Giai đoạn 2006-2010, doanh thu chuyển giao công nghệ toàn ĐHQG TP.HCM đạt 401,1 tỷ đồng tăng 1,46 lần so với giai đoạn 2001-2005. Tỷ lệ doanh thu chuyển giao công nghệ hiện nay so với đầu tư Nhà nước cho KH&CN là 1/1,5.
PGS. TS. Hoàng Dũng, Trưởng Ban KH&CN, ĐHQG TP.HCM cho biết: Gắn kết đại học với doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động KH&CN của ĐHQG TP.HCM. Nhiều dự án hợp tác KH&CN và đào tạo đã và đang được triển khai với các doanh nghiệp mà điển hình là Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn (dự án RFID), Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải II (hệ thống giám sát tự động & bảo đảm an toàn hàng hải), Công ty Cổ phần Viễn thông di động Toàn Cầu (hệ thống giám sát hành trình xe sử dụng hộp đen), Công ty may Tada (hệ thống quản lý và kiểm tra qui trình may), Ban Cơ Yếu Chính Phủ (Card thông tin bảo mật), Tập đoàn Long Hậu (xây dựng trung tâm dữ liệu), Eximbank (đào tạo thạc sỹ chuyên ngành tài chính tính toán định lượng), Hoa Sen Group (giải quyết các vấn đề về kỹ thuật, công nghệ, quản lý) v.v.
ĐHQG TP.HCM phối hợp với ĐH California tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Hóa học các vật liệu khung cơ - kim và các vật liệu liên quan” tháng 3/2011 (Ảnh: PN)
Hiện nay, ĐHQG TP.HCM đang hoạt động 24 tổ chức KH&CN thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 115/NĐ-CP. Trong số đó có 18 Trung tâm tự trang trải kinh phí hoạt động thường xuyên, 04 đơn vị nghiên cứu cơ bản và 02 doanh nghiệp KH&CN, tạo nên một hệ thống các đơn vị chuyển giao và dịch vụ công nghệ cho xã hội.
Thông qua các hợp đồng chuyển giao công nghệ, các Trung tâm đã phát huy tích cực vai trò phục vụ cộng đồng, đưa các thành quả nghiên cứu khoa học vào phục vụ các địa phương và doanh nghiệp, đồng thời tăng cường nguồn kinh phí hoạt động khoa học.
Mai Chi