Đồng bằng sông Cửu Long: Hiệu quả từ mô hình liên kết “4 nhà”
Bưởi da xanh của HTX Mỹ Thạnh An (Bến Tre) được chứng nhận Global GAP.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vốn được coi là “vựa lúa, vựa thủy sản, vựa trái cây” của cả nước và hàng năm cung ứng một lượng lớn nông sản phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Song có lẽ, ít ai biết đến câu chuyện “4 nhà” đằng sau những thành công ấy.
Kết quả bước đầu từ những mô hình cụ thể
Thương hiệu gạo ĐBSCL lâu nay thường gắn với tên doanh nghiệp, nhưng đó lại là “chất xám” của nhà khoa học và “mồ hôi” của nhiều người nông dân. Để có thương hiệu gạo như ngày nay, ĐBSCL đã phải giải quyết đồng bộ từ khâu giống, canh tác, công nghệ sau thu hoạch, tồn trữ và không thể không kể đến việc thực hiện hiệu quả mô hình liên kết giữa nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông.
Có thể đơn cử ví dụ về việc xử lý trận dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá trên cây lúa tại thời điểm bùng phát dịch bệnh này (năm 2007) ở ĐBSCL. Nhà khoa học đã đi đầu về tìm cách phòng chống và tránh rầy nâu qua việc bố trí thời vụ hợp lý, nghiên cứu giải pháp kỹ thuật phòng trừ tổng hợp (nghiên cứu giống kháng bệnh, thời vụ, kỹ thuật canh tác, công nghệ sau thu hoạch…) và chuyển giao cho người dân. Nhà nước cũng đã đưa ra chiến lược liên kết vùng và quy định chặt chẽ từng địa phương về phòng chống, tránh rầy nâu mà nhà khoa học đề xuất. Cùng với đó, nhà doanh nghiệp (Công ty TNHH ADC và Công ty Bảo vệ thực vật An Giang) đã tham gia xây dựng mô hình trình diễn công nghệ cho bà con nông dân hiểu và làm theo. Nhờ đó, trận dịch rầy nâu được khống chế, giảm tổn thất lớn cho người dân.
Theo TS. Nguyễn Văn Sánh – Giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL, liên kết “4 nhà” không chỉ mang lại hiệu quả cao trong việc phát triển cây lúa mà còn đem lại hiệu quả cao trong sản xuất cây ăn trái. Nhờ có sự liên kết chặt chẽ của “4 nhà”, vùng đã hình thành được các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản. Điển hình là mô hình liên kết trồng xoài cát của hợp tác xã (HTX) Hòa Lộc tại Tiền Giang do Viện Cây ăn quả miền Nam kết hợp với Trường Đại học Curtin (Úc) thành lập năm 2003. Với mô hình này, nông dân tham gia HTX được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để sản xuất theo hướng an toàn; doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu chất lượng cao và an toàn thực phẩm để xuất khẩu. “Các nhà khoa học có vai trò lớn trong sự thành công này, đặc biệt là các nhà khoa học của Viện Cây ăn quả miền Nam”, TS. Nguyễn Văn Sánh nhấn mạnh.
TS. Nguyễn Văn Sánh cho biết, mô hình liên kết trong sản xuất cây ăn trái đã phát triển mạnh mẽ sau sự ra đời của mô hình HTX Hòa Lộc với các hình thức khá đa dạng, hình thành các vùng cây ăn quả tập trung như: HTX, tổ hợp tác, nhóm liên kết, câu lạc bộ trồng cây ăn trái. Một số mô hình cụ thể tại tỉnh Bến Tre như: tổ hợp tác nhãn Long Hòa sản xuất nhãn theo Viet-GAP, tổ hợp tác chôm chôm Phú Phụng sản xuất chôm chôm theo Global-GAP đã hợp đồng cung cấp trái cây cho Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu để xuất khẩu, tổ hợp trồng bưởi Phú Thành sản xuất bưởi theo Viet-GAP cung cấp cho cơ sở kinh doanh bưởi Hương Miền Tây,…
Khó khăn cần được khắc phục
Theo TS. Nguyễn Văn Sánh, mô hình liên kết “4 nhà” ở nhiều địa phương đã thực sự phát huy được vai trò của các nhà. Tuy nhiên, hiện các nhà đều có những khó khăn nhất định khiến mô hình này chưa được nhân rộng. Nhà khoa học gặp khó khăn về nguồn lực (cơ sở vật chất, con người và kinh phí) nhưng lại thiếu liên kết giữa viện, trường để phát huy thế mạnh của từng đơn vị; các nghiên cứu còn chồng chéo nhau; nhiều nghiên cứu chưa gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và ít những nghiên cứu liên ngành nên kết quả nghiên cứu ứng dụng vào thực tế còn hạn chế.
Với nhà quản lý, theo các chuyên gia việc đầu tư nghiên cứu khoa học cho vùng còn ít; công tác quản lý nhà nước về KH&CN mới chỉ quan tâm việc xác định đề tài, chưa tập trung đánh giá hiệu quả, tác dụng trong thực tế. Nông dân thì cho rằng, tác động từ môi trường tự nhiên như xâm nhập mặn, hạn, lũ lụt… làm ảnh hưởng đến môi trường sản xuất, giảm độ phì nhiêu đất đai nên việc ứng dụng các tiến bộ KH&CN mới để thích ứng với thay đổi đó là một thách thức lớn.
Theo phân tích của các chuyên gia, doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong mối liên kết “4 nhà”. Mục tiêu hoạt động của họ là tối đa hóa lợi nhuận nên cách thức sử dụng nguồn lực của họ tùy thuộc rất lớn vào cơ chế thị trường cạnh tranh; các chính sách tài chính, giá đầu vào và đầu ra, thị trường và KH&CN. Nhưng hiện nay các chính sách này còn nhiều bất cập và khó dự đoán. Vì thế, doanh nghiệp sẽ e ngại đầu tư chi phí lớn cho phát triển KH&CN, đặc biệt là nông nghiệp - lĩnh vực thường gặp nhiều rủi ro hơn so với nhiều ngành khác.
Theo TS. Nguyễn Văn Sánh, để nâng cao hiệu quả sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm lúa gạo, cây ăn quả, tôm sú và cá tra, ĐBSCL cần đẩy mạnh việc liên kết vùng và mô hình “4 nhà” nhằm khắc phục các khó khăn hiện tại như thiên tai, dịch bệnh, thiếu vùng nguyên liệu tập trung, chất lượng giống, kỹ thuật, kết nối với thị trường… Các mô hình liên kết này nên được thực hiện lồng ghép với chương trình “Tam nông” và một số dự án của vùng, địa phương để tạo bước đột phá về KH&CN trong nông nghiệp.
Đồng thời, cần tăng cường mối liên hệ giữa viện nghiên cứu và trường đại học với các khu vực khác để hỗ trợ KH&CN, đào tạo nghề. Trong mối liên kết “4 nhà”, nhà nước phải phát huy rõ vai trò nhạc trưởng và đầu tàu trên cơ sở tạo ra các cơ chế, cách tổ chức, chính sách thông thoáng. Các chương trình, dự án, đề tài cần được thực hiện lồng ghép 3 lĩnh vực nghiên cứu và phát triển: khoa học kỹ thuật, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.
- Cây lúa: Vùng ĐBSCL hiện đóng góp hơn 50% tổng sản lượng lúa gạo cả nước, 90% lượng gạo xuất khẩu. Hàng năm, ngoại tệ thu được khoảng hơn 2,5 tỉ đôla.
- Cây ăn quả: Diện tích cây ăn quả cả nước là 786.200ha (2008) trong đó ĐBSCL chiếm gần 40%, 70% lượng trái cây của cả nước. Kim ngạch xuất khẩu cây ăn quả tăng trưởng khá đều, bình quân đạt 20%/năm.
- Sản xuất thủy sản: Chiếm hơn 70% sản lượng của cả nước và đóng góp khoảng 80% lượng xuất khẩu.