Là một trong 5 cụm công trình thuộc lĩnh vực Khoa học Xã hội được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN năm 2010, cụm công trình: Sự nghiệp văn học, báo chí Hồ Chí Minh và một số vấn đề lý luận, thực tiễn văn hoá, văn nghệ Việt Nam của GS Hà Minh Đức được đánh giá là có ảnh hưởng sâu rộng trong việc nghiên cứu văn hoá, văn học Việt Nam thế kỷ XX với những giá trị rất cao về văn học sử cũng như phương pháp luận nghiên cứu.
Theo đánh giá của Hội đồng xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2010. cụm công trình trên của GS Hà Minh Đức có thành tựu khoa học đặc biệt xuất sắc, nghiên cứu toàn diện, có hệ thống và thành công nhất về sự nghiệp văn thơ, báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh và một số vấn đề văn học, lý luận văn học, nghệ thuật.
Hiện nay, cụm công trình được sử dụng làm giáo trình đại học và là tài liệu tham khảo sau đại học; có tác động rất lớn đối với công tác nghiên cứu và đào tạo cán bộ; có tác dụng sâu sắc trong việc bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm cho nhiều thế hệ học sinh, sinh viên.
Trước GS Hà Minh Đức, đã có nhiều học giả nghiên cứu về sự nghiệp văn chương của Hồ Chí Minh như Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, các thi sĩ Xuân Diệu, Chế Lan Viên… Chính vì vậy, để tìm ra cách khai thác riêng và cách xử lý tư liệu riêng, góc nghiên cứu của riêng mình là điều không phải dễ. GS Hà Minh Đức cho biết: “Tôi nghĩ văn thơ Bác là đề tài lớn, phong phú, nếu cố gắng suy nghĩ sẽ có thể khai thác được một điều gì đấy hợp với sức mình”.
Từ suy nghĩ đó, ông chủ trương đi vào đề tài nhỏ nhưng có ý nghĩa dù có thể ít người quan tâm. Những bài đầu tiên ông viết về đề tài nghiên cứu sự nghiệp văn chương của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều rất dung dị, dễ đọc như như Vẻ đẹp trí tuệ trong thơ Bác cho Tạp chí Tác phẩm mới vào khoảng năm 1970, rồi Thơ tứ tuyệt của Hồ Chí Minh, Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn (1975), Những bài thơ của Bác viết về tuổi thọ (1975)… Dần dà, các khảo cứu cứ dày lên theo năm tháng cho đến lúc, ông nảy ra ý định viết một cuốn sách về thơ Bác. Ý tưởng này đã được ông trình bày với ông Phạm Hựu, Giám đốc NXB Khoa học xã hội và rất may nhận được sự ủng hộ nhiệt tình. Bản thảo sau đó được nhà thơ Hoàng Trung Thông đọc và góp ý và ít tháng sau thì sách được xuất bản, được chấp nhận. Sách được tái bản đến lần thứ 8.
Tiếp tục mạch nghiên cứu này, năm 1985, ông viết tiếp cuốn “Tác phẩm văn của Hồ Chí Minh”. Năm 1991, ông cho ra đời cuốn “Báo chí Hồ Chí Minh”.
Các tác phẩm của GS Hà Minh Đức (ảnh ST)
Cũng với phương pháp nghiên cứu riêng và quan niệm riêng, GS Hà Minh Đức đã nghiên cứu sâu về Thơ Mới và Tự lực Văn đoàn. Ông là một trong những người đầu tiên viết sách nghiên cứu về Nam Cao. Hay là cuốn “Tô Hoài - Đời văn và tác phẩm” vừa là nghiên cứu văn chương, vừa là kỷ niệm với nhà văn Tô Hoài Hai công trình nghiên cứu về Thơ Mới và Tự lực Văn đoàn là những công trình được ông đầu tư tâm sức rất lớn và đã được viết với một hứng thú nghiên cứu cũng rất lớn. Sau này, những khảo cứu và thông tin nghiên cứu chuyên sâu từ những cuốn sách ấy đã là những tài liệu tham khảo bổ ích cho sinh viên của mình và lan truyền tới họ một hứng thú nghiên cứu rất đáng kể khi họ đang ngồi học trong giảng đường và không chỉ trong giảng đường đại học.
Đúng như những gì mà Hội đồng xét Giải thưởng Hồ Chí Minh về KHCN năm 2010 đã nhận xét: Cụm công trình có những kiến giải khoa học sâu sắc và có sức thuyết phục cao, khái quát những đóng góp to lớn của tác giả Hồ Chí Minh cho sự nghiệp văn học và báo chí của dân tộc; có ảnh hưởng sâu rộng trong việc nghiên cứu văn hoá, văn học Việt Nam thế kỷ XX với những giá trị rất cao về văn học sử cũng như phương pháp luận nghiên cứu.
Với những đánh giá trên, xin được chúc mừng GS Hà Đình Đức với giải thưởng cao quý cao nhất dành cho những nghiên cứu có đóng góp to lớn cho sự nghiệp nghiên cứu văn hóa, văn học nước nhà.
Cụm công trình của GS Hà Minh Đức được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN năm 2010
Nhóm công trình 1
1. Sự nghiệp văn thơ Hồ Chí Minh.
2. Báo chí Hồ Chí Minh (Phần chuyên luận và tuyển chọn)
Nhóm công trình 2
1. Tự lực văn đoàn - trào lưu và tác giả (Phần chuyên luận).
2. Một nền văn hóa văn nghệ đậm bản sắc dân tộc với nhiều loại hình nghệ thuật phong phú.
|
Minh Hiệp