Xây dựng điểm Thông tin Khoa học công nghệ (TTKHCN) là chủ trương lớn của tỉnh Đồng Nai với phương châm “Đưa khoa học công nghệ đến tận nhà, để nông dân không phải đi xa". Hiện nay, các điểm TTKHCN được xây dựng ở xã, phường trong toàn tỉnh đã trở thành công cụ tiện ích, hiệu quả, góp phần thúc đẩy nhanh việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Đưa công nghệ thông tin về xã, ấp
Từ năm 2006, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Đồng Nai xây dựng mô hình điểm TTKHCN trên 12 đơn vị phường, xã. Đến nay, Sở đã nhân rộng mô hình, phát triển được 96 điểm TTKHCN ở 96 xã trong toàn tỉnh. Hầu hết các điểm TTKHCṆ ở các xã, phường này đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương tuyên truyền, chuyển giao những tiến bộ mới vào sản xuất, để nông dân nắm bắt và áp dụng vào sản xuất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn. Các điểm truy cập TTKHCN tại các xã, thị trấn, được trang bị 2 máy vi tính, 1 máy in và 1 máy ảnh kỹ thuật số, bàn ghế làm việc, tủ đựng tài liệu. Dữ liệu phục vụ truy cập được tích hợp và thường xuyên được cập nhật tới các máy tính tại các điểm TTKHCN.
Khi xây dựng lắp đặt điểm TTKHCN ở các xã, Sở KH&CN còn chú trọng việc giúp nông dân ở các xã có điểm TTKHCN phải nắm bắt nhanh việc ứng dụng KHCN vào sản xuất, chăn nuôi có hiệu quả. Muốn làm được điều đó phải biết cập nhật thông tin về tiến bộ KHKT, thị trường tiêu thụ, giá cả sản phẩm…; đồng thời xây dựng điểm cung cấp thông tin tại các ấp, lập địa chỉ website, địa chỉ điểm TTKHCN… nhằm tạo điều kiện thuận lợi để nông dân dễ tiếp nhận và cập nhật nhanh được thông tin mới nhất …
Ông Nguyễn Thành Chín, Giám đốc Trung tâm tin học và thông tin khoa học - công nghệ (Sở Khoa học - công nghệ tỉnh Đồng Nai) cho biết: Từ năm 2006 đến nay đã có trên 7.000 cán bộ xã, ấp hoàn thành và có chứng chỉ tin học trình độ A để phục vụ ứng dụng CNTT trong quá trình làm việc như: soạn thảo văn bản, báo cáo, truy cập internet… Ưu điểm khi triển khai chương trình đào tạo trình độ A tin học cho cán bộ xã, ấp là Nhà nước không tốn kém chi phí đầu tư máy móc do huy động được từ nhiều nguồn khác nhau như: hợp đồng với các trung tâm đào tạo, dạy nghề, các trường THPT… Hơn nữa, việc áp dụng các hình thức đào tạo tin học trình độ A cho cán bộ xã, ấp đã từng bước xóa được tâm lý “ngại học”, do nhiều cán bộ xã, ấp đã lớn tuổi, vốn chỉ quen làm việc thủ công bằng bút giấy, hoặc ngại đi học tập trung ở xa, học ban ngày, ảnh hưởng tới công việc.
Không chỉ quan tâm đầu tư các điều kiện cần thiết về phát triển và ứng dụng CNTT cho các xã ở nông thôn, hàng năm Sở Khoa học - công nghệ còn tổ chức nhiều hội thi về CNTT cho cán bộ các xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh để có dịp kiểm tra các kiến thức của cán bộ về ứng dụng CNTT trong công việc. Các hội thi cán bộ ứng dụng CNTT được trao giải thưởng xứng đáng đã góp phần khuyến khích cán bộ, công chức tích cực trau dồi kiến thức CNTT để phục vụ công việc hàng ngày, góp phần nâng cao hiệu quả chương trình cải cách hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày một tốt hơn.
Hiệu quả từ các mô hình điểm
Địa bàn thị xã Long Khánh có 12/15 đơn vị xã, phường được cung cấp trang thiết bị kỹ thuật cho điểm TTKHCN nhằm giúp nhân dân địa phương có điều kiện tiếp cận khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, sinh hoạt, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ông Võ Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Long Khánh cho biết: H iệu quả các điểm cung cấp thông tin khoa học công nghệ này đã giúp địa phương thông tin tuyên truyền, giới thiệu các hoạt động của địa phương nhằm tạo mối giao lưu để phát triển kinh tế. Trong từng lĩnh vực, việc ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ có bước tiến bộ, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trên địa bàn đã mạnh dạn đầu tư thêm thiết bị, công nghệ tiên tiến.
Điển hình là điểm TTKHCN phường Xuân Bình thuộc thị xã Long Khánh, chỉ mới đầu tư xây dựng từ năm 2008, nhưng đã được Sở KHCN Đồng Nai cung cấp các trang thiết bị khá hiện đại như: thiết bị tin học, thiết bị văn phòng, máy chụp ảnh kỹ thuật số, văn phòng điện tử (M-Office), trang thông tin điện tử phường, kèm theo nguồn cơ sở dữ liệu (CSDL) phong phú... Điểm thông tin phục vụ thiết thực cho sản xuất và đời sống nông dân như: 10 vạn câu hỏi-đáp khoa học kỹ thuật; 200 câu hỏi - đáp về dịch hại trên cây trồng và thuốc bảo vệ thực vật, 150 chuyên gia tư vấn về công nghệ nông thôn, 21 giống cây ăn trái có lợi thế cạnh tranh và xuất khẩu miền Đông Nam bộ, đặc biệt có trên 600 phim tài liệu khoa học công nghệ nông thôn.
Bà Phạm Thị Gái, Phó Giám đốc Trung tâm học tập cộng đồng phường Xuân Bình (thị xã Long Khánh) cho biết, đ iểm TTKHCN phường dù chỉ đi vào hoạt động trong thời gian ngắn nhưng đã thể hiện hiệu quả, tạo cơ hội cho nông dân tiếp cận thông tin, qua đó góp phần nâng cao dân trí, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, biết ứng dụng những tiến bộ, thành tựu KH-CN vào lao động sản xuất, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.
Một số điển hình đã minh chứng cho việc ứng dụng hiệu quả các thông tin khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống người dân nông thôn như: Ông Võ Văn Vinh ở khu phố 3, phường Xuân Bình (thị xã Long Khánh) đã xâm canh mở trang trại tại xã Hàng Gòn. Ông đã ứng dụng hiệu quả KHCN trong mô hình khép kín chăn nuôi, chuồng trại. Với đàn bò 100 con, lợi nhuận trừ chi phí trên 200 triệu đồng/năm; nuôi gia công 400 lợn thịt, nuôi gà sao; xen canh 5 sào tiêu, canh tác gần 2 ha ca cao, thu hoạch bình quân 3 tấn/năm, bán ra trên 45 triệu đồng/tấn; thử nghiệm trồng thêm 3ha cây cao su. Ông Tám Vinh phấn khởi nói: Trước đây tôi lao động sản xuất chủ yếu học hỏi kinh nghiệm bạn bè, ngày nay nhờ có những hội thảo kỹ thuật nông nghiệp, có điểm TTKHCN phường, xã là người bạn đồng hành giúp chúng tôi vững tin hơn trong lao động sản xuất, hạn chế những rủi ro trong nông nghiệp. Điểm TTKHCN đã phục vụ đắc lực cho sản xuất nông nghiệp và đời sống nông dân.
Đến trại nấm mèo, nấm bào ngư của ông Nguyên Hóa – cựu chiến binh, thương binh khu phố 5, thuộc phường Xuân Bình, nhờ tiếp cận, học hỏi, ứng dụng kiến thức KHCN trong lao động sản xuất, đã giúp gia đình ông giảm nghèo, có điều kiện nuôi 2 con tốt nghiệp đại học ra trường có việc làm ổn định. Còn ở trại nấm mèo, nấm bào ngư của bà Phí Mạnh Tấn - Bí thư chi bộ khu phố 5, qua điểm TTKHCN, bà mạnh dạn phát triển được 4 trại nấm, tạo đầu ra ổn định, hàng ngày thương lái đến tận nhà lấy hàng - đảm bảo nấm sạch, chất lượng, an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Để góp phần thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở các xã điểm, ông Phạm Văn Sáng, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh cho biết: Trong năm tới đây, mạng thông tin khoa học - công nghệ sẽ phủ khắp các xã, phường, thị trấn, trung tâm văn hóa - thể thao và học tập cộng đồng trong toàn tỉnh. Tỉnh sẽ tiến hành nâng cấp thêm một bước các trang thiết bị máy móc đã đầu tư trước đây. Sở sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương khẩn trương đào tạo nguồn nhân lực, góp phần thực hiện thành công đề án xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh trong thời gian tới.