Hoạt động KH&CN Thứ năm, 25/04/2024 , 09:12 pm
Cập nhật : 18/08/2016 , 16:08(GMT +7)
GS. Phan Huy Lê: Tôi luôn có thái độ lạc quan và tin tưởng vào giới trẻ Việt Nam
Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc chúc mừng GS Phan Huy Lê tại buổi giao lưu trực tuyến báo Tuổi trẻ
Là một nhà khoa học đầu ngành về lĩnh vực khoa học xã hội, GS. Phan Huy Lê đã có nhiều công trình nghiên cứu giá trị đặt nền móng cho lý luận và thực tiễn nghiên cứu khoa học xã hội tại Việt Nam. Ông là một trong những nhà khoa học tiêu biểu vinh dự được lựa chọn trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN 2016 (đợt 5) cho công trình nghiên cứu: "Lịch sử và văn hóa Việt Nam - Tiếp cận bộ phận" giải thưởng cao quý cho lĩnh vực Lịch sử - Văn hóa.

PV: Xin chúc mừng Giáo sư vừa Hội đồng cấp Nhà nước đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho công trình nghiên cứu "Lịch sử và văn hóa Việt Nam - Tiếp cận bộ phận" trong lĩnh vực Khoa học Xã hội và Nhân văn. GS có thể chia sẻ với độc giả về công trình trên?

GS. Phan Huy Lê: Công trình "Lịch sử và văn hóa Việt Nam - Tiếp cận bộ phận" của tôi là tập hợp kết quả nghiên cứu trong khoảng 10 năm, từ 1998 đến 2007. Thời điểm đó, nghiên cứu lịch sử và văn hóa Việt Nam gắn liền với Việt Nam học và Đông Phương học đang đặt ra một số vấn đề rất cơ bản về lý thuyết và nhận thức.

Cuốn sách có 9 chương đề cập đến nhiều vấn đề, nhưng nội dung chủ yếu tập trung vào mấy vấn đề sau:

Thứ nhất: Nghiên cứu đưa ra một quan điểm mới, lịch sử Việt Nam xuất phát từ lãnh thổ Việt Nam hiện nay ngược với quá khứ, tất cả những gì xảy ra trên không gian lãnh thổ Việt Nam đều thuộc về lịch sử và văn hóa Việt Nam. Đó là một quan điểm, nhận thức hoàn toàn mới về lịch sử Việt Nam được nhìn nhận một cách toàn bộ và toàn diện hơn.

Thứ hai: Nghiên cứu lịch sử Việt Nam thời Bắc thuộc, các nhà khoa học băn khoăn là kết thúc vào năm nào, năm 905 với thành lập chính quyền họ Khúc hay chiến thắng Bạch Đằng năm 938 do Ngô Quyền lãnh đạo.

Tôi đưa ra nhận thức kết thúc Bắc thuộc là cả một giai đoạn, từ 905 đến 938 và phải đến năm 938 với Chiến thắng Bạch Đằng thì Việt Nam mới thực sự giành độc lập dân tộc. Nhận thức đó liên quan đến quy luật dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Thứ ba: Chuyển biến lịch sử từ thế kỷ XIV sang thế kỷ XV không phải chỉ là một cuộc khủng hoảng thay đổi vương triều mà là cả một chuyển biến sâu sắc về kinh tế - chính trị - xã hội - tư tưởng và đặc biệt là mô hình nhà nước, chuyển từ mô hình mang nặng dấu ấn Đông Nam Á sang mô hình Nho giáo (Đông Á). Điều này góp phần giải quyết mối quan hệ giữa Việt Nam với Đông Nam Á và Đông Á.

Thứ tư: Nghiên cứu về đô thị và nông thôn, đặc biệt đi sâu vào nghiên cứu cấu trúc của Hoàng thành Thăng Long, Cấm thành. Đồng thời chứng minh rằng, Cấm thành từ thế kỷ XI đến thế kỷ XVIII có thay đổi về phạm vi, quy hoạch, kiến trúc, nhưng vị trí về cơ bản không thay đổi.

PV: Giáo sư đánh giá về vấn đề nghiên cứu Khoa học Xã hội hiện nay cũng như Khoa học Xã hội có vai trò như thế nào trong việc phát triển kinh tế, xã hội đất nước?

GS. Phan Huy Lê: Trong những năm qua, khoa học và công nghệ (KH&CN) nói chung và lĩnh vực khoa học xã hội (KHXH) nói riêng đã có những bước phát triển rất mạnh mẽ, đóng góp to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nghiên cứu về KHXH được thể hiện trên nhiều phương diện, từ cơ cấu chuyên môn của các ngành KHXH, các tổ chức nghiên cứu và đào tạo cho đến đội ngũ các nhà khoa học và các sản phẩm nghiên cứu. Về thành tựu nghiên cứu KHXH, trong khoảng ba thập kỷ trở lại đây, có nhiều công trình, đề án cấp quốc gia đã công bố và thực hiện. Tuy nhiên, KHXH Việt Nam cũng bộc lộ một số mặt hạn chế cần sớm được khắc phục. Cụ thể, đội ngũ nhà khoa học rất đông, nhưng chất lượng công trình chưa cao, vẫn thiếu những công trình nghiên cứu tầm cỡ.

Trong khoa học xã hội, có những chuyên ngành bám sát cuộc sống hiện tại, phục vụ trực tiếp cho yêu cầu phát triển kinh tế xã hội như ngành xã hội học, nhân học, kinh tế học.... Tuy nhiên, cũng có những chuyên ngành mà đối tượng không gắn liền với cuộc sống hiện nay, nhưng vẫn có những đóng góp nhất định cho sự phát triển của đất nước.

GS Phan Huy Lê

PV: Vậy theo Giáo sư thì đâu là những khó khăn lớn nhất trong quá trình nghiên cứu thuộc lĩnh vực Khoa học Xã hội?

GS. Phan Huy Lê: Ngành khoa học nào cũng có những khó khăn thách thức nhất định. Lĩnh vực KHXH với đặc thù là gắn liền với xã hội con người và nhiều ngành còn gắn liền với những vấn đề thời sự hiện nay nên gặp phải những khó khăn riêng. Trong hoạt động KH&CN nói chung, khó khăn lớn nhất mà các nhà khoa học gặp phải là thủ tục tài chính với những quy định không phù hợp với thực tế, làm cho các nhà khoa học rất mệt mỏi khi làm thủ tục thanh toán.

Về KHXH, trong đó có ngành sử học, tôi tham gia nghiên cứu, có nhiều vấn đề và nội dung liên quan đến chính trị mà người ta thường dùng một từ phổ biến là "nhạy cảm". Cứ đụng phải vấn đề nhạy cảm là nghiên cứu rất khó khăn, gặp nhiều cản trở trong nghiên cứu và công bố. Đây là mối quan hệ giữa chính trị và khoa học.

Tuy nhiên, khoa học có trách nhiệm và sứ mệnh nghiên cứu những vấn đề cơ bản trong chuyên ngành của mình và chỉ dựa trên cơ sở nghiên cứu khách quan và trung thực mới có thể cung cấp những luận cứ có giá trị khoa học cho các nhà lãnh đạo quản lý trong hoạch định chính sách cũng như xử lý những vấn đề liên quan đến ngành khoa học đó.

Chính vì vậy, đã đến lúc cần phải xây dựng một môi trường khoa học lành mạnh, thông thoáng, trong đó các nhà khoa học được phát huy tất cả tài năng, trí tuệ của mình, được tự do sáng tạo.

PV: Giáo sư đánh giá như thế nào về xu hướng nghiên cứu của giới trẻ hiện nay? văn hóa giới trẻ hiện nay có đặc điểm gì mới?

GS. Phan Huy Lê: Qua các phương tiện thông tin đại chúng và qua tiếp xúc trực tiếp với những người trẻ, trước hết, tôi thấy trong văn hóa lớp trẻ hiện nay có những chuyển đổi mang tính tiên phong rất đáng khích lệ.

So với thế hệ trước, lớp trẻ hiện nay có sự tự tin, tính chủ động và năng động cao hơn, luôn luôn vươn tới những cái mới, tiếp thu cái mới rất nhạy bén. Đó là những tố chất rất đáng mừng của lớp trẻ hiện nay. Điều đó phần lớn được tạo lên từ công cuộc đổi mới từ hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, trong văn hóa lớp trẻ hiện nay cũng bộc lộ không ít những tiêu cực, gây nên sự lo lắng trong xã hội như lối sống vội, phong cách ứng xử chưa được văn hóa, đặc biệt có một bộ phận không ít sa sút về đạo đức bộc lộ trong quan hệ ứng xử với bạn bè, thầy cô giáo và cha mẹ. Tôi cho rằng, nguyên nhân của những mặt trái trên là do lớp trẻ đang lớn lên trong một bối cảnh lịch sử có sự chuyển đổi sâu sắc về mọi mặt: kinh tế, xã hội, văn hóa...

Trong sự chuyển đổi đó, hệ giá trị cũ đã và đang bị giải thể, nhiều giá trị mới được hình thành, nhưng một hệ giá trị mới chưa được xây dựng. Đây là một cuộc khủng hoảng về giá trị theo chiều hướng phát triển. Chính trong bối cảnh đó, lớp trẻ nhiều khi thiếu một định hướng đúng đắn trong sự phát triển nhân cách của mình. Tuy nhiên, dù có những mặt hạn chế, nhưng tôi luôn có thái độ lạc quan và rất tin tưởng vào giới trẻ.

Hoàng Phiêu (ghi)

 



Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner