Qua việc triển khai các dự án, trình độ công nghệ của các lĩnh vực như chế tạo giàn khoan dầu khí, tàu thủy, thủy điện, khai thác mỏ,... đã có những tiến bộ rõ rệt. Các sản phẩm tạo ra có chất lượng và giá thành cạnh tranh, khẳng định được năng lực nội sinh của ngành cơ khí, đóng góp quan trọng vào việc chủ động đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh cho biết như trên tại Hội nghị sơ kết 10 năm thực hiện dự án KH&CN cấp Quốc gia do Bộ KH&CN tổ chức diễn ra chiều 09/3.
Tham dự Hội nghị có đại diện Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Y tế; đại diện một số Sở KH&CN, các Viện, trường, doanh nghiệp cùng đại diện một số đơn chức năng thuộc Bộ KH&CN.
Dự án KH&CN là nhiệm vụ KH&CN bao gồm một số đề tài nghiên cứu khoa học, dự án sản xuất thử nghiệm có sự gắn kết hữu cơ, đồng bộ, được tiến hành trong một thời gian nhất định, nhằm giải quyết các vấn đề KH&CN chủ yếu phục vụ cho việc sản xuất một sản phẩm hoặc nhóm sản phẩm trọng điểm, chủ lực được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Mục tiêu chủ yếu của các dự án KH&CN là giúp các doanh nghiệp trong việc nâng cao năng lực và đào tạo đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực quản lý, tư vấn thiết kế, làm chủ được thiết kế, chế tạo, vận hành thiết bị của nhà máy; từng bước nghiên cứu thiết kế chế tạo các thiết bị, sản phẩm có độ phức tạp cao bằng nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt từ khi tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện, Đảng và Nhà nước sớm có các định hướng và chỉ đạo đúng đắn về vị trí, vai trò của KH&CN đối với phát triển kinh tế - xã hội.
“Sau hơn 10 năm thực hiện (2005-2016), các dự án KH&CN đã đạt được nhiều kết quả tốt. Qua việc triển khai các dự án, trình độ công nghệ của các lĩnh vực như chế tạo giàn khoan dầu khí, tàu thủy, thủy điện, xi măng, thiết bị điện, ô tô, khai thác mỏ,... đã có những tiến bộ rõ rệt. Các sản phẩm tạo ra có chất lượng và giá thành cạnh tranh, khẳng định được năng lực nội sinh của ngành cơ khí, đóng góp quan trọng vào việc chủ động đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định.
Toàn cảnh Hội nghị
Báo cáo sơ kết 10 năm thực hiện dự án, ông Nguyễn Phú Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ KH&CN cho biết, trong giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2016, Bộ KH&CN phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải, UBND các tỉnh Quảng Nam, Ninh Bình, Cao Bằng, Bình Ðịnh đã xem xét, phê duyệt đưa vào thực hiện 14 dự án hỗ trợ phát triển ngành cơ khí trong nước.
Qua hơn 10 năm thực hiện, đã có nhiều dự án đạt kết quả tốt, điển hình như dự án: “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các thiết bị chủ yếu cho dây chuyền đồng bộ sản xuất xi măng lò quay công suất 2.500 tấn clanhke/ngày, thay thế nhập ngoại, thực hiện tiến trình nội địa hóa”; “Phát triển KH&CN phục vụ đóng tàu chở dầu thô 100.000 tấn”; “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo, lắp đặt và vận hành thiết bị thủy điện cho nhà máy thủy điện Đakrông công suất 20 MW”; “Thiết kế chế tạo thiết bị điện cao áp và sản xuất dầu cách điện để thay thế nhập khẩu”; “Nghiên cứu thiết kế chi tiết và công nghệ chế tạo, lắp ráp, hạ thủy giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90m nước phù hợp với điều kiện Việt Nam”;…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai các dự án KH&CN vẫn còn nhiều những tồn tại cần khắc phục trong thời gian tới như sự đồng bộ về thời gian cấp vốn giữa dự án KH&CN và dự án đầu tư.
Nhiều đại biểu tham dự Hội nghị cho rằng, dự án KH&CN được thực hiện với mục tiêu giải quyết vấn đề KH&CN phục vụ trực tiếp dự án đầu tư sản xuất. Tuy nhiên, một số dự án KH&CN được phê duyệt chậm hơn so với tiến độ triển khai dự án đầu tư sản xuất đã ảnh hưởng đến tiến độ áp dụng các kết quả, sản phẩm nghiên cứu vào các dự án đầu tư sản xuất.
Bên cạnh đó, quá trình triển khai thực hiện dự án KH&CN, một số cơ chế đặc thù (như thuê chuyên gia nước ngoài, đầu thầu mua sắm vật tư, thiết bị,...) chưa được giải quyết kịp thời do thiếu các quy định hướng dẫn đã phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện dự án.
Thêm vào đó là tính liên kết giữa viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp trong mỗi dự án KH&CN quy mô lớn chưa được phát huy. Phần lớn các đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm thuộc dự án KH&CN chỉ do một số ít các đơn vị chủ trì thực hiện. Bên cạnh đó, tổ chức chủ trì dự án KH&CN chưa phát huy hết được vai trò chủ động trong việc tổ chức điều hành, hướng dẫn, kiểm tra tình hình thực hiện các nhiệm vụ thuộc dự án. Một số dự án KH&CN, tổ chức chủ trì dự án KH&CN ủy quyền cho Tổ chức chủ trì nhiệm vụ thuộc dự án KH&CN trực tiếp báo cáo kết quả và áp dụng kết quả nghiên cứu,...
Để tiếp tục thúc đẩy việc triển khai loại hình dự án KH&CNcấp quốc gia có hiệu quả, trong thời gian tới, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp chính như: Tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện cơ chế quản lý, cơ chế tài chính tạo ra sự thuận lợi và nâng cao hiệu quả triển khai dự án KH&CN góp phần phát triển các sản phẩm hoặc nhóm sản phẩm trọng điểm, chủ lực, ưu tiên, mũi nhọn của Bộ, ngành, địa phương;
Cùng với đó là nghiên cứu đề xuất, lựa chọn đưa vào thực hiện các dự án KH&CN có tính khả thi cao trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, y tế, giao thông vậy tải, xây dựng, công nghệ cao. Nhà nước bảo đảm tập trung đủ kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước hàng năm để triển khai đối với các dự án KH&CN. Khuyến khích việc huy động các nguồn kinh phí khác để thực hiện dự án KH&CN.
Các cơ quan liên quan sẽ phối hợp chặt chẽ trong toàn bộ quá trình từ khâu đề xuất đặt hàng, xây dựng danh mục các nhiệm vụ, tổ chức tuyển chọn, ký hợp đồng thực hiện, triển khai thực hiện, kiểm tra, đánh giá nghiệm thu.
Tin, ảnh: Hoàn Hiệp