Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đang có những chỉ đạo quyết liệt về việc hoàn thiện thể chế, chính sách về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST), trong đó nhiệm vụ Hoàn thiện cơ chế quản lý, xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ KH&CN là một trong nhiệm vụ quan trọng đã được giao cho Bộ Tài chính, Bộ KH&CN phối hợp thực hiện.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết như trên tại Hội thảo khoa học “Đổi mới cơ chế quản lý, xử lý tài sản hình thành từ việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước” do Bộ KH&CN tổ chức chiều ngày 12/6/2024, tại TP. Hồ Chí Minh.
Hội thảo được tổ chức nhằm tạo cầu nối giữa các nhà quản lý, cơ quan xây dựng chính sách với các nhà khoa học, các tổ chức, cá nhân là các đối tượng thực thi chính sách (tổ chức chủ trì nhiệm vụ KH&CN, chủ nhiệm nhiệm vụ KH&CN, cơ quan quản lý nhiệm vụ KH&CN) cùng trao đổi nhằm xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách phù hợp, hiệu quả hơn.
Trong giai đoạn vừa qua, hệ thống cơ chế, chính sách quản lý tài sản hình thành từ việc triển khai nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước đã được hình thành từ các quy định trong Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật KH&CN, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ, Nghị định 70/2018/NĐ-CP của Chính phủ và các thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ KH&CN. Qua quá trình triển khai thực hiện, Bộ Tài chính và Bộ KH&CN cũng đã có các văn bản đôn đốc, hướng dẫn thực hiện. Tuy nhiên, kết quả thực hiện xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ KH&CN hiện nay còn gặp một số khó khăn.
Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, Nghị quyết số 100/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội đã chỉ rõ: “Tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, đồng bộ các chính sách, pháp luật của Nhà nước để thúc đẩy phát triển KH,CN&ĐMST... Rà soát, sửa đổi, tháo gỡ các rào cản trong chính sách, pháp luật về kinh tế, tài chính, đầu tư, đấu thầu với pháp luật KH&CN (Luật KH&CN, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công...) theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường, tôn trọng đặc thù của lao động sáng tạo, chấp nhận rủi ro, độ trễ trong nghiên cứu KH,CN&ĐMST theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế, bảo đảm công khai, minh bạch. Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để KH,CN&ĐMST thực sự là đột phá chiến lược, tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Hội thảo.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã đánh giá tình hình thực hiện, định hướng hoàn thiện cơ chế quản lý, xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ KH&CN; trao đổi về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 70/2018/NĐ-CP; khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện quản lý, xử lý tài sản hình thành từ việc thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước; đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn và đổi mới cơ chế quản lý, xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước...
Tiếp thu và ghi nhận các ý kiến tại Hội thảo, Thứ trưởng Lê Xuân Định khẳng định, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính trong quá trình rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách trong quản lý, xử lý tài sản hình thành từ các chương trình, nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước phù hợp, hiệu quả hơn.
Tin, ảnh: Linh Chi