Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ tư, 06/11/2024 , 06:32 pm
Cập nhật : 16/08/2013 , 19:08(GMT +7)
Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 9: Điểm hẹn kết nối thế giới với Việt Nam
Hình ảnh Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành.
Dải đất miền Trung vốn bình lặng bỗng trở nên sôi động với hàng loạt các sự kiện khoa học và sự xuất hiện của những nhà khoa học hàng đầu thế giới có mặt tại đây. Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 9 thực sự là ngày hội khoa học không chỉ của Việt Nam mà của toàn thế giới.

Ngày hội khoa học

Nói như chuyên gia vật lý hải dương học, TS Trương Đình Hiển: Miền Trung có thể tự hào rằng mình có một thủ đô khoa học thực sự, trong đó gồm rất nhiều các nhà khoa học, bác học trên thế giới, họ về đây để truyền bá, thảo luận, bàn bạc để đưa ra những quyết định quan trọng cho sự phát triển của khoa học, của đất nước.

Điều này được chứng minh khi tại sự kiện này, lần đầu tiên có sự tham dự của 4 nhà khoa học đoạt giải Nobel cùng các nhà khoa học Việt Nam sinh sống tại nước ngoài nổi tiếng thế giới như GS Ngô Bảo Châu, GS Đàm Thanh Sơn… cùng hàng trăm nhà khoa học vật lý trên thế giới.

Với gần 1 tháng diễn ra sự kiện (từ ngày 28/7 đến ngày 17/8), thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định- nơi được chọn tổ chức hoạt động này dường như chìm ngập trong không khí khoa học. Đã có hơn 200 nhà khoa học đến từ hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới cùng tham gia các hoạt động "Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 9". Chương trình do Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Ngoại giao cùng với UBND tỉnh Bình Định tổ chức.

Hàng loạt các hoạt động khoa học quan trọng được bàn luận tại sự kiện này, trong đó có 4 hội nghị khoa học quốc tế là: Vũ trụ trong kỷ nguyên Planck; Thuyết tương đối rộng và lực hấp dẫn; Vật lý Nano từ cơ bản đến ứng dụng; Khánh thành Trung tâm Quốc tế gặp gỡ Khoa học và giáo dục liên ngành và Hội nghị “Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ”. Ngoài ra còn có các lớp học chuyên đề về vật lý, thiên văn. Đây là nỗ lực rất lớn của Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam và cá nhân Giáo sư Trần Thanh Vân, người tạo cơ hội cho các nhà khoa học Việt Nam tiếp cận với nền khoa học thế giới, nhất là việc đưa những nhà khoa học hàng đầu thế giới từng đoạt giải Nobel đến với Việt Nam.

Từ năm 1993, “Gặp gỡ Việt Nam” lần đầu tiên được tổ chức đã trở thành sự kiện khoa học quan trọng, thu hút sự quan tâm của cộng đồng khoa học Vật lý quốc tế. Đến lần thứ 9 này, “Gặp gỡ Việt Nam” trở thành một trong những sự kiện khoa học vật lý hàng đầu trên thế giới. Đây cũng là dịp để các nhà khoa học của Việt Nam được mở rộng tầm hiểu biết và tiếp cận với những lý thuyết, những công trình khoa học của các nhà khoa học trên thế giới.

Cửa sổ nhìn ra thế giới

Điểm nhấn của chương trình Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 9 chính là sự kiện khánh thành Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành. Đây là một tổ hợp các công trình kiến trúc theo phong cách Pháp, trải rộng trên diện tích 200m2, gồm: khu trung tâm hội nghị, khu khách sạn, nhà hàng, nhà chiếu hình vũ trụ, quán cà phê bên sông, quán cà phê trên sân thượng, bể bơi nước ngọt, những ngôi nhà gỗ hiên rộng dành cho các gia đình, nhiều ngôi nhà spa, nhà suy ngẫm (loại nhà sàn nhỏ hai bên bờ sông). Ngoài ra, còn nhiều tiểu cảnh thơ mộng khác như nhịp cầu bắc qua dòng sông, những lối mòn dạo bộ uốn lượn quanh co dưới tán rừng dừa, cũng như nhiều công trình dịch vụ tiện ích như bãi đỗ xe buýt, ô tô con, sân tennis... Khuôn viên Trung tâm được thiên nhiên ưu đãi hiếm thấy, vừa có bãi tắm biển, cát vàng sạch sẽ, mịn phẳng, lặng sóng, vừa có một dòng sông nhỏ chảy ngang qua, giữa cánh rừng dừa xanh ngắt, bên rặng núi biếc nối tiếp với dãy Trường Sơn huyền thoại... Tham vọng của các nhà đầu tư là xây dựng nơi đây có kiến trúc trang nhã, với không gian yên tĩnh để tạo điều kiện cho sự sáng tạo và các ý tưởng khoa học nảy sinh. Đúng như lời GS Glashow: “Hãy để các cánh cửa vũ trụ mở toang”.

Có thể nói, đây là một “điểm son” trong kiến trúc Pháp ở Quy Nhơn, thanh nhã, giấu mình giữa thiên nhiên. Nhiều nhà bác học trên thế giới đã hết lời khen ngợi, coi đây là một điểm hẹn khoa học rất lý tưởng.

Cơ hội để các nhà khoa học Việt Nam giao lưu với các nhà khoa học thế giới.

Năm 2009, GS Trần Thanh Vân và các vị lãnh đạo tỉnh Bình Định đã nêu ý tưởng xây dựng một Trung tâm Hội nghị Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành tại Việt Nam. Tháng 11/2011, dự án chính thức được khởi công trên diện tích 20ha với nguồn vốn ít ỏi do giáo sư Thanh Vân tích lũy hàng chục năm. Đến nay, công trình đã hoàn thành giai đoạn I gồm 1 tầng hầm và 3 tầng lầu gồm: Trong giai đoạn đầu, dự án xây dựng một tòa nhà hội nghị với một hội trường lớn (350 chỗ ngồi), một phòng hội thảo (150 chỗ ngồi), hai phòng tọa đàm (mỗi phòng 40 chỗ ngồi), các văn phòng là nơi làm việc của nhân viên và các nhà khoa học khách mời, một sảnh tiếp đón, một nhà ăn và một hiên ngắm cảnh góc nhìn rộng. Đây sẽ là nơi tiếp nhận các cuộc hội thảo quốc gia và quốc tế, những khóa đào tạo dành riêng cho các nghiên cứu sinh tiến sỹ, tổ chức theo chuyên ngành thông thường hoặc theo từng chủ đề. Thông thường, mỗi cuộc hội thảo sẽ tiếp đón khoảng 70 tới 150 người tham dự trong vòng 6 ngày, còn các khóa đào tạo theo chủ đề sẽ dành cho 40 tới 50 nghiên cứu sinh tiến sỹ và hậu tiến sỹ trong vòng 2 tuần. Giai đoạn tiếp theo, Trung tâm sẽ triển khai xây dựng Nhà chiếu vũ trụ, Trường Kỹ thuật, tổ hợp khách sạn...

Sự ra đời của Trung tâm Hội nghị Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành chính là đầu mối kết nối giữa các nền khoa học trẻ ở châu Á với những trung tâm trí thức lớn trên thế giới. Thông qua mối quan hệ rộng rãi của GS. Trần Thanh Vân và Hội Gặp gỡ Việt Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc kỳ vọng, Bình Định sẽ thiết lập được mối quan hệ với các tổ chức nghiên cứu khoa học, các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, nhất là đối với các dự án đang chuẩn bị triển khai tại tỉnh.

Bài và ảnh: Minh Châu- Ngũ Hiệp

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner