Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Chủ nhật, 03/11/2024 , 12:12 am
Cập nhật : 09/03/2017 , 11:03(GMT +7)
GS. Oto Takahiro: Bác sĩ Việt Nam có thể thực hiện tốt các ca ghép phổi tiếp theo
GS. Oto Takahiro - Giám đốc Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Đại học Okayama, Nhật Bản (Ảnh: HN)
Một trong những yếu tố tạo nên thành công của ca ghép phổi đầu tiên tại Việt Nam được thực hiện tại Bệnh viện Quân y 103 – Học viện Quân y (HVQY) mới đây là có sự hợp tác, hỗ trợ rất lớn từ các bác sĩ Bệnh viện Đại học Okayama, Nhật Bản, đại diện là GS. Oto Takahiro – Giám đốc Trung tâm Ghép tạng.

Theo GS. Oto Takahiro, các y, bác sĩ của hai bệnh viện đã phối hợp rất “ăn ý”, chặt chẽ và ông mong sự hợp tác này sẽ ngày càng phát triển. 

PV: Trong ca ghép này, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các y, bác sĩ Việt Nam và Nhật Bản. Giáo sư cảm nhận thế nào về trình độ cũng như khả năng của các y, bác sĩ Việt Nam? Thời gian tới, Bệnh viện của Giáo sư có những hỗ trợ, giúp đỡ thế nào để Việt Nam thực hiện tốt kỹ thuật này, cứu chữa người bệnh, thưa Giáo sư?

- GS. Oto Takahiro: Trước khi chúng tôi thực hiện ca ghép phổi cho bệnh nhân Ly Chương Bình sống tại Hà Giang, đã có một nhóm các bác sĩ của HVQY sang học tập và theo dõi các ca mổ ở Bệnh viện Đại học Okayama. Các bác sĩ đã trải qua 3 ca ghép phổi và có một ca ở khoa nhi với tình trạng tương tự như ở Việt Nam.

Đây là lần thứ 3 tôi đến HVQY. Tôi đã thăm các phòng khoa liên quan, chuẩn bị phòng mổ, xem xét kỹ các phương tiện. Đồng thời thỏa thuận, trao đổi kỹ lưỡng với GS.TS. Đỗ Quyết – Giám đốc Học viện Quân y và các đồng nghiệp Việt Nam trong việc chuẩn bị phương tiện khám, phòng mổ cũng như hồi sức cấp cứu, điều trị sau phẫu thuật. 

Ca phẫu thuật này có một sự hợp tác cực kỳ chặt chẽ và đồng bộ giữa các bác sĩ của HVQY và Bệnh viện Đại học Okayama. Ekip của chúng tôi sang Việt Nam gồm có các phẫu thuật viên, bác sĩ gây mê hồi sức và cả các bác sĩ trị liệu sau phẫu thuật. Phía Việt Nam cũng đã có sự chuẩn bị chu đáo, có các phẫu thuật viên, bác sĩ gây mê hồi sức. Trong quá trình mổ, các phẫu thuật viên, bác sĩ gây mê hồi sức của 2 bệnh viện đã phối hợp “ăn ý”. Hiện bệnh nhân đang được điều trị tại khoa điều trị tích cực dưới sự chăm sóc của các y, bác sĩ 2 bệnh viện. 

Tôi nghĩ các y, bác sĩ Việt Nam có kiến thức cũng như trình độ và kỹ năng phẫu thuật rất cao. Họ đã có rất nhiều kinh nghiệm từ những ca ghép trước đó như ghép tim, ghép gan, ghép thận, tụy. Họ cũng đã học tập được rất nhiều từ cơ sở của chúng tôi. Tôi cũng đã truyền thụ cho họ nhiều kiến thức, kỹ thuật về ghép phổi. Đây là lý do chúng tôi có thể hợp tác tốt với nhau thực hiện thành công ca ghép này. 

Tôi tin rằng đến ca thứ 2 các y, bác sĩ Việt Nam có thể tự làm tốt. Tuy nhiên, để có thể hỗ trợ được các bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân có chất lượng cao, tôi nghĩ lần thứ 2 đoàn của chúng tôi có lẽ chỉ cần sang một nửa số lượng của ca này, lần thứ ba có thể giảm tiếp một nửa nữa. Tôi rất mong và hy vọng các y, bác sĩ của Việt Nam có thể thực hiện được những ca tiếp theo với tỉ lệ thành công cao. 

Chúng tôi rất vui mừng vì được hợp tác cùng HVQY và mong muốn sự hợp tác đó ngày càng phát triển. 

GS. Oto Takahiro (người mặc vest màu xám) và các bác sĩ thăm cháu Ly Chương Bình trước ngày phẫu thuật (Ảnh: HVQY)

PV: Giáo sư có thể cho biết tỉ lệ thành công về ghép phổi trên thế giới nói chung và tại Bệnh viện Đại học Okayama như thế nào? 

- GS. Oto Takahiro: Đối với người nhận, tỉ lệ sống của bệnh nhân sau 5 năm trên thế giới nói chung khoảng 15%. Tuy nhiên, đối với Bệnh viện của chúng tôi, tỉ lệ này là 80%. Tôi có thể mạnh dạn nói rằng đây là tỉ lệ vượt trội hơn so với con số thống kê chung của các bệnh viện. Tôi nghĩ đó cũng là lý do để GS.TS. Đỗ Quyết mời chúng tôi sang Bệnh viện Quân y 103 tham gia vào dự án này. 

Cháu bé được chúng tôi phẫu thuật 7 tuổi nhưng thể chất của cháu không được tốt, thể trạng chưa bằng một cháu bé thông thường cùng tuổi đó. Do phổi của cháu bị bệnh nên chức năng phổi kém. Nhưng khi được ghép phổi mới, tôi nghĩ phổi của cháu sẽ phát triển bình thường, có thể cháu sẽ sống đến 60 – 70 tuổi, thậm chí 80 tuổi. Cháu bé được thay cả 2 lá phổi, lấy một thùy từ phổi của người bố và một thùy từ người bác ruột để ghép. Đối với trẻ con, một thùy của phổi người lớn cũng đủ để cháu có thể có hoạt động hô hấp bình thường, đủ để phát triển.

PV: Các y, bác sĩ của 2 bệnh viện đã có sự phối hợp như thế nào, thưa Giáo sư? 

- GS. Oto Takahiro: Thời gian qua, các y, bác sĩ của Việt Nam và Nhật Bản đã phối hợp chặt chẽ trong tất cả các công việc, đặc biệt trong ca phẫu thuật này. Chúng tôi đã cùng nhau chuẩn bị từ lâu, trao đổi qua mạng, có những ngày tới 20 email, thảo luận tất cả những vấn đề liên quan và chuẩn bị cho ca phẫu thuật, kể cả việc lựa chọn bệnh nhân. Trong ca phẫu thuật, chúng tôi phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ. Đây cũng là một trong những lý do để ca phẫu thuật thành công. 

PV: Thưa Giáo sư, ghép phổi so với ghép các tạng khác có những khó khăn gì? 

- GS. Oto Takahiro: Chúng ta biết phổi là tạng yếu hơn hay nói cách khác là dễ bị nhiễm khuẩn hơn so với các tạng khác. Chính vì thế, sau khi ghép phải dùng liệu pháp ức chế miễn dịch nhiều hơn. Tuy nhiên, với ngành ghép tạng cần duy trì ức chế miễn dịch và phải kiểm soát cho bệnh nhân không bị nhiễm khuẩn. Đó cũng là vấn đề đặc biệt khó khăn trong việc ghép phổi so với các ghép khác. 

PV: Giáo sư đã từng tham gia nhiều ca ghép phổi. Vậy với ông, điều gì quan trọng nhất trong ca ghép phổi đầu tiên ông tham gia trước đây? 

- GS. Oto Takahiro: Bệnh viện Đại học Okayama từng thực hiện hơn 160 ca ghép phổi, nhiều nhất trong số tất cả các cơ sở y tế tại Nhật Bản. Năm 2011, tôi thực hiện ca ghép phổi đầu tiên tại Sri Lanka. Đó là ca ghép phổi từ thùy giữa, cũng là ca ghép phổi lấy thùy từ người cho sống và lấy một thùy từ người cho chết não. Cho đến nay tôi đã có rất nhiều kinh nghiệm nhưng những ấn tượng, kinh nghiệm trong lần đầu tiên tham gia với tôi cực kỳ quan trọng. 

PV: Trong quá trình phẫu thuật cũng như chăm sóc sau phẫu thuật cho bệnh nhân, các bác sĩ của Bệnh viện Đại học Okayama sẽ giúp Việt Nam như thế nào, thưa Giáo sư? 

- GS. Oto Takahiro: Sau ca mổ này, ekip của chúng tôi vẫn ở lại một thời gian ngắn và sau đó chúng tôi về Nhật Bản. Nếu có tình huống gì bất thường, tôi nghĩ các bác sĩ Việt Nam cũng có thể giải quyết được. Còn nếu khó khăn chúng tôi cũng có thể trao đổi qua email. Đó cũng là một phương thức liên hệ hữu ích. Chúng tôi có thể phối hợp với nhau giải quyết được nhiều công việc. 

PV: Vâng, xin trân trọng cảm ơn Giáo sư! 

Hạnh Nguyên (lược ghi)

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner