Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ tư, 06/11/2024 , 03:49 pm
Cập nhật : 09/11/2013 , 21:11(GMT +7)
Đổi mới sáng tạo để thay đổi cuộc chơi
Thông điệp của Diễn đàn quốc tế về đổi mới sáng tạo mở (Open Innovation Forum 2013) vừa diễn ra là: Từ chỗ chỉ là một bên tham gia cuộc chơi, thì có “Đổi mới sáng tạo - Tôi là người thay đổi cuộc chơi”…

Hội thảo khởi động Dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, khoa học và công nghệ - FIRST” là bước khởi động một dự án lớn rất có ý nghĩa đối với Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập toàn diện với thế giới và khu vực, tạo cú hích mạnh mẽ thúc đẩy tốc độ và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế đất nước thông qua chìa khóa đổi mới sáng tạo và KH&CN.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Việt Thanh cho biết, tại Diễn đàn quốc tế về đổi mới sáng tạo mở (Open Innovation Forum 2013) vừa được tổ chức tại Mát-xcơ-va trong hai ngày 31/10 - 01/11 vừa qua, với sự tham gia của Thủ tướng nước chủ nhà, Thủ tướng Pháp và Phần Lan cùng đại diện các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp hàng đầu thế giới. Một thông điệp rất đáng suy ngẫm đối với Việt Nam về vai trò của đổi mới sáng tạo đối với sự phát triển của một quốc gia trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu khốc liệt, đó là: Từ chỗ chỉ là một bên tham gia cuộc chơi, thì có “Đổi mới sáng tạo - tôi là người thay đổi cuộc chơi” (“I Am a Game Changer”) và “Tôi  thay đổi cả thế giới” (“I Change the World”), đồng thời, “Công nghệ mới sẽ chi phối nền kinh tế toàn cầu” (“Emerging Technologies Powering the Global Economy”) và chính “Người thay đổi cuộc chơi định đoạt thị trường toàn cầu” (“Game Changers Powering the Global Market”).

Chừng nào Việt Nam mới có thể tự tin tham gia cuộc chơi toàn cầu và nắm vai trò là người điều khiển, thay đổi cuộc chơi, điều đó phụ thuộc vào nhận thức, sự cam kết và hành động quyết liệt của cả Chính phủ, lực lượng KH&CN và doanh nghiệp, trong đó, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ đóng vai trò quan trọng nhất. Bộ KH&CN nhận thức rất rõ điều này khi thiết kế và khởi động Dự án FIRST.  

Nhìn lại thực trạng hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, thấy một bức tranh có những điểm sáng tích cực nhưng cũng nhiều mảng mầu “trầm lắng”, thể hiện ở các chỉ số về tiềm lực, năng lực và kết quả đạt được còn khiêm tốn.

Hệ thống pháp luật về KH&CN được tạo lập và ngày càng hoàn thiện với 8 đạo luật chuyên ngành và các văn bản dưới luật, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo.  

Tiềm lực KH&CN có bước phát triển. Số người trực tiếp làm công tác nghiên cứu và phát triển (R&D) là trên 62 nghìn người (7 người/một vạn dân). Tổng số giảng viên đại học, cao đẳng trong cả nước là hơn 84 nghìn người. Bên cạnh đó, có hơn 100 nghìn du học sinh, 300 nghìn trí thức kiều bào ở nước ngoài. Với ưu thế được đào tạo bài bản và rèn luyện trong môi trường KH&CN trình độ cao ở các nước tiên tiến, nếu có chính sách thu hút phù hợp, lực lượng trí thức kiều bào sẽ đóng góp có hiệu quả cho sự phát triển KH&CN và kinh tế - xã hội trong nước.

Các tổ chức KH&CN cũng tăng nhanh về số lượng, đa dạng hóa về loại hình. Tính đến hết năm 2012, cả nước có 2.202 tổ chức KH&CN đăng ký hoạt động (công lập chiếm hơn 80%) và 419 trường đại học và cao đẳng.

Nguồn lực tài chính cho KH&CN được gia tăng, từ năm 2000, tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho KH&CN hàng năm đạt 2%; cơ cấu đầu tư giữa công và tư chuyển dịch theo hướng tích cực hơn (70/30).

Cơ sở hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị, phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu, ứng dụng KH&CN được nâng cấp và cải thiện một bước. Hạ tầng thông tin KH&CN có bước phát triển.

Thị trường và định chế trung gian công nghệ đã bước đầu hình thành. Hệ thống sở hữu trí tuệ và tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng tiếp cận dần với các chuẩn mực quốc tế. Hoạt động hợp tác quốc tế về KH&CN được đẩy mạnh, đã hình thành mạng lưới đại diện KH&CN tại nhiều quốc gia, địa bàn trọng điểm. 

KH&CN bước đầu có đóng góp quan trọng, thiết thực phục vụ phát triển KT-XH, trong đó khoa học tự nhiên có bước phát triển, tạo tiền đề hình thành một số lĩnh vực KH&CN đa ngành mới như vũ trụ, y sinh, nano, hạt nhân; một số lĩnh vực (toán học, vật lý lý thuyết) có thứ hạng khá cao trong khu vực ASEAN. Khoa học kỹ thuật và công nghệ có đóng góp đáng kể vào tốc độ tăng trưởng của một số ngành, lĩnh vực; có một số thành tựu nổi bật như: thiết kế chế tạo thiết bị cơ khí thủy công cho nhà máy thủy điện công suất lớn; giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90m nước; công nghệ khai thác dầu trong đá móng; các giống lúa mới năng suất cao; khai thác vệ tinh viễn thông; làm chủ công nghệ đóng tàu, xây dựng công trình ngầm, nhà cao tầng, cầu dây văng, đường cao tốc; ghép tạng và sản xuất vắc xin;...

Tuy đã đạt được một số kết quả tích cực, nhưng cũng nhận thấy còn nhiều hạn chế, yếu kém trong hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam. Về nhân lực và hệ thống tổ chức KH&CN: Số lượng cán bộ R&D của Việt Nam dù đã gia tăng nhưng còn rất khiêm tốn so với các nước như Hoa Kỳ (hơn 1,4 triệu), Trung Quốc (1,2 triệu), Nhật Bản (656 nghìn), Nga (442 nghìn), Đức (327 nghìn), Hàn Quốc (264 nghìn), Pháp (234 nghìn). Năng lực của đội ngũ nhân lực KH&CN nhìn chung còn hạn chế. Chưa có chính sách hợp lý trong trọng dụng cán bộ KH&CN trong nước và thu hút trí thức Việt kiều.

Chất lượng và hiệu quả nghiên cứu của các tổ chức KH&CN chưa cao. Chức năng nghiên cứu khoa học chưa được coi trọng trong các trường đại học; thiếu các đại học nghiên cứu trình độ quốc tế. Việc chuyển đổi các tổ chức KH&CN công lập sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm còn chậm.

Về nguồn lực tài chính và hạ tầng KH&CN: Tổng đầu tư từ ngân sách nhà nước cho KH&CN nếu tính trong 2 năm gần đây chỉ đạt hơn 13-14 nghìn tỷ đồng (tương đương 620- 670 triệu USD). Trong khi đó, tổng chi cho hoạt động R&D năm 2010 của Hoa Kỳ là hơn 401,5 tỷ USD, Trung Quốc: 178,9 tỷ, Nhật Bản: 140,8 tỷ, Đức: 86,2 tỷ USD, Hàn Quốc: 53,1 tỷ, Pháp: 49,9 tỷ và Nga: 32,8 tỷ USD. Mức đầu tư của toàn xã hội cho KH&CN của Việt Nam hiện nay ước chỉ đạt dưới 1% GDP và ngân sách nhà nước vẫn là nguồn đầu tư chính. Cơ chế tài chính trong KH&CN còn nhiều bất hợp lý, chậm đổi mới.

Đầu tư của doanh nghiệp cho nghiên cứu và đổi mới công nghệ còn rất thấp. Số lượng các doanh nghiệp KH&CN chưa nhiều. Phần lớn doanh nghiệp chưa có tầm nhìn dài hạn; hạn chế về nhân lực trình độ cao và trang thiết bị; khó tiếp cận vốn, tín dụng để tiến hành đổi mới công nghệ. Hạ tầng kỹ thuật và trang thiết bị nghiên cứu ở Việt Nam còn thiếu, lạc hậu. Các khu công nghệ cao chậm đi vào hoạt động, thu hút đầu tư kém. Hệ thống các phòng thí nghiệm trọng điểm khai thác chưa hiệu quả. Hoạt động thống kê và thông tin KH&CN chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của cộng đồng khoa học, doanh nghiệp và quản lý.

Về năng lực KH&CN: Việt Nam thực sự chưa có nhiều công trình, sản phẩm KH&CN mang tính đột phá ở tầm khu vực và thế giới. Các bài báo, công trình khoa học được công bố quốc tế có tốc độ tăng trung bình 22%/năm, nhưng giá trị tuyệt đối và chỉ số trích dẫn còn thấp, nhất là khi so sánh với các nước trong khu vực và thế giới. Số lượng bài báo, công trình khoa học công bố quốc tế của Việt Nam trong 5 năm gần đây (2008- 2012) là 6.356, kém Thái Lan 4 lần, kém Singapore 7 lần, kém Nhật Bản 57 lần và kém Hoa Kỳ 256 lần.  

Số lượng đơn sáng chế đăng ký bảo hộ giai đoạn 2001- 2010 của người Việt Nam là 1.665 đơn, trong khi có 20.057 đơn của người nước ngoài; số bằng độc quyền sáng chế được cấp của người Việt Nam còn thấp hơn nhiều, chỉ đạt 257 văn bằng, kém 27 lần so với số văn bằng được cấp của người nước ngoài (là 6.997). (Còn nữa)

Nguồn tin: VietQ.vn

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner