Nhiều startup có nguồn vốn hạn hẹp. Thay vì tốn chi phí tiếp cận người dùng đến với từng trang mua hàng họ tiết kiệm chi phí hiệu quả bằng cách tích hợp trên nền tảng messenger hay chọn cách “ký sinh trên người khổng lồ” đã có sẵn hàng chục triệu người dùng.
Đó chính là một trong những mục đích ban đầu khi xây dựng Công ty Cổ phần Công nghệ Chatbot Việt Nam. Ông Lê Anh Tiến, Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Chatbot Việt Nam đã chia sẻ về vấn đề này.
PV: Theo ông, những đối tượng nào nên sử dụng nền tảng chatbot?
- Ông Lê Anh Tiến: Nền tảng chatbot có thể ứng dụng cho đa dạng lĩnh vực cũng như đối tượng, từ người bán hàng trực tuyến cá nhân đến doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp lớn. Nền tảng chatbot hiệu quả nhất với những cá nhân/doanh nghiệp muốn đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số, triển khai thương mại điện tử nhằm gia tăng hiệu quả kinh doanh. Đồng thời, nền tảng chatbot cũng có thể ứng dụng với các dự án xã hội, các sự kiện, các tổ chức công.
PV: Là một startup trẻ, đã bao giờ ông và đồng nghiệp của mình gặp những thất bại?
- Khởi nghiệp là bắt buộc phải làm mọi việc ở mọi môi trường và mọi hoàn cảnh. Không có môi trường nào hoàn hảo để dễ dàng phát huy tố chất mà bản thân mỗi người phải tự sống được trong môi trường khắc nghiệt thì tố chất nó mới phát huy và sinh tồn được.
Trong khởi nghiệp, khó khăn nhất là tìm đúng người, đúng thời điểm và đúng thị trường. Do đó, cần chấp nhận sự thất bại nhiều lần, nhưng quan trọng phải biết dừng đúng lúc, tránh giảm nhiệt huyết cho các lần khởi nghiệp tiếp theo.
Hiện khởi nghiệp được chia làm hai trường phái, khởi nghiệp bền vững và khởi nghiệp tức thời. Trong đó, khởi nghiệp bền vững cần ba yếu tố: Bản thân startup phải tự sinh ra được lợi nhuận từ dịch vụ/sản phẩm của mình và nuôi được nhân sự. Không nên gọi vốn thời gian đầu, sẽ phụ thuộc vào nhà đầu tư và tạo ra thói quen “đốt tiền”. Vòng đời của startup chỉ có 3 năm, trong 3 năm phải đưa doanh nghiệp lên 1 triệu USD. Sau 3 năm mà doanh nghiệp vẫn không phát triển được thì nên từ bỏ startup đó và lập startup mới để làm lại từ đầu.
Còn khởi nghiệp tức thời thì có thể làm ngay từ lúc sinh viên, cứ làm nhỏ, sau có kinh nghiệm sẽ phát triển lớn dần, nhưng chú ý đừng bị rơi vào hiện trạng ảo tưởng về sản phẩm hay dịch vụ của mình là số 1…
PV: Trong bối cảnh dịch bệnh covid-19 đang diễn biến phức tạp, Công ty cần thực hiện những giải pháp gì để khắc phục khó khăn, thưa ông?
- Thứ nhất, về giải pháp nội bộ, Công ty thực hiện các cơ chế chính sách có lợi nhất cho nhân sự để nhân sự có động lực hỗ trợ cho khách hàng nhiều hơn khi làm việc từ xa.
Thứ hai, Công ty xây dựng các công nghệ giúp kết nối giữa khách hàng và nhân viên một cách liên tục. Giúp nhân viên có góc nhìn tổng quan hơn về khách hàng thông qua các công cụ phân tích dữ liệu tăng trưởng khách hàng.
Thứ ba, Công ty tạo ra các gói chính sách bán hàng mới để giúp đỡ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong mùa dịch.
Cùng với đó, Công ty sẽ phối hợp với Chính phủ để tiếp tục phát triển và duy trì chatbot tra cứu dịch bệnh để phục vụ cho các doanh nghiệp có thể tích hợp vào fanpage của mình.
PV: Với những ngành xương sống của nền kinh tế, đồng hành với tất cả các lĩnh vực từ khâu sản xuất, lưu thông đến tiêu thụ, khi đứng trước cảnh "đứt cung, gãy cầu" thì buộc doanh nghiệp phải tìm kiếm cơ hội trong nền tảng số? Ý kiến của ông như thế nào về vấn đề này?
- Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), kinh tế số nói chung và kinh tế nền tảng nói riêng được cho là trụ cột của xã hội tương lai. Năm 2020 chứng kiến nhiều biến động do đại dịch covid-19 và nguy cơ khủng hoảng toàn cầu, nhưng các nền tảng số như Amazon, eBay, Alibaba… không chỉ chống chọi tốt với bất ổn của thị trường mà còn có xu hướng phát triển nhanh và mạnh. Một số nghiên cứu cho rằng tổ chức kinh doanh trên các nền tảng số hoặc khởi nghiệp trên các mô hình số sẽ là giải pháp cứu nguy cho nhiều doanh nghiệp, cá nhân trong cuộc chiến với đại dịch covid-19. Đồng thời, cấu trúc nền kinh tế thế giới sẽ thay đổi sau đại dịch.
Trong bối cảnh “đứt cung, gãy cầu” doanh nghiệp tìm cơ hội chuyển đổi số (ảnh: Đăng Minh)
PV: Là 1 trong 10 nhân vật dưới 30 tuổi trong danh sách People to Watch 2017 do Tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn, ông có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm với các bạn trẻ đang theo đuổi lĩnh vực công nghệ thông tin khi bắt tay vào lĩnh vực đầy đam mê và thử thách này?
- Lĩnh vực công nghệ đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại, không lùi bước trước khó khăn. Để bắt tay vào lĩnh vực này bắt buộc bạn phải bỏ ra rất nhiều thời gian, có thể hơn 8 giờ một ngày chỉ để học các thao tác, những câu lệnh đơn giản. Đặc biệt, các bạn phải luôn trau dồi kiến thức Toán học - đó là cơ sở để phát triển được tư duy tiếp cận các công nghệ lập trình mới.
Đồng thời, các bạn trẻ cần thường xuyên tham gia tạo ra các dự án từ nhỏ tới lớn để trình độ của mình được nâng cấp hàng ngày cũng như kiểm chứng được năng lực của mình. Và cuối cùng: "kỳ tích là tên gọi khác của sự nỗ lực" - khi bạn nỗ lực càng nhiều thì bạn sẽ hái được quả.
Cuộc đời có 3 mùa: mùa học, mùa gieo và mùa gặt. Vấn đề của nhiều người là họ kết thúc mùa học quá sớm, để rồi đến mùa gieo lại không làm hiệu quả, cuối cùng là chẳng thu được gì khi đến mùa gặt. Chúng ta nên hiểu rằng cần phải luôn kéo dài mùa học của mình, thậm chí khi đến mùa gieo cũng cần dành thời gian để học. Và cũng không cần quá bận tâm mình sẽ nhận được gì ở mùa gặt, bởi khi mọi người học tốt và gieo tốt, chắc chắn những gì mình nhận về sẽ là hoa thơm trái ngọt.
“Tôi có đang trong mùa học của mình chứ? Tôi có đang làm việc hiệu quả ở mùa gieo?” Đây chính là 2 câu hỏi chúng ta phải luôn đặt cho chính bản thân mình khi cảm thấy bản thân bị xao nhãng hoặc khi đạt được một thành tựu mới. Tôi khuyến khích các bạn trẻ nên đặt 2 câu hỏi này cho chính bản thân mình và nghiêm túc trả lời nó, từ đó sẽ giúp các bạn định hướng tốt hơn, đi chậm hơn một chút, chắc chắn hơn một chút, để không bao giờ phải rơi vào tình trạng “nhanh một vài năm, chậm một đời”.
PV: Ngoài phát triển chatbot, ông có thể chia sẻ thêm dự định của mình cho tương lai?
- Bot Bán Hàng hướng tới trở thành nền tảng nhắn tin chuyên nghiệp cho doanh nghiệp và nhà kinh doanh tại Đông Nam Á thông qua các nền tảng OTT (Messenger, Zalo, Whatsapp...). Xây dựng và Chuyển đổi khách hàng tiềm năng, tạo hành trình khách hàng dựa trên tin nhắn và tương tác của khách hàng. Hỗ trợ khách hàng nhanh chóng, chuyên nghiệp với quy mô doanh nghiệp được tối ưu nhất. Tối đa hóa tương tác khách hàng, gia tăng doanh thu và trải nghiệm khách hàng, giúp doanh nghiệp và nhà kinh doanh tăng trưởng doanh thu, khách hàng và tối ưu giao tiếp nội bộ.
Năm 2020, Bot Bán Hàng là sẽ tích hợp các nền tảng: thanh toán và tài chính, CRM & ERP, Omnichannel, Automation về Marketing, Sales, phân tích data, và các nền tảng giao tiếp khác: SMS, Mail. Call Center với mục tiêu giúp khách hàng quản lý dữ liệu một cách dễ dàng và cung cấp các số liệu thống kê chi tiết. Đặc biệt, tích hợp công nghệ AR để mang lại trải nghiệm độc đáo cho người dùng.
Chúng tôi không ngừng đổi mới sản phẩm, cải tiến công nghệ và phương pháp quản lý để biến Bot Bán Hàng trở thành “Siêu nền tảng”, đưa Công ty Cổ phần Công nghệ Chatbot Việt Nam trở thành một công ty công nghệ hàng đầu tại Việt Nam và được xếp hạng cao trên thế giới.
Bài: Đăng Minh