Dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua Nghiên cứu, Khoa học và Công nghệ” (FISRT) do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) chủ trì thực hiện với vốn vay từ Ngân hàng Thế giới (WB) đã chính thức được khởi động. FIRST sẽ giúp cộng đồng KH&CN Việt Nam phát huy được vai trò của mình trong giai đoạn phát triển quan trọng của đất nước, đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại với nền tảng của kinh tế tri thức.
Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam
Việt Nam đã sớm xác định đúng đắn về vị trí, vai trò của KH&CN với tư cách là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt, là nền tảng và động lực. KH&CN đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, cải thiện an sinh xã hội và chất lượng cuộc sống, đưa Việt Nam từ một nước kém phát triển gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình.
Thực trạng hoạt động KH&CN và ĐMST ở Việt Nam thời gian qua là một bức tranh có những điểm sáng tích cực. Hệ thống pháp luật về KH&CN được tạo lập và ngày càng hoàn thiện với 8 đạo luật chuyên ngành và các văn bản dưới luật, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động KH&CN và ĐMST. Tiềm lực KH&CN có bước phát triển. Số người trực tiếp làm công tác R&D là trên 62 nghìn người (7 người/một vạn dân)...
Các tổ chức KH&CN cũng tăng nhanh về số lượng, đa dạng hóa về loại hình. Tính đến hết năm 2012, cả nước có 2.202 tổ chức KH&CN đăng ký hoạt động và 419 trường đại học và cao đẳng. Nguồn lực tài chính cho KH&CN được gia tăng, từ năm 2000, tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho KH&CN hàng năm đạt 2%...
Khoa học tự nhiên có bước phát triển, tạo tiền đề hình thành một số lĩnh vực KH&CN đa ngành mới như vũ trụ, y sinh, nano, hạt nhân; một số lĩnh vực (toán học, vật lý lý thuyết) có thứ hạng khá cao trong khu vực ASEAN. Khoa học kỹ thuật và công nghệ có đóng góp đáng kể vào tốc độ tăng trưởng của một số ngành, lĩnh vực. Một số thành tựu nổi bật như: thiết kế chế tạo thiết bị cơ khí thủy công cho nhà máy thủy điện công suất lớn; giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90m nước; công nghệ khai thác dầu trong đá móng; các giống lúa mới năng suất cao; khai thác vệ tinh viễn thông; làm chủ công nghệ đóng tàu, xây dựng công trình ngầm, nhà cao tầng, cầu dây văng, đường cao tốc; ghép tạng và sản xuất vắc xin;...
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh cho rằng, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng vẫn còn một số hạn chế, yếu kém trong hoạt động KH&CN và ĐMST ở Việt Nam. Về nhân lực và hệ thống tổ chức KH&CN, số lượng cán bộ R&D của Việt Nam dù đã gia tăng nhưng còn rất khiêm tốn so với các nước như Hoa Kỳ (hơn 1,4 triệu), Trung Quốc (1,2 triệu), Nhật Bản (656 nghìn), Nga (442 nghìn), Đức (327 nghìn), Hàn Quốc (264 nghìn), Pháp (234 nghìn). Năng lực của đội ngũ nhân lực KH&CN nhìn chung còn hạn chế và chưa có chính sách hợp lý trong trọng dụng cán bộ KH&CN trong nước và thu hút trí thức Việt kiều.
Chất lượng và hiệu quả nghiên cứu của các tổ chức KH&CN chưa cao. Chức năng nghiên cứu khoa học chưa được coi trọng trong các trường đại học; thiếu các đại học nghiên cứu trình độ quốc tế. Việc chuyển đổi các tổ chức KH&CN công lập sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm còn chậm.
Mức đầu tư của toàn xã hội cho KH&CN của Việt Nam hiện nay ước chỉ đạt dưới 1% GDP và ngân sách nhà nước vẫn là nguồn đầu tư chính. Cơ chế tài chính trong KH&CN còn nhiều bất hợp lý, chậm đổi mới. Đầu tư của doanh nghiệp cho nghiên cứu và đổi mới công nghệ còn rất thấp. Số lượng các doanh nghiệp KH&CN chưa nhiều. Phần lớn doanh nghiệp chưa có tầm nhìn dài hạn; hạn chế về nhân lực trình độ cao và trang thiết bị; khó tiếp cận vốn, tín dụng để tiến hành đổi mới công nghệ....
Về năng lực KH&CN, Việt Nam thực sự chưa có nhiều công trình, sản phẩm KH&CN mang tính đột phá ở tầm khu vực và thế giới. Các bài báo, công trình khoa học được công bố quốc tế có tốc độ tăng trung bình 22%/năm, nhưng giá trị tuyệt đối và chỉ số trích dẫn còn thấp. Về chỉ số cạnh tranh toàn cầu, năm 2013, Việt Nam xếp thứ 70/148 quốc gia; chỉ số ĐMST toàn cầu xếp thứ 76/141 quốc gia.
Thứ trưởng Trần Việt Thanh chỉ ra rằng, một trong những nguyên nhân cơ bản nhất dẫn tới hạn chế, yếu kém về tiềm lực cũng như trình độ KH&CN và ĐMST trong nước là nhận thức về tầm quan trọng của KH&CN và đặc biệt là về ĐMST còn hạn chế ở Việt Nam. KH&CN và ĐMST chưa được xem là nhân tố quan trọng quyết định tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế. Thay vào đó, tính cạnh tranh của nền kinh tế vẫn dựa chủ yếu vào phát triển theo chiều rộng, thâm dụng lao động giá rẻ, khai thác tài nguyên thiên nhiên sẵn có và tăng vốn đầu tư.
Bên cạnh đó, sự duy trì bao cấp của Nhà nước và độc quyền thực tế của doanh nghiệp nhà nước không tạo động lực đủ mạnh để các doanh nghiệp quan tâm đầu tư cho đổi mới và phát triển công nghệ. Ngoài ra, việc chưa có chính sách đồng bộ, hiệu quả để phát triển nhanh lực lượng doanh nghiệp KH&CN cũng là một cản trở lớn đối với nỗ lực thúc đẩy ĐMST trong các lĩnh vực của nền kinh tế.
Đổi mới sáng tạo sẽ giúp Việt Nam phát triển nhanh và bền vững (Ảnh: Lê Hà)
Phát triển đất nước dựa vào ĐMST và KH&CN
Việt Nam đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện với nhiều cơ hội và thách thức. Cuộc cách mạng KH&CN hiện đại với các bước tiến mạnh mẽ diễn ra trong bối cảnh toàn cầu hóa đã tạo ra cơ hội hết sức thuận lợi để các nước đi sau như Việt Nam tranh thủ rút ngắn khoảng cách tụt hậu nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức, yêu cầu mới nặng nề hơn. Để đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, phát triển đất nước nhanh và bền vững, con đường tất yếu phải dựa vào ĐMST và KH&CN.
Theo Thứ trưởng Trần Việt Thanh, để khắc phục các yếu kém, trở ngại, đạt mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam có một nền KH&CN phát triển nằm trong nhóm các nước dẫn đầu ASEAN, đến năm 2030, một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến thế giới, hoạt động KH&CN và ĐMST của Việt Nam giai đoạn tới cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ về tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH&CN; triển khai các định hướng nhiệm vụ KH&CN chủ yếu và tăng cường tiềm lực KH&CN quốc gia; phát triển mạnh thị trường KH&CN; đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế về KH&CN.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho biết, bài học thành công của hầu hết các quốc gia trên thế giới đều chỉ ra rằng đầu tư đúng đắn, đúng ngưỡng, đúng thời điểm cho giáo dục, khoa học công nghệ và từ đó thúc đẩy ĐMST sẽ tạo động lực cho sự phát triển đất nước. Để có thể đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, phát triển đất nước nhanh và bền vững thì không có con đường nào khác là phải bằng KH&CN và nguồn nhân lực chất lượng cao.
Phát biểu tại Hội thảo khởi động dự án FIRST diễn ra ngày 07/11, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB Việt Nam bày tỏ kỳ vọng thông qua FIRST sẽ kết nối mạng lưới các nhà khoa học Việt Nam vào mạng lưới các nhà khoa học toàn cầu. Dự án sẽ trở thành một hình mẫu cho các dự án tương tự trong tương lai ở Việt Nam và khu vực, là một dấu mốc tạo ra sự khác biệt trong tương lai.
TS. Trần Quốc Thắng, Giám đốc Dự án FIRST cho biết, FIRST được thực hiện trong 5 năm (2014-2019), có tổng mức đầu tư là 110 triệu USD. Trong đó vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới là 100 triệu USD và 10 triệu USD vốn đối ứng của Việt Nam. Mục tiêu dài hạn của dự án là góp phần hỗ trợ nâng cao năng suất, khả năng cạnh tranh và chất lượng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam thông qua việc tăng cường hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo. Dự án tập trung vào 3 đối tượng thể chế, tổ chức khoa học công nghệ và doanh nghiệp. Trọng tâm ưu tiên của dự án là chính sách, cải cách hệ thống khoa học công nghệ công lập theo hướng tự chủ, năng động; thúc đẩy đổi mới công nghệ và hình thành các doanh nghiệp khoa học công nghệ.
Hi vọng rằng Dự án FIRST sẽ thành công tốt đẹp, khuyến khích và phát huy ĐMST trong mọi lĩnh vực của đời sống, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế ĐMST năng động nhất, và trong tương lai không xa, gia nhập nhóm các quốc gia có khả năng định đoạt thị trường và nền kinh tế toàn cầu.
Lê Hà