Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đề nghị như trên với các Bộ, ngành tại Phiên họp toàn thể lần thứ nhất Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia nhiệm kỳ 2012-2016 mới đây tại Hà Nội.
Toàn cảnh phiên họp lần thứ nhất Hội đồng chính sách nhiệm kỳ 2012-2016 (Ảnh: Ngũ Hiệp)
GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Bệnh viện nhi Trung ương cho rằng, để nền KH-CN Việt Nam tiếp cận được với nền KH-CN tiên tiến thế giới thì cần bắt đầu từ cơ chế tuyển chọn, cơ chế đào tạo, cơ chế đãi ngộ nhân lực cho hoạt động KH-CN phải thật bài bản, tránh tình trạng như hiện nay là khi muốn tiếp thu một tiến bộ mới thì các cơ sở rơi vào tình trạng lúng túng trong việc cử cán bộ đi học, hay mời chuyên gia đến nhưng lại không có kinh phí. Vì vậy, Chính phủ nên có kênh riêng để đào tạo các nhà khoa học có tiềm năng và tài năng.
Thực tế hiện nay, kết quả nghiên cứu khoa học nước ta còn hạn chế, chưa được áp dụng nhiều vào thực tế là do cơ chế tài chính chậm đổi mới. PGS.TS Hoàng Văn Phong, Chủ tịch Hội đồng cho rằng, vướng mắc chính là ở vấn đề tư duy chưa chấp nhận việc nghiên cứu thất bại mà chỉ mặc định nghiên cứu phải thành công, dẫn đến kìm hãm sự đam mê, sự chia sẻ, tính quyết đoán của người nghiên cứu.
Sớm ban hành cơ chế đặc thù với các nhà khoa học
Tại Phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những đóng góp của Hội đồng Chính sách KH-CN Quốc gia trong xây dựng thể chế, cơ chế chính sách, đưa KH-CN vào cuộc sống. Thủ tướng nêu rõ, Nghị quyết Trung ương 6 đã xác định việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động khoa KH-CN là khâu đột phá, trong đó tập trung đổi mới công tác xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển KH-CN, phương thức đầu tư, cơ chế tài chính, chính sách cán bộ, cơ chế hoạt động tự chủ của các tổ chức KH-CN.
Thủ tướng đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý cần bám sát mục tiêu, yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, mục tiêu phát triển KH-CN của đất nước và các nhiệm vụ, giải pháp vừa được Hội nghị Trung ương 6 thông qua.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị Hội đồng nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách, đãi ngộ các nhà khoa học, từ lựa chọn đề tài đến đề xuất cơ chế, đặc biệt là đặt hàng nghiên cứu liên quan đến các vấn đề cấp thiết của xã hội. Đồng thời đề xuất cơ chế cụ thể cho nhóm sản phẩm trọng điểm quốc gia, cơ chế khoán trong thực hiện đề tài KH-CN,…Thủ tướng lưu ý Hội đồng cần nhanh chóng nghiên cứu cơ chế khoán trong thực hiện các đề tài KH-CN, xây dựng kế hoạch trong 5 năm tới cũng như các cơ chế nhằm huy động mọi nguồn lực đầu tư cho KH-CN.
Ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã giải đáp những băn khoăn của các nhà khoa học về các vấn đề đang bị coi là rào cản của KH-CN hiện nay như cơ chế tài chính, cơ chế hoạt động KH-CN, cơ chế chính sách nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ trí thức, thu hút nguồn nhân lực. Đồng thời, Thủ tướng bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được nhiều ý kiến tư vấn, đề xuất kịp thời từ Hội đồng nhằm đổi mới cơ chế, chính sách phát triển KH-CN để KH-CN sớm trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp và là động lực then chốt cho sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.
Theo báo cáo của PGS.TS Hoàng Văn Phong, Chủ tịch Hội đồng Chính sách KH-CN quốc gia, Trong nhiệm kỳ 2012 – 2016, Hội đồng sẽ tham gia tư vấn, đóng góp ý kiến cho các đề án bổ sung, sửa đổi một số luật trong lĩnh vực khoa học công nghệ như Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Năng lượng nguyên tử…
Đồng thời, đóng góp ý kiến vào các Đề án thuộc Chương trình công tác của Chính phủ và của Bộ KH-CN như xây dựng quy hoạch hệ thống các tổ chức KH-CN, đổi mới mô hình và phương thức hoạt động của các tổ KH-CN, chính sách sử dụng nhân lực KH-CN và trọng dụng người tài, chính sách phát triển thị trường công nghệ, đổi mới chính sách đầu tư và cơ chế tài chính cho hoạt động KH-CN, đường lối và chính sách hội nhập quốc tế về KH-CN.
Hội đồng phối hợp chặt chẽ với Bộ KH-CN và các Bộ, ngành khác tập trung nghiên cứu, tư vấn với Thủ tướng Chính phủ về đánh giá tác động của hệ thống cơ chế chính sách đối với hoạt động KH-CN, chính sách phát triển đội ngũ KH-CN, chính sách thu hút các nhà đầu tư công nghệ, nguồn nhân lực công nghệ… nhằm thu hút các nhà đầu tư công nghệ, nguồn nhân lực công nghệ trình độ cao, giúp đưa Việt Nam trở thành địa chỉ hấp dẫn đủ năng lực đón nhận dòng dịch chuyển công nghệ từ các quốc gia có nền công nghệ tiên tiến.
|
Mai Hà-P.Hoàn