Hoạt động KH&CN Thứ sáu, 29/03/2024 , 03:10 am
Cập nhật : 25/09/2014 , 15:09(GMT +7)
Đối diện với áp lực tự chủ
TS. Vũ Hồng Quảng
Áp lực bắt buộc phải tự chủ sẽ tạo thành động lực mạnh mẽ giúp các tổ chức nghiên cứu ứng dụng của Học viện Nông nghiệp Việt Nam đạt được nhiều thành quả nghiên cứu hữu ích cho xã hội. Tuy nhiên, để thích nghi với áp lực tự chủ, các tổ chức nghiên cứu này sẽ phải bám sát vào thị trường, đồng thời tổ chức bộ máy nhân sự của mình gọn nhẹ ở mức tối thiểu.

Bám sát thị trường

“Phải luôn nắm bắt được nhu cầu thị trường và lượng hóa ra con số cụ thể”, đó là một trong những điều cơ bản mà một tổ chức nghiên cứu ứng dụng phải làm được để có thể tồn tại bằng cách thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu của mình, theo lời Vũ Hồng Quảng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển cây trồng – Học viện Nông nghiệp Việt Nam. “Muốn làm được điều này chúng tôi phải liên tục giữ mối quan hệ ngoại giao và cập nhật thông tin từ khoảng 15 doanh nghiệp khách hàng”. Từ những thông tin, dữ liệu cụ thể được cập nhật thường xuyên như vậy, TS. Quảng và các cộng sự của mình có thể nhận biết và dự đoán các nhu cầu của doanh nghiệp, qua đó tập trung nguồn lực của viện vào những hướng nghiên cứu đúng đắn, cho ra đời các sản phẩm nghiên cứu nhiều triển vọng mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể.

Nguồn thu từ hoạt động thương mại hóa các kết quả nghiên cứu hiện chiếm 50% tổng nguồn thu của Viện Nghiên cứu và phát triển cây trồng – 50% còn lại là nguồn kinh phí từ các đề tài nghiên cứu các cấp. TS. Quảng cho biết trong thời gian tới, viện của ông sẽ tiếp tục nỗ lực nhằm đẩy tỉ trọng nguồn thu từ các hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu lên cao hơn nữa. Vì vậy, ngay trong quá trình lựa chọn và triển khai thực hiện các đề tài nghiên cứu, các chủ nhiệm đề tài của viện đã phải định hình được sản phẩm KH&CN, đồng thời xác định đâu là những địa chỉ thương mại hóa tiềm năng.

Theo TS. Quảng, chỉ nên triển khai một sản phẩm KH&CN khi có cơ sở để đảm bảo rằng nó sẽ chiếm lĩnh thị trường và đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm nước ngoài, bởi chỉ có như vậy thì doanh nghiệp khách hàng mới dám thúc đẩy sản xuất kinh doanh sản phẩm ấy trên quy mô lớn, thu được hiệu quả kinh tế bền vững. Với những sản phẩm có triển vọng như vậy thì tiền bạc không còn là vấn đề mà các nhà nghiên cứu phải lo lắng, bởi doanh nghiệp sẽ sẵn sàng bỏ tiền đầu tư. Bởi vậy, để các viện nghiên cứu ứng dụng thực hiện tự chủ thành công thì “vấn đề mấu chốt không phải là ở vấn đề tiền bạc, mà là liệu viện nghiên cứu ấy có đủ trình độ, năng lực để làm ra những sản phẩm chất lượng cao và nhiều triển vọng thương mại hóa thành công hay không”, TS. Quảng nhận định.  

“Bộ máy nhân sự phải gọn nhẹ tối thiểu”

PGS.TS. Nguyễn Thị Lý Anh

Đây là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Thị Lý Anh, Viện trưởng Viện Sinh học Nông nghiệp – Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Cũng giống như Viện Nghiên cứu và phát triển cây trồng, Viện của bà khi thành lập chỉ vẻn vẹn gồm một nhóm nhỏ ba-bốn người, và trong quá trình phát triển, những người mới luôn được xét tuyển một cách kỹ lưỡng, theo phương châm chỉ tuyển người khi có nhu cầu công việc và thấy rõ được năng lực, khả năng đóng góp của người được tuyển.

Tuy nhiên, dù thế nào thì việc quản lý nhân sự ở một tổ chức KH&CN vẫn không thể có tính sòng phẳng, rạch ròi như với một doanh nghiệp thông thường. Theo TS. Vũ Hồng Quảng, dù ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam, các tổ chức nghiên cứu tự chủ đã được giao toàn quyền quyết định về nhân sự, nhưng khi cần phải buộc thôi việc những cán bộ hoạt động kém hiệu quả, người lãnh đạo vẫn không tránh khỏi sự khó xử, nể nang bởi tình thầy trò, tình đồng nghiệp, cùng những mối quan hệ tế nhị khác, đặc biệt là trong điều kiện xã hội Việt Nam, nơi chữ “tình” vẫn chi phối mạnh mẽ các hành xử. Trong điều kiện như vậy, việc đảm bảo tính tinh gọn và hiệu quả của bộ máy nhân sự luôn là một thách thức khó khăn. 

Tương tự như phương châm tuyển người gắn với nhu cầu công việc, nguyên tắc trong mua sắm trang thiết bị ở các tổ chức KH&CN của Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng là mua sắm theo nhu cầu công việc, theo đó những người phụ trách công việc sẽ phải tự đề xuất mua sắm và lên kế hoạch sử dụng các thiết bị một cách thuyết phục, đảm bảo tính hiệu quả trong khai thác, sử dụng.

Vẫn cần sự hỗ trợ của Nhà nước, bởi “áp lực quá thì sẽ vỡ”

Các nghiên cứu ứng dụng luôn gắn liền với rủi ro, và dù thành công thì cũng đòi hỏi rất nhiều sự đầu tư về thời gian, công sức, và các nguồn lực khác. “Chúng tôi thường phải mất bảy năm cho mỗi hướng nghiên cứu, trong khi đó mỗi tháng dù không làm gì vẫn phải trả hàng trăm triệu đồng để nuôi bộ máy, và lúc nào cũng phải tính toán, cân nhắc sang năm, rồi năm tiếp theo sẽ đưa ra thị trường những sản phẩm gì”, TS. Quảng nói. Theo ông, áp lực là cần thiết để tạo động lực phấn đấu cho tổ chức KH&CN, nhưng không nên để người lãnh đạo các đơn vị phải chịu áp lực quá lớn, bởi “áp lực quá thì sẽ vỡ”.

Hiện nay, các viện nghiên cứu của TS. Quảng và PGS.TS. Lý Anh đều có mong muốn được chuyển đổi thành những doanh nghiệp KH&CN, bởi khi đó các đơn vị này sẽ được giao tài sản và quyền tự chủ lớn hơn, có khả năng huy động các nguồn lực một cách linh hoạt hơn, qua đó giảm nhẹ áp lực về tài chính đối với tổ chức và người lãnh đạo. Tuy nhiên, trong thực tế tiến trình thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp KH&CN vẫn còn những khó khăn, vướng mắc, và nhiều quyền lợi quy định theo pháp luật hiện hành dành cho các doanh nghiệp KH&CN vẫn chưa đi vào thực tiễn đời sống. Mặt khác, việc chuyển đổi thành doanh nghiệp KH&CN nhiều khả năng sẽ làm thay đổi tính chất hoạt động của các viện nghiên cứu nói trên theo xu hướng thiên về vị lợi nhuận, trong khi một tổ chức KH&CN công lập thông thường vẫn gánh vác những nghĩa vụ mang tính công ích, vị học thuật, ví dụ như tham gia đào tạo và làm nghiên cứu cơ bản.

Chính vì vậy, một phương án khác được TS. Quảng và PGS.TS. Lý Anh, cùng một số lãnh đạo các tổ chức KH&CN tự chủ ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam đề xuất, đó là Nhà nước tài trợ một phần kinh phí cho các viện nghiên cứu tự chủ, với điều kiện những viện này đáp ứng một số tiêu chí về chuyên môn, ví dụ như thành tựu, năng lực nghiên cứu, thể hiện ở số lượng các công bố quốc tế trên những tạp chí ISI, hoặc đạt được những kết quả nghiên cứu ứng dụng có giá trị hữu ích đối với xã hội.

Với những viện nghiên cứu đáp ứng được các tiêu chuẩn như vậy, Nhà nước nên tài trợ cho mỗi viện một số biên chế nhất định, qua đó giúp các viện duy trì một bộ khung bộ máy nhân lực ổn định, tránh tình trạng các tổ chức KH&CN phải dành nhiều công sức, thời gian để đào tạo các nhà nghiên cứu nhưng không thể giữ chân họ bởi không có đủ nguồn lực để giúp họ yên tâm công tác, PGS.TS. Lý Anh nói. 

Theo TS. Quảng, “Nhà nước có thể tiến hành đánh giá định kỳ các viện ba năm một lần”, như vậy sẽ đảm bảo nguồn kinh phí tài trợ của Nhà nước được sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả, đồng thời khiến các viện nghiên cứu luôn có động lực để phấn đấu nằm trong danh sách được Nhà nước tài trợ.

 

Nguồn tin: Tia Sáng

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner