KH&CN địa phương Thứ sáu, 17/05/2024 , 08:48 am
Cập nhật : 18/07/2022 , 08:07(GMT +7)
Đồng bằng sông Hồng phải đi đầu trong phát triển KHCN
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương - Trần Tuấn Anh phát biểu tại hội thảo
Ngày 12.7 vừa qua, Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TW phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo “Phát triển văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Các ý kiến đều khẳng định thời gian qua vùng ĐBSH có quy mô kinh tế tăng trưởng bền vững. Tuy nhiên, sự phát triển của vùng thời gian qua vẫn mang tính độc lập, đơn lẻ.

Quy mô kinh tế tăng trưởng đều

Ngày 14.9.2005, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 54-NQ/TW về phát triển KTXH và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSH đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Ngày 28.10.2011, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 13-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54. Ban Kinh tế Trung ương được giao chủ trì Đề án Tổng kết thực hiện Nghị quyết 54 về phát triển KTXH và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSH đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Theo ông Trần Tuấn Anh - Trưởng ban Kinh tế Trung ương, sau gần 17 năm thực hiện, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng bám sát các chủ trương, định hướng lớn của Bộ Chính trị, vùng ĐBSH đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhất là trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ (KHCN) và môi trường. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đã có bước thay đổi nhanh chóng. Văn hóa, giáo dục được tập trung đầu tư, ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển con người đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển. KHCN được quan tâm phát triển, nhất là trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đối số.     

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, việc phát triển vùng ĐBSH còn nhiều tồn tại, hạn chế. Văn hóa chưa được quan tâm đầy đủ, đúng mức, chưa thực sự trở thành nguồn lực nội sinh cho phát triển bền vững. KHCN và đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực cho phát triển, chưa tạo đột phá để nâng cao năng suất lao động. Y tế, giáo dục còn nhiều bất cập, chưa theo kịp với trình độ các nước phát triển trong khu vực và thế giới. Ô nhiễm môi trường đang là vấn đề lớn đối với vùng nói riêng và cả nước nói chung...

Từ thực tế trên, các tham luận đều cho rằng, còn nhiều dư địa cho phát triển văn hóa, giáo dục đào tạo, KHCN, tài nguyên môi trường và nguồn nhân lực vùng ĐBSH. Để tạo bước đột phá trong phát triển của vùng trong thời gian tới cần quan tâm đầy đủ, toàn diện đến văn hóa để văn hóa trở thành nguồn lực nội sinh cho phát triển bền vững; đẩy mạnh phát triển để KHCN và đổi mới sáng tạo trở thành động lực tăng trưởng, nhất là nâng cao năng suất lao động; tiếp tục đầu tư cho y tế, giáo dục để khai thác tốt hơn tài nguyên con người; tăng cường công tác quản lý khai thác và bảo về tài nguyên theo hướng bền vững.

Thực tế vùng ĐBSH được đánh giá có quy mô kinh tế trưởng bền vững chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, sự phát triển của vùng thời gian qua chủ yếu vẫn mang tính độc lập, đơn lẻ của từng địa phương trong vùng, tính liên kết, hợp tác phát triển chưa cao, đặc biệt là trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, phát triển công nghiệp, du lịch. Chưa có sự phân công công nhiệm vụ cụ thể cũng như xác định rõ vị trí, vai trò của từng địa phương trong vùng. Việc này dẫn đến yêu cầu phải xác định rõ vị trí, vai trò của từng địa phương trong phát triển vùng, đặc biệt là vai trò của các đô thị lớn, các đầu tầu kinh tế như Hải Phòng, Quảng Ninh trong việc tạo sự lan tỏa, lôi kéo sự phát triển của toàn vùng.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến đã chỉ rõ các điểm nghẽn, nút thắt và các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến phát triển văn hóa, giáo dục đào tạo, KHCN, tài nguyên môi trường, nguồn nhân lực chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng và các địa phương; từ đó đề xuất nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, phù hợp. Theo Thứ trưởng Bộ VHTTDL - ông Tạ Quang Đông, cần xây dựng các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, thể thao và du lịch của vùng ĐBSH trở thành những thương hiệu mạnh, có tính sáng tạo, sức cạnh tranh. Trong đó, phát triển du lịch theo 3 tiểu vùng với những sản phẩm đặc trưng theo từng tiểu vùng, 9 khu du lịch quốc gia làm hạt nhân liên kết phát triển du lịch toàn vùng. Đến năm 2030, tổng số lượt khách du lịch đến các tỉnh, thành phố trên địa bàn vùng ĐBSH đạt trên 120 triệu lượt khách du lịch trong đó có trên 20 triệu lượt khách quốc tế. Doanh thu du lịch đạt khoảng 276.000 tỉ đồng, tương đương 12 tỉ USD.

Để đạt mục tiêu trên, cần phát triển du lịch vùng theo hướng tăng cường liên kết, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh về du lịch của các địa phương và của vùng; phát triển đồng thời du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch biển trong đó du lịch văn hóa gắn với các giá trị văn minh sông Hồng là nền tảng để phát triển các loại hình du lịch khác; kết hợp giữa truyền thống và hiện đại trong phát triển sản phẩm du lịch của vùng nhằm khai thác có hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống gắn với văn minh sông Hồng; phát triển du lịch vùng tương xứng với vai trò là trọng tâm phát triển du lịch cả nước, đầu mối phân phối khách cho các vùng khác trong cả nước.

Đồng bằng sông Hồng phải đi đầu trong phát triển khoa học công nghệ

Cần đơn giản hoá thủ tục hành chính

Thứ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Hoàng Giang cũng cho rằng, kết quả hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo trong thời gian qua chưa xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng. Tiềm lực KHCN của các tỉnh, thành phố còn yếu, cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu; nhân lực KHCN trình độ chưa cao; chưa đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu về chuyển giao kỹ thuật tiến bộ; đầu tư cho KHCN còn hạn chế. Thị trường KHCN trong vùng phát triển chậm.

Theo đó để đưa vùng ĐBSH đi đầu trong phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về KHCN; đổi mới toàn diện hoạt động quản lý, triển khai các nhiệm vụ KHCN các cấp theo hướng công khai, minh bạch, khách quan, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Do đó, cần phát triển hệ thống các trung tâm đổi mới sáng tạo vùng, các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo nhằm phát triển, tích hợp hình thành các cụm liên kết đổi mới sáng tạo với các khu công nghệ cao, trường đại học, viện nghiên cứu; tiếp tục phát triển mạnh mẽ các khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung. Đặc biệt là phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc theo mô hình mở là đầu mối quan trọng của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, có hạ tầng hiện đại và thông minh, là nơi thúc đẩy phát triển chuỗi hoạt động tri thức, công nghệ giữa trường đại học, tổ chức nghiên cứu và triển khai, doanh nghiệp, thị trường...

Theo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, để có đột phá trong phát triển KTXH vùng ĐBSH theo hướng bền vững đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, cần xây dựng trung tâm kết nối với thế giới, thể hiện vai trò nối kết với kinh tế toàn cầu của các địa phương trong vùng. Trung tâm này sẽ được hình thành các nhân tố để trở thành trung tâm tạo dựng năng suất và đổi mới sáng tạo của nền kinh tế của vùng nói riêng, của cả nước nói chung. Trong giai đoạn tiếp theo cần thu hút thêm các nhà đầu tư dẫn dắt và tiến đến các nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị của ngành. Một số đề xuất chính sách trong việc tiếp thị và thu hút đầu tư như đặt mục tiêu mang tính cụ thể trong thu hút các nhà đầu tư dẫn dắt các dự án đầu tư quy mô lớn có thể tạo ra hiệu ứng lan tỏa.

Ngoài ra Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cũng cho rằng nên phát triển Khu thương mại tự do là một dạng đặc khu kinh tế. Đơn cử như Hải Phòng, Quảng Ninh cần xem xét có thể đưa ý tưởng phát triển khu thương mại tự do theo cách mới bằng cách phát triển ít nhất một khu đô thị (khu trung tâm) có quy mô lớn theo hướng trở thành một trung tâm kết nối hiện đại với ĐBSH trong 30 năm tới.

Nguồn tin: Lao Động

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner