Sáng 10/12, làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ và một số bộ, ngành về 3 chương trình công nghệ quốc gia, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ trên tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI), việc thực hiện đổi mới khoa học công nghệ chưa bao giờ thuận lợi như hiện nay.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã nghe báo cáo làm rõ mục tiêu và một số biện pháp hỗ trợ triển khai Chương trình Phát triển sản phẩm quốc gia, Chương trình quốc gia Phát triển công nghệ cao và Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết, theo kế hoạch, đến năm 2015 tại Chương trình Phát triển sản phẩm quốc gia sẽ hình thành, phát triển tối thiểu 10 sản phẩm dựa trên công nghệ tiên tiến do các doanh nghiệp khoa học công nghệ sản xuất.
Chương trình quốc gia Phát triển công nghệ cao sẽ tập trung triển khai nghiên cứu, làm chủ, phát triển các công nghệ thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển, trong đó có các công nghệ đảm bảo cho việc sản xuất, cung ứng được ít nhất 10 sản phẩm, dịch vụ công nghệ cao đạt trình độ quốc tế. Thực hiện việc ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng giá trị sản xuất công nghiệp công nghệ cao đạt khoảng 30% tổng giá trị công nghiệp, nâng cao chất lượng các dịch vụ; hình thành và phát triển ít nhất 200 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao.
Đối với Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia, trong giai đoạn từ nay đến 2015 sẽ đạt chỉ tiêu số lượng doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 10%/năm; 100% doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm.
Cũng theo quy định mới được ban hành, những sản phẩm trong Chương trình Phát triển sản phẩm quốc gia sẽ được vay vốn tín dụng đầu tư của nhà nước và Ngân hàng Phát triển Việt Nam tối đa 85% tổng mức vốn đầu tư của dự án với lãi suất ưu đãi cao nhất, đồng thời được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, xử lý, thuế giá trị gia tăng…
Đối với các Chương trình quốc gia Phát triển công nghệ cao, Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia cũng được áp dụng những cơ chế ưu đãi tương tự.
Tuy nhiên, theo nhận định của Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, mặc dù các cơ chế, chính sách chương trình đã được hoàn thiện nhưng vấn đề khó khăn nhất hiện nay là chưa có nguồn kinh phí triển khai thực hiện, điều này có thể khiến cho tiến độ dự án chậm.
Bộ trưởng Nguyễn Quân đề xuất trong thời gian tới Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt khoản kinh phí 250 tỷ đồng để triển khai chương trình.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ, năm 2013 là năm đầu tiên triển khai các chương trình trên tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 về đổi mới cơ chế tổ chức, quản lý và hoạt động khoa học công nghệ. Vì vậy, việc thực hiện đổi mới khoa học công nghệ chưa bao giờ thuận lợi như hiện nay.
Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ là cơ quan chủ trì về cơ chế chính sách, còn những sản phẩm, chương trình nào được phân công nhiệm vụ và giao kinh phí thì bộ đó sẽ chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình.
Trong quý I/2013, Bộ Khoa học và Công nghệ phải duyệt cơ chế chính sách chung đối với 3 chương trình. Về cơ chế tài chính, đối với Chương trình Phát triển sản phẩm quốc gia, Chương trình Đổi mới công nghệ cao cần ban hành cơ chế tài chính trước ngày 20/12 để các chương trình được triển khai đúng kế hoạch.
Về phân cấp quản lý, Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan chủ trì phụ trách chung các đề án, tiếp nhận kinh phí, xây dựng chế độ báo cáo chung… và phân bổ về các đơn vị, bộ ngành khác cùng thực hiện các nhiệm vụ thành phần.
Về hỗ trợ xúc tiến đầu tư thương mại hóa các sản phẩm quốc gia, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương triển khai dứt điểm trong quý I/2013.
Từ nay đến cuối tháng 2/2013, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính tổng hợp nhu cầu, danh mục dự án, sản phẩm sau đó thống nhất và đề xuất Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam hỗ trợ vốn, tín dụng.