Sáng 21/2/2011, tại báo Đất Việt đã diễn ra buổi tọa đàm: “Gặp gỡ các tác giả đạt giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước về KH&CN” do Báo Đất Việt phối hợp với Bộ KH&CN tổ chức.
Giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước về KH&CN là một trong những giải thưởng cao nhất của Việt Nam, là sự công nhận, tôn vinh, khích lệ của nhà nước đối với những cống hiến của các nhà khoa học Việt Nam ở các lĩnh vực Khoa học tự nhiên; Khoa học xã hội và nhân văn; Khoa học kỹ thuật; Khoa học nông nghiệp; Khoa học Y-Dược. Để được trao giải thưởng, các tác phẩm, công trình nghiên cứu phải đạt tiêu chí đặc biệt xuất sắc, có giá trị cao về khoa học, ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống nhân dân, góp phần vào phát triển sự nghiệp nước nhà.
Hội đồng xét giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước về KH&CN năm 2010 đã lựa chọn được 32 công trình để trao giải, trong đó có 12 công trình được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và 20 công trình được trao tặng giải thưởng Nhà nước.
Khách mời tại buổi tọa đàm “Gặp gỡ các tác giả đạt giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước về KH&CN” gồm:
-Ông Chu Ngọc Anh, thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ
-Ông Trần Việt Hùng, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA)
-GS. NGND. Hà Minh Đức, đại diện giải thưởng Hồ Chí Minh (Lĩnh vực Khoa học xã hội)
-TS. Nguyễn Thị Ngọc Trâm, , tác giả cụm các công trình: Nghiên cứu về cây Trinh nữ Hoàng cung Việt Nam, đại diện giải thưởng Nhà nước (Lĩnh vực Khoa học Y- Dược).
Dưới đây là nội dung buổi tọa đàm.
-TBT Vũ Hữu Nghị: Trước hết xin Thứ trưởng Chu Ngọc Anh giới thiệu vài nét về giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước về KH&CN. Quá trình xem xét giải thưởng từ cấp liên ngành đến cấp nhà nuớc gặp những khó khăn và thuận lợi gì?
-Thứ trưởng Chu Ngọc Anh: Thưa đồng chí TBT, các giáo sư, khách mời, thay mặt Bộ KH&CN, tôi xin gửi lời cảm ơn trân trọng tới Báo Đất Việt đã tổ chức buổi tọa đàm này. Mới đây, được sự đồng ý của Chủ tich nước và Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&CN đã tổ chức Lễ trao Giải thưởng HCM và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN. Chủ tịch nước đã tới dự và trao tặng Giải thưởng cho các tác giả của các công trình, cụm công trình. Buổi tọa đàm hôm nay là cơ hội để chúng tôi cùng với các tác giả, cung cấp thêm thông tin. Đồng thời đây cũng là cơ hội để các giáo sư, tiến sỹ khách mời chia sẻ về công việc và các công trình cụ thể của mình với độc giả.
Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Bộ KH&CN đã phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành quá trình xét tặng và đề nghị trao tặng giải thưởng HCM và giải thưởng Nhà nước về KH&CN lần thứ 4. Về quy trình chúng tôi thực hiện theo đúng các quy định của Nhà nước, quá trình xét giải được tiến hành độc lập theo ba cấp: cấp cơ sở; cấp bộ, ngành, tỉnh, thành phố tương đương; và cấp nhà nước. Riêng ở cấp nhà nước tiến hành theo 2 bước: thứ nhất hội đồng giải thưởng chuyên ngành, thứ hai là hội đồng giải thưởng cấp nhà nước. Trong lần xét thưởng vừa rồi, chúng tôi đã tổ chức 12 hội đồng chuyên ngành trên cơ sở 5 lĩnh vực lớn là khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật, khoa học nông nhiệp và khoa học y-dược được tiến hành một cách hết sức nghiêm túc, khẩn trương, thận trọng, công tâm và khách quan ở tất cả các cấp hội đồng.
Về quá trình xét tặng giải thưởng, từ khi bắt đầu tiến hành cho đến khi trình kết quả lên Chủ tịch nước và được công nhận, ký các Quyết định 103/QĐ-CTN, Quyết định 104/QĐ-CTN của Chủ tịch nước về trao tặng Giải thưởng HCM và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN thì trong quá trình thực hiện cũng có nhiều yêu cầu chặt chẽ, đây là một quá trình lao động rất nghiêm túc và vất vả. Có nhiều công trình, cụm công trình có khối lượng tài liệu khổng lồ, có nhiều tác giả cùng tham gia; 02 trong số 32 công trình, cụm công trình có đồng tác giả là người nước ngoài đó là công trình “Tìm kiếm, phát hiện và khai thác có hiệu quả các thân dầu trong đá móng granitoit trước Đệ Tam bể Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam” có 5 đồng tác giả là người Nga trong đó 3 người đã tham gia Lế trao Giải thưởng ngày 18/02/2012 vừa rồi. Công trình “Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - Những chứng tích lịch sử” có GS. TS. Furuta Motoo người Nhật bản là đồng Chủ biên. Như vậy, việc làm sao xem xét theo đúng quy định của pháp luật để đảm bảo quyền lợi của các tác giả, đồng tác giả cũng là công việc đòi hỏi quá trình xử lý hồ sơ chặt chẽ, nghiêm túc của hội đồng các cấp.
Với nhiều công trình, cụm công trình có khối lượng đồ sộ, ví dụ Cụm công trình “Sự nghiệp văn học, báo chí Hồ Chí Minh và một số vấn đề lý luận, thực tiễn, văn hóa, văn nghệ Việt Nam” của Giáo sư Hà Minh Đức, việc phối hợp với bản thân tác giả và các Bộ, ngành liên quan để có được tên của cụm công trình có thể phản ánh đầy đủ, toàn diện, khách quan đóng góp của từng công trình, nhóm công trình cũng là một yêu cầu đặt ra đối với hội đồng các cấp, đặc biệt là đối với Nhà nước.
Với những công trình ứng dụng công nghệ có sáng tạo đặc biệt, rõ ràng việc đánh giá về mặt thực tế sao cho chính xác, khách quan những đóng góp cho sự phát triển ngành KH&CN nói riêng và cho sự phát triển kinh tế-xã hội nói chung đòi hỏi các cơ quan chức năng, hội đồng xét tặng giải thưởng các cấp cũng phải đi khảo sát, kiểm nghiệm thực tế. Trong nhiều trường hợp còn phải mời cả các chuyên gia độc lập tham gia và cộng tác đánh giá.
Có thể nói, qua trình xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN lần thứ 4 đã đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật, đã hoàn thành các đánh giá để kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước quyết định khen thưởng.
Nhân đây, tôi thay mặt Bộ KH&CN xin cám ơn các nhà khoa học, các nhà quản lý đã lao động hết sức nghiêm túc, công tâm, khách quan và rất có trách nhiệm để hoàn thành công tác xét tặng Giải thưởng lần này.
Về thuận lợi, đây là lần thứ 4 chúng ta xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN nhưng mới là lần đầu tiên chúng ta tiến hành khi đã có đầy đủ hành lang pháp lý. Cụ thể là Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết một số điều của luật thi đua khen thưởng và Thông tư số 14/2010/TT-BKHCN ngày 26/8/2010 của Bộ KH&CN quy định chi tiết tiêu chuẩn, quy trình và thủ tục xét tặng giải thưởng HCM và giải thưởng Nhà nước về KH&CN.
-TBT Vũ Hữu Nghị: Dường như những công trình đạt giải thưởng cao nhất về KH&CN của Việt Nam mới chỉ có tầm ảnh hưởng trong nước, chưa vượt ra ngoài biên giới quốc gia, chưa có tầm ảnh hưởng trong khu vực hay trên thế giới. Xin các vị khách mời cho biết đánh giá như vậy đã khách quan chưa? (Độc giả Ngọc Linh)
-TS Trần Việt Hùng: Trong các công trình, cụm công trình được giải Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước lần này, nhiều công trình đã có tác động hoặc đã khẳng định giá trị trình độ khoa học công nghệ của nước ta trong khu vực và trên thế giới. Ví dụ như công trình “Tìm kiếm phát hiện và khai thác có hiệu quả các thân dầu trong đá móng granitoit trước Đệ Tam bể Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam” của các tác giả thuộc Tập đoàn dầu khí quốc gia đã được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh. Cụm công trình này đã làm thay đổi các luận điểm khoa học địa chất, dầu khí, và tạo thành tiền lệ với việc ứng dụng trong khai thác dầu khí. Hay như công trình “Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam – Những chứng tích lịch sử” do GS. Văn Tạo chủ biên, GS.TS Furuta Motoo (đồng chủ biên đã thực sự được cả giới khoa học công nhận).
|
Các tác giả nhận đạt giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước về KH&CN năm 2010 tại Nhà hát lớn TP.HN. |
-TBT Vũ Hữu Nghị: Thưa TS. Nguyễn Thị Ngọc Trâm, tầm ảnh hưởng của công trình “Nghiên cứu về cây trinh nữ hoàng cung” của bà đã vượt ra khỏi biên giới Việt Nam hay chưa?
-TS. DS Nguyễn Thị Ngọc Trâm: Đây là sản phẩm đầu tiên ở Việt Nam được sản xuất từ thảo dược trong nước có hiệu quả cao trong điều trị bệnh u xơ tử cung, tuyến tiền liệt. Nghiên cứu có hiệu quả kinh tế xã hội lớn, góp phần bình ổn giá thuốc, giảm nhập khẩu thuốc, tiết kiệm ngoại tệ. Bên cạnh đó, sản phẩm còn có thể xuất khẩu được, tăng thu ngoại tệ. Đồng thời, công trình cũng tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động, nhất là vùng nông thôn.
Chúng tôi rất mong được Bộ KH&CN tiếp tục hỗ trợ để hoàn thiện công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng vùng nguyên liệu trinh nữ hoàng cung để sản phẩm có thể chiếm lĩnh được thị trường của nhiều nước trên thế giới.
-TBT Vũ Hữu Nghị: Bạn đọc Lê Văn Sỹ ở Công ty TNHH nghệ thuật Phương Nam, Mê Linh, Hà Nội, có hỏi: Thưa GS Hà Minh Đức, cụm công trình “Sự nghiệp văn học, báo chí Hồ Chí Minh và một số vấn đề lí luận, thực tiễn văn hóa, văn nghệ Việt Nam”được trao giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN năm 2010, trong đó nổi bật là công trình văn thơ và báo chí Hồ Chí Minh. Tại sao GS lại chọn nghiên cứu về văn thơ và báo chí của Người mà không phải là một tác gia khác?
GS Hà Minh Đức: Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị anh hùng của dân tộc, một danh nhân văn hóa thế giới.
Năm 1960 "Nhật kí trong tù" được xuất bản lần đầu tiên ở Việt Nam. Đây là cuốn sách đã gây ra một tiếng vang lớn, góp phần vào sự nghiệp thi ca Việt Nam . Tác phẩm này được Hồ Chí Minh viết ra trong một hoàn cảnh khó khăn. Khi tác phẩm được xuất bản những nhà văn, nhà thơ tiêu biểu nhất như GS Đặng Thai Mai, GS Hoài Thanh, nhà thơ Chế Lan Viên, nhà thơ Xuân Diệu đều có những bài ca ngợi rất sắc sảo. Mặt khác dư luận thế giới cũng rất quan tâm.
Có một nhà nghiên cứu nước ngoài cho rằng đây là cuốn sách hay nhất của Hồ Chí Minh .Theo tôi, nói hay nhất thì không phải nhưng chắc chắn đây là một trong những cuốn sách hay nhất trong nhiều cuốn sách hay nhất của Người.
Nói như thế để thấy vị trí của cuốn sách. Năm 1960 khi cuốn sách Nhật ký trong tù xuất bản tôi mới 25 tuổi chưa có điều kiện suy nghĩ gì. Mãi 15 năm sau tôi mới bắt đầu đi vào viết những khía cạnh nhỏ về Hồ Chí Minh .Từ đó tôi có ý định viết, theo nhiều bình diện.
-TBT Vũ Hữu Nghị: Bạn đọc Minh Anh, ở Cần Thơ cũng đặt một câu hỏi cho TS. DS Ngọc Trâm như sau: Là nhà khoa học nữ, bà đã gặp những khó khăn gì khi cân bằng giữa việc nhà, việc cơ quan và thời gian dành cho nghiên cứu?
-TS.DS Ngọc Trâm: Tôi luôn xác định rất rõ là có thành công trong công việc, thì không thể tránh được những khó khăn. Mỗi khi gặp phải vấn đề gì khó khăn, người đầu tiên tôi nghĩ đến đó là cha mình (cha tôi là GS.TS khoa học Nguyễn Văn Chương, nguyên Tổng biên tập Bách khoa toàn thư VN, là một nhà giáo), khi gặp khó khăn, ông thường bình tĩnh giải quyết từng vấn đề. Học tập bố, mỗi lần gặp khó khăn, tôi thường suy nghĩ và bình tĩnh giải quyết.
Khi tôi nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng viên thuốc Crila, có một nữ GS (giờ đã mất), từng nói với tôi, nếu việc nghiên cứu thành công, thì thuôc Crila (chữa ung thư tử cung) sẽ là loại thuốc đầu tiên chữa đươc căn bệnh này. Điều này thể hiện rằng vẫn còn có người chưa thực sự tin tưởng vào các công trình nghiên cứu dược liệu của Việt Nam, chưa thực sự tin tưởng vào các nhà khoa học của chúng ta. Tuy nhiên, tôi không vì thế mà nản bởi tôi có một cơ sở khoa học nghiên cứu chắc chắn.
Hiện nay, viên thuốc Crila đã được qua thử nghiệm lâm sàng, chữa u xơ thành công tới 89,18%, rất cao so với các loại thuốc trên thế giới.
|
TS.DS Nguyễn Thị Ngọc Trâm đang trả lời câu hỏi. (Ảnh: N.Y) |
Còn việc tôi làm thế nào để cân bằng giữa việc nhà và cơ quan ư, đàn ông hay hay phụ nữ cũng chỉ có 24h/ngày. Sở dĩ tôi có ngày hôm nay là do tôi biết sắp xếp thời gian của mình một cách khoa học. Tôi vẫn về nhà nấu cơm mỗi chiều, trong khi nấu cơm, rửa rau, trong đầu tôi vẫn nghĩ về công trình của mình.
Theo tôi, một nhà khoa học thành công là người luôn đam mê, biết tập trung cao độ. Một điều quan trọng nữa là sự hợp tác của các cộng sự có đức, có tài. Bên cạnh đó, với một nữ khoa học, sự ủng hộ của hậu phương cũng là một điều rất quan trọng.
-TBT Vũ Hữu Nghị: Bạn đọc Nguyễn Tiến Hoàng ở TP.HCM đặt câu hỏi cho Thứ trưởng Chu Ngọc Anh: Ông đánh giá như thế nào về giá trị khoa học và công nghệ của các công trình? Những công trình và cụm công trình đạt giải thưởng lần này có ý nghĩa như thế nào đối với nền Khoa học và công nghệ nói riêng và sự phát triển kinh tế xã hội nói chung?
-Thứ trưởng Chu Ngọc Anh: Nói chung là các công trình nhận được Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN phải đạt các tiêu chí và điều kiện mới có thể nhận giải; các công trình này phải có giá trị xuất sắc hoặc đặc biệt xuất sắc, có giá trị khoa học cao, có đóng góp to lớn cho đời sống của nhân dân, tác động tích cực đến đời sống xã hội, những công trình, cụm công trình được công nhận và trao Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN thể hiện sự tôn vinh khích lệ và động viên đối với các tác giả. Đồng thời cũng thể hiện sâu sắc sự quan tâm trực tiếp của Đảng, Nhà nước đối với hoạt động KH&CN, cộng đồng KH&CN, và bản thân cụm công trình, công trình với những đóng góp của nó cho công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Khi chúng ta xem xét ý nghĩa và đóng góp cho ngành KH&CN nói riêng và cho sự phát triển của đất nước nói chung theo quy định các công trình được chia làm ba loại. Đối với công trình nghiên cứu khoa học phải là những khám phá các quy luật của tự nhiên và xã hội, từ đó đem đến những chuyển biến quan trọng về nhận thức, thông qua đó có đóng góp tác động to lớn đối với kinh tế-xã hội. Các công trình nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ phải tạo ra được các giải pháp mới, giống mới, vật liệu mới, sản phẩm mới, từ đó đem lại tác động to lớn và hiệu quả đối với sự phát triển của bản thân nền khoa học và công nghệ cũng như đối với sự phát triển của các lĩnh vực kinh tế. Các công trình ứng dụng công nghệ có sáng tạo đặc biệt phải ứng dụng được các thành tựu KH&CN thành công và đặc biệt sáng tạo
Như vậy khi xem xét ở hội đồng các cấp và đặc biệt là trong thảo luận tại hội đồng cấp nhà nước để xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN, giá trị khoa học, công nghệ, thực tiễn đóng góp đối với phát triển kinh tế xã hội, đóng góp đối với khoa học công nghệ đã được làm rõ đối với từng công trình, cụm công trình. Đây cũng là cơ sở quan trọng để Hội đồng Giải thưởng cấp nhà nước báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét ký quyết định tặng giải thưởng HCM, giải thưởng Nhà nước đối với các công trình, cụm công trình.
Nói như vậy để thấy các ví dụ mà TS Trần Việt Hùng, GS Hà Minh Đức, TS Nguyễn Thị Ngọc Trâm đã trao đổi ở nhiều góc độ khác nhau đều có ý nghĩa về KH&CN nói riêng cũng như hiệu quả kinh tế xã hội nói chung được làm rõ thông qua các cấp. Có thể nói, giá trị đóng góp cụ thể đã được minh chứng rất rõ qua giá trị của các công trình, cụm công trình được trao tặng Giải thưởng.
-TBT Vũ Hữu Nghị: Độc giả Văn Bách ở Đà Nẵng có câu dành cho TS. Trần Việt Hùng như sau: Nhiều tri thức trẻ đươc đào tạo trong và ngoài nước chưa mặn mà với công việc nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu ở lĩnh vực khoa học cơ bản. Ông có đồng tình với đánh giá này không và chúng ta cần có biện pháp gì để khuyến khích họ?
-TS Trần Việt Hùng: Rõ ràng là các tri thức công nghệ trẻ hiện nay họ rất giỏi, họ được đào tạo tương đối bài bản. Nếu như trước đây chúng tôi chỉ được đào tạo ở trong nước hoặc đi học ở các nước xã hội chủ nghĩa thì bây giờ họ có thể đi học ở tất cả các nước có trình độ khoa học công nghệ cao nhất trên thế giới. Vì vậy nên việc thu hút lực lượng trẻ tham gia vào nghiên cứu khoa học và đóng góp cho sự phát triển nền KH&CN của nước nhà là rất quan trọng.
Mặc dù trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã có nhiều cơ chế chính sách thu hút lực lượng trẻ nhưng có thể do điều kiện sống của chúng ta cũng chưa được cao, trong khi đó, ở nước ngoài lại có cơ chế phù hợp, hấp dẫn hơn để thu hút chất xám của mình nên việc thu hút những đóng góp của lực lượng công nghệ trẻ đối với sự phát triển của đất nước vẫn còn hạn chế so với tiềm năng đang có trong đội ngũ này. Vấn đề là làm sao để tạo được cơ chế thích hợp để thu hút lực lượng tri thức trẻ, đây là một trong những nhiệm vụ của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam và chắc chắn Bộ KHCN cũng quan tâm tới vấn đề này.
Tôi nghĩ rằng, tri thức trẻ cũng phải thấy trách nhiệm của mình đối với đất nước. Đất nước mình được như ngày hôm nay cũng là nhờ sự hy sinh, phấn đấu của bao nhiêu thế hệ trước đây. Với kiến thức mình đã được học và đào tạo như vậy, có thể mang ra để đóng góp cho sự phát triển KH&CN cũng như sự xây dựng Tổ quốc.
-TBT Vũ Hữu Nghị: Bạn đọc Hoàng Linh, Q. Bình Thạnh, TP.HCM xin được hỏi TS. Nguyễn Thị Ngọc Trâm: Nghe nói, có nhiều loại cây trinh nữ hoàng cung khác nhau... Bà có thể cho biết chính xác loại cây trinh nữ hoàng cung nào dùng để trị bệnh? Tôi có thể dùng cây trinh nữ hoàng cung trồng ở ngoài để sắc nước và uống nhằm phòng trị một số bệnh phụ nữ không?
TS.DS Ngọc Trâm: Cây trinh nữ hoàng cung mà chúng tôi sử dụng để bào chế thuốc trị u xơ tử cung có tên khoa học là Crinum latifolium.
Theo tôi được biết, hiện có tới 7 loại cây trinh nữ hoàng cung hoàn toàn giống nhau, không thể phân biệt bằng mắt thường. Trong 7 cây này, có cây Náng hoa trắng, rất độc cho gan thận, cực kì nguy hiểm cho người bệnh. Vì thế, người bệnh nên thận trọng khi tự dùng cây trinh nữ hoàng cung để sắc lá uống.
-TBT Vũ Hữu Nghị: Bạn Lê Ngọc Hân ở ĐH Sư phạm TP. HCM xin được hỏi GS. Hà Minh Đức: Thưa Giáo sư, nghiên cứu về văn, thơ, báo chí Hồ Chí Minh đã khó mà để nghiên cứu thành công thì càng khó hơn. GS được đánh giá là một trong rất ít người nghiên cứu thành công về văn thơ, báo chí của Người. GS có thể cho biết, cái khó nhất trong nghiên cứu văn thơ, báo chí Hồ Chí Minh là gì? GS có nghĩ rằng, sẽ có một thế hệ trẻ khó tiếp cận được với văn chương HCM không ?
-GS Hà Minh Đức: Theo tôi nghiên cứu văn thơ, báo chí Hồ Chí Minh là một vấn đề rất khó. Trước tiên, những tư tưởng của Người thể hiện trong các tác phẩm ấy là những tư tưởng lớn, có tầm nhìn xa mà người nghiên cứu không dễ có thể tiếp cận và hiểu hết ngay lập tức được. Hơn nữa, văn thơ báo chí của Người thuộc dạng cổ, lại có số lượng lớn nên càng khó khăn hơn cho công việc nghiên cứu.
Ngoài ra, còn nhiều vấn đề khác. Ngay bản thân tôi chẳng hạn, sau khi viết xong 3 cuốn sách ấy, tôi lại tiếp tục viết một số bài khác như “Tác phẩm Hồ Chí Minh là thiên cẩm nang của cách mạng Việt Nam”. Đúng là cứ giở báo chí, tác phẩm của Người ra thì đúng là đó là tác phẩm của Người là thiên cẩm nang.
|
GS Hà Minh Đức. (Ảnh: N.Y) |
Tại một hội thảo ở Đà Nẵng với Đảng cộng sản và các chuyên gia Trung Quốc, bộ phận tuyên giáo và Đảng cộng sản Việt Nam có mời tôi viết một bài về Hồ Chí Minh. Tôi nhấn mạnh tư tưởng văn hóa đi trước của Bác. Có thể nói đây là một tư tưởng rất mới mẻ. Bác có nói một câu ngay từ năm 1946 là văn hóa soi đường cho quốc dân đi và năm 1947, Bác viết sửa đổi lối làm việc, đời sống mới đều nhấn mạnh vai trò của văn hóa trong tình trạng đất nước còn nhiều khó khăn.
Tư tưởng văn hóa đi trước của Người sau giờ đã trở thành soi đường cho toàn bộ quá trình phát triển văn hóa Việt Nam. Tôi thấy ở Bác có tầm nhìn xa mà những người có tầm nhìn gần như chúng tôi rất khó mà có thể đoán định.
Tôi thấy thế hệ trẻ hôm nay thực sự có nhiều điều kiện để nghiên cứu.
-TBT Vũ Hữu Nghị: Từ những công trình đạt giải thưởng nhà nước và giải thưởng Hồ Chí Minh về KHCN lần này, nhà nước ta có chính sách gì để tạo điều kiện cho các nhà khoa học trong việc nghiên cứu và đóng góp cho nền khoa học công nghệ quốc gia? (Báo Tin tức)
-Thứ trưởng Chu Ngọc Anh: Đầu tiên phải nói các điều kiện và tiêu chí đặt ra rất cao và nghiêm ngặt đối với 2 giải thưởng là Giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước về KH&CN. Đó là những công trình, cụm công trình KH&CN xuất sắc và đặc biệt xuất sắc, có giá trị cao về KH&CN, có tác động to lớn và lâu dài trong đời sống nhân dân, góp phần quan trọng và thiết thực phục vụ sự nghiệp phát triển KH&CN và sự nghiệp phát triển kinh tế, an ninh-quốc phòng của đất nước. Bên cạnh những yêu cầu trên, đòi hỏi các công trình phải được công bố rộng rãi cho đến ngày nộp hồ sơ xét giải là tối thiểu 3 năm.
Thứ hai, liên quan đến sự quan tâm của việc tăng cường ứng dụng các kết quả vào đời sống xã hội hiện nay, Bộ cũng chủ động tham mưu với Chính phủ trong giai đoạn mới này tập trung đưa nhanh các kết quả nghiên cứu, chuyển giao nhanh các công nghệ vào ứng dụng xã hội thông qua nhiều hoạt động và giải pháp khác nhau. Độc giả có thể tìm hiểu thêm thông tin qua các chương trình quốc gia đên năm 2020 như Chương trình quốc gia nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam; Chương trình Sản phẩm quốc gia; Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia, Chương trình quốc gia phát triển công nghẹ cao. Ngoài ra, Bộ cũng tham mưu với Chính phủ chủ động mở rộng và điều chỉnh các kênh tài chính hỗ trợ thúc đẩy ứng dụng KH-CN như thông qua hệ thống các quỹ. Như các bạn đã biết thành công của Quỹ phát triển KH-CN quốc gia trong 3 năm qua đã tạo được tiếng vang trong cộng đồng KH-CN, góp phần trực tiếp vào việc số lượng bài báo, công trình khoa học được công bố trong nước và công bố quốc tế tăng gấp 2 lần so với giai đoạn 2001 - 2005 (trung bình 18%/năm), tập trung nhiều ở các lĩnh vực toán học, vật lý, khoa học vật liệu, sinh học phân tử, miễn dịch học - bệnh truyền nhiễm và y học nhiệt đới. Số lượng công bố quốc tế chỉ riêng trong 3 năm (2008-2010) đã tương đương với số lượng công bố quốc tế cả giai đoạn 10 năm (1995-2004) và gấp 3 lần Thái Lan, xét theo cùng thời điểm đạt mức thu nhập bình quân đầu người 1.000 USD. Bên cạnh đó, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia mới được Thủ tướng ký năm 2011 đang được khẩn trương triển khai thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đồng thời huy động nguồn lực sáng tạo từ khu vực các trường đại học và viện nghiên cứu, đẩy mạnh thương mại hóa các kết quả nghiên cứu để đưa vào ứng dụng.
Bên cạnh đó, từ góc độ cơ quan quản lý, thực hiện chỉ đao của Thủ tướng, Bộ đang khẩn trương hoàn thiện và trình Đề án Tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH-CN, trong đó tập trung vào các giải pháp: đổi mới cơ chế, chính sách đầu tư tài chính cho KH-CN; đổi mới cơ chế chính sách sử dụng và trọng dụng cán bộ KHCN; đổi mới phương thức tổ chức và thực hiện nhiệm vụ KHCN... Tất cả những đổi mới này đều nhằm đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào ứng dụng phục vụ phát triển kinh tế xã hội theo yêu cầu của Đảng và Chính phủ.
|
Các phóng viên báo Đât Việt đang tác nghiệp (Ảnh: N.Y) |
-TBT Vũ Hữu Nghị: Xin hỏi TS. Trần Việt Hùng. Ông nghĩ thế nào trước thực tế: Có nhiều nhà khoa học lớn của Việt Nam được thế giới công nhận ngay cả trong những lĩnh vực còn rất mới như nguyên tử, hạt cơ bản,… cùng với hàng chục vạn người được Nhà nước tạo điều kiện đi học tập, nghiên cứu về khoa học cơ bản ở các nước có nền khoa học phát triển,… nhưng những công trình nghiên cứu thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên của chúng ta vẫn chưa có sự phát triển tương xứng?
-TS Trần Việt Hùng: Có thể nói giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước về KH&CN trong mỗi thời kỳ đều đánh dấu bước phát triển của KH&CN nước nhà. Qua các giải thưởng như thế có thể thấy việc phát triển KH&CN của nước ta ngày càng đi lên. Tuy nhiên để đáp ứng được yêu cầu của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa như hiện nay thì vẫn còn có một số hạn chế. Điều đó nói lên rằng, đặc điểm lớn nhất của nước ta xây dựng một nước công nghiệp trên cơ sở một nước nông nghiệp lạc hậu. Vì vậy những nền tảng về cơ sở vật chất, đội ngũ KH&CN của chúng ta vẫn còn nhiều yếu kém so với yêu cầu đặt ra của sự phát triển bền vững của đất nước. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm nhiều đến yếu tố này thể hiện ở việc đưa ra nhiều cơ chế, chính sách như TS Chu Ngọc Anh, Thứ trưởng vừa nói để làm sao đẩy nhanh nghiên cứu đi vào ứng dụng trong sản xuất cũng như phát triển kinh tế xã hội.
Về phía LHH thông qua hoạt động tư vấn, phản biện cũng đã đưa ra nhiều đề xuất đóng góp vào chương trình chiến lược, chính sách để phát triển có chất lượng đội ngũ trí thức Việt Nam cũng như tạo điều kiện để trí thức Việt Nam đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
-TBT Vũ Hữu Nghị: Độc giả Nguyên Đường ở ĐHKHXH&NV TPHCM có hỏi GS. Hà Minh Đức: Tôi đọc một bài báo trên báo Đất Việt thấy GS có nói rằng, trong Cụm công trình văn thơ báo chí Hồ Chí Minh, nếu xét từng bài viết thì GS không bằng các bậc tiền bối như cố giáo sư Đặng Thai Mai hay Hoài Thanh, nhưng nếu xét cả công trình thì đó là một công trình công phu, có nhiều tính mới. Xin GS có thể giải thích thêm về điều này không? Và việc dành cả cuộc đời mình để nghiên cứu về một nhà thơ, không tự nhận mình là nhà thơ, đem lại cho GS những trải nghiệm gì khác so với khi nghiên cứu về những nhà thơ khác? Ví dụ như so với khi GS thực hiện công trình “Tự lực văn đoàn, trào lưu và tác giả” chẳng hạn?
-GS Hà Minh Đức: Thật ra ý tôi không phải như thế, tôi không dám so sánh với những tác phẩm của các bậc thầy, hơn nữa họ viết những thứ họ thích thì hấp dẫn lắm. Còn tôi làm cái việc của một nhà giáo, viết 1 cuốn sách có ích cho học trò, chứ tôi không có ý so sánh gì.
Về công trình đạt giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN năm 2010 của tôi bao gồm hai cụm. Đứng đầu vẫn là nhóm công trình văn thơ, báo chí Hồ Chí Minh. Tuy nhiên cụm công trình về Tự lực văn đoàn, trào lưu và tác giả và tác phẩm và một nền văn hóa văn nghệ đậm bản sắc dân tộc với nhiều loại hình nghệ thuật phong phú cũng là tâm huyết rất lớn của tôi. Tôi xin nói vắn tắt thế này.
Tự lực văn đoàn là một trào lưu lớn của văn học Việt Nam thời kỳ 30-45. Phải nói rằng nó gây một tiếng vang lớn nhưng những người đọc Tự lực văn đoàn không nhiều. Thời gian đã trôi qua nửa thế kỷ hoặc lâu hơn nữa nhưng dư âm của nó nhiều và việc đánh giá Tự lực văn đoàn rất phức tạp.
Thời kỳ Tự lực văn đoàn xuất hiện và làm chủ thi đàn trong một thời gian khi đó đã có nhiều nhà văn phản đối như Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố bởi bản thân thời kỳ đó người ta chưa chấp nhận Tự lực văn đoàn.
Tuy nhiên, cái công của Tự lực văn đoàn không nhỏ, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Tự lực văn đoàn đưa văn xuôi Việt Nam vào quỹ đạo của thời kỳ hiện đại. Vì trước đấy mà đọc các tác phẩmvcác nhà văn khác có cách viết cũ, còn sang thời kỳ này nó mới mẻ hơn rất nhiều. Hai nữa, những đề tài mà Tự lực văn đoàn đề xuất như một số nhà nghiên cứu nói thì nó rất nặng về Việt Nam, mặc dù có thể chưa sâu nhưng phong cảnh làng quê, những chùa chiền, rồi con người được thể hiện khá tốt mang phong vị Việt Nam. Cái thứ ba những nhà văn xuất sắc của Tự lực văn đoàn cho đến nay vẫn có một vị trí quan trong văn học Việt Nam như Nhất Linh, Khái Hưng, đặc biệt là Thạch Lam.
Thế nhưng khuyết điểm của Tự lực văn đoàn là một trào lưu lãng mạn cho nên nó không khớp với văn học cách mạng. Hai nữa, hai người xem như đứng đầu Tự lực văn đoàn là Nhất Linh, Khái Hưng cuối đời lại phản cách mạng, cho nên việc đánh giá vô cùng khó khăn.
Sau cách mạng tháng Tám người ta cũng không nhắc đến Tự lực văn đoàn nữa mà có nhắc đến cũng chỉ nhắc đến Thạch Lam. Riêng tôi, ngay từ năm 1956 khi tôi còn đang học ở trường đại học tôi có viết một bài trên tờ Sinh viên Việt Nam về Tự lực văn đoàn. Nhưng sau đó nói chung là phải chờ đợi, chờ tương đối lâu, nhưng với tôi quá trình chờ đợi là quá trình tích lũy tư liệu. Lâu đến mức trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Tự lực văn đoàn không được đề cập, giới thiệu, quảng bá nhưng nhờ Nghị Quyết của Đại hội Đảng lần thứ VI mở ra việc đổi mới tư duy và đánh giá lại những giá trị trước kia mà mình có thể chấp nhận thì khi ấy tôi trực tiếp mở một Hội thảo tại trường Đại học tổng hợp, mời các nhà văn tiêu biểu đến để phát biểu xem thực chất của Tự lực văn đoàn là như thế nào.
Trên cơ sở những ý kiến ấy cộng với suy nghĩ của mình, tôi mới tiến hành nghiên cứu, khảo cứu một cách toàn diện về Tự lực văn đoàn thành một cuốn sách. Phần tôi viết vào khoảng trên 400 trang và phần phụ lục khoảng gần 300 trang. Đây là cuốn sách dư luận đánh giá là thỏa đáng và chấp nhận được, giải quyết được vấn đề phức tạp của Tự lực văn đoàn. Đối với tôi, Tự lực văn đoàn, trào lưu và tác giả đó là cả một sự nỗ lực rất lớn.
Về công trình thứ ba là Bản săc dân tộc đậm đà với nhiều loại hình nghệ thuật phong phú thì đây là thời điểm mà Nghị Quyết của Đảng về việc xây dựng một nền văn nghệ tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc mở ra trong ta hướng mà văn nghệ có nhiều giao lưu quốc tế và đặc biệt là nhấn mạnh đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, bản sắc văn hóa của dân tộc. Tôi viết cuốn này trong hoàn cảnh nhiều loại hình văn nghệ mới của ta đã trưởng thành và có nhiều thành tựu như Điện ảnh, nhiếp ảnh, kịch nói… Tôi tiến hành tìm hiểu bản chất của văn hóa Việt Nam, truyền thống văn hóa là gì? Trong tác phẩm tôi nhấn mạnh đến ba yếu tố:
Một là về trí tuệ, tư tưởng mà bộ phận chuyên trở cái này là văn học. Do đó, văn học là yếu tố trội của văn hóa Việt Nam ví dụ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, Nguyễn Đình Chiểu cho đến Hồ Chí Minh.
Yếu tố trội thứ hai là văn hóa Việt Nam có bàn tay vàng. Bàn tay vàng nói lên sức sáng tạo của dân tộc về nghệ thuật. Chúng ta hiện có trên một chục di sản văn hóa thì cũng phải thừa nhận một phần quan trọng là do bàn tay vàng sáng tạo nên.
Cái thứ ba là vấn đề lễ hội. Tôi nghĩ lễ hội Việt Nam có một truyền thống rất sâu xa, thể hiện ý thức tôn trọng quá khứ, biết ơn quá khứ những người anh hùng của dân tộc, xiết chặt tình cảm của cộng đồng. Đó là ba điểm mà tôi nêu trong cuốn sách và năm 2009, cuốn sách này đã được giải thưởng sách hay.
-TBT Vũ Hữu Nghị: Thưa TS.DS Ngọc Trâm, bạn đọc Ngọc Hà ở Lạng Sơn có thắc mắc: Từ cây trinh nữ hoàng cung bà đã chiết xuất được mấy loại sản phẩm?Những sản phẩm này có điều trị hiệu quả không?
-TS.DS Ngọc Trâm: Có 3 sản phẩm khác nhau chúng tôi sản xuất được từ cây trinh nữ hoàng cung. Đó là viên nang Crila, Crilin và trà túi lọc. Chúng tôi nghĩ là một viên thuốc muốn ổn định về tác dụng sinh học, phải ổn định hàm lượng hoạt chất sinh học trong cây. Để có ổn định này, quá trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, bảo quản… phải tuân thủ theo quy trình nghiêm ngặt (GACP).
-TBT Vũ Hữu Nghị: Được biết, mức tiền thưởng đối với giải Nhà nước về KH&CN là 120 triệu đồng, giải thưởng Hồ Chí Minh là 200 triệu đồng, Nhiều ý kiến cho rằng, như thế là ít so với nhiều công trình, cụm công trình được nghiên cứu công phu và có rất nhiều đồng tác giả? (Nguyễn Cẩm Tú, Đồng Nai). Cũng liên quan đến vấn đề này, độc giả Thanh Sơn, Quảng Ninh hỏi: Có ý kiến cho rằng, số lượng giải thưởng Hồ Chí Minh hiện nay còn khiêm tốn so với các đề tài được đề nghị trao giải. Theo ông, chúng ta có nên tăng số giải thưởng trong thời gian tới không?
-Thứ trưởng Chu Ngọc Anh: Giá trị của giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước về KH&CN lần này là trên cơ sở tham mưu của Bộ KH&CN, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Mức tiền thưởng cho giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước về KH&CN có giá trị cao nhất trong hệ thống các giải thưởng hiện nay.
Thực tế Giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước về KH&CN là giải thưởng cao quý, nhằm tôn vinh, khích lệ về mặt tinh thần đối với các tác giả và đồng tác giả của các công trình, cụm công trình đã có dấu ấn và đóng góp rất đặc biệt như tiêu chí đã đặt ra, vì vậy tiền thưởng cho giải thưởng cũng nhằm mục đích nêu trên là chủ yếu, mà không phải là để trang trải cho chi phí và công sức cũng như sự cống hiến cụ thể của từng công trình, cụm công trình nhận Giải thưởng.
Một khía cạnh khác, từ góc độ của các nhà khoa học đã dành hết tâm sức của cuộc đời mình cho công trình nghiên cứu không nhằm tới việc được vinh danh và nhận giải, như Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm đã chia sẻ, giải thưởng cao quý nhất cho những cống hiến, hy sinh, chiến công thầm lặng của các nhà khoa học là niềm hy vọng của các bệnh nhân khi được chữa trị kịp thời.
Giá trị cụ thể của giải thưởng đợt này là 200 triệu đồng cho giải thưởng Hồ Chí Minh và 120 triệu đồng cho giải thưởng Nhà nước cũng đã thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng và Chính phủ (gấp đôi đợt xét thưởng năm 2005). Về phía Bộ, chúng tôi cũng đề xuất và tham mưu ở mức giải thưởng lớn hơn, tuy nhiên chưa đạt được. Hy vọng trong giai đoạn sắp tới cùng các Bộ, ngành liên quan, chúng tôi sẽ phối hợp giải trình để Thủ tướng Chính phủ nâng mức tiền thưởng lên.
Về số lượng giải thưởng, có lẽ chúng ta không nên đặt vấn đề so sánh số lượng các công trình đạt Giải thưởng trong từng đợt xét thưởng, bởi lẽ con số thống kê trong trường hợp này không có ý nghĩa minh chứng cho năng lực và hiệu quả hoạt động KH&CN của giai đoạn tương ứng. Đợt xét thưởng đầu tiên năm 1996, có 33 công trình (cụm công trình) KH&CN được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh; năm 2000 có 21 công trình được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và có tới 71 công trình được tặng Giải thưởng Nhà nước. Năm 2005, có 12 công trình được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, 41 công trình được Giải thưởng Nhà nước. Đợt xét thưởng lần này, số lượng Giải thưởng có giảm với 12 công trình được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và 20 công trình được Giải thưởng Nhà nước.
Các đợt xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước đầu tiên về KH&CN gắn với các nhà khoa học kiệt xuất của nền KH&CN Việt Nam mà tên tuổi của họ đã đi vào lịch sử, trở thành các địa danh đất nước, như các giáo sư Tôn Thất Tùng, Hồ Đắc Di, Phạm Ngọc Thạch, Trần Đại Nghĩa, Tạ Quang Bửu, Lương Đình Của, Đặng Thai Mai, Trần Huy Liệu và các thế hệ nhà khoa học xuất sắc kế tiếp như GS. VS Nguyễn Văn Hiệu, Hoàng Tụy, Vũ Đình Cự, Vũ Tuyên Hoàng, và nhiều, rất nhiều các nhà khoa học khác, các danh nhân của đất nước trong cả lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn.
Về phía cơ quan quản lý, số lượng của các hồ sơ đăng ký xét giải cũng như số lượng của các công trình đạt giải phụ thuộc rất nhiều yếu tố, đặc biệt là yếu tố đầu vào. Yếu tố đầu vào phụ thuộc vào sự chủ động của các tác giả tự nguyện xem xét, đánh giá giá trị của công trình của mình và tham gia đăng ký.
Sắp tới chúng tôi cũng chủ trương để các cơ quan quản lý chủ động tìm kiếm, động viên khuyến khích các tác giả tham gia rộng hơn và tích cực hơn vào hệ thống giải thưởng này, kết hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý và LHH để tuyên truyền, hướng dẫn các nhà khoa học tham gia.
-TBT Vũ Hữu Nghị: Dường như các công trình nghiên cứu khoa học ứng dụng khó đạt giải thưởng này vì các kết quả công trình này có thể đo đếm được. Liên hiệp hội có nên khuyến khích các nhà khoa học thuộc các Hội, Ngành tham gia vào giải thưởng trong thời gian tới không thưa TS. Trần Việt Hùng?
|
TS.Trần Việt Hùng (Ảnh: N.Y) |
-TS Trần Việt Hùng: Tôi cũng được tham gia vào hội đồng xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước về KH&CN năm 2010. Tôi thấy đúng là trong số 32 công trình được giải lần này, các giải ứng dụng công nghệ ít hơn so với các công trình nghiên cứu về khoa học xã hội hay khoa học tự nhiên. Nhưng điều đó không phải do không đong đo đếm được mà chính là các công trình nghiên cứu ứng dụng đòi hỏi phải có được cơ sở vật chất nhất định để ứng dụng trong xã hội. Chính điều đó làm cho điều kiện một công trình khoa học công nghẹ ứng dụng muốn có giá trị công nghệ lớn và có tác dụng đối với sự phát triển kinh tế xã hội phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa người nghiên cứu và người sản xuất. Vì vậy, trong hội đồng chuyên ngành của chúng tôi hầu như những công trình được giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước đều có sự kết hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp với nhà nghiên cứu.
Ví dụ như công trình ứng dụng 5 giải pháp khoa học công nghệ để chế tạo các loại thiết bị nâng hạ tại Việt Nam của Xí nghiệp cơ khí Quang Trung Ninh Bình xuất phát từ tự đầu tư nghiên cứu của Nhà máy cơ khí Quang Trung với sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước. Công trình này được đánh giá cao bởi giá trị công nghệ của nó và được ứng dụng thành công 5 giải pháp khoa học công nghệ đồng bộ có vai trò quyết định trong sản xuất các thiết bị nâng hạ lớn lần đầu tiên được chế tạo tại Việt Nam. Ứng dụng này được áp dụng ngay vào Thủy điện Sơn La, Sesan, các nhà mày đóng tàu đã mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho Nhà nước cũng như doanh nghiệp. Hay như công trình nghiên cứu đổi mới sản xuất gang tay phẫu thuật y tế từ cao su thiên nhiên Việt Nam của tác giả Đặng Xuân Mai và tập thể cán bộ Viện Máy và dụng cụ công nghiệp. Đây là sự kết hợp giữa doanh nghiệp và tập thể nghiên cứu suốt 15 năm trời, đi từ khâu gia công thủ công lên dần đến cơ khí hóa, và cho đến bây giờ có 5 dây chuyền tự động hóa. Hiện găng tay này đã được xuất khẩu đi quốc tế.
Vì vậy cho nên tôi nghĩ rằng các nghiên cứu ứng dụng này ít được giải hơn nhưng cũng không bị kiện cáo (nếu được giải) vì nó có thể đo đếm được.
-TBT Vũ Hữu Nghị: Vâng, Một độc giả hỏi GS. Hà Minh Đức: Đọc qua các đề xuất giải thưởng Hồ Chí Minh cũng như giải thưởng nhà nước, tôi nhận thấy các công trình nghiên cứu ở khối ngành xã hội – nhân văn chưa thật sự xuất sắc. Nhiều công trình ở dạng khảo cứu, tổng hợp hơn là nghiên cứu. Một số công trình có thể lỗi thời giữa lý luận và thực tiễn hiện nay. Ông có nhận thấy như vậy không và ông đánh giá sao về nó? Cũng liên quan tới vấn đề này, phóng viên Xuân Huy ở Báo Phú Yên hỏi: Ông đánh giá như thế nào về nghiên cứu khoa học xã hội ở Việt Nam? Nghiên cứu khoa học xã hội có đóng góp như thế nào đối với sự phát triển của xã hội?
-GS Hà Minh Đức: Câu hỏi này hay nhưng khó bởi tôi chưa có điều kiện được tiếp cận, đánh giá các công trình nghiên cứu khác được giải thưởng trong đợt này. Tôi chỉ đánh giá công trình của riêng tôi (bao gồm 4 cuốn Hồ Chí Minh tôi và 2 cuốn nghiên cứu). Phần lớn công trình của tôi là do tôi bình luận, nghiên cứu. Riêng 4 cuốn Hồ Chí Minh có 1 cuốn tôi có trích tuyển vào khoảng 200 trang là những bài viết của NXB giáo dục, NXB chính trị quốc gia mà tôi có đề nghị trích chọn một vài tác phẩm tiêu biểu.
Về cơ bản đối với bản thân tôi chủ yếu là do tôi viết, bình luận. Tư liệu tôi có phải nói rất quý như một số ghi chép của tôi trong những lần trò chuyện với anh Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Trần Hữu Minh. Những người đó đã khuất và tôi tự nhận thấy những bài đó có thể còn xuất sắc hơn nhưng tôi không để ý lắm trong việc giải thưởng nên không đưa vào dự giải mà nhiệm vụ chính là nghiên cứu.
Còn đánh giá sự thành công trong nghiên cứu khoa học xã hội hiện nay thì vượt khỏi tầm suy nghĩ của tôi nhưng theo tôi các công trình nghiên cứu xã hội, nhất là những đề tài lớn phải có thời gian thì người nghiên cứu mới có thể đi sâu tìm hiểu được những điều mà mình mong muốn.
Tôi thấy ngày nay điều kiện nghiên cứu khoa học xã hội rộng hơn. Có thể nói, các tác phẩm hay, nổi tiếng thế giới về khoa học xã hội hiện nay phần lớn đều dịch cả nên còn nhiều cái để các bạn trẻ tìm hiểu lắm.
Những công trình được giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước về KH&CN đợt này trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, theo tôi, đó là những công trình lớn, rất xứng đáng.
Trong tương lai, lớp trẻ hiện nay cũng có nhiều người rất xuất sắc nhưng chưa biểu thị thành những công trình có tính bền vững thôi. Do đó, tôi vẫn luôn hy vọng, tôi ít hy vọng về mình nhưng luôn hy vọng về thế hệ trẻ và thế hệ tương lai.
-TBT Vũ Hữu Nghị: Độc giả Như Phú, Gia Lai có hỏi TS Ngọc Trâm một câu hỏi như sau: Thưa TS Ngọc Trâm, tôi được biết giá bán của một sản phẩm chiết xuất từ cây trinh nữ hoàng cung vẫn còn khá cao, khoảng trên 1 triệu đồng/sản phẩm. Là chủ công trình nghiên cứu về loại cây này, xin TS cho biết liệu có cách nào hạ giá thành sản phẩm để những người bình dân, người nghèo có thể mua được sản phẩm?
-TS.DS Ngọc Trâm: Để có được mức giá như hiện nay cho mỗi sản phẩm, chúng tôi đã cố gắng hết sức để cải tiến công nghệ, hợp lý hóa từng khâu, tiết kiệm nguyên vật liệu, năng lượng, nhân công, bố trí dây chuyền sản xuất khoa học, hợp lý… để nâng cao hiệu suất, giúp giá thành sản phẩm tốt nhất.
Chứ như tình trạng người bệnh nghèo nhiều như hiện nay, nếu tăng giá bán sản phẩm theo giá nguyên vật liệu, điện nước, nhân công… thì người bệnh không chịu nổi.
Thêm một thông tin nữa cho bạn, đó là, so với các loại thuốc nhập khẩu trên thế giới thì sản phẩm của chúng tôi chỉ có giá bằng khoảng 1/30.
Tôi nghĩ người bệnh nên dùng sản phẩm trong nước, vì thành phần, tác dụng như nhau, chất lượng đã được chứng minh bằng các công trình nghiên cứu khoa học, mà giá cả lại phù hợp hơn. Bên cạnh đó, việc dùng hàng trong nước góp phần thực hiện phong trào người Việt dùng hàng Việt.
-TBT Vũ Hữu Nghị: Trong danh sách 32 công trình khoa học công nghệ được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước năm 2010, lĩnh vực khoa học xã hội (KHXH) chiếm ưu thế tuyệt đối so với các lĩnh vực khác. Tại sao lại có sự chênh lệch như vậy thưa thứ trưởng?
-Thứ trưởng Chu Ngọc Anh: Về số lượng, đúng như bạn nói khoa học xã hội và nhân văn kỳ này cả giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước chiếm 16/32 công trình và cụm công trình. Một số những ý chính về mặt nguyên nhân, số lượng của giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước so sánh giữa các kỳ trao giải khác nhau và số lượng công trình trao giải trong một lĩnh vực cụ thể so với các lĩnh vực khác đã được cung cấp thông tin trả lời ở câu hỏi trước của một độc giả. Tuy nhiên tôi cũng xin nhấn mạnh lại một số điểm như là phụ thuộc vào yếu tố “đầu vào” và hầu hết những tác giả gắn với các công trình và cụm công trình được giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn kỳ này hầu hết là gắn cả đời lao động cống hiến sức lực và trí tuệ của họ. Số lượng tác giả là cá nhân như các bạn tìm hiểu sẽ thấy thường ít hơn so với các tập thể đồng tác giả đối với các lĩnh vực gắn với KHKT, công nghệ. GS Hà Minh Đức với cụm công trình giải thưởng Hồ Chí Minh lần này cũng là một minh chứng cho việc dành cả đời của tác giả trong suốt thời gian làm việc, nghiên cứu.
Một ý nữa, là chúng ta vẫn chưa thay đổi mà vẫn có tiêu chí tính mốc từ năm 1945 đến nay. Vì vậy số lượng của lĩnh vực này hay lĩnh vực kia có thể nhiều hay ít trong một đợt xét giải cụ thể. Nếu nhìn ngược lại số lượng của các lĩnh vực có thể không nhiều trong kỳ này, ví dụ như lĩnh vực Nông nghiệp với 5 hồ sơ xét giải với 2 hồ sơ đoạt giải một được giải thưởng Hồ Chí Minh, một được giải thưởng Nhà nước.
Thực sự cũng là kế tiếp các chặng đường của các thế hệ khác nhau, nhờ các giáo sư trong nông nghiệp mà chúng ta có được giống lúa mới phù hợp với vùng sinh thái, năng suất chất lượng cao; chúng ta có được giống ngô lai mới, có giống lợn lai năng suất và chất lượng cao… Tôi đang nói đến các kết quả gắn với thế hệ các giáo sư như cố TSKH.KS Vũ Tuyên Hoàng, GS.TS Trần Hồng Uy, GS.TS Nguyễn Thiện và nhiều giáo sư nông nghiệp khác. Kỳ này với công trình giống lúa sinh thái, tập quán canh tác của vùng Nam trung bộ thực sự tiếp tục có đóng góp rất quan trọng, góp phần đưa nông nghiệp tiếp tục có nhiều sản phẩm xuất khẩu có thứ hạng hàng đầu thế giới.
Tôi nghĩ rằng, những chia sẻ đó sẽ cho chúng ta thấy đúng nghĩa hơn bức tranh, tuy nhiên cũng không nên so sánh cụ thể giữa lĩnh vực này so với lĩnh vực khác.
TBT Vũ Hữu Nghị: Câu hỏi này xin được dành cho cả TS Ngọc Trâm và GS Hà Minh Đức: Thế hệ trẻ tham gia nghiên cứu khoa học hiện nay phải chịu áp lực rất lớn về thu nhập và phải cân bằng giữa làm công ăn lương với sáng tạo khoa học. Là những nhà khoa học được nhận giải thưởng cao quý lần này, GS và TS có lời khuyên gì cho thế hệ trẻ làm khoa học bây giờ? Và có những đề xuất gì về mặt cơ chế để khuyến khích các nhà khoa học trẻ?
-TS.DS Ngọc Trâm: Theo tôi, yếu tố quyết định để cho thế hệ trẻ đam mê và nghiên cứu khoa học đó là sự giáo dục. Mà giáo dục phải từ khi còn rất nhỏ. Chẳng hạn, khi tôi còn nhỏ, cha tôi thường kể chuyện về các nhà khoa học.
Tôi thấy các nhà khoa học ở các nước phát triển, khi lớn lên, đều có ảnh hưởng của 2 sự giáo dục: giáo dục từ gia đình và từ xã hội. Sự giáo dục này không phải đợi đến khi các cháu 17 – 18 tuổi mới truyền đạt, mà cái đam mê nghiên cứu, khoa học, tìm hiểu phải được truyền đạt cho các cháu từ khi còn rất nhỏ.
Như vậy, vấn đề nằm ở tính cách, suy nghĩ, tố chất của con người. Mà vấn đề này không nằm trong phạm vi trách nhiệm của Bộ KH&CN, mà còn cả Bộ GD&ĐT, và các bậc cha mẹ nữa.
-GS Hà Minh Đức: Tôi nghĩ, cần phải có một một nền giáo dục thật toàn diện. Điều quan trọng đối với các bạn nghiên cứu trẻ là phải học thật giỏi, phải tích cực nghiên cứu, say mê khoa học. Trong tương lai để khoa học phát triển thì các nhà khoa học phải có trí, yêu học thuật và sống có thực tế, đạo đức.
-TBT Vũ Hữu Nghị: Câu hỏi cuối xin được hỏi Thứ trưởng Chu Ngọc Anh và TS. Trần Việt Hùng như sau: Các công trình nghiên cứu được trao giải lần này rất hay, rất xuất sắc. Nhưng Bộ KHCN và VUSTA có biện pháp gì để phổ biến các công trình nghiên cứu, thay vì chỉ để các công trình đó được lưu trữ trong thư viện, viện nghiên cứu?
-TS Trần Việt Hùng: Bản thân các kết quả của các công trình đó phải tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước và có giá trị công nghệ, giá trị thực tiễn, kỹ thuật, lý luận cao. Cho nên khi đã đưa lên hội đồng để xét, tức là công trình đó có ít nhất từ 3 năm trở lên đã được ứng dụng trong sản xuất. Vì vậy nên việc hội đồng xét từ thấp lên đến cao để công nhận công trình trao tặng giải là sự tôn vinh công trình và cũng có tác dụng đưa kết quả công trình đó được lan tỏa không chỉ trong nước mà cả thế giới. Điểm thứ hai hiện nay ngoài giải thưởng HCM, giải thưởng Nhà nước, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam còn phối hợp với Bộ Khoa học và công nghệ cũng tổ chức giải thưởng rất uy tín là Giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam (VIFOTEC). Để có các đề tài tham gia giải thưởng này, đã có phong trào thi đua sáng tạo khoa học kỹ thuật trên toàn quốc. Một nền tảng nhiều cấp như vậy tạo ra sự chọn lựa và cũng thu hút các nhà khoa học và những người nghiên cứu công nghệ sáng tạo ra công trình của mình, đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.
Tôi nghĩ rằng những công trình như vậy là nền tảng để có những công trình giá trị cao hơn. Ví dụ giải thưởng lần này nghiên cứu đổi mới sản xuất găng tay phâu thuật y tế từ cao su thiên nhiên Việt Nam, trước đó mấy năm đã được nhận Giải thưởng Vifotec, nay được giải Nhà nước. Thứ hai nữa, tôi cũng nhất trí với Thứ trưởng Chu Ngọc Anh đây là những công trình mang tính tổng kết tinh hoa lao động sáng tạo của các nhà khoa học gắn cả đời mình. Từ đấy dẫn tới các nhà khoa học muốn có một công trình lớn phải có sự kiên trì cao, có mục tiêu nghiên cứu. Thứ hai với các nhà quản lý và VUSTA làm sao để tạo điều kiện để đối tượng nghiên cứu quyết định thời gian nghiên cứu cũng như kinh phí hỗ trợ cho nó chứ không áp đặt cho nó. Tôi nghĩ rằng, Quỹ phát triển KHCN công nghệ mà TS Chu Ngọc Anh đã nhiều lần nhấn mạnh tôi cho rằng có thể làm được điều này. Khi đã xác định được đối tượng nghiên cứu, Nhà nước có thể hỗ trợ cho tới khi thành công và đưa vào ứng dụng trong sản xuất, đời sống. Tôi cũng nghĩ đây là hướng thời gian tới chúng ta có thể làm được.
-Thứ trưởng Chu Ngọc Anh: Các thông tin liên quan chúng tôi đã cung cấp ở các câu hỏi trước, hướng phối hợp sắp tới cũng đã cung cấp cho bạn đọc. Tôi xin nói thêm, với tính chất đã được ứng dụng rộng rãi bằng các giải pháp cụ thể được thiết kế cho giai đoạn mới, Bộ có nhiều hơn những phương án cụ thể để phối hợp với nhà khoa học trong việc đẩy mạnh ứng dụng của các công trình tới đời sống xã hội.
|
Thứ trưởng Chu Ngọc Anh (người đứng) cám ơn báo Đất Việt đã tổ chức buổi tọa đàm "Gặp gỡ các tác giải đạt giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước về KH&CN năm 2010" (Ảnh: N.Y) |
Ví dụ với công trình của TS Nguyễn Thị Ngọc Trâm, Bộ đã tham gia một phần trong nghiên cứu, chung tay hỗ trợ chia sẻ kịp thời với lao động sáng tạo của TS để đưa ra các sản phẩm dược liệu. Ngoài ra, Bộ cũng có kế hoạch tiếp tục phối hợp với các Bộ ngành liên quan về công nghệ, kỹ thuật để nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, mở rộng vùng nguyên liệu ra quy mô khu vực và quốc tế.
Với sự thành công của công trình Tập đoàn dầu khí, chúng tôi đã phối hợp với TS Phùng Đình Thực thúc đẩy hoạt động khoan, thăm dò, khai thác hiệu quả dầu khí ở thềm lục địa Việt Nam. Quỹ phát triển KH&CN đã hỗ trợ cho Tập đoàn dầu khí đóng giàn khoan tự nâng 90 m nước. Sắp tới từ nay đến 2015, chúng ta có thể đạt mức doanh thu hàng năm 4 tỷ USD trên cơ sở các giàn khoan dầu khí.
Hầu hết hệ thống giải thưởng VIFOTEC đang phối hợp hài hòa chặt chẽ với nhau, để khen thưởng các công trình có giá trị to lớn với sự phát triển KH&CN, thông qua đó tôn vinh các tác giả. Hiện nay, Bộ cũng đang nghiên cứu hướng giải thưởng tôn vinh cho các nhà khoa học tài ba, vì KH và CN cũng là một chặng đường chông gai, gắn với nhiều tính rủi ro, và không phải ai đi trên con đường đó cũng đến được với vinh quang trên “thảm đỏ trải hoa hồng”, vì vậy cần ghi nhận đóng góp của các nhà khoa học đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu.
-TBT Vũ Hữu Nghị: Kính thưa các vị khách quý, mặc dù còn rất nhiều câu hỏi mà độc giả đã gửi đến cho chương trình, nhưng do thời gian có hạn, chúng tôi xin phép được tạm dừng chương trình tại đây.
Một lần nữa, xin được cám ơn các vị khách mời và chúc sức khỏe quý vị. Xin cảm ơn các độc giả đã gửi câu hỏi tới tham gia chương trình và tới dự buổi tọa đàm hôm nay.
Xin chúc các nhà khoa học, đặc biệt là những nhà khoa học và công nghệ trẻ, phát huy trí tuệ và bản lĩnh, vươn tới trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến của khu vực và thế giới, tiếp tục có nhiều công trình khoa học có giá trị cao hơn nữa, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Xin cảm ơn.