Hoạt động KH&CN Thứ sáu, 26/04/2024 , 11:49 am
Cập nhật : 25/06/2019 , 16:06(GMT +7)
Đổi mới hệ thống quản trị doanh nghiệp hướng tới phát triển bền vững
Đổi mới hệ thống quản trị doanh nghiệp hướng tới phát triển bền vững
Việc xây dựng và đổi mới hệ thống quản trị trong doanh nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng, giúp cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, tạo nền tảng cho sự phát triển ổn định, lâu dài. Tuy nhiên công việc này chưa bao giờ là dễ dàng, cho dù người quản lý có kiến thức sâu rộng hay có năng lực làm việc tốt đến mấy thì trên thực tế công việc quản trị cũng vấp phải nhiều vấn đề nảy sinh, cần xử lý.

 Đó là ý kiến của nhiều diễn giả, chuyên gia kinh tế, tại tọa đàm "Đổi mới hệ thống quản trị hướng tới phát triển bền vững"do Bộ KH&CN tổ chức ngày 22/6 tại Hà Nội.

Đổi mới, sáng tạo phải song hành với bền vững

Chia sẻ với các doanh nghiệp tại tọa đàm, Giáo sư Hà Tôn Vinh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổ hợp Giáo dục Đào tạo và Tư vấn Stellar Management cho rằng: Trong quá trình đổi mới, yếu tố then chốt để tồn tại của doanh nghiệp không phải là tiền và tiền không phải là mục đích kinh doanh. Chúng ta phải có chất lượng, phải giá rẻ, mẫu mã tốt, đây là những tiêu chí không cần bàn cãi vì bắt buộc phải có, nếu chỉ dừng lại ở việc hàng hoá tốt, đẹp và chất lượng… thì đó chưa phải là tầm nhìn của doanh nghiệp trong thời đại 4.0 vì chắc chắn nếu không có chất lượng tốt thì sẽ bị đào thải.

“Chính vì vậy chúng ta phải đổi mới, nhưng đổi mới, sáng tạo thế nào để bền vững? Tôi từng làm cho những doanh nghiệp của Hoa Kỳ, có doanh nghiệp 120 năm vẫn phá sản chỉ vì sai lệch một chút, chỉ chậm một chút là đã thua. Vậy tại sao có những doanh nghiệp lớn trên thế giới không còn tồn tại nữa? Tôi cho rằng đó là do các doanh nghiệp không chịu đổi mới, đổi mới không đủ trở thành “đổi mới sáng tạo”, hoặc đổi mới sáng tạo nhưng không bền vững”, Giáo sư Hà Tôn Vinh nhấn mạnh.

Cùng quan điểm với GS Hà Tôn Vinh, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định: “Muốn có được năng suất thì doanh nghiệp phải nâng cao và không ngừng đổi mới công tác quản trị. Và để phát triển bền vững thì doanh nghiệp không những phải nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn phải thỏa mãn cả yếu tố môi trường - xã hội, phải có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội”.

“Thị trường luôn có chuẩn mực chung của nó nhưng những chuẩn mực này luôn thay đổi cho phù hợp với yêu cầu của thị trường, của xã hội và sự phát triển của nền kinh tế, không có một mô hình chung nào định ra cho doanh nghiệp, chỉ có mô hình chung đó là luôn đổi mới - sáng tạo. Doanh nghiệp phải tự tìm mô hình chung cho riêng mình nếu không đổi mới, không sáng tạo doanh nghiệp sẽ tự mình triệt tiêu mình”, ông Vũ Tiến Lộc chia sẻ.

Trả lời cho câu hỏi "Liệu có một mô hình hay công thức chung nào có thể áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp để phát triển bền vững?", ông Vũ Tiến Lộc khẳng định: Có những chuẩn mực chung được thế giới định ra mà doanh nghiệp muốn bước vào thị trường, muốn chiến thắng phải đạt được những chuẩn mực đó, nhưng những chuẩn mực đó luôn luôn thay đổi, còn mô hình thì không có mô hình chung. Nếu chuẩn mực và mô hình đều giống nhau thì sẽ không có cạnh tranh, không có sáng tạo, không có bứt phá… và chúng ta hàng ngàn năm cũng sẽ vẫn vậy. Cho nên không bao giờ có một mô hình chung, và bao giờ mô hình cũng là đặc sản của sự đổi mới sáng tạo của con người, của các nền kinh tế, của các doanh nghiệp và chính điều đó tạo nên động lực vô tận cho sự phát triển.

Chủ tịch VCCI cũng chỉ ra 4 vấn đề cần thiết trong đổi mới quản trị chiến lược của doanh nghiệp để hướng tới phát triển bền vững. Đó là hiệu quả về mặt kinh doanh, lợi nhuận thiết thực cho phát triển doanh nghiệp cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; tinh thần thượng tôn pháp luật, không những về kinh tế mà điều chỉnh cả về môi trường và xã hội; xây dựng và quy chuẩn đạo đức kinh doanh và trách nhiệm với xã hội và cuối cùng là có những cam kết mạnh mẽ trong hoạt động từ thiện, chia sẻ những khó khăn, thiên tai trong cộng đồng và trên thế giới.

Bên cạnh đó, chiến lược kinh doanh cần hướng tới sự sáng tạo, đổi mới, áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, áp dụng KH&CN cần phải nghiên cứu và ứng dụng căn cứ vào thế mạnh của doanh nghiệp để phát huy và khắc phục thế yếu để phát triển.

Về khía cạnh luật pháp, để đạt được phát triển bền vững trong luật pháp cần hội tụ 3 điểm: Thứ nhất, công khai, minh bạch, xây dựng các văn bản pháp luật thích hợp với điều kiện chấp hành của người dân; Thứ 2, nâng cao giáo dục và đào tạo, nhận thức về luật pháp từ gia đình đến trường học; Thứ 3, chế tài thực hiện, nếu hệ thống văn bản pháp luật tốt, hạ tầng cơ sở tốt, nhận thức người dân tốt, nhưng chế tài xử phạt những người vi phạm pháp luật không nghiêm minh, không triệt để cũng là rào cản đối với phát triển bền vững.

Ông Vũ Tiến Lộc: "Kinh tến tuần hoàn chính là lối ra cho nền kinh tế Việt Nam và đây cũng chính là biện pháp nâng cao năng lực cạnh tranh - một năng lực cạnh tranh mới của nền kinh tế Việt Nam"

Kinh tế tuần hoàn là chìa khóa để doanh nghiệp phát triển bền vững

Nói đến phát triển bền vững, đến tăng trưởng xanh, đến thực hiện trách nhiệm xã hội thì mô hình kinh tế tuần hoàn chính là mô hình hoàn hảo nhất để thực hiện được mục tiêu này. Đó là nhận định của Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc. Theo ông Vũ Tiến Lộc, từ thời cha ông ta, người nông dân đã làm kinh tế tuần hoàn rất tốt, đến bây giờ những doanh nghiệp dẫn đầu, đơn cử như Công ty Cổ phần Traphaco cũng quay trở lại với nền kinh tế tuần hoàn. Đây chính là lối ra cho nền kinh tế Việt Nam và đây cũng chính là biện pháp nâng cao năng lực cạnh tranh - một năng lực cạnh tranh mới của nền kinh tế Việt Nam mà chúng ta có thể dẫn đầu trong xu thế này. Ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Cũng theo ông Vũ Tiến Lộc, về mặt công nghệ, tài chính thì chúng ta không thể theo kịp các nền kinh tế hàng đầu, nhưng về tính nhân văn, về trách nhiệm xã hội, về xu hướng kinh tế tuần hoàn thì chúng ta có thể vượt lên. Đây cũng chính là năng lực cạnh tranh mới của Việt Nam, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế đi sau. Vì vậy, nói đến năng suất, nói đến chất lượng, nói đến đổi mới sáng tạo,… thì kinh tế tuần hoàn chính là con đường duy nhất.

Chia sẻ về cách thức chuyển đổi cho doanh nghiệp để áp dụng mô hình mới trong quản trị chiến lược của doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế Hà Tôn Vinh đánh giá, Việt Nam là nước đang phát triển, nếu áp dụng ngay những mô hình mới trong quản trị chiến lược đối với phát triển bền vững, các doanh nghiệp rất có thể sẽ gặp nhiều khó khăn và thách thức vì tiềm lực còn rất yếu so với tầm nhìn chuẩn mực thế giới.

Do đó, nghiên cứu cách thức chuyển đổi cho doanh nghiệp trong việc đào tạo, huấn luyện nâng cao nhận thức về phát triển kinh doanh gắn liền với trách nhiệm môi trường và xã hội cũng như khuyến khích đầu tư cho các doanh nghiệp có định hướng phát triển bền vững là điều quan trọng lúc này.

Chia sẻ tại tọa đàm ông Trần Văn Vinh, Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Giải thưởng Chất lượng Quốc gia nhấn mạnh: Chủ đề của tọa đàm mang tính thời sự và cấp thiết đối với doanh nghiệp, bởi việc áp dụng các hệ thống quản trị tiên tiến trong hoạt động quản lý doanh nghiệp là nhu cầu nội tại của chính doanh nghiệp để nâng cao năng suất lao động, khả năng cạnh tranh ở thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời đây cũng là yêu cầu bắt buộc đối với nhiều đối tác (cả doanh nghiệp nhà nước, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp tư nhân…). Việc đổi mới quản trị doanh nghiệp theo các chuẩn tiên tiến của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia giúp các nhà quản lý doanh nghiệp có thể chỉ đạo, điều hành, kiểm soát đơn vị hiệu quả, hướng tới phát triển bền vững”.

Bài, ảnh: Nhóm PV

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner