Chương trình Đối tác Đổi mới sáng tạo (ĐMST) Việt Nam - Phần Lan (IPP) đã tổng kết giai đoạn I vào ngày 20-6, được đánh giá là đã giúp nước ta hoàn thiện khung pháp lý trong KH&CN, thúc đẩy mối liên kết giữa nhà khoa học và các doanh nghiệp, góp phần đưa các sản phẩm, sáng chế khoa học đến với thị trường.
Yếu tố sống còn của sự phát triển
Theo PGS-TS Trần Quốc Thắng, Giám đốc chương trình IPP, sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam hiện nay đến chủ yếu từ các yếu tố đầu vào như vốn và lao động, trong khi tỷ trọng của các yếu tố công nghệ, tri thức còn thấp (chỉ hơn 20%), dẫn đến hạn chế về năng suất và tính cạnh tranh của nền kinh tế. Một khi những lợi thế so sánh ban đầu đã được tận dụng, sự tăng trưởng về mặt dài hạn của nền kinh tế đòi hỏi phải nâng cao năng suất thông qua thúc đẩy tiến bộ công nghệ, tri thức và kỹ năng của người lao động. Việt Nam phải đối mặt với những thách thức mới, trong đó có việc làm thế nào để tạo ra những động lực phát triển mới, nói cách khác là phát triển dựa vào ĐMST (tri thức, công nghệ, thị trường).
Trong bối cảnh đó, chương trình IPP được hình thành trên cơ sở những kinh nghiệm, kiến thức về ĐMST mà Phần Lan đã thực hiện rất thành công trong vòng 50 năm trở lại đây. Mục tiêu của IPP là thúc đẩy sự phát triển của hệ thống ĐMST quốc gia, góp phần vào nỗ lực trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Hiện IPP đang hỗ trợ khoảng 60 dự án trong các lĩnh vực: Phát triển năng lực thể chế, xây dựng năng lực ĐMST, hỗ trợ các sáng kiến và dự án ĐMST của doanh nghiệp và hợp tác Việt Nam - Phần Lan.
Sau 3 năm triển khai giai đoạn I, dự án đã thu được một số kết quả ấn tượng. Về môi trường thể chế, các nghiên cứu để đổi mới cơ chế tài chính, mô hình liên kết 3 chiều, đánh giá tổng quan về KH&CN và ĐMST ở Việt Nam, khung chiến lược KH&CN theo cách tiếp cận mới… đã được triển khai. Khái niệm ĐMST đã được đề cập ngày càng nhiều trong các văn bản mang tầm chiến lược quốc gia. Đến nay, đã có một lực lượng cán bộ có thể trợ giảng cho các lớp đào tạo về ĐMST. Đặc biệt, trong lĩnh vực phát triển quan hệ đối tác nhà nước và tư nhân, hơn 30 doanh nghiệp đã được IPP hỗ trợ triển khai 30 tiểu dự án. 8 công ty của Phần Lan cũng đã tham gia vào các tiểu dự án, tập trung trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ sạch và đào tạo sau đại học.
Đưa nghiên cứu đến gần với thực tiễn
Thành công nổi bật và điểm nhấn của IPP chính là kết quả hỗ trợ mối quan hệ đối tác công - tư, liên kết nghiên cứu với thị trường, hỗ trợ các doanh nghiệp ĐMST và nâng cao nhận thức của doanh nghiệp.
Tiểu dự án "Nghiên cứu đổi mới công nghệ chế tạo đèn huỳnh quang compact chất lượng cao tuổi thọ đến 10.000 giờ" của Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông là một ví dụ. Tổng Giám đốc Công ty Nguyễn Đoàn Thăng cho biết: Tính đến cuối tháng 6-2013, tiểu dự án đã hoàn thành các hoạt động nghiên cứu theo thiết kế và chế tạo thử nghiệm hàng nghìn mẫu bóng đèn và ballast, sản xuất thử hoàn chỉnh bóng đèn CFL 10.000 giờ. Sản phẩm đã được thiết kế bao bì, tờ rơi và tổ chức hội thảo giới thiệu bóng đèn compact 10.000 giờ ra thị trường, hướng tới sẽ phân phối sản phẩm ra toàn quốc. Tuy thực hiện trong thời gian ngắn nhưng kết quả của tiểu dự án thành công vượt mong đợi. Đặc biệt, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển (R&D) - nơi quy tụ tri thức, kinh nghiệm của các nhà khoa học hàng đầu và biến các ý tưởng khoa học, công nghệ thành sản phẩm hữu ích cho cuộc sống - đã được thành lập.
Đại diện Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN), đơn vị thực hiện tiểu dự án "Đề xuất mô hình liên kết ba chiều thúc đẩy hoạt động thương mại hóa sáng chế và kết quả nghiên cứu tại Việt Nam" cũng khẳng định: Mô hình liên kết này có thể xây dựng và phát triển tại Việt Nam và có căn cứ để đề xuất các giải pháp về chính sách, biện pháp hỗ trợ phù hợp với yêu cầu thực tiễn của doanh nghiệp, viện, trường. Cũng nhờ tiểu dự án mà đơn vị đã có điều kiện huấn luyện và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ trẻ để triển khai các dự án tiếp theo về đầu tư ươm tạo và thương mại hóa công nghệ.
Theo Ban chỉ đạo IPP, một nhân tố quan trọng mang lại thành công là phải xác định ngay từ đầu các mục tiêu khả thi, quan điểm tiếp cận hợp lý, tiêu chí sàng lọc cụ thể, lĩnh vực ưu tiên phù hợp, lựa chọn nhóm doanh nghiệp trọng điểm... Do đó, trong số các dự án hỗ trợ các sáng kiến và dự án ĐMST của doanh nghiệp, chỉ có 2 dự án gặp khó khăn.
Với những thành công đã đạt được từ IPP giai đoạn I, Bộ KH&CN hy vọng Chính phủ Phần Lan tiếp tục hỗ trợ cho Việt Nam thông qua IPP giai đoạn II, nhằm giúp Việt Nam đổi mới cơ chế phát triển KH&CN, đầu tư để tạo ra một số sản phẩm quốc gia có hàm lượng KH&CN cao, có giá trị gia tăng lớn trên thị trường.