FAS Angel ra đời năm 2019, xuất phát từ mong muốn hỗ trợ trực tiếp về sơ cứu cho nạn nhân tai nạn giao thông trên đường. Mỗi thành viên của FAS Angel là một mảnh ghép khác nhau về hoàn cảnh, độ tuổi, nghề nghiệp… nhưng cùng chung một tinh thần vì mọi người, sẵn sàng lan tỏa yêu thương đến với cộng đồng.
Anh Phạm Quốc Việt là người thành lập đội hỗ trợ sơ cứu FAS Angel (First Aid Support Angel - Hỗ trợ sơ cứu) với mục đích giúp đỡ những người gặp nạn trên đường phố Thủ đô. Thấu hiểu cảm giác cô độc và bị bỏ rơi trong một vụ tai nạn giao thông tại Tuyên Quang năm 2016, anh Việt quyết tâm vận dụng những kiến thức sơ cứu đã được học trong quân ngũ để bắt đầu hành trình giúp đỡ những người gặp nạn trên đường phố Thủ đô. “Không bỏ rơi ai cả” là tôn chỉ mà anh luôn nhắc nhở các thành viên của đội từ những ngày đầu.
Hằng ngày, từ 21 giờ đến 1 giờ sáng, các thành viên chia thành 10 vùng, mỗi vùng có khoảng từ 2 đến 3 xe máy, túc trực tại những tuyến đường hay xảy ra tai nạn như đường Vành Đai 2, Cầu Giấy, Đại Cồ Việt, Trần Nhân Tông, Lê Duẩn, Hoàng Cầu, đường Vành Đai 3, Nguyễn Trãi,... Toàn Đội thu thập thông tin, báo vị trí tai nạn qua một nhóm chat chung để kíp trực kịp thời hỗ trợ. Những hình ảnh cũng được cung cấp cho lực lượng chức năng và người nhà nạn nhân để nắm được tình hình.
Từ năm 2017 đến tháng 9/2019, anh Việt học thêm nhiều kiến thức sơ cứu từ các chuyên gia trong và ngoài nước, tích lũy những kinh nghiệm thực tế để hướng dẫn các thành viên khác trong đội. Đến nay, trung bình mỗi năm đội FAS Angel thực hiện hơn 1.000 ca sơ cứu, với khoảng 600 vụ tai nạn giao thông có mức độ khác nhau.
Vào giai đoạn giữa tháng 9/2021, sau khi chứng kiến nhiều nạn nhân không được đưa đến bệnh viện kịp thời, do các xe cấp cứu quá tải trong mùa dịch, anh Việt nhận thấy sự cấp thiết của việc có một chiếc xe ôtô để vận chuyển nạn nhân trong những trường hợp tai nạn nghiêm trọng. Cuối tháng 12/2021, sau một tháng kêu gọi ủng hộ từ cộng đồng và những nhà hảo tâm, đội đã hoàn thành mục tiêu 250 triệu đồng để mua một chiếc xe cứu thương cũ, đưa các nạn nhân trong những trường hợp khẩn cấp đến bệnh viện kịp thời. Không gian rộng giúp xe chở được tối đa 3 nạn nhân - điều theo anh Việt là rất quan trọng, bởi một vụ tai nạn nghiêm trọng thường có khoảng 2 nạn nhân. Trước đó, các dụng cụ y tế như nẹp cố định xương, cáng cứu thương và bình oxy khó có thể mang theo xe máy. Anh Việt cũng cho biết không gian xe sẽ trở thành một kho chứa đồ lưu động, cung ứng vật tư y tế cho những phương tiện khác của đội.
Fas Angel tổ chức các buổi chia sẻ (miễn phí) kỹ năng sơ cấp cứu cho cộng đồng; Hỗ trợ các hoạt động tình nguyện cho cộng đồng; liên kết với các tổ chức y tế đào tạo kỹ năng sơ cấp cứu cho thành viên nhằm không ngừng hoàn thiện kỹ năng của các thành viên, tình nguyện viên.
Trải qua hơn 3 năm hình thành và phát triển, Đội Hỗ trợ sơ cứu FAS Angel ngày một lớn mạnh hơn khi mỗi năm lại “quy tụ” rất nhiều gương mặt ưu tú, nhiệt huyết, năng động và có tinh thần trách nhiệm cao trong hoạt động sơ cứu, hỗ trợ người bị nạn đúng như tôn chỉ của Đội “Không bỏ rơi ai cả”. Từ 5 thành viên tại thời điểm năm 2019, đến nay, Đội đã có khoảng hơn 450 thành viên. Mỗi thành viên của đội là một trái tim nhiệt huyết, luôn cố gắng hết mình để lan tỏa tinh thần giúp đỡ mọi người, tạo nên một Đội Hỗ trợ sơ cứu FAS Angel vững mạnh như ngày hôm nay. Đội hoạt động theo phương châm "Không thu phí - Không tranh cãi - Không phân biệt - Không kết án”. Có thể nói, sự ra đời của FAS Angel mang giá trị nhân văn sâu sắc. Trung bình mỗi năm Đội FAS Angel thực hiện hơn 1.000 ca sơ cứu, với khoảng 600 vụ tai nạn giao thông có mức độ khác nhau.
Fas Angel hoạt động với phương châm "Không bỏ rơi ai cả"
Hiện nay, FAS Angel vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh công tác kết nạp và tìm kiếm được thêm nhiều sự đồng tâm từ những con người trong cộng đồng, sẵn sàng giúp đỡ người bị nạn, (ai cũng có thể là người sơ cứu không phân biệt độ tuổi, ngành nghề...); Lan tỏa tinh thần "tương thân tương ái" giữa người với người, bởi sơ cứu ban đầu là hành động thực tế cần thiết; Đẩy mạnh tầm quan trọng của sơ cứu ban đầu, truyền thông rộng rãi tới cộng đồng, cung cấp những lớp học/chia sẻ các kiến thức, kỹ năng sơ cứu hiện trường (miễn phí) để tất cả mọi người đều có thể tiếp cận và học tập, giúp mọi người chuẩn bị tâm lý và sự sẵn sàng khi có một tai nạn xảy ra; Không phí nạn nhân/người nhà của họ hay bất kỳ khoản phí nào từ người tham gia các buổi học, chia sẻ để gắn kết cộng đồng bằng cái TÂM thực sự, không vụ lợi.
Xuất phát từ ý tưởng cá nhân muốn góp phần nâng cao kiến thức, khắc phục những hạn chế trong công tác sơ cứu người bị nạn, đến nay FAST Angel đã trở thành tổ chức hoạt động nhóm có những hoạt động thiết thực, cụ thể góp phần hạn chế những bất cập đáng tiếc trong công tác sơ cứu người bị tai nạn giao thông.
Nhờ vào sự can thiệp hỗ trợ kịp thời từ thành viên FAS Angel, các nạn nhân đã được xử lý sơ cứu đúng cách giúp hạn chế được diễn biến xấu, gia tăng cơ hội sống, khả năng hồi phục cho nạn nhân.
Hiện FAS Angel đang giới hạn hoạt động trên phạm vi địa bàn Hà Nội. Đối với thực trạng an toàn giao thông và thực tế người dân còn thiếu và yếu về kỹ năng sơ cứu như hiện nay thì FAS Angel là mô hình cần được lan tỏa nhân rộng nhanh hơn, mạnh hơn trên phạm vi cả nước, đặc biệt là ở các thành phố lớn.
FAS Angel đã vinh dự được nhận Giải B "Sáng kiến vì cộng đồng" lần thứ IV do Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, UBND thành phố Hà Nội và Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp tổ chức.với nội dung ý tưởng: Phát triển mạng lưới đội hỗ trợ sơ cứu tai nạn miễn phí cho cộng đồng.
Để FAST Angel có thể nhân rộng mô hình nhanh hơn, mạnh hơn, hiệu quả hơn có lẽ rất cần có sự chung tay của các tổ chức, doanh nghiệp, các cá nhân cùng tham gia đóng góp đầu tư, hỗ trợ trang thiết bị phương tiện phục vụ hoạt động của nhóm.
Hà Chi