Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trong nước phá sản nhưng những doanh nghiệp khoa học - công nghệ vẫn trụ vững, thậm chí còn phát triển hơn trong tình hình kinh tế khó khăn. Muốn tồn tại và phát triển doanh nghiệp phải đổi mới sáng tạo - Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia tại cuộc Tọa đàm Doanh nghiệp KHCN trong đổi mới sáng tạo, do Bộ KH-CN tổ chức mới đây.
Doanh nghiệp tìm cách tự cứu mình
Tại cuộc tọa đàm, nhiều chuyên gia cho rằng, phát triển KHCN, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo là chìa khóa nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp về giá cả cũng như chất lượng. Thời gian qua, trong tình hình kinh tế khó khăn nhưng nhờ đẩy mạnh đổi mới sáng tạo nên nhiều doanh nghiệp KHCN vẫn trụ vững, thậm chí còn phát triển hơn.
Minh chứng cho điều này, ông Nguyễn Đoàn Thăng - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn - Phích nước Rạng Đông cho biết, nếu không có đội ngũ chuyên gia khoa học thì công ty khó mà tồn tại, chưa nói đến phát triển. “Những năm gần đây, chúng tôi mời các nhà khoa học ở các trường, viện đã thôi nhiệm vụ quản lý hoặc còn đương nhiệm về giúp cho công ty; đồng thời thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển cho công ty do đội ngũ các nhà khoa học này đảm nhiệm để phục vụ cho doanh nghiệp. Nhờ những kiến thức khoa học ấy, chúng tôi đã rút ngắn được khoảng cách rất lớn về KHCN. Thực sự, không có khoa học thì công ty chúng tôi đã không còn tồn tại...”, ông Thăng nói.
Ông Thăng đưa ra ví dụ, tháng 9.2012, Chính phủ ra quyết định ngày 1.1.2013 sẽ cấm sản xuất, lưu hành đèn dây tóc trên 60W. Trong khi đó năm 2012, công ty đã sản xuất 48 triệu đèn dây tóc, trong đó đèn trên 60W chiếm tới 47%. Vì thế, nếu cấm thì hơn một nửa doanh thu và hơn 200 công nhân của công ty phải nghỉ việc. Làm thế nào để nhanh chóng chuyển đổi nhằm sản xuất ra những sản phẩm xã hội đang cần như đèn compact, đèn led bảo vệ môi trường… trong khi đội ngũ công nhân cũ chưa thể làm được, còn muốn đào tạo cũng phải mất tới 5 năm. Tuy nhiên, từ những kiến thức của các nhà khoa học nên mọi chuyện trở nên thuận lợi và chúng tôi chuyển đổi rất nhanh. Nhờ vậy mà trong những năm qua, lợi nhuận của công ty năm sau luôn cao hơn năm trước, bất chấp nền kinh tế khó khăn.
Là người đi tiên phong trong việc áp dụng KHCN vào sản xuất tại công ty của chính mình, ông Lý Ngọc Minh - Tổng giám đốc Công ty TNHH Minh Long I, cho biết để có được công nghệ cho ra đời sản phẩm tốt như ngày hôm nay ông đã bỏ ra rất nhiều công sức, tiền của. Trong thời gian đầu ông đã phải bỏ nhiều thời gian đến các nước phát triển như Nhật Bản, Đức, Ý, Pháp, Anh… để tìm hiểu về công nghệ. Đổi mới công nghệ thì đầu vào rất quan trọng, Minh Long I đã phải bỏ ra nhiều công sức để có được sự thành công như hôm nay.
Tạo cơ chế để doanh nghiệp đổi mới sáng tạo
Ông Hoàng Đức Thảo - Tổng giám đốc Công ty Cấp thoát nước Bà Rịa - Vũng Tàu (Busadco) cho rằng, những vướng mắc của doanh nghiệp KHCN chủ yếu liên quan đến cơ chế chính sách. Ông đưa ra ví dụ như vấn đề định giá công nghệ. Hiện nay chưa có một tổ chức có uy tín, có tư cách pháp nhân làm được điều này, đặc biệt là định giá sở hữu trí tuệ. Điều này đang gây khó cho doanh nghiệp bởi muốn liên doanh liên kết thì phải định giá được công nghệ vì nó liên quan đến chuyển giao công nghệ, góp vốn cổ phần… Cũng theo ông Thảo nên nghiêm cấm bao cấp đầu vào nhưng hỗ trợ đầu ra như đặt hàng của Nhà nước, các dự án dùng nguồn vốn ngân sách Nhà nước bắt buộc sử dụng công nghệ, sản phẩm trong nước.
TS Nguyễn Thanh Mỹ - Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Lan cho rằng, phải có những chính sách để bảo vệ doanh nghiệp sáng tạo. Nên đặt một hàng rào thuế quan để chống bán hàng phá giá trên thị trường của mình, như thế các doanh nghiệp sáng tạo KHCN mới có đất sống.
Đồng quan điểm trên, ông Lý Ngọc Minh - Tổng giám đốc Công ty TNHH Minh Long I nhấn mạnh, doanh nghiệp muốn tồn tại trước hết phải tự thân đổi mới. Tuy nhiên, để phát triển nhanh, mạnh thì doanh nghiệp nào cũng cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước như chính sách, thuế để khi họ đầu tư công nghệ mới thì được hưởng chính sách thuế giá trị gia tăng thấp hoặc được miễn một phần thuế lợi tức giúp doanh nghiệp tăng thêm nguồn vốn đầu tư mạnh vào sản phẩm.
PGS.TS Trần Đức Viên - Hiệu trưởng Đại học Nông nghiệp Hà Nội lại cho rằng: trước mắt Nhà nước nên hướng tới hỗ trợ những thương hiệu mạnh sẵn có trong nước, nhằm giúp những thương hiệu này vươn ra toàn cầu. Đồng thời, cần thúc đẩy tiềm lực nghiên cứu trong nước bằng cách: chính sách giáo dục đào tạo phải gắn với mục tiêu của chính sách phát triển khoa học và công nghệ, trong đó có mục tiêu quan trọng là đào tạo nhân lực khoa học kỹ thuật phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp; đặt ra yêu cầu những doanh nghiệp và tổ chức nhập khẩu công nghệ phải có lộ trình tiến tới làm chủ công nghệ được nhập khẩu; có chính sách động viên khuyến khích mọi ý tưởng công nghệ hữu ích, kể cả những ý tưởng “Hai Lúa”, nhằm tạo sân chơi bình đẳng và tăng cường động lực đổi mới sáng tạo trong toàn dân.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, muốn có doanh nghiệp KHCN thì về mặt thể chế phải bảo đảm cho doanh nghiệp ấy tồn tại. Doanh nghiệp KHCN là loại doanh nghiệp cần cạnh tranh nhất, cho nên trên hệ thống thị trường phải là thị trường cạnh tranh tự do, nếu không doanh nghiệp sẽ không có động lực đổi mới. Phải nhìn doanh nghiệp KHCN như một đội ngũ dẫn dắt kinh tế đất nước phát triển. Chiến lược KHCN phải là chiến lược trục của phát triển kinh tế - xã hội, chừng nào chưa đặt nó đúng vị trí thì kinh tế chưa thể đột phá được.