Các dự án đổi mới sáng tạo (ĐMST) hiện nay Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đang thực hiện và hợp tác với các nhà tài trợ quốc tế là nâng cao hiệu quả hoạt động ĐMST tại Việt Nam, hoàn thiện và tăng cường năng lực của hệ thống ĐMST quốc gia. Hay nói cách khác là tăng cường liên kết.
Chủ động nghiên cứu
Đổi mới sáng tạo hiện nay liên quan mật thiết với thị trường và bị chi phối bởi các xu hướng phát triển mới trong KH&CN. Hoạt động ĐMST chú trọng vào đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng KH&CN của cộng đồng xã hội, đặc biệt thúc đẩy hoạt động thương mại hóa các kết quả nghiên cứu.
Thực tế cho thấy, giá trị và những đóng góp của ĐMST đã được khẳng định rõ từ mô hình của nhiều quốc gia phát triển và đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Hiện, Công ty Cổ phần thuốc Thú y Đức Hạnh (Marphavet) đang tập trung để phát triển Dự án nghiên cứu công nghệ chế tạo vắc xin phòng bệnh tiêu chảy thành dịch PET cho lợn nuôi trang trại. Virus gây bệnh PET được phát hiện lần đầu tiên tại Châu Âu vào thập niên 1970, sau đó lây lan sang nhiều nước khác. Năm 2000 loại virus nguy hiểm này đã xuất hiện tại Việt Nam. Lợn ở mọi độ tuổi đều nhạy cảm với loại virus này. Lợn con theo lợn mẹ là nhạy cảm nhất, có tỷ lệ nhiễm bệnh và tỷ lệ chết cao. Vì thế có thể nói PET là một trong những mối lo ngại lớn của các nhà chăn nuôi lợn trong nước cũng như nước ngoài.
Để hạn chế cũng như tìm ra biện pháp ứng phó, ngăn chặn loại dịch bệnh này, tiểu dự án nghiên cứu công nghệ chế tạo vắc xin phòng bệnh tiêu chảy thành dịch PET cho lợn nuôi trang trại được thiết lập và thực hiện bởi nhóm hợp tác có 11 thành viên gồm Học viện Nông nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp chuyên sản xuất sản phẩm thuốc thú y trên địa bàn cả nước.
GS.TS. Nguyễn Quang Tuyên, Phó Tổng Giám đốc KH&CN, Công ty Cổ phần thuốc Thú y Đức Hạnh cho biết, trong chế tạo vắc xin Marphavet đang chú trọng vấn đề nghiên cứu, đưa vào các trang bị máy móc tự động hóa, công nghệ cao để làm sao hiệu quả sản xuất đạt được như mong muốn.
Các nhà khoa học đã đóng góp công sức trí tuệ cũng như áp dụng các tiến bộ KH&CN hiện đại để nghiên cứu sản xuất thành công những loại vắc xin đặc hiệu phòng chống các loại bệnh dịch đóng góp tích cực cho ngành chăn nuôi Việt Nam nói riêng và thị trường quốc tế nói chung. Đây sẽ là nguồn động viên, một cú hích quan trọng cho các doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu khoa học sâu rộng hơn, phát triển vì sản phẩm an toàn cho chăn nuôi Việt Nam. Trong thời gian vừa qua Marphavet đã phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam để nghiên cứu chọn chủng giống gốc để chế tạo vắc xin.
Một trong các đơn vị thụ hưởng của Dự án FIRST đó là Bộ môn Ký sinh trùng tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam với tiểu dự án “Ứng dụng công nghệ sản xuất protein của Nhật Bản trong phòng chống bệnh cầu trùng trên gà tại Việt Nam”. Bệnh cầu trùng là một loại bệnh hiện nay gây ra nhiều nguy hiểm cho gà. Do vậy các nhà nghiên cứu tại Học viện Nông nghiệp đã bắt tay vào nghiên cứu để tìm ra thuốc điều trị cho loại bệnh này. Bộ môn Ký sinh trùng đã liên kết với các chuyên gia nước ngoài, đặc biệt là các chuyên gia đến từ Nhật Bản sẵn sàng chuyển giao công nghệ để sản xuất protein tái tổ hợp dựa trên công nghệ mới của Nhật Bản.
Bà Bùi Khánh Linh, Phụ trách bộ môn Ký sinh trùng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho hay, qua những kết quả ban đầu chúng tôi nhận thấy bệnh cầu trùng hiện nay đang nhiễm với tỷ lệ cao và gây chết nhiều trên các đàn gà, đặc biệt đây còn là một loại bệnh tiên phát cho các bệnh nguy hiểm khác cho gà. Thông qua Dự án FIRST, chúng tôi được các chuyên gia Nhật Bản vừa dạy về kỹ năng và vừa chuyển giao công nghệ, sau đó chúng tôi chủ động sản xuất tại Việt Nam.
Gắn kết viện, trường và doanh nghiệp
Trong hệ thống ĐMST quốc gia có ba chủ thể đó là cơ quan nhà nước, nơi xây dựng những cơ chế chính sách để thúc đẩy, tạo động lực kết nối giữa các viện, trường, nơi tạo ra tri thức với các doanh nghiệp nơi sử dụng trí thức.
Ba chủ thể đó phải có một sự kết hợp hài hòa và tạo động lực để cho mối quan hệ liên kết giữa nơi sản sinh ra tri thức và nơi sử dụng tri thức một cách hiệu quả nhất. Tất cả các dự án, trong đó có Dự án FIRST đều tập trung tác động vào tương tác giữa ba chủ thể này.
Trong thời gian qua, mối liên kết giữa ba nhà, nhà nước, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp đã có những bước cải thiện đáng kể. Nhiều nhà khoa học, viện nghiên cứu, trường đại học đã kết nối với doanh nghiệp, đưa ra những công trình nghiên cứu có khả năng vận dụng vào thực tế và đem lại lợi ích kinh tế xã hội rất thiết thực.
TS. Trần Quốc Thắng, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu khoa học (FIRST) cho biết, chương trình hỗ trợ cho các mối liên kết giữa các doanh nghiệp, các trường đại học thì tính liên kết của các nhà nghiên cứu và sản xuất kinh doanh được chúng tôi đánh giá rất cao. Đây là một trong những điểm Dự án FIRST nhấn mạnh. Trong việc xét duyệt cũng như ký kết tài trợ trong quá trình thực hiện của Dự án FIRST, chúng tôi luôn học hỏi và tiếp cận với kinh nghiệm quốc tế trong việc triển khai dự án tương tự.
Cụ thể, việc đầu tư nghiên cứu tại Marphavet, kết hợp giữa viện nghiên cứu, trường đại học và sản xuất kinh doanh là một trong các kết quả được đầu tư ban đầu của Dự án FIRST, do Bộ KH&CN chủ trì. Mục tiêu của dự án này là hỗ trợ KH&CN và ĐMST ở Việt Nam thông qua việc thiết kế và thí điểm các chính sách KH&CN và ĐMST, nâng cao hoạt động của các tổ chức nghiên cứu và phát triển được dự án hỗ trợ, đồng thời khuyến khích được sự phát triển của các doanh nghiệp đổi mới công nghệ.
1. Bộ môn Ký sinh trùng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đơn vị thụ hưởng của Dự án FIRST với Tiểu dự án “Ứng dụng công nghệ sản xuất protein của Nhật Bản trong phòng chống bệnh cầu trùng trên gà tại Việt Nam”.
GS.TS. Nguyễn Quang Tuyên khẳng định, mối liên hệ giữa ba nhà, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và nhà nước là mối liên hệ rất cần thiết cho việc triển khai nghiên cứu các đề tài, dự án lớn. Bởi lẽ, về phía các viện, các trường đại học nguồn nhân lực về cán bộ nghiên cứu đầu ngành có điều kiện phát huy năng lực của mình. Về phía doanh nghiệp, dựa trên cơ sở các nghiên cứu đó, doanh nghiệp sẽ áp dụng quy trình tiên tiến được chuyển giao để phát triển thành hàng hóa và thương mại hóa.
PGS.TS. Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ, các chuyên gia luôn trao đổi cởi mở giúp cho các cán bộ tiếp nhận công nghệ rất tốt. Với sự tham gia của các chuyên gia khiến cho đội ngũ cán bộ của Việt Nam cũng vững vàng hơn, có vấn đề gì cần chia sẻ được giải quyết một cách dễ dàng. Học viện Nông nghiệp Việt Nam sẽ tham gia với nhiệm vụ sản xuất ra các chủng giống để sản xuất ra các vắc xin tạo ra quy trình công nghệ để chế tạo vắc xin. Sau khi tạo được quy trình công nghệ, Học viện sẽ chuyển giao cho doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ thực hiện nhiệm vụ với quy mô lớn hơn và thực hiện các bước tiếp theo.
“Vai trò của cơ quan quản lý nhà nước rất quan trọng. Ví dụ như trong Ban Quản lý Dự án FIRST, Bộ KH&CN, chúng tôi cần sự phản ứng nhanh, trả lời nhanh khi chúng tôi có các thông tin đang bế tắc, giúp chúng tôi trả lời cho các đối tác và các đơn vị liên kết cảm thấy có lòng tin hơn. Liên kết giữa viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp là tiểu dự án với sản phẩm có tiềm năng thương mại hóa, các trường và viện sẽ hỗ trợ doanh nghiệp về công nghệ, khoa học kỹ thuật, trong khi đó doanh nghiệp tiếp nhận và thương mại hóa sản phẩm và đưa các sản phẩm phục vụ xã hội”, PGS.TS. Nguyễn Thị Lan cho hay.
Nói về mối liên kết trong thực hiện Dự án PGS.TS. Nguyễn Thị Lan cho biết, đây là lần đầu tiên Học viện Nông nghiệp thực hiện liên kết với nhiều doanh nghiệp. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu như chúng ta không có sự hợp tác với các nhóm tốt, không có tinh thần làm việc nhóm thì rất khó để có thể triển khai thành công.
TS. Trần Quốc Thắng bày tỏ vui mừng vì nhận thấy trong Dự án có sự hội tụ giữa viện nghiên cứu, trường đại học với những người có ý trí doanh nghiệp, có sự kết nối với nhau để đẩy nhanh ra thị trường những ý tưởng, những công nghệ mới, những sản phẩm mới.
Trong những năm gần đây, các trường đại học, các viện nghiên cứu đã từng bước hiện đại hóa. Ngày càng nhiều doanh nghiệp công nghệ được thành lập được phát triển, tuy vậy KH&CN vẫn còn cả chặng đường dài phía trước để có thể trở thành động lực phát triển cho nền kinh tế, có thể thấy xây dựng năng lực khoa học kỹ thuật phù hợp để đạt các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội quốc gia là con đường đúng đắn để phát triển bền vững.
Bài, ảnh: Bảo Chi