Chương trình phối hợp hoạt động giữa Bộ KH&CN và UBND tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2018 - 2025 sẽ hỗ trợ thêm sức mạnh cho tái cơ cấu nông nghiệp toàn vùng ĐBSCL, trong đó có Đồng Tháp, giúp Đồng Tháp trở thành một mô hình điểm của vùng ĐBSCL về ứng dụng tiến bộ KH&CN để phát triển chuỗi giá trị và nâng cao hiệu quả kinh tế các ngành hàng nông sản chủ lực tại địa phương.
Ngày 10/10/2018, tại Đồng Tháp, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh cùng lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ đã có chuyến thăm và làm việc với UBND tỉnh Đồng Tháp. Trong khuôn khổ của buổi làm việc, hai bên đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2018 - 2025. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Lê Minh Hoan - Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của Tỉnh.
KH&CN góp phần thúc đẩy chuỗi sản xuất nông nghiệp
Những năm qua, Đồng Tháp đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong nông nghiệp, tiêu biểu như: Tổng giá trị sản xuất lúa ước đạt hơn 45.380 tỷ đồng, tổng giá trị sản xuất cá tra ước đạt 23.575 tỷ đồng. Xoài Cao Lãnh và Xoài Cát Chu Cao Lãnh đã được xuất khẩu trực tiếp vào các thị trường như: Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Trung Quốc, Nga và Hoa Kỳ; tổng giá trị sản xuất xoài ước đạt 4.675 tỷ đồng.
Tỉnh đã cho đầu tư ứng dụng KH&CN trong sản xuất các giống hoa mới, tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất, chăm sóc, bảo quản... Có thể kể đến một số nghiên cứu nổi bật phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp như đề tài “Xây dựng quy trình sản xuất ớt để nâng cao năng suất ớt nâng cao năng suất, chất lượng và đạt chứng nhận VietGAP tại huyện Thanh Bình, Đồng Tháp”. Đề tài đã xây dựng thành công mô hình ớt trên 20,56 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng được 01 quy trình sản xuất ớt an toàn cho sản xuất và tiêu thụ. Đề tài “Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và xây dựng mô hình sản xuất chanh đạt chứng nhận VietGAP tại huyện Cao Lãnh và huyện Châu Thành tỉnh Đồng Tháp” đã xây dựng thành công mô hình chanh đạt chứng nhận VietGAP với diện tích 47,66 ha, sản lượng 1.750 tấn/năm. Hiện nay, mô hình trồng chanh hiệu quả cao đang được nhân rộng thêm khoảng 30ha. Sản phẩm chanh đạt chứng nhậnVietGAP đang được công ty Vineco thu mua với giá cao hơn giá thị trường 2.000 đồng/kg. Kết quả của đề tài đã góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn lao động, bảo vệ môi trường, trách nhiệm đối với người tiêu dùng trong sản xuất chanh, tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ông Lê Minh Hoan - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh cho biết, trong thời gian qua tỉnh Đồng Tháp đã đạt được nhiều kết quả nổi bật nhờ ứng dụng KH&CN.
Để đẩy mạnh ứng dụng KH&CN, tỉnh Đồng Tháp đã ban hành các chính sách khuyến khích sản xuất tập trung và hỗ trợ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động KH&CN. Hạ tầng kỹ thuật phục vụ nông nghiệp được tập trung đầu tư, bảo đảm đáp ứng yêu cầu kỹ thuật canh tác của người dân.
Trao đổi với đoàn công tác, đồng chí Lê Minh Hoan - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho biết Đồng Tháp là địa phương được Chính phủ chọn để thí điểm tái cơ cấu nông nghiệp. Việc ký kết chương trình hợp tác với Bộ KH&CN là khuôn khổ để hai bên trao đổi, phối hợp thực hiện, là nền tảng quan trọng để tỉnh Đồng Tháp thực hiện tốt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan cho rằng, hiện nay, để bắt kịp xu thế thị trường, nông dân trên địa bàn tỉnh đã chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế. Trong đó, KH&CN góp phần thúc đẩy sự phát triển chuỗi ngành hàng gắn sản xuất với thị trường. Không những thế, KH&CN còn mang tính đột phá, giúp đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
“Thông điệp của tỉnh đưa ra là nông dân phải thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp để góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất. Trong đó, việc cần làm là phải nâng cao sự hiểu biết về công nghệ và tri thức cho nông dân”- Bí thư Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Khẳng định vị trí, vai trò của KH&CN
Trong khuôn khổ buổi làm việc, Bộ KH&CN và UBND tỉnh Đồng Tháp đã ký kết Chương trình phối hợp hoạt động KH&CN giai đoạn 2018 - 2025. Theo đó, Chương trình ký kết nhằm tăng cường phối hợp hoạt động giữa hai bên trong chỉ đạo, điều hành các hoạt động KH&CN, đưa hoạt động KH&CN ngày càng thiết thực và hiệu quả hơn đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, Đồng Tháo tập trung nguồn lực của tỉnh, với sự hỗ trợ của Bộ KH&CN, để xây dựng và tổ chức thực hiện thành công các nhiệm vụ KH&CN, nâng cao tiềm lực KH&CN địa phương, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào thực tiễn nhằm giải quyết những vấn đề then chốt tại địa phương.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp ký kết Chương trình phối hợp hoạt động KH&CN giai đoạn 2018 - 2025.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh bày tỏ ấn tượng và chúc mừng tỉnh Đồng Tháp về những thành tựu vươn lên mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như trong phát triển KH&CN những năm gần đây. Bộ trưởng đánh giá cao việc xây dựng chính quyền cùng đồng hành, thân thiện của tỉnh Đồng Tháp, đề cao việc tiếp cận đổi mới của tỉnh trong triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, bám sát được thực tiễn sản xuất của người dân.
Bộ trưởng chia sẻ và cảm ơn sự quan tâm của tỉnh đối với hoạt động KH&CN, nhất là công tác chỉ đạo, điều hành thông qua các Chỉ thị, Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND, UBND. Bộ trưởng đánh giá cao vai trò tham mưu và thực hiện các chức năng một cách chủ động, sáng tạo của Sở KH&CN. Thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn của tỉnh Đồng Tháp cùng thực hiện các nhiệm vụ KH&CN đáp ứng yêu cầu thực tế tại địa bàn.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh khẳng định: “Bộ KH&CN sẽ hỗ trợ Đồng Tháp phát triển các sản phẩm chủ lực”.
Bộ trưởng nhấn mạnh, việc triển khai ký kết Chương trình phối hợp giữa Bộ và Tỉnh thể hiện sự quyết tâm của cả hai bên trong chỉ đạo điều hành, trong việc cụ thể hóa các chính sách của Đảng và Nhà nước, các định hướng lớn của Tỉnh ủy Đồng Tháp. Các nội dung phối hợp đã được hai bên xem xét khá cụ thể, bám sát vào tình hình thực tiễn. Hy vọng, đây sẽ là cơ sở để Đồng Tháp nâng cao hiệu quả hoạt động KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và sẽ là kinh nghiệm thực tiễn triển khai nhân rộng ra các địa phương trong Vùng Tây Nam Bộ cũng như trên toàn quốc.
Chương trình phối hợp hoạt động được Bộ KH&CN và Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp ký kết có nội dung tập trung vào 4 nhiệm vụ chính, đó là: Xây dựng và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KH&CN phục vụ sản xuất nông nghiệp; Ứng dụng công nghệ cao trong sơ chế, bảo quản và chế biến nông sản chủ lực; Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ mới giải quyết các vấn đề về môi trường; Đầu tư phát triển tiềm lực các trang thiết bị kiểm nghiệm hiện đại để xây dựng Trung tâm kiểm nghiệm của tỉnh; Hỗ trợ các chủ sở hữu, các doanh nghiệp tỉnh Đồng Tháp trong tạo lập, quản lý và phát triển các tài sản trí tuệ gắn với sản phẩm đặc thù của địa phương.
Bộ trưởng Bộ KH&CN và đoàn công tác đi thăm Minh Tân hội quán tại xã Mỹ Hội.
Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh và đoàn công tác đã đến thăm Minh Tân hội quán tại xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh. Đây là một trong 57 mô hình hội quán được tỉnh Đồng Tháp thành lập, là nơi tập hợp những nông dân cùng sản xuất chung một ngành nghề như làm lúa sạch, trái cây… Các hội viên tham gia sinh hoạt, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất hay, cách làm giỏi. Đây cũng là nơi kết nối các nhà khoa học, nhà chuyên môn về nông nghiệp để trao đổi với nông dân về những kỹ thuật sản xuất mới, phương pháp giảm giá thành, tăng năng suất, chất lượng; liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
Bộ trưởng Bộ KH&CN và đoàn công tác đi thăm mô hình "cây xoài nhà tôi".
Đoàn công tác đã đến thăm mô hình "cây xoài nhà tôi". Với mô hình này, những cây xoài đẹp, năng suất tốt của xã viên được lựa chọn chào bán trên website, khách hàng ưng ý sẽ "mua" trong vòng 1 năm và gửi người bán chăm sóc, có thể về thăm cây bất cứ lúc nào, đến kỳ thu hoạch sẽ nhận đủ sản lượng theo cam kết./.
Bài, ảnh: Nhóm PV