Là một trong những đồng bằng lớn và phì nhiêu nhất Đông Nam Á, đồng thời cũng là nơi sản xuất, xuất khẩu lương thực và cây ăn trái nhiệt đới lớn nhất Việt Nam. Thế nhưng, Đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước nhiều thách thức không dễ vượt qua nếu không có sự vào cuộc của KH&CN
Những nguy cơ hiện hữu
Đó là nhận định của các nhà quản lý, chuyên gia và nhà khoa học tại Hội thảo “KH&CN với sự phát triển bễn vững của vùng ĐBSCL” vừa được Bộ KH&CN tổ chức tại tỉnh Hậu Giang mới đây.
Theo báo cáo của Ban địa phương (Bộ KH&CN), sản xuất nông nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các ngành sản xuất của ĐBSCL. Cây lúa hiện nay và trong những năm tới vẫn được xem là cây trồng chủ lực của vùng. Hàng năm ĐBSCL đóng góp trên 50% sản lượng lúa và trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu của nước ta. Ngành thủy sản chiếm 52% sản lượng, cung cấp 80% lượng tôm xuất khẩu, đóng góp khoảng 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước. Trong 10 năm qua, toàn vùng đã huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 627 ngàn tỉ đồng, trong đó ngân sách nhà nước chiếm 139 ngàn tỉ còn lại 488 ngàn tỉ là vốn góp của các doanh nghiệp và vốn đầu tư xã hội toàn vùng.
Cùng với sản xuất nông nghiệp, thời gian qua các tỉnh trong vùng đã tích cực chủ động đẩy mạnh ứng dụng KH&CN trong hỗ trợ và phát triển ngành thủy sản như: Nghiên cứu khảo nghiệm, ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử trong di truyền, chọn lọc và lai tạo các dòng bố mẹ thuần chủng để nâng cao chất lượng con giống,… Công tác xây dựng thương hiệu, phát triển tài sản trí tuệ; công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức, giới thiệu các mô hình tiên tiến,… đã được chú trọng và có những đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế xã hội của các địa phương trong vùng.
Tuy nhiên, theo ông Trần Ngọc Hải (Trường Đại học Cần Thơ) việc nuôi trồng thủy sản vùng ĐBSCL mặc dù có sản lượng cao nhưng đang gặp nhiều rủi do, đặc biệt là dịch bệnh chưa kiểm soát được do ô nhiễm môi trường và thiếu các biện pháp quản lí đã ảnh hưởng đến các loài nuôi quan trọng như tôm sú, tôm càng xanh, cá tra,…Bên cạnh đó, việc cung cấp nước sạch an toàn cho người dân chỉ đạt 60 – 65% ở khu vực đô thị, còn đối với người dân ở khu vực nông thôn thì rất thấp. Tình trạng nhiễm mặn và nhiễm phèn ngày càng nghiêm trọng. Việc khai thác quá mức các nguồn tài nguyên thiên nhiên đã đe dọa đến hệ sinh thái tự nhiên, những hệ quả xấu về mặt không gian, thu hẹp diện tích đất đai màu mỡ do xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất và đô thị hóa gây ra.
Ngoài những vấn đề mà hiện nay ĐBSCL đang phải đối mặt, các nhà khoa học đều cho rằng trong tương lai khu vực này sẽ còn gặp nhiều thách thức mới như nguồn nước ngọt cho dân trong mùa khô; Hàng hóa xuất khẩu chưa ổn định, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao còn ít, khả năng cạnh tranh kém; Ô nhiễm môi trường trong sản xuất công nghiệp đang diễn ra với quy mô lớn,... Bên cạnh những xu hướng xã hội rõ ràng như phát triển công nghiệp và gia tăng dân số, thì biến đổi khí hậu chắc chắn sẽ gây ra những tác động lớn lên các điều kiện tự nhiên của khu vực này. Kết hợp với những thay đổi dòng chảy của hệ thống các con sông do việc xây dựng các công trình thủy lợi, thủy điện trên thượng lưu của các nước nằm trong lưu vực sông Mê Kông, những tác động này sẽ gây ra những khó khăn nhiều hơn nữa đối với sản xuất và đời sống của người dân.
Đẩy mạnh ứng dụng KH&CN cho phát triển bền vững
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh cho rằng, sự phát triển của ĐBSCL diễn ra trên nhiều lĩnh vực, vấn đề đã và đang được giải quyết nhưng không hẳn đã phù hợp với khái niệm phát triển bền vững. Trước những biến đổi của điều kiện tự nhiên theo hướng bất lợi như biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho thấy khoa học và công nghệ hết sức cần thiết nhằm đảm bảo cho sự phát triển bền vững của khu vực này. Đặc biệt, cần phải có những công trình nghiên cứu, đề xuất giải pháp khoa học công nghệ phù hợp, thích nghi với sự thay đổi bất lợi của thời tiết khí hậu, nước biển dâng đối với vùng ĐBSCL giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn xã hơn nữa. Đồng thời làm thế nào để khai thác hợp lý các nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh vững chắc.
“Ngành khoa học cần có một chương trình mang tính tổng thể, hệ thống, có mục tiêu, nội dung xuyên suốt, tập hợp được tối đa các nguồn lực từ kinh phí, các nhà khoa học, tổ chức nghiên cứu, doanh nghiệp, mọi thành phần kinh tế để tập trung nghiên cứu, thống kê, đánh giá tổng hợp các yếu tố về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, kinh tế - xã hội, lịch sử văn hóa, an ninh quốc gia... trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp khoa học và quan điểm, mô hình phát triển phù hợp cho từng khu vực, địa phương cụ thể và của toàn vùng đất ĐBSCL nhanh và bền vững” Thứ trưởng Trần Việt Thanh nói.
Thực tế những năm qua, để thực hiện mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, cải thiện chất lượng và giá thành sản phẩm nông - lâm - ngư nghiệp, nâng cao vị thế và sức cạnh tranh các sản phẩm nông nghiệp, thuỷ sản trên thị trường trong và ngoài nước, phát triển một số ngành, nghề giúp các địa phương trong vùng giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, tận dụng phế phụ phẩm từ nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nhân dân các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương đã từng bước đề xuất và thực hiện nhiều nhiệm vụ KH&CN cấp thiết.
Việc đào tạo đội ngũ cán bộ, làm chủ công nghệ sản xuất giống cây trồng, giống thuỷ sản, phân tích các yếu tố gây sạt lở, nghiên cứu về lũ và dự báo phòng tránh sạt lở bờ lưu vực sông, giải pháp kiểm soát lũ, chính sách kinh tế - xã hội - văn hoá - môi trư¬ờng thực hiện chủ động sống chung với lũ ở từng khu vực trong ĐBSCL trên cơ sở giải pháp tổng thể cho toàn vùng…cũng được các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia đặt ra và đã có những biện pháp giải quyết hiệu quả.
Ngũ Hiệp
.