Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng Thứ sáu, 19/04/2024 , 01:03 am
Cập nhật : 15/06/2014 , 10:06(GMT +7)
Gắn trách nhiệm của nhà sản xuất, doanh nghiệp, người kinh doanh vàng
Nhiều DN không chuẩn bị sẵn sàng khi Thông tư 22 có hiệu lực (Ảnh minh họa))
Thông tư 22 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ có hiệu lực từ ngày 1/6. Tuy nhiên không ít doanh nghiệp và người kinh doanh vàng cho rằng họ bị đẩy vào thế “bí” khi phải loay hoay tìm lối thoát cho hàng tồn kho khiến việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn.

Xung quanh vấn đề này, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc Hội cho rằng, Thông tư 22 không phải “từ trên trời rơi xuống” mà đã có cách đây hơn nửa năm, đã có lộ trình…điều quan trọng là doanh nghiệp  và người kinh doanh vàng không chuẩn bị sẵn sàng mà đến bây giờ mới loay hoay

-Thưa Ông, việc quản lý nghiêm thị trường vàng trang sức theo Thông tư 22 về định lượng, tuổi vàng sẽ giúp lập lại thị trường vàng vốn lỏng lẻo này như thế nào?

Về mặt quản lý thị trường vàng, trang sức, đây là bước đi tiếp theo của cơ quan quản lý nhà nước sau Nghị định 24 của Chính phủ quy định vàng trang sức mỹ nghệ phải đóng ký mã hiệu và hàm lượng vàng trên sản phẩm, phải công bố tiêu chuẩn áp dụng, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng trong việc đưa chuẩn hóa vàng trang sức.

Đây cũng là bước tiến mới trong quản lý kinh doanh vàng, nhằm từng bước đưa thị trường vàng hoạt động công khai minh bạch, giúp các cơ quan quản lý nhà nước hoàn toàn có thể kiểm soát được hoạt động kinh doanh, mua bán vàng, trang sức vốn chưa có một thiết chế quản lý chặt chẽ về chất lượng như hiện nay.

Thông tư có hiệu lực sẽ đồng thời gắn trách nhiệm của nhà sản xuất, doanh nghiệp và người kinh doanh vàng với mặt hàng họ bán ra trên thị trường, để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Đây là bước đi đúng và cần thiết phải thực hiện.

-Thông tư 22 mới có hiệu lực chỉ vài ngày, nhiều doanh nghiệp đã “kêu” khó trong việc công bố lại hàm lượng vàng, cân nặng, đồng thời khiến họ mất nhiều công, chi phí hơn. Quan điểm của Ông về vấn đề này như thế nào?

Các doanh nghiệp (DN) cho rằng Thông tư 22 sẽ làm cho họ mất nhiều chi phí, thời gian và công sức hơn vì phải mất thời gian chế tác, gia công lại các sản phẩm, giải quyết hàng tồn kho,… Thì phải hỏi lại rằng, họ bán cái gì cho người dân?

Thông tư 22 không phải “từ trên trời rơi xuống” mà đã có cách đây hơn nửa năm, đã có lộ trình. Câu hỏi đặt ra là, sau một khoảng thời gian dài như vậy DN và người kinh doanh vàng không chuẩn bị sẵn sàng mà đến bây giờ mới loay hoay?

TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc Hội

Tôi cho rằng, nhiều DN dù biết có quy định từ trước nhưng vẫn cố tình không thay đổi nhằm mục đích trục lợi từ người tiêu dùng. Và, hiện nay khi Thông tư 22 chính thức có hiệu lực, thì chính những DN này chỉ vì lợi ích cá nhân của mình đang tạo ra  làn sóng áp lực giả tạo lên cơ quan quản lý. Qua đây, các cơ quan báo chí nên kiên quyết vào cuộc nhằm chỉ ra việc lợi dụng dư luận xã hội để trục lợi từ người tiêu dùng của các doanh nghiệp này.

-Nhiều doanh nghiệp nhỏ kinh doanh vàng  cho rằng, Thông tư 22 ra đời nhằm bảo vệ quyền lợi của các nhà sản xuất lớn. Vậy, ý kiến của Ông về vấn đề này như thế nào?

Pháp luật không ngăn cấm DN hay tổ chức, cá nhân kinh doanh vàng. Tuy nhiên, khi đã gia nhập “sân chơi” này, DN và người kinh doanh vàng phải chấp nhận những quy định chung của nhà nước, nghĩa là phải công khai, minh bạch thông tin của sản phẩm vàng mình bán ra và chịu trách nhiệm trước người tiêu dùng cũng như cơ quan kiểm định.

Thông tư 22 được ban hành không vì mục đích làm lợi cho một đối tượng cụ thể nào trong việc kinh doanh, buôn bán vàng. Tất cả các DN kinh doanh vàng dù lớn hay nhỏ, dù là hộ kinh doanh hay cá nhân đều phải thực hiện đúng quy định của Thông tư.

Vấn đề ở đây là, nhiều DN và người kinh doanh vàng chưa hiểu rõ quy định, hoặc chưa tìm hiểu rõ về quy định đã được thể hiện tại Nghị định 24 đã được ban hành trước đó nên tỏ ra lúng túng triển khai và hiểu chưa đúng về Thông tư 22 khi phải thực hiện.

Vàng cũng là một loại hàng hóa lưu hành trên thị trường nên cũng cần được công khai thông tin về chất lượng, quy cách như những sản phẩm, hàng hóa khác. Tuy nhiên, đây là sản phẩm đặc thù, việc mua bán từ trước đến nay vẫn diễn ra theo phương thức truyền thống là cảm nhận, đánh giá bằng mắt thường và một số thử nghiệm đơn giản theo kinh nghiệm mà chưa có một quy trình kiểm định chặt chẽ, chuyên nghiệp.

Hơn ai hết, DN và người kinh doanh vàng biết vàng của họ bán ra là bao nhiêu tuổi, có đủ định lượng hay không, và họ phải công khai và chịu trách nhiệm về những công khai đó.

Nếu DN, nhà sản xuất và kinh doanh vàng cố tình công bố sai hoặc mập mờ tuổi vàng, định lượng, người tiêu dùng có quyền mang các sản phẩm đó đến các cơ quan kiểm định được chỉ định kiểm tra, nếu phát hiện sai trái thì DN và nhà sản xuất sẽ bị xử phạt thích đáng. Mỗi DN và người kinh doanh vàng phải gắn trách nhiệm của từng sản phẩm bán ra, có vậy mới tạo ra một thị trường vàng công khai, minh bạch, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các DN, người kinh doanh và đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

-Xin cảm ơn ông!

Bài, ảnh: Ngũ Hiệp





Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner