Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ năm, 07/11/2024 , 10:21 am
Cập nhật : 19/12/2011 , 10:12(GMT +7)
Đối thoại trực tiếp với Bộ trưởng Bộ KH-CN
Tổng biên tập Báo Đất Việt tặng hoa Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân. Ảnh: Như Ý
Nhằm cung cấp thêm cho độc giả những thông tin liên quan đến tình hình phát triển KH&CN trong nước thời gian qua, cũng như việc định hướng phát triển KH&CN Việt Nam từ nay đến năm 2020, đặc biệt là vấn đề đổi mới cơ chế, chính sách, đầu tư tài chính cho hoạt động KH&CN, trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa giữa Báo Đất Việt và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, Bộ KH&CN, Báo Đất Việt tổ chức buổi Đối thoại trực tiếp với Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân. Buổi đối thoại được thực hiện vào lúc 9 - 11h30, ngày 17/12 tại trụ sở Báo Đất Việt - 108 Trường Chinh, Đống Đa (Hà Nội).

Trước khi bắt đầu, Báo Đất Việt trân trọng cảm ơn Tiến Sỹ Nguyễn Quân - Bộ trưởng Bộ KH&CN đã nhận lời tham dự buổi “Đối thoại trực tiếp”, xin kính chúc Bộ trưởng sức khỏe - hạnh phúc và thành công trong công việc!

Dưới đây là buổi đối thoại trực tiếp với nội dung “Tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện, đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH-CN". Trên cơ sở các câu hỏi do quý độc giả gửi đến, Tổng biên tập báo Đất Việt Vũ Hữu Nghị sẽ trực tiếp đặt vấn đề đối thoại với Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân.

TBT Vũ Hữu NghịThưa Bộ trưởng Nguyễn Quân, chúng tôi được biết, Hội nghị toàn quốc về Đổi mới cơ chế chính sách hoạt động KH&CN vừa mới kết thúc cách đây 2 ngày, và đã thành công tốt đẹp. Tại Hội nghị, đã có rất nhiều ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đối với việc đổi mới cơ chế hoạt động KH&CN.  Xin Bộ trưởng cho độc giả báo Đất Việt biết đôi nét về Hội nghị?

- Bộ trưởng Nguyễn Quân: Xin chào độc giả của báo Đất Việt. Cách đây 2 ngày, Bộ KH&CN đã tổ chức Hội nghị toàn quốc về "Tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện, đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH&CN" với sự chủ trì của Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân và sự tham gia của đông đảo các nhà quản lý đại diện các bộ ngành, địa phương, viện trường, nhà khoa học và chuyên gia trên cả nước.

Đây là một hoạt động nhằm thực hiện hoàn thiện đề án với tên gọi như tiêu đề của Hội nghị mà Bộ KH&CN sẽ trình Chính phủ vào cuối năm 2011. Khi Đề án được phê duyệt, chúng tôi mong muốn tạo ra được những bước đổi mới mang tính đột phá, thay thế những cơ chế đã lạc hậu. Hy vọng, nền KH&CN sẽ có những nguồn lực mới, hướng đi mới và có những sản phẩm tương xứng với quốc gia, trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.

TBT Vũ Hữu Nghị: Xin Bộ trưởng cho biết những trọng điểm chính của Đề án là gì?

-Bộ trưởng Nguyễn Quân: Phần trọng tâm chúng tôi tập trung vào 3 vấn đề lớn trong số 6 nhóm giải pháp để tiếp tục thực hiện Quyết định 171 của Thủ tướng Chính phủ. Ba vấn đề lớn là: Đổi mới phương thức tổ chức thực hiện và xây dựng các nhiệm vụ KH&CN ở các cấp; Thứ hai là đối mới chính sách đầu tư tài chính, trong đó có cơ chế tài chính từ ngân sách Nhà nước; Thứ ba là đổi mới chính sách trọng dụng sử dụng cán bộ KH&CN để phát huy tối đa tiềm lực của đội ngũ cán bộ KH&CN của chúng ta.

Trong ba nhóm giải pháp này, giải pháp đổi mới để đầu tư tài chính cho KH&CN là quan trọng nhất. Bởi những vướng mắc lớn của giới khoa học hiện nay vẫn là tài chính. Sự đầu tư dàn trải không có trọng tâm, nguồn lực tài chính hạn hẹp, không huy động được nguồn lực đầu tư của xã hội. Đầu tư từ ngân sách nhà nước thì phụ thuộc chi tiêu, thanh quyết toán rất phức tạp, chưa tạo điều kiện cho các nhà khoa học.

Thẩm quyền của Bộ KH&CN, các bộ ngành, địa phương trong việc sử dụng ngân sách nhà nước cho KH&CN cũng còn hạn chế nhiều mặt. Đặc biệt là các nội dung chi, thủ tục chi và phương thức chi cho các nhiệm vụ KH&CN của chúng ta còn thiếu và rất khó trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Vì thế chúng tôi đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ để đổi mới căn bản toàn diện cơ chế quản lý không chỉ ở bộ KH&CN mà các bộ ngành liên quan.

TBT Vũ Hữu Nghị: Xin Bộ trưởng cho biết các tiêu chí cũng như mục tiêu chính của đề án từ nay đến năm 2020?

-Bộ trưởng Nguyễn Quân: Trong đề án này chỉ nhắc lại, vì trong Quyết định 1244 của Thủ tướng Chính phủ cũng như trong Chiến lược phát triển KH&CN đến 2020 đã được xác định những mục tiêu chính để phát triển KH&CN,  ví dụ: tốc độ tăng trưởng giao dịch công nghệ trên thị trường công nghệ tăng 15-17% mỗi năm, nguồn đầu tư cho KH&CN duy trì ở mức tương đối ổn định 2% tổng chi ngân sách, và có thể tăng dần lên 2.2% đến 2015, có thể cao hơn một chút vào năm 2020. Tổng đầu tư xã hội cho KH&CN phải tăng nhanh. Đến năm 2015 phải đạt 1,5% GDP, đạt trên 2% GDP vào năm 2020. Phải có 10 viện nghiên cứu cơ bản đạt trình độ khu vực và quốc tế, có 30 viện nghiên cứu triển khai mạnh, có đội ngũ tổng công trình sư có thể đảm nhiệm công trình lớn của quốc gia. Đến năm 2015, khoảng 35% tổng giá trị xuất khẩu phải là sản phẩm công nghệ cao, tỷ lệ này tăng lên 45% vào năm 2020.

Đây là những tiêu chí tổi thiểu để chúng ta có thể được coi là một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Bộ trưởng Nguyễn Quân và TBT Vũ Hữu Nghị tại buổi Đối thoại. (Ảnh: Như Ý)


TBT Vũ Hữu Nghị: Có ý kiến cho rằng, hoạt động KH&CN là hoạt động sáng tạo trí thức. Vậy khi chúng ta đặt ra những mục tiêu cụ thể như: tăng các đề tài nghiên cứu từ 15-20%, số lượng các sáng chế đến năm 2015 cao gấp 5 lần so với năm 2011 và vào năm 2020 cao gấp 2 lần so với năm 2016. Vậy thì việc đặt ra các mục tiêu này có duy ý chí hay không?

-Bộ trưởng Nguyễn Quân
: Không thể nói rằng việc này là duy ý trí vì trên thực tế trình độ nghiên cứu của Việt Nam không quá thấp kém so với khu vực. Đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ của chúng ta rất đông đảo với trên  3 triệu người có trình độ Cao đẳng Đại học, gần 10.000 GS và PGS và 18.000  TS. Kết quả nghiên cứu của chúng ta có rất nhiều kết quả có thể công bố quốc tế hoặc đăng kí sáng chế. Tuy nhiên, do cơ chế cũng như sự hỗ trợ của nhà nước và xã hội đối với giới khoa học còn hạn chế nên những kết quả nghiên cứu này chưa tương xứng với tiềm lực KH&CN của chúng ta.

Trong quá khứ, hầu như chúng ta không quan tâm đến công bố quốc tế và đăng kí sở hữu trí tuệ nhưng khi trở thành thành viên của WTO chúng ta phải hội nhập với nền kinh tế quốc tế . Vì vậy, việc đăng kí sáng chế đối với các kết quả nghiên cứu là cần thiết để bảo vệ quyền tác giả và quyền sở hữu trí tuệ của giới khoa học.

Nếu nhà nước có cơ chế hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi hơn thì chắc chắn việc chúng ta tăng gấp đôi số lượng sáng chế vào năm 2020 so với năm 2016, tăng các công bố quốc tế, đối với các nghiên cứu cơ bản, đăng kí sáng chế giải pháp hữu ích đối với nghiên cứu ứng dụng, triển khai của chúng ta với đội ngũ cán bộ có trình độ như hiện nay là hoàn toàn khả thi. 

TBT Vũ Hữu Nghị: Trong một lần trao đổi với báo chí vào năm 2006, (lúc đó ông đang là Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ), ông có cho biết, Bộ KH&CN đang soạn thảo đề án phát triển KH&CN giai đoạn 2006-2010 trong đó tập trung ưu đãi cán bộ nghiên cứu khoa học nhằm tạo ra những sản phẩm công nghệ cao. Trong đề án đó cũng có việc giao quyền tự chủ cho nhà khoa học? Đến thời điểm này việc thực đề án đã đạt được kết quả đến đâu?

-Bộ trưởng Nguyễn Quân: Có thể nói việc xây dựng chính sách trọng dụng cán bộ khoa học - công nghệ, đặc biệt là những người có tài năng, những nhà khoa học đầu ngành là một trong những nhiệm vụ thuộc Chương trình hành động của chính phủ thực hiện kết luận của hội nghị Trung ương 6 khóa IX và tiếp tục nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII. Nhưng cho đến thời điểm này (mặc dù chúng tôi đã 3  lần trình Chính phủ) cơ chế chính sách đãi ngộ cho những nhà khoa học có tài, các nhà khoa học hàng đầu vẫn chưa được áp dụng.

Nội dung chính của Đề án Trọng dụng sử dụng cán bộ KH&CN là thí điểm một số chính sách đặc thù cho những người được giao nhiệm vụ quốc gia, trên cơ sở giao cho họ quyền tự chủ cao nhất về nhân sự, tài chính...để họ có thể làm được công nghệ nền, công nghệ cốt lõi theo đặt hàng nhà nước, các bộ ngành.

Nếu thực hiện theo Đề án này, khi thực hiện các nhiệm vụ quốc gia, các nhà khoa học có quyền điều động những nhà khoa học giỏi nhất trong nước, thậm chí là mời nước ngoài tham gia quá trình thực hiện nhiệm vụ. Họ có quyền trả lương theo thỏa thuận, tham dự các hội nghị, hội thảo quốc tế và rút gọn các thủ tục xuất cảnh. Họ được quyền mua thiết kế, công nghệ, thuê chuyên gia dùng ngân sách nhà nước, được quyền tổ chức các hội thảo, hội nghị quốc tế ở Việt Nam và các hội nghị quốc tế ở nước ngoài. Họ được giao tự chủ  nguồn kinh phí nhất định không lệ thuộc vào các thủ tục hành chính và hóa đơn, chứng từ. Họ được hưởng mức lương, thu nhập cao hơn hiện hành.Tuy nhiên đây mới đang là một đề án thí điểm. Trong hệ thống quản lý hành chính quan liêu, bao cấp thì rất khó chấp nhận đề án này.

Có ý kiến cho rằng, không nên có những chính sách đãi ngộ mang tính đặc thù như vậy vì nó sẽ làm mất đi tính thống nhất trong mặt bằng chính sách của nhà nước đối với đội ngũ cán bộ làm khoa học công nghệ nói riêng và đội ngũ cán bộ công chức nói chung. Trong khi mặt bằng thu nhập của cán bộ công chức viên chức còn thấp thì  việc trả lương cao gấp nhiều lần hoặc giao quyền tự chủ kinh phí nhà nước chỉ cho một số người là khó chấp nhận. Tương tự như vậy, một vài bộ ngành khác nhau có ý kiến không nên giao thẩm quyền vượt quy định. Nhưng chúng tôi luôn cho rằng nên làm thí điểm chính sách đặc thù cho một số nhà khoa học, một số lĩnh vực. Nếu thí điểm mà có hiệu quả cao, có tác dụng tốt đốt với sự phát triển kinh tế xã hội thì sẽ sửa đổi các quy định hiện hành và áp dụng đại trà. 

TBT báo Đất Việt, ông Vũ Hữu Nghị. (Ảnh: Như Ý)

-TBT Vũ Hữu Nghị: Nền khoa học nước nhà vẫn nặng cơ chế xin cho. Trong nhiều trường hợp, sự phân bổ không đúng theo nguồn lực. Xin Bộ trưởng cho biết ý kiến về vấn đề này?

-
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Như tôi đã trao đổi ở phần trên, việc lập trước đề án nghiên cứu trước 1,5 năm là không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, cần phải sửa đổi nhiều luật mới thay đổi được cơ chế này.

Trong thời gian 7 năm qua, từ khi thực hiện Đề án đổi mới KH&CN đã có nhiều đổi mới quan trọng, ví dụ áp dụng cơ chế tuyển chọn (thường được gọi là đấu thầu). Khi có nhiệm vụ KH&CN được đề xuất, tất cả các tổ chức, cá nhân có đủ năng lực đều được lập hồ sơ, sau đó, hội đồng tuyển chọn sẽ lựa chọn hồ sơ xứng đáng nhất để giao nhiệm vụ.

Cơ quan nhà nước, các doanh  nghiệp cũng có thể đặt hàng các nhà khoa học, và bất kì ai có đủ năng lực đều có thể tham gia chủ trì các nhiệm vụ KH&CN. Cơ chế tuyển chọn giúp các nhà khoa học trẻ có thể làm hồ sơ thuyết minh để có cơ hội được lựa chọn. Cơ chế này giúp giảm bớt tính xin - cho.

- TBT Vũ Hữu NghịPGS.TS Nguyễn Phương Tùng, 60 tuổi, hiện đang làm việc tại Viện Khoa học Vật liệu Ứng dụng - Viện KH&CN Việt Nam có hỏi: Cứ mỗi lần 5 năm lại phải xây dựng lại các chương trình nhiệm vụ mục tiêu KH&CN trong 5 năm mà thời gian chuẩn bị, trình Thủ tướng phê duyệt rồi sau đó các thủ tục hành chính, tài chính giữa 2 bộ KH&CN và Tài chính kéo dài gần 1 năm rồi lại trình Thủ tướng phê duyệt rồi mới đưa về Văn phòng các chương trình trọng điểm cấp Nhà nước triển khai thực hiện. Thưa Bộ trưởng! Liệu có cách nào để rút ngắn thời gian việc thực hiện, triển khai đề án hay không?

- Bộ trưởng Nguyễn Quân: Việc kéo dài thời gian phê duyệt các nhiệm vụ KH&CN là bất cập lớn nhất, đây cũng là tàn dư lớn của hành chính quan liêu bao cấp đã duy trì nhiều năm, mặc dù chúng ta đã chuyển sang kinh tế thị trường, nhưng người ta áp đặt hoạt động KH&CN theo kiểu hành chính hóa. Nghĩa là các nhiệm vụ KH&CN khi tổng hợp vào kế hoạch hàng năm sẽ chịu quy định là đã được phê duyệt. Mà nhiệm vụ đã được phê duyệt thường phải mất thời gian chuẩn bị khá lâu, do chúng ta phải tuân thủ quy trình: đề xuất, xác định nhiệm vụ, phê duyệt danh mục, lập hồ tuyển chọn cạnh tranh, lập hội đồng tuyển chọn xét chọn, phê duyệt cơ quan chủ trì và chủ nhiệm đề tài dự án, thẩm định kinh phí... Như vậy, từ khi đề xuất nhiệm vụ cho tới khi nhiệm vụ được giao kinh phí thực hiện thường phải mất từ 15-18 tháng, tính chất thời sự của KH&CN đã bị mất đi, vì các nhà khoa học phải làm việc mà mình đã đề xuất cách đó 1,5 năm, thậm chí còn nhiều hơn.

Với tốc độ lạm phát cũng như tăng trưởng kinh tế hiện nay, với sự phát triển như vũ bão của KH&CN thế giới thì một năm hoặc 1,5 năm là khoảng thời gian quá dài, dẫn đến những nhiệm vụ được đề xuất trở nên lạc hậu, kinh phí được cấp nhiều khi không đuổi kịp được với thời giá hiện tại. Ví dụ, các đề tài dự án của năm 2011 thực chất đã được lập kế hoạch từ cuối năm 2009. Lẽ ra từ đầu năm 2011 chúng ta đã phải giao kinh phí cho các nhà khoa học thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao vào cuối năm 2010, tuy nhiên những bất cập trên đã dẫn đến tình trạng hết năm 2011 các nhiệm vụ cấp nhà nước vẫn chưa được giao kinh phí thực hiện. Các nhà khoa học rất bức xúc vì họ đã chờ đợi suốt 1 năm.

Việc này có thể tự khắc phục được; nếu như giới quản lý tiếp cận với nền kinh tế thị trường và chấp nhận hoạt động KH&CN có đặc thù khác với việc thực hiện dự án hạ tầng hay dự án kinh tế khác. Khi cần đổi mới công nghệ, sáng chế, phát minh, hoạt động nghiên cứu cần phải được thực hiện ngay chứ không phải chờ đợi như hiện nay. Thứ hai là thẩm quyền của Bộ KH&CN đối với các Chương trình nghiên cứu KH&CN cấp nhà nước, thẩm quyền của các bộ ngành đối với chương trình nghiên cứu cấp bộ, thẩm quyền của các viện trường đối với nhiệm vụ cấp cơ sở phải được quy định rõ. Những người được giao thẩm quyền phân bổ, giao kinh phí tổ chức thực hiện phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, trước các cơ quan quản lý nhà nước về thẩm quyền của mình.

Tuy nhiên, hiện nay thẩm quyền không được giao đầy đủ và rõ ràng. Có nhiều cơ quan quản lý can thiệp quá sâu vào quá trình xây dựng và tổ chức nhiệm vụ KH&CN hiện nay, thậm chí áp đặt những quy định rất phi lý đối với nhiệm vụ KH&CN, không quan tâm đến đặc thù của KH&CN là hoạt động sáng tạo mang tính thời sự, rủi ro và có độ trễ. Vì thế mà một số nhà khoa học rất ngại sử dụng kinh phí nhà nước cho hoạt động nghiên cứu của mình. Xã hội gần như chưa đầu tư được bao nhiêu cho KH&CN, mặc dù nếu sử dụng được đầu tư của doanh nghiệp, cơ chế tài chính, thủ tục sẽ đơn giản hơn rất nhiều so với thủ tục của nhà nước. KH&CN nước ta vẫn chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, trong khi còn có quá nhiều quy định rườm rà, phức tạp và không cần thiết, không phù hợp với đặc thù của KH&CN.

Vì thế, tôi tin sau khi Đề án đổi mới Bộ KH&CN vừa xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ tháo gỡ được vướng mắc này. Chúng ta cần phải có nền tài chính phù hợp với đặc thù của KH&CN, phù hợp với mức độ rủi ro, tính thời sự và sự sáng tạo KH&CN. Không thể áp dụng cơ chế tài chính hành chính cho hoạt động KH&CN trong bối cảnh kinh tế thị trường.

-TBT Vũ Hữu NghịXin gửi tới Bộ trưởng câu hỏi của TS. Nguyễn Phan Kiên, Bộ môn Công nghệ điện tử và kỹ thuật y sinh, Viện Điện tử viễn thông (Đại học Bách Khoa Hà Nội): Được biết, các đề tài có 100% kinh phí nhà nước thì toàn bộ các tài sản trí tuệ phát minh sẽ thuộc quyền sở hữu của nhà nước. Vậy xin hỏi Bộ trưởng, chủ nhiệm đề tài, các tác giả tham gia sáng chế, phát minh được hưởng quyền lợi cụ thể như thế nào trong các trường hợp những sáng chế của họ được bán bản quyền sáng chế, chuyển giao công nghệ?

Bộ trưởng Nguyễn Quân. (Ảnh: Như Ý)

-Bộ trưởng Nguyễn Quân: Có thể nói, hiện nay theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ. Các đề tài nghiên cứu sử dụng 100% vốn ngân sách nhà nước khi thành công, kết quả là thuộc sở hữu của nhà nước. Nhà nhà khoa học chủ trì đề tài dự án sử dụng kinh phí nhà nước phải có quyền tác giả,  còn quyền sở hữu là của nhà nước.

Tuy nhiên, trong hệ thống văn bản pháp luật hiện nay còn thiếu một mảng là giao quyền sở hữu kết quả nghiên cứu sử dụng nguồn vốn của nhà nước cho các viện trường là cơ quan chủ trì hoặc các nhà khoa học là tác giả của những nghiên cứu khoa học công nghệ này. Vì thế, mặc dù nó là sở hữu của nhà nước nhưng trên thực tế nhiều năm qua, các nhà khoa học vẫn sử dụng chuyển giao cho doanh nghiệp thông qua các hợp đồng kinh tế. Nhà nước không thu lại được tiền đã bỏ ra đầu tư cho nghiên cứu, nhà khoa học cũng chỉ được hưởng một phần rất nhỏ bé, không tương xứng với công sức của mình đã bỏ ra.

Quá trình này người ta vẫn thường nói là chuyển giao không chính thức hay là chuyển giao "chui". Mặc dù trong Luật chuyển giao công nghệ đã quy định khi chuyển giao kết quả nghiên cứu cho sản xuất kinh doanh, tác giả có thể được hưởng tối đa 30% kinh phí hợp đồng chuyển giao công nghệ, nhưng do việc chuyển giao không hợp pháp hoặc không hợp lệ nên giá trị của các công nghệ do các đề tài nghiên cứu bằng kinh phí nhà nước thường không được định giá đúng với giá trị thực của nó, hay nói khác đi là đã bán rẻ chất xám mà cả nhà nước và nhà khoa học đều thiệt thòi.

Nguyên nhân là vì chúng ta chưa có quy định về giao quyền, thẩm quyển giao quyền sở hữu kết quả nghiên cứu có sử dụng ngân sách nhà nước để các nhà khoa học có thể chuyển nhượng cho doanh nghiệp, thậm chí dùng nó để góp vốn hay tự thành lập doanh nghiệp để kinh doanh.

Với Nghị định 115 về cơ chế tự chủ, Nghị định 80 về thành lập doanh nghiệp KH&CN, Chính phủ đã cho phép các nhà khoa học có thể chuyển nhượng kết quả nghiên cứu cho các doanh nghiệp, có thể góp vốn cho doanh nghiệp bằng tài sản trí tuệ, sử dụng tài sản trí tuệ tạo dựng doanh nghiệp. Việc chúng ta có quy định về giao quyền sở hữu trí tuệ có nguồn gốc ngân sách nhà nước là rất cần thiết. Trong đề án đổi mới lần này chúng tôi trình Thủ tướng Chính phủ có nội dung rất quan trọng đó là quy định rõ thẩm quyền và quy trình thủ tục để giao quyền sở hữu kết quả nghiên cứu có sử dụng ngân sách nhà nước cho các tổ chức cá nhân. Nhiều người cho rằng làm như thế sẽ làm mất mát tài sản nhà nước, tương tự như cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Nhưng chúng tôi cho rằng điều này là quan trọng vì tài sản trí tuệ là tài sản vô hình, nếu không giao cho nhà khoa học hoặc một tổ chức KH&CN cụ thể thì sẽ là tài sản "chết" mặc dù nó có giá trị rất lớn. Hoặc nếu giao "chui" sẽ bị hạ giá.

Nếu chúng ta chính thức giao cho nhà khoa học, khi chuyển nhượng cho doanh nghiệp hoặc góp vốn vào doanh nghiệp thì nhà nước sẽ được hưởng lợi thông qua việc doanh nghiệp chi trả một phần lợi nhuận theo phần vốn góp của nhà nước hoặc Nhà nước sẽ thu được kinh phí đầu tư thông qua thuế của doanh nghiệp. Nếu nhà nước giữ quyền sở hữu không giao cho nhà khoa học thì đó sẽ là tài sản "chết". Vấn đề là ai sẽ được quyền giao và thủ tục giao thế nào cho thuận lợi. Chúng tôi xác định người có thẩm quyền giao quyền sở hữu tài sản trí tuệ chính là người có thẩm quyền giao kinh phí. Ví dụ Bộ trưởng Bộ KH&CN là người có thể giao sở hữu các đề tài cấp nhà nước; Bộ trưởng các Bộ là người có thể giao sở hữu các đề tài cấp Bộ, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh là người giao sở hữu các đề tài cấp tỉnh; còn đề tài cấp sở sở thuộc thẩm quyền của hiệu trưởng các trường đại học, viện trưởng các viện nghiên cứu.

Tuy nhiên một khâu rất quan trọng để giao được quyền sở hữu lại là định giá. Vì đây là tài sản vô hình nên giá trị của nó là vô giá. Ở nước ngoài giá tài sản vô hình được xác định thông qua sàn đấu giá. Doanh nghiệp và các nhà khoa học có thể định giá cao hơn rất nhiều lần thực tế, cũng thể thấp hơn giá trị kinh phí nghiên cứu tùy thuộc vào tính thực tiễn của kết quả nghiên cứu và nhu cầu của sản xuất. Hiện Việt Nam chưa có tổ chức định giá tài sản trí tuệ, vì thế các nhà khoa học muốn đem kết quả nghiên cứu góp vốn vào doanh nghiệp rất lúng túng do không định giá được tài sản của mình. Vì thế quá trình chuyển nhượng hoặc góp vốn bằng kết quả nghiên cứu rất khó khăn.

Trong đề án, chúng tôi cũng đã đề xuất xây dựng tổ chức dịch vụ về đánh giá, định giá tài sản trí tuệ, đặc biệt là các kết quả sử dụng vốn bằng ngân sách nhà nước. Nếu chúng ta làm được quy định cụ thể, quyền lợi các nhà khoa học sẽ được đảm bảo, thậm chí nhà khoa học có thể sống được bằng chất xám của mình một cách đàng hoàng. Lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ được chia sẻ với nhà nước và nhà khoa học. Các nhà khoa học có thể trở thành doanh nhân khoa học.

-TBT Vũ Hữu NghịLiên quan đến việc đưa KH&CN ứng dụng vào thực tiễn, TS Huỳnh Quyền, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu công nghệ lọc hóa dầu, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, có hỏi: Trình độ nghiên cứu của Việt Nam không thua kém gì các nước khác, thì theo Bộ trưởng, nguyên nhân xuất phát từ đâu mà nghiên cứu khoa học ứng dụng vào thực tiễn Việt Nam còn rất kém so với thế giới cũng như các nước trong khu vực? Đa số đều phải mua công nghệ, bản quyền nước ngoài?

- Bộ trưởng Nguyễn Quân: Tôi cũng đồng ý với TS Huỳnh Quyền. Đúng vậy, đội ngũ cán bộ khoa học của ta rất đông đảo, trình độ về mặt trí tuệ cũng không thua kém các quốc gia khác, điều này thể hiện qua các kết quả học tập, kết quả nghiên cứu thời gian qua ở trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên, sản phẩm của chúng ta còn mang ít dấu ấn các sản phẩm công nghệ cao. Như tôi đã nói có nhiều nguyên nhân, đầu tiên là do mức đầu tư cho khoa học của Việt Nam quá thấp. Tính trên đầu người, bình quân mức chi cho khoa học ở Việt Nam chưa tới 10 USD trong khi mức đầu tư này xấp xỉ 1000 USD ở Hàn Quốc và các quốc gia khác. Ngay kể cả Trung Quốc là nước láng giềng có bối cảnh chính trị giống như chúng ta, mức đầu tư cho khoa học tính trên đầu người cũng cao hơn 3 lần Việt Nam.

Như vậy, không có đầu tư cho khoa học thì sẽ không thể phát triển được, đặc biệt trong bối cảnh KH&CN thế giới thay đổi từng ngày từng giờ. Phải có nguồn đầu tư lớn thì khoa học Việt Nam mới có thể  tiếp cận được những công nghệ hiện đại, cán bộ khoa học được đào tạo ở những cơ sở đào tạo tiên tiến nhất.

Cần phải đầu tư nhiều hơn nữa cho nghiên cứu ở các trường đại học. Ảnh Minh Cường


Hiện nay, trình độ CN của doanh nghiệp Việt Nam còn quá thấp so với thế giới, chỉ có một số doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mới có trình độ công nghệ cao nhưng cũng chưa phải là cao nhất. Vì thế mà chúng ta cũng không thể dễ dàng sản xuất ra những sản phẩm công nghệ cao. Ví dụ chúng ta có thể thiết kế được vi mạch, chip 32bit nhưng để sản xuất ra những vi mạch hay chip điện tử cho các thiết bị điện tử thì chúng ta chưa có doanh nghiệp có đủ điều kiện về thiết bị, hệ thống máy móc để làm được những sản phẩm công nghệ cao đó.

Chúng ta cũng có thể thấy là trong những năm qua ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam đã bị suy giảm một cách nghiêm trọng, trong khi để công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) theo hướng hiện đại thì chắc chắn ngành cơ khí phải được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Nhưng rất tiếc những nhà máy cơ khí hàng đầu Việt Nam đã không được duy trì, nhiều nhà máy cơ khí bị phá sản. Có thể thấy nhiều các nhà máy cơ khí bị thay thế bởi các khu đô thị, khu chung cư... trong khi chúng ta rất cần các doanh nghiệp cơ khí kể cả của nhà nước và tư nhân có đủ năng lực để sản xuất ra máy cái cho nền kinh tế. Chúng ta không thể có những giàn khoan tự nâng, các nhà máy lọc dầu, nhà máy điện nếu không có những nhà máy cơ khí lớn để có thể nội địa hóa hầu hết trang thiết bị của các nhà máy, của nền công nghiệp. Chúng tôi cho rằng điều này rất cần điều chỉnh. Nếu chúng ta không có các doanh nghiệp cơ khí lớn, những ngành công nghiệp nền, công nghiệp trọng điểm thì chúng ta không thể có những sản phẩm có hàm lượng công nghệ, không thể nội địa hóa các sản phẩm có chất lượng quốc tế.

-TBT Vũ Hữu NghịĐề án mà Bộ trưởng vừa nêu liệu có được chính phủ chấp nhận hay không?

-Bộ trưởng Nguyễn Quân: Sau 7 năm thực hiện đề án đổi mới KH&CN, với sự vào cuộc quyết liệt của Bộ KH&CN và giới trí thức trong cả nước. Đã đến lúc Chính phủ thấy những mặt hạn chế yếu kém trong KH&CN hiện nay đều xuất phát từ những vấn đề còn vướng mắc trong cơ chế chính sách, đặc biệt là việc giao quyến tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị nghiên cứu khoa học. Vì thế Thủ tướng chính phủ đã giao cho Bộ KH&CN xây dựng đề án đổi mới KH&CN. Điều này thế hiện sự quan tâm của Chính phủ, nhà nước, cũng như ý chí của Thủ tướng Chính phủ đã đến lúc phải đổi mới triệt để, giải phóng sức sáng tạo của giới khoa học nước nhà.

Với mục tiêu đến 2020, Việt Nam trở thành một nước công nghiệp thì không thể để những cơ chế cũ cản trở sự phát triển KH&CN như hiện nay, mà phải để KH&CN có đóng góp trí tuệ, để KH&CN là quốc sách hàng đầu trong phát triển kinh tế xã hội. Đề án lần này được soạn thảo với sự đóng góp ý kiến của giới khoa học, giới quản lý, nếu được chính phủ chấp nhận thì đây là tín hiệu đáng mừng cho nền khoa học nước nhà.

-TBT Vũ Hữu Nghị: Xung quanh các vấn đề về cơ chế chính sách đối với đơn vị, cá nhân đang làm công tác nghiên cứu khoa học, báo Đất Việt cũng nhận được rất nhiều câu hỏi. Bạn đọc Đức Thịnh (Phúc Yên, Vĩnh Phúc) có hỏi: Thưa Bộ trưởng! Công ty tôi hiện đang sản xuất linh kiện điện tử và cán bộ nhân viên có nhiều đề tài nghiên cứu cải tiến kỹ thuật, có thể ứng dụng ở nhiều nơi. Tuy nhiên, tôi không biết là những nghiên cứu như thế có thể xin hỗ trợ kinh phí từ nhà nước không? Nếu có thì chúng tôi phải liên hệ ở đâu và làm những thủ tục gì?

 -Bộ trưởng Nguyễn Quân:  Doanh nghiệp (DN) là trung tâm của quá trình đổi mới công nghệ,  là địa chỉ  ứng dụng kết quả nghiên cứu. Đối với các DN có hoạt động liên quan tới KH&CN, cơ hội tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ của KH&CN là rất lớn. Năm 2007, Chính phủ ban hành nghị định 80 về DN KH&CN là loại hình doanh nghiệp sản xuất kinh doanh dựa trên kết quả nghiên cứu của chính DN hoặc tài sản trí tuệ mà DN được sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp và DN KH&CN sẽ được hưởng chính sách ưu đãi về thuế cao nhất của nhà nước. 

Nghị định 80 cho phép Doanh nghiệp KH&CN được hưởng những ưu đãi cao nhất về thuế nghĩa là họ được miễn hoàn toàn 4 năm thuế thu nhập DN, giảm 50% thuế trong 9 năm tiếp theo và thuế suất 10%.

Thủ tục thành lập DN KH&CN rất đơn giản. Sau khi đăng kí kinh doanh, DN nộp hồ sơ đăng kí để được công nhận là DN KH&CN tại Sở KH&CN. Hồ sơ rất đơn giản, ngoài đăng kí kinh doanh thì kèm theo các tài liệu xác nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp kết quả nghiên cứu để sản xuất kinh doanh, kể cả kết quả nghiên cứu hoặc công nghệ nhập khẩu từ nước ngoài.

Doanh nghiệp có nguyện vọng hỗ trợ kinh phí của Nhà nước có thể nộp hồ sơ đến Quỹ phát triển KH&CN Quốc gia và sắp tới sẽ có quỹ đổi mới công nghệ quốc gia để được tài trợ, cho vay ưu đãi để đổi mới công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ngoài ra, theo NĐ 119 của Chính phủ DN khi có dự án đổi mới công nghệ được hỗ trợ tối đa 30% kinh phí của dự án, chủ yếu là phần kinh phí liên quan đến KH&CN. Bên cạnh đó các DN có thể được vay lãi suất thấp thậm chí là vay không tính lãi để đổi mới công nghệ.
 
-TBT Vũ Hữu NghịLiên quan đến vấn đề tài chính, trong mối quan hệ giữa Bộ KH&CN với Bộ Tài chính có những vấn đề vướng mắc trong quá trình phân bổ ngân sách cũng như nghiệm thu các đề tài nghiên cứu khoa học?

-Bộ trưởng Nguyễn Quân: Tôi cho rằng có rất nhiều vấn đề về tài chính cần trao đổi. Hiện nay, theo quy định của luật ngân sách, chỉ có những dự án đầu tư phát triển thì mới phải phê duyệt trước khi tổng hợp vào ngân sách hàng năm của các bộ ngành. Tuy nhiên, những đề tài, dự án khoa học lại hoàn toàn khác so với các dự án đầu tư phát triển. Như tôi đã nói, nó có tính rủi ro cao, có tình thời sự cao và mang tính sáng tạo nên không thể đánh đồng nó với các dự án đầu tư phát triển khác được.

Thế nhưng, Bộ Tài chính hiện vẫn áp đặt các nhiệm vụ KH&CN giống như các nhiệm vụ đầu tư phát triển. Tức là khi được tổng hợp vào ngân sách hàng năm các đề tài dự án đã phải được phê duyệt rồi. Chính vì vậy, theo quy trình để được phê duyệt thì trước đó hàng năm, các nhà khoa học đã phải đề xuất, các doanh nghiệp, các bộ ngành đã phải đặt hàng để các nhà khoa học thực hiện.

Chính vì vậy, Bộ KH&CN phải tổ chức các hội đồng tuyển chọn, với khối lượng hàng trăm nhiệm vụ cấp nhà nước, hàng nghìn nhiệm vụ cấp Bộ, các hội đồng xác định nhiệm vụ phải làm việc liên tục trong thời gian từ 2-3 tháng đề xem xét tất cả xuất đề tài dự án, sau đó mới có được danh mục các đề tài dự án cần được thực hiện trong năm tiếp theo.

Sau khi có danh mục, các nhà khoa học, các tổ chức cá nhân có đủ năng lực mới xây dựng hồ sơ thuyết minh của đề tài dự án, dự toán kinh phí để thực hiện đề tài dự án, trong đó tuân thủ các định mức, thủ tục theo quy định, kể cả các chuyên đề, chi phí hội nghị hội thảo,  thuê khoán chuyên môn đúng quy định của nhà nước.

Sau khi nhận hồ sơ của các tổ chức cá nhân Bộ KH&CN thành lập hội đồng tuyển chọn, xét chọn nhiệm vụ cấp nhà nước, các bộ ngành thành lập hội đồng tuyển chọn xét chọn cấp Bộ để xem xét hồ sơ.  Các hội đồng này phải làm việc vài ba tháng  mới có thể hoàn thành việc đánh giá tuyển chọn xét chọn được những đề tài xứng đáng.

Sau đó, Bộ KH&CN ra quyết định phê duyệt các đề tài dự án đã được các hội đồng lựa chọn, công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, xử lý tất cả các khiếu nại tố cáo. Sau đó mới lthẩm định tài chính trước khi báo cáo Chính phủ, Quốc hội (thông qua  Bộ tài chính, Bộ kế hoạch đầu tư). Tất cả các khâu của quy trình dù hết sức khẩn trương cũng phải mất ít nhất 8- 10 tháng.

Chính vì thế đến khi được giao kinh phí để thực hiện thì các đề tài dự án đã cách thời điểm đề xuất từ 15 đến 18 tháng, nên nhiều đề tài dự án đã không còn phù hợp nữa, dự toán kinh phí đã lạc hậu vì lạm phát và tăng trưởng kinh tế thậm chí nhiều nhiệm vụ đã có người khách làm hoặc không còn cần thiết đối với doanh nghiệp do doanh nghiệp đã đổi mới công nghệ.

Mặc dù đã có hình thức khoán bằng Thông tư 93 liên tịch với bộ Tài chính nhưng sự đồng bộ trong hệ thống tài chính vẫn chưa suôn sẻ. Các kho bạc là nơi cấp phát kinh phí và cho giải ngân khi thanh quyết toán vẫn đòi phải có chứng từ và giải trình như khí chưa khoán. Thậm chí Nghị quyết 11 của Chính phủ về hạn chế đầu tư công cũng bị áp dụng một cách máy móc cho các nhiệm vụ khoa học công nghệ. Cụ thể, các đề tài dự án có yêu cầu mua sắm thiết bị nghiên cứu nhưng kho bạc không chịu giải ngân. Các nhà khoa học không thể nghiên cứu nếu không được mua sắm thiết bị phục vụ, bởi nhiều khi các thiết bị hiện có không đáp ứng được yêu cầu.  

Phóng viên báo Đất Việt tác nghiệp tại buổi Đối thoại.(Ảnh: Như Ý)


Thêm nữa, vì không có kinh phí dự phòng nên khi trượt giá không thể bù được sự chênh lệch về giá. Đấy là chưa kể việc điều chỉnh kinh phí hiện nay, Bộ KH&CN cũng không được giao thẩm quyền cao. Điều chỉnh kinh phí với các dự án nhỏ vẫn phải xin ý kiến Bộ tài chính, còn điều chỉnh từ 1 tỷ đồng phải có ý kiến Thủ tướng chính phủ.

Thời gian trình để có ý kiến cũng kéo dài vài ba tháng, thậm chí tới 5, 6 tháng. Điều này đã làm lỡ thời cơ cũng như ảnh hưởng tiến độ thực hiện đề tài dự án, gây bức xúc cho các nhà khoa học.

Như vậy về việc phối hơp giữa Bộ KH&CN với Bộ Tài chính, nếu đề án mới được phê duyệt chúng tôi cũng đề xuất sự phối hợp sao cho giao thẩm quyền cao và trách nhiệm cho Bộ KH&CN và Bộ Tài chính để đẩy nhanh tiến độ giải ngân kinh phí, thực hiện kịp thời các đề tài dự án sao đảm bảo chất lượng và hiệu quả cao.

Trong hội nghị đổi mới cách đây 2 ngày, các nhà quản lý, các nhà khoa học đều bày tỏ mong muốn chính phủ giao thẩm quyền cao nhất về tài chính, chuyên môn cho bộ KH&CN để Bộ KH&CN đáp ứng nhu cầu của các nhà khoa học một cách kịp thời. Không nên duy trì tình trạng như hiện nay, giao kinh phí chậm, thẩm quyền ít làm hạn chế sự phát triển KH-CN của đất nước chúng ta.

-TBT Vũ Hữu NghịMột trong những cách mà nhiều nước đang thực hiện là gắn các trường đại học với hoạt động nghiên cứu thực tiễn. Tuy nhiên, hoạt động này ở Việt Nam còn rất yếu. Bạn Nguyễn Thanh Thủy ở Công ty Cổ phần dầu khí có hỏi rằng: Hiện nay lương cho đội ngũ các thầy cô giáo, giảng viên, giáo sư ở các trường còn rất thấp. Họ vừa phải nghiên cứu vừa giảng dạy như thế liệu có khó khăn quá ko? Có cách nào để hỗ trợ đội ngũ này như thế nào?

-Bộ trưởng Nguyễn Quân: Việt Nam đang rất lãng phí nguồn lực chất xám ở các trường đại học, nơi tập trung rất đông nguồn nhân lực trình độ cao với nhiều giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ. Nhưng các trường đại học hiện nay đang giảng dạy gần như không đóng góp nhiều cho kết quả nghiên cứu khoa học của đất nước, trong khi các trường đại học trên thế giới lại là nơi sản sinh ra các giải Nobel, sáng chế...

Có 3 nguyên nhân khiến hoạt động nghiên cứu trong các trường đại học của Việt Nam yếu kém.

Thứ nhất, các trường đại học không đủ nguồn kinh phí đầu tư cho nghiên cứu, ngay cả trường trọng điểm lớn thì  kinh phí nghiên cứu khoa học dành cho giáo viên, cán bộ giảng dạy chỉ có vài 3 tỷ mỗi năm.

Thứ hai, các trường đại học không có biên chế làm khoa học chuyên nghiệp, vì vậy nghiên cứu được coi là hoạt động làm thêm của cán bộ giảng dạy.

Trong quá khứ, từng có thời gian giao biên chế khoa học cho các trường đại học. Hoạt động nghiên cứu vào thời gian đó còn có tác dụng nhất định. Sau này khi không còn biên chế nghiên cứu cho các trường thì gần như không còn những người làm nghiên cứu chuyên nghiệp nữa. Các trường không còn nguồn kinh phí để trả lương cũng như hỗ trợ hoạt động nghiên cứu.

Thứ ba, các trường đại học hiện nay có khối lượng giảng dạy quá lớn, dẫn tới các giảng viên ko đủ thời gian nghiên cứu. Có những trường giảng viên đảm bảo khối lượng lớn gấp nhiều lần định mức của Bộ GD-ĐT. Họ không chỉ dạy trong trường mà còn dạy thêm ở các trường tư thục, dân lập, cao đẳng, tại chức nên ko có thời gian, tâm trí cho nghiên cứu khoa học. Kết hợp cả 3 nguyên nhân này dẫn đến thực trạng hoạt động nghiên cứu ở các trường đại học còn yếu kém.

Vì thế, trong đề án đổi mới khoa học công nghệ lần này, Bộ KH&CN đề xuất với Thủ tướng chính phủ giao biên chế nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp cho các trường, đặc biệt là các trường trọng điểm. Bộ cũng sẵn sàng chia sẻ kinh phí ít ỏi của Bộ KH&CN cho hoạt động nghiên cứu chuyên nghiệp, bao gồm chi phí trả lương để duy trì hoạt động bộ máy và kinh phí nghiên cứu từ nguồn sự nghiệp khoa học. Cùng với kinh phí do Bộ GD- ĐT cấp hàng năm, nguồn kinh phí này sẽ giúp các trường trọng điểm hình thành đội ngũ nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp, hy vọng chúng ta sẽ có các trường đại học nghiên cứu.

- TBT Vũ Hữu Nghị: Bộ trưởng có đặt ra tiêu chí nào khác hay mục tiêu nào khác cho cá nhân mình cũng như cho Bộ KH&CN trong một nhiệm kỳ công tác của mình ?

- Bộ trưởng Nguyễn Quân: Trong phạm vi một nhiệm kỳ công tác thời gian không đủ dài để có thể làm được những việc lớn. Nên trong nhiệm kỳ này,  tôi đề cập hai vấn đề mà tôi phải hết sức nỗ lực. Trước đây, tôi có một số lần đề cập đến trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tôi còn "nợ" các nhà khoa học 2 việc: Một là, cơ chế tài chính cho KH&CN; hai là, chính sách đãi ngộ và trọng dụng các nhà khoa học

Với đề án đổi mới mà chúng ta đang xây dựng và sẽ trình Thủ tướng và với những nỗ lực khác nữa, hy vọng trong nhiệm kỳ này, chúng tôi sẽ giải quyết được về cơ bản hai vấn đề này và  "trả được nợ" cho các nhà khoa học.

 

Bộ trưởng Nguyễn Quân cám ơn độc giả báo Đất Việt, các nhà khoa học đã gửi câu hỏi tới buổi đối thoại và hẹn gặp lại trong những buổi đối thoại lần sau. (Ảnh: Như Ý)


Và hi vọng nếu các nhà khoa học được trọng dụng và hưởng cơ chế tài chính thông thoáng phù hợp với đặc thù hoạt động công nghệ là sáng tạo, là rủi ro và có độ trễ, tôi tin các nhà khoa học sẽ sáng tạo nhiều hơn, có nhiều thành tựu khoa học to lớn hơn, có nhiều công bố quốc tế và nhiều sáng chế được đăng ký và nhiều sản phẩm khoa học tầm cỡ khu vực và đạt trình độ thế giới. Như vậy, chúng tôi có thể tư coi là mình đã phần nào hoàn thành tâm nguyện và trách nhiệm đối với giới khoa học và với đất nước.

Rất mong các nhà khoạ học trong cả nước cùng với các cơ quan truyền thông giúp chúng tôi truyền tải thông điệp này đến với giới quản lý, để có sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương làm tốt hai vấn đề mà chúng tôi cho là những cản trở vướng mắc lớn nhất đối với KH&CN hiện nay.

-TBT Vũ Hữu Nghị: Thưa Bộ trưởng! Từ nãy tới giờ chúng ta nói đến nhiều những khó khăn vướng mắc trong công tác nghiên cứu khoa học. Vậy xin hỏi Bộ trưởng, những điểm sáng nhất của công tác nghiên cứu khoa học nước nhà cho đến lúc này đã đạt được những gì?

-Bộ trưởng Nguyễn Quân: Có thể nói chúng ta có quyền hy vọng, có quyền lạc quan vào sự phát triển khoa học công nghệ của đất nước, mặc dù còn rất nhiều khó khăn, yếu kém như tôi đã trao đổi với độc giả báo Đất Việt. Nhưng sau 10 năm thực hiện đề án Đổi mới quản lý KH&CN, toàn bộ hệ thống KH&CN đã có những bước tiến rất quan trọng.

Thứ nhất là chưa bao giờ chúng ta có được hệ thống luật pháp về KH&CN hoàn thiện và vững chắc như hiện nay. Tất cả các lĩnh vực hoạt động KH&CN đều đã được luật hóa và có hành lang pháp lý để các nhà khoa học có thể yên tâm tiến hành các hoạt động nghiên cứu trong khuôn khổ pháp luật cũng như hội nhập quốc tế.

Thứ hai là chúng ta đã xây dựng một hệ thống các tổ chức KH&CN hùng mạnh không chỉ là của nhà nước như giai đoạn trước đây, trước năm 2000, mà ngày nay các tổ chức KH&CN của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước cũng đã phát triển với tốc độ rất nhanh, thậm chí phát triển nhiều hơn các tổ chức KH&CN của nhà nước. Về các tổ chức của tư nhân, của doanh nghiệp hoặc của các tổ chức xã hội khác, có thể nói họ hoạt động trong cơ chế thị trường linh hoạt hơn và hiệu quả hơn, nhà nước chỉ định hướng cho họ, hỗ trợ cho họ.

Chúng ta đã tạo được nguồn lực to lớn cho KH&CN, bên cạnh việc nhà nước đầu tư 2% tổng chi ngân sách (cho đến thời điểm này mỗi năm tương đương hơn 600 triệu đô la Mỹ), thì chúng ta đã bắt đầu huy đông được nguồn đầu tư của xã hội. Tuy mức đầu tư của xã hội chưa được như chúng ta mong muốn nhưng cũng đã có nguồn đầu tư đáng kể, nhiều doanh nghiệp đã trích một phần lợi nhuận đầu tư cho quỹ phát triển KH&CN, ví dụ như tập đoàn Viettel của quân đội năm vừa rồi đã thành lập Viện nghiên cứu và ngay lập tức họ đã dành khoảng 120 triệu đô la từ nguồn thu của doanh nghiệp cho hoạt động KH&CN của tập đoàn.

Chúng ta đã có được đội ngũ cán bộ KH&CN đông đảo với trên 70,000 người làm nghiên cứu chuyên nghiệp và hàng triệu người tham gia vào hoạt động KH&CN ở các doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, các trường Đại học, với 18.000 người có trình độ tiến sỹ, 36.000 người có trình độ thạc sỹ, thực sự là nguồn vốn nhân lực quý báu đối với đất nước.

Chúng ta cũng đã có hạ tầng thông tin thuộc loại khá mạnh trong khu vực. Phải nói là cơ sở dữ liệu về thông tin KH&CN đã được đầu tư với các mạng Á-Âu, mạng giáo dục và nghiên cứu Vinaren. Bằng việc mua bản quyền, chúng ta có thể truy cập vào cơ sở dữ liệu của hơn 6000 tạp chí KH&CN hàng đầu trên thế giới. Và hiện nay có thể nói là mạng internet ở VN có mức độ phổ biến và dễ truy cập hàng đầu trong khu vực, tạo điều kiện cho giới khoa học có thể tiếp cận với những nguồn thông tin mới nhất của KH&CN thế giới.

Xuất phát từ sự quan tâm như vậy, với những chính sách như vậy có thể nói khoa học và công nghệ của chúng ta đã có những thành tựu rất quan trọng. Trong nông nghiệp, nhờ KH&CN (kể cả KHXH lẫn KHKT) chúng ta đã có cơ chế quản lý kinh tế rất phù hợp và các giải pháp công nghệ tiên tiến, để nông nghiệp của chúng ta phát triển nhanh, từ chỗ phải nhập khẩu lương thực đến nay chúng ta đã trở thành 1 trong 2 quốc gia hàng đầu thế giới về xuất khẩu gạo, cà phê, điều, hạt tiêu và là quốc gia hàng đầu trong khu vực về xuất khẩu thủy sản. Chúng ta đã có những Viện nghiên cứu về giống lúa hàng đầu khu vực, thậm chí hàng đầu thế giới như Viện lúa Đồng bằng sông Cửu long.

Trong công nghiệp, chúng ta đã hoàn toàn làm chủ thiết kế và chế tạo những sản phẩm công nghiệp có quy mô lớn, giá trị khoa học cao như giàn khoan tự nâng 90 m nước phục vụ khai thác dầu khí. Chúng ta là một trong 3 nước ở châu Á, 10 nước trên thế giới có thể chế tạo được giàn khoan này. Chúng ta đã làm chủ và chế tạo thành công các thiết bị nâng hạ siêu trường, siêu trọng phục vụ cho công trình trọng điểm quốc gia như nhà máy nhiệt điện, các cảng biển, các nhà máy thủy điện. Tiêu biểu trong số đó phải kể đến hệ thống xylanh thủy lực và cầu trục 1200 tấn của công trình thủy điện Sơn La của Xí nghiệp cơ khí Quang trung Ninh Bình, của Xí nghiệp cơ khí nông nghiệp và thủy lợi …góp phần đưa nhà máy thủy điện Sơn La vào hoạt động sớm 2 năm đem lại lợi nhuận hàng ngàn tỷ đồng cho ngành điện và cho nền kinh tế. Chúng ta cũng đang thực hiện Chương trình cơ khí trọng điểm, trong đó có nhiệm vụ thiết kế chế tạo các nhà máy nhiệt điện lớn công suất 600 MW. Chúng ta cũng đã đóng và hạ thủy thành công tầu biển 53.000 tấn, tầu chở dầu 100.000 tấn.

Trong công nghiệp điện tử chúng ta đã làm chủ được việc thiết kế các chip 8bit và 32 bít, và dự án mới nhất mà Bộ KH&CN đã giao cho Đại học Quốc gia TP.HCM với số vốn đầu tư 124 tỷ đồng để hoàn thiện công nghệ và chế tạo vi mạch phục vụ cho lĩnh vực RFID (nhận dạng qua sóng radio)…tạo tiền đề quan trọng cho ngành điện tử VN hình thành và phát triển, và nếu thành công chúng ta sẽ có nhà máy sản xuất vi mạch đầu tiên ở TP.HCM với sự đầu tư của tập đoàn công nghiệp Sài gòn.

Trong Y tế, chúng ta cũng đã làm chủ công nghệ và sản xuất thành công các vắc-xin tiêm chủng mở rộng, vắc- xin phòng chống dịch cúm A H5N1, cũng như đi đầu trong khu vực về mổ nội soi, về nghiên cứu tế bào gốc ứng dụng trong điều trị bỏng. Chúng ta đã thành công trong việc ghép tim, ghép tạng từ người cho chết não. Ca ghép tim đầu tiên của chúng ta còn có sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài, nhưng ca thứ 2 tại Bệnh viện Trung ương Huế đã thành công với sự tham gia hoàn toàn của các nhà khoa học trong nước không có chuyên gia nước ngoài.

Trong các lĩnh vực khác chúng ta cũng đã có những thành tựu, những sản phẩm quan trọng, ví dụ như là trong lĩnh vực vũ trụ chúng ta đã có vệ tinh viễn thông đầu tiên VINASAT-1 năm 2007. Hiện nay chúng ta đang nghiên cứu chế tạo vệ tinh nhỏ đầu tiên của Việt Nam. Trong công nghệ sinh học chúng ta cũng đã có bước tiến lớn trong việc giải mã gene và ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp, trong y tế. Trong lĩnh vực công nghệ thông tin chúng ta đã có phần mềm được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, phần mềm an ninh mạng của công ty an ninh mạng Bkis đã được xếp hạng top 10 phần mềm an ninh tốt nhất thế giới. Sản phẩm của Bkav đã được sử dụng trên 100 quốc gia. Sản phẩm tìm kiếm tiếng Việt của Naiscorp (Socbay) cũng được đánh giá là 1 trong 20 sản phẩm tốt nhất theo đánh giá của Phần Lan.

Như vậy, có thể nói là mặc dù còn rất nhiều khó khăn, yếu kém nhưng KH&CN của Việt Nam trong 10 năm vừa qua có sự phát triển tương đối tốt để cho chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng vào khả năng, trình độ của giới KH&CN Việt Nam, cũng như chúng ta còn phải tiếp tục phấn đấu, để đến năm 2020 khi Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại thì KH&CN phải có đóng góp đáng kể, trong đó tôi chỉ xin nói đến 2 chỉ tiêu : tỉ trọng của công nghệ cao trong xuất khẩu của Việt Nam phải đạt 45% và chỉ số năng suất TFP của Việt Nam phải đạt 35% trong GDP. Nếu chúng ta đạt được 2 chỉ số này thì có thể nói là phần đóng góp của KH&CN có tính chất quyết định. Và như vậy, nhà nước cần phải tiếp tục đầu tư và giới khoa học phải nỗ lực hơn nữa mới có thể đạt được những mục tiêu quan trọng này.

-TBT Vũ Hữu Nghị: Kính thưa TS Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ KH&CN, thưa độc giả báo Đất Việt, trong thời gian hơn 2 giờ qua, chúng tôi đã chuyển đến Bộ trưởng Nguyễn Quân rất nhiều câu hỏi của độc giả, tuy nhiên, do thời gian có hạn chúng tôi xin phép được tạm dừng buổi trao đổi tại đây. Những câu hỏi khác của quý độc giả, chúng tôi sẽ gửi tới Bộ trưởng Nguyễn Quân. Một lần nữa, thay mặt cho Ban tổ chức, những người thực hiện chương trình, xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng đã tham gia buổi đối thoại trực tuyến. Xin cảm ơn quý độc giả đã gửi rất nhiều câu hỏi đến cho chương trình. Trước thềm năm mới xin được chúc Bộ trường, chúc các nhà khoa học, cán bộ, nhân viên của bộ KH&CN năm mới sức khỏe và hạnh phúc.

-Bộ trưởng Nguyễn Quân: Cám ơn báo Đất Việt đã tạo cơ hội cho tôi có buổi trao đổi các thông tin đối với độc giả của báo cũng như các nhà khoa học...Thông qua báo Đất Việt xin gửi lời cảm ơn đến các nhà khoa học, nhà quản lý, những người quan tâm đến KH&CN đã dành thời gian, trí tuệ cho sự nghiệp KH&CN cũng như dành sự quan tâm tới buổi đối thoại trực tiếp ngày hôm nay.

Xin chúc cho độc giả của Báo Đất Việt và toàn thể quý vị một năm mới, đổi mới và thành công.

Nguồn tin: Đất Việt

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner