạm Đức Chính là một trong ba nhà khoa học đã được Hội đồng Giải thưởng đề xuất trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2019. Đây là Giải thưởng vinh danh những nhà khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, có những công trình nghiên cứu xứng tầm thế giới. 

Kiên trì theo đuổi nghiên cứu khoa học

Dưới nắng Tháng Tư thanh khiết, dịu ngọt, tôi đến Viện Cơ học, nơi PGS.TSKH. Phạm Đức Chính làm việc. Ấn tượng để lại trong tôi lần đầu tiên gặp ông là một người khá giản dị, gần gũi, nhưng khi nói về lĩnh vực khoa học mình nghiên cứu rất sắc bén và quyết liệt. 

PGS.TSKH. Phạm Đức Chính bồi hồi nhớ lại về thời kỳ làm khoa học đầu tiên, viết những bài báo đầu tiên, đó là thời điểm 2 năm cuối ông học ở Liên Xô (1980-1981, Đại học Belarus-Minsk). khi ấy còn là sinh viên. Ông đã công bố được vài bài báo đăng tập san khoa học, viết chung cùng thầy hướng dẫn của mình về dao động và ổn định của các kết cấu mỏng.

Thế rồi đến khi về Việt Nam, vấn đề khó khăn ông gặp phải là rất thiếu thông tin phục vụ cho công việc nghiên cứu của mình. Nhiều Chủ Nhật là ông lại tranh thủ đến cơ quan mượn máy chữ của phòng kế toán, tài vụ để viết những bài báo quốc tế. Nhưng mà chỉ là để chỉ gõ chữ thôi, còn các công thức thì lại viết bằng tay, rồi gửi bài báo đi theo đường bưu điện. Ông phải dựa vào địa chỉ in trên các tạp chí tiếng Anh cũ (cho tới khoảng năm 1977 do Trung Quốc in không bản quyền gửi tặng thư viện Việt Nam) để gửi bài báo đi (bắt đầu từ khoảng cuối những năm 80). 

“Bài đầu tiên tôi gửi tới một tạp chí đầu bảng rất khó đăng của Anh và mấy tháng sau nhận được hồi đáp với nội dung là: bài báo đã đến nơi nhưng tạp chí đã chuyển đi nơi khác. Nhưng thật may sao, họ rất tử tế chuyển bài báo giúp tôi tới địa chỉ mới của tạp chí. Cả 5 bài đầu tiên gửi đi đều bị từ chối và họ có gửi phản hồi rằng: một là bài viết đánh máy trên giấy than quá mờ, chữ khó đọc; hai là tiếng Anh thì kém và ba là tác giả thiếu thông tin những kết quả mới nhất trong lĩnh vực của mình”, tuy có một số ý tưởng riêng, PGS.TSKH. Phạm Đức chính nhớ lại.

“Sau đó, có người (chắc là một trong các phản biện) gửi cho tôi nhiều bài báo mới giúp tôi cập nhật thông tin trong lĩnh vực”, PGS.TSKH. Phạm Đức Chính bày tỏ. 

PGS.TSKH. Phạm Đức Chính chia sẻ, vì muốn dành trọn thời gian cho nghiên cứu khoa học nên đã có thời điểm ông đã không dám nhận chức vụ trưởng phòng khi được Viện Cơ học đề bạt. Mãi đến khi quy trình xét duyệt và cấp kinh phí cho các công trình nghiên cứu cơ bản của Bộ Khoa học và Công nghệ theo chuẩn quốc tế được thông qua thì ông mới tập hợp cán bộ nghiên cứu trong và ngoài Viện, chọn ra những đề tài nghiêm túc, lập ra một phòng chuyên môn để tất cả cùng làm và chỉ làm trưởng phòng trong 5 năm cuối trước khi hết tuổi quản lý.

NAFOSTED tạo sức hút cho các nhà khoa học

Sự đam mê nghiên cứu khoa học trong ông đã truyền lửa cho thế hệ trẻ tiếp nối. Đặc biệt, nhờ có Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia (NAFOSTED), ngọn lửa đam mê nghiên cứu khoa học đã được thổi bùng lên khi có được nhiều bạn trẻ cùng tham gia nghiên cứu với ông. 

PGS.TSKH. Phạm Đức Chính cho biết, NAFOSTED đã góp phần khuyến khích cả những người trước kia bỏ rơi nghiên cứu giờ quay trở lại nghiên cứu khoa học. Nhờ có Quỹ mà chúng ta đã thu hút được nhiều bạn trẻ ở nước ngoài về nước tham gia vào công tác nghiên cứu khoa học thậm chí một số người lớn tuổi hơn cũng trở lại nghiên cứu khoa học và thành công trong công bố quốc tế.

Với hoạt động đầu tư cho khoa học cơ bản của NAFOSTED, cơ học tính toán có đề tài được tài trợ nhiều nhất, số lượng nhà nghiên cứu tham gia đông đảo nhất và công bố cũng áp đảo trong ngành cơ học. Nghiên cứu trong lĩnh vực cơ học đã có một số thành tựu đáng ghi nhận nhưng chủ yếu mới quy tụ ở các nhà nghiên cứu thuộc Viện Cơ học (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) và các trường đại học còn các viện nghiên cứu chuyên ngành như Viện KH&KT Xây dựng, Viện KH&KT Giao thông vận tải, Viện thiết kế và chế tạo tàu thủy, Viện Cơ khí… với những nghiệm vụ nghiên cứu gắn với ứng dụng thì số lượng công bố quốc tế rất ít dù ở những viện này có không ít tiến sĩ trẻ được đào tạo bài bản ở nước ngoài về và từng có công bố quốc tế.  

Nói về ý nghĩa của công trình “Consistent limited kinematic hardening plasticity theory and path-independent shake-down theorems”, PGS.TSKH. Phạm Đức Chính cho biết, lý thuyết dẻo tái bền động học giới hạn đã được xây dựng hoàn chỉnh, với 4 giả thiết xuất phát cơ bản: Giả thiết hao tán dẻo tối đa; Giả thiết tái bền ổn định mạnh; Giả thiết hysteresis dương; Giả thiết Bauschinger đa chiều. Các giả thiết này bao hàm rộng các quy luật dẻo tái bền phi tuyến của các vật liệu thực, vốn phụ thuộc vật liệu cụ thể, nói chung là không xác định duy nhất và thường phụ thuộc phức tạp vào đường đặt tải.

Với các giả thiết nêu trên, các định lý thích nghi động và tĩnh đã được xây dựng và chứng minh, cho phép xác định vùng biên cho các ngoại lực, mà với bất kỳ lịch sử đặt tải nào nằm trong phạm vi đó – kết cấu sẽ an toàn (thích nghi); ngược lại khi vùng biên tải trọng bị vi phạm một hay nhiều lần – kết cấu sẽ mất khả năng chịu lực (hỏng dẻo) do hỏng dẻo tức thời, biến dạng dẻo tăng dần, hay biến dạng dẻo lặp lại (mỏi). Các định lý cũng cho phép xác định dạng hỏng dẻo cụ thể khi kết cấu mất khả năng chịu lực.

Các định lý thích nghi dẫn tới các bài toán tối ưu quy hoạch phi tuyến đặc thù, mở ra cánh cửa cho phát triển các phương pháp số thích hợp để giải quyết các vấn đề ứng dụng ứng với các lớp kết cấu - vật liệu chịu lực cụ thể.

Công trình cũng đã lý giải và xử lý được cội nguồn của một số mâu thuẫn xảy ra khi các đồng nghiệp trong lĩnh vực áp dụng tính toán thích nghi-hỏng dẻo cho vật thể đàn dẻo tái bền trong một số bài toán cụ thể - được nêu ra.

PGS.TSKH. Phạm Đức Chính đang say sưa nói về nghiên cứu của mình

Khuyến khích mọi ngành nghiên cứu hướng đến trình độ quốc tế

Chia sẻ về những đóng góp của công trình tham gia xét tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2019, PGS.TSKH. Phạm Đức Chính cho biết, thích nghi và hỏng dẻo kết cấu chịu lực” là một trong 2 hướng nghiên cứu chính của ông, đóng góp hơn ¼ trong tổng số hơn 100 công bố quốc tế ISI.

Trong số 4 giả thiết cơ bản nêu trên, thì  “Giả thiết hao tán dẻo tối đa” gắn liền với các tên tuổi lớn của Ngành Cơ học thế kỷ 20 như Hill, Drucker, và Prager; “Giả thiết hysteresis dương” được tác giả xây dựng trong một bài báo đăng năm 2007. Các “Giả thiết tái bền ổn định mạnh” và “Giả thiết Bauschinger đa chiều” lần đầu tiên được xây dựng trong công trình được đề cử nói trên.

Là chuyên gia hướng nghiên cứu “Thích nghi và hỏng dẻo kết cấu chịu lực”, ông đã được mời viết các Chương - Bài về lĩnh vực cho 2 Bộ sách “Bách khoa thư về mài mòn, ma sát, và bôi trơn” (Springer-New York, 2013), và “Bách khoa thư về Cơ học môi trường liên tục” (Springer-Berlin, Heidelberg, sẽ được xuất bản thời gian tới - riêng Chương - bài của PGS.TSKH. Phạm Đức Chính đã được duyệt và lên online). 

PGS.TSKH. Phạm Đức Chính bày tỏ niềm vinh dự khi được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt đề xuất trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2019. Giải thưởng Tạ Quang Bửu giúp khuyến khích ông và các đồng nghiệp trong ngành Cơ học. Vì Giải thưởng Tạ Quang Bửu là giải thưởng liên ngành, so sánh giữa các ngành rất khó. Làm sao để có thể so sánh giữa ngành này với ngành khác, giải thưởng Nobel cũng vậy, mỗi ngành có một đặc thù riêng. PGS.TSKH. Phạm Đức Chính mong muốn làm sao Giải thưởng khuyến khích được mọi ngành nghiên cứu hướng tới trình độ cao quốc tế. 

Giải thưởng Tạ Quang Bửu do Bộ KH&CN tổ chức hằng năm, bắt đầu từ năm 2014. Giải thưởng nhằm khích lệ và tôn vinh các nhà khoa học có kết quả công bố xuất sắc trong nghiên cứu cơ bản thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật; góp phần thúc đẩy nghiên cứu khoa học cơ bản nói riêng và khoa học công nghệ Việt Nam nói chung tiếp cận trình độ quốc tế... Năm 2019 là năm đầu tiên Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu đề xuất trao tặng nhà khoa học nữ và các nhà khoa học trong các lĩnh vực Y sinh Dược học và Cơ học.

Bài, ảnh: Hà Chi

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner