"Nhà nước bỏ tiền ra nghiên cứu, đánh giá nghiệm thu xong là được, còn sản phẩm có đi vào được cuộc sống hay không, ít người quan tâm. Nhưng doanh nghiệp (DN) bỏ tiền ra, chắc chắn họ đòi hỏi các nhà khoa học phải giao cho họ sản phẩm cuối cùng, và họ phải dùng được sản phẩm ấy." - Bộ trưởng Nguyễn Quân trao đổi với Chất lượng Việt Nam về hiệu quả đầu tư vào KH&CN.
Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, hiện nay nhiều người không thấy được cái bức xúc của KHCN như các lĩnh vực khác, do tiềm lực KHCN của đất nước ta còn rất yếu kém, đội ngũ cán bộ đông về số lượng nhưng chất lượng chưa cao.
Công bố quốc tế về KHCN ít đến mức gần như không. Số sáng chế (sản phẩm cụ thể của giới khoa học) cũng giao động xung quanh con số 100/năm. Năm 2011, Việt Nam không có một sáng chế nào được đăng ký tại Hoa Kỳ, 5 năm trước đó thì mỗi năm có 1 hoặc 2 sáng chế được công bố. Việt Nam cũng chưa có nhà khoa học nào được giải Nobel. Hơn nữa, Việt Nam cũng chưa có sản phẩm nào mà thương hiệu được cả thế giới biết đến, để người ta chỉ cần nhìn, nghe tên thương hiệu là biết của Việt Nam.
Đội ngũ cán bộ KHCN có thể đông về số lượng, 6 triệu người tốt nghiệp đại học, cao đẳng; 50 nghìn làm nghiên cứu chuyên nghiệp trong các viện nghiên cứu; hơn 36 nghìn thạc sĩ, 18 nghìn tiến sĩ, hơn 10 nghìn GS và PGS. Về số lượng thì hơn cả Thái Lan, nhưng thành tựu còn rất khiêm tốn so với các nước láng giềng.
Bộ trưởng Nguyễn Quân nhấn mạnh, KHCN đang ở mức phát triển khiêm tốn trong khi đòi hỏi của nền kinh tế thì cao hơn rất nhiều, và đến giờ có thể nói nếu không phát triển KHCN thì chúng ta không còn con đường nào khác để phát triển đất nước.
Về phát triển kinh tế bền vững, Bộ trưởng cho rằng: "Ở các nước phát triển như Hàn Quốc, Singapore hay Nhật Bản, họ khan hiếm tài nguyên thiên nhiên hơn nước ta,tuy nhiên, họ chọn phát triển khoa học công nghệ làm nền tảng cho việc phát triển đất nước, bây giờ họ đều là cường quốc.". Do đó chúng ta chỉ có thể phát triển đất nước nếu chúng ta quan tâm đến Giáo dục đào tạo và KHCN. Có con người giỏi và có nền KHCN tiên tiến, đó là hai nền tảng cho mỗi quốc gia. Nhưng làm thế nào để KHCN phát triển? Đây là bài toán khó, do chúng ta đã sống quá lâu trong sự đầu tư từ ngân sách nhà nước về KHCN.
Theo tính toán của Bộ trưởng Nguyễn Quân, 2% tổng chi ngân sách quốc gia mà Quốc hội đã dành cho KHCN từ năm 2000 là con số không hề nhỏ, nếu đứng ở góc độ tỷ lệ tương đối. Bởi vì 2% ngân sách tương đương 0,5 – 0,6% GDP của Việt Nam. Đây là tỷ lệ rất cao so với thế giới, như Nhật Bản chỉ có 0,36% GDP quốc gia từ ngân sách nhà nước dành cho KHCN, Hoa Kỳ là 0,4%, Hàn Quốc 0,45%...
Nhưng đứng ở góc độ tổng đầu xã hội cho KHCN thì đây lại là con số rất thấp, hiện Việt Nam không huy động được sự đầu tư của xã hội, đặc biệt là của DN cho KHCN. Đầu tư cho KHCN của khối DN chỉ bằng ½ đầu tư từ ngân sách nhà nước. Theo thống kê của năm 2011, ngân sách nhà nước đầu tư xấp xỉ 700 triệu USD cho KHCN, đầu tư của xã hội thì chỉ có 300 triệu USD. Nguồn đầu tư này quá bé nhỏ so với nhu cầu của xã hội, cũng là tỷ lệ vô cùng thấp so với GDP quốc gia, vì chúng ta chỉ có khoảng 1% GDP quốc gia (năm 2011 GDP xấp xỉ 100 tỷ USD), và đây cũng là tỷ lệ rất thấp so với thế giới và cả trong khu vực.
Trung Quốc năm 2011 đã vượt qua 2,5% GDP quốc gia đầu tư cho KHCN, đầu tư từ ngân sách thì cũng xấp xỉ như Việt Nam, nhưng tổng đầu tư xã hội vượt qua 2,5% GDP quốc gia (GDP Trung Quốc năm 2011 là 5.000 tỷ USD), họ đã vượt qua cả Nhật Bản đứng thứ 2 thế giới về tổng thu nhập quốc dân. Nếu lấy 5.000 tỷ USD nhân với 2,5% có thể thấy ngay họ có 150 tỷ USD giành cho KHCN, và 1,5 tỷ dân thì chia đầu người có khoảng 100 USD, chúng ta có 1 tỷ USD và trên 90 triệu dân thì mỗi người chưa đến 10 USD giành cho KHCN, Hàn Quốc thì mỗi người dân có trên 1.000 USD giành cho KHCN.
Đây là con số đáng để suy nghĩ, vì chúng ta coi KHCN là quốc sách hàng đầu, yếu tố quyết định cho sự phát triển của đất nước, thì trong giai đoạn sắp tới đầu tư cho KHCN phải tương xứng. Nếu chỉ đầu tư 10 USD cho đầu người dân thì chắc chắn Việt Nam không bao giờ đuổi kịp Trung Quốc chứ chưa nói đến Hàn Quốc. Nguyên nhân chính là do vẫn chỉ ỷ lại vào nhà nước, nhà nước bao cấp, xã hội và DN ít quan tâm. Đáng buồn hơn cả là DN nhà nước lại càng không quan tâm đến đầu tư cho KHCN.
Việt Nam hiện có gần 600.000 doanh nghiệp (DN), vào năm 2008 khi Luật thuế TNDN được ban hành lần đầu tiên có điều khoản DN giành một phần lợi nhuận trước thuế để thành lập quỹ phát triển KHCN của DN. Lúc đó Bộ KH&CN đã đề xuất là "DN phải trích 10%" lợi nhuận trước thuế cho KHCN, theo tính toán thì nếu tất cả DN VIệt Nam thời điểm đó đều trích 10% thì chúng ta có ngay nguồn khoảng 13.500 tỷ đồng, gấp đôi ngân sách nhà nước và tới thời điểm này chúng ta có nguồn gấp 3 – 4 lần đầu tư từ ngân sách, không thua kém Trung Quốc là bao.
Nhưng sau đó, điều khoản này được thay đổi thành "DN được trích tới 10%" lợi nhuận trước thuế để đầu tư cho KHCN. Có thể thấy DN phải trích và được trích 10% khác nhau nhiều thế nào. Một đằng là bắt buộc và có cái sàn là 10%, một đằng là khuyến khích là được và cái trần là 10% không được quá, còn cái sàn thì không nói có thể 0%.
Chính vì vậy, trong 4 năm qua phần lớn DN Việt Nam không thực hiện điều khoản này, không trích lợi nhuận của họ đầu tư cho KHCN. Trước hết là của chính họ để đổi mới công nghệ, tạo ra sản phẩm mới có tính cạnh tranh, tạo công ăn việc làm, đóng góp cho ngân sách và hỗ trợ cho hoạt động KHCN, để đưa các nhà khoa học đến DN.
Nếu tiêu tiền của DN thì hiệu quả sử dụng đồng tiền cao hơn rất nhiều, hiện nay, nhà nước bỏ tiền ra nhưng ít quan tâm đến sản phẩm đầu ra của các đề tài nghiên cứu, đánh giá nghiệm thu xong là được, còn sản phẩm có đi vào được cuộc sống hay không thì ít người quan tâm. Nhưng nếu DN bỏ tiền ra, chắc chắn họ đòi hỏi các nhà khoa học phải giao cho họ sản phẩm cuối cùng, và họ phải dùng được sản phẩm ấy.
Đấy c
hính là hai việc rất khác nhau của đầu tư cho KHCN. Nếu nhà nước đầu tư thì kiểm soát rất chặt nhưng sản phẩm cuối cùng lại không quan tâm, DN thì họ lại không quan tâm đến việc chi bao nhiêu, hóa đơn chứng từ ra sao, hội thảo ở đâu nhưng họ quan tâm đến sản phẩm cuối cùng là cái gì và các nhà khoa học phải có trách nhiệm bàn giao sản phẩm đó cho họ, để họ đưa vào sản xuất.
Như vậy, quốc gia nào khai thác được đầu tư của xã hội, DN thì KHCN mới phát triển được, nếu không cũng chỉ trong “tháp ngà”.
Năm 2009, Chính phủ đã giao Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam phối hợp với Bộ KH&CN chế tạo thành công dàn khoan tự nâng 90 mét nước. Đây là dự án đầu tiên dùng tiền KHCN có quy mô lớn là 118 tỷ đồng dành riêng cho KHCN (cho thiết kế, làm chủ thiết kế và công nghệ chế tạo). Trong 2 năm đã hoàn toàn làm chủ thiết kế, chế tạo dàn khoan này và Việt Nam trở thành 1 trong 10 quốc gia trên thế giới, 1 trong 3 quốc gia châu Á đủ năng lực chế tạo dàn khoan tự nâng 90 mét nước và 120 mét nước.
Như vậy có thể thấy, nếu đầu tư cho KHCN thì hiệu quả của nó đem lại cho đất nước rất lớn. Nếu bỏ ra 1 đồng cho KHCN thì có thể có được 5 – 6 đồng lợi nhuận, nếu so sánh với các lĩnh vực khác thì bỏ ra 10 đồng may ra chỉ thu được 1 - 2 đồng lợi nhuận.
Đây được xem là những tín hiệu đáng mừng để giúp cho KHCN của Việt Nam phát triển và cũng là tin hiệu cho thấy DN Việt Nam bắt đầu quan tâm đến KHCN và coi KHCN là động lực để tồn tại, đặc biệt trong hoàn cảnh khủng hoảng kinh tế tài chính như hiện nay. DN nào mà quan tâm đầu tư cho KHCN thì trụ lại được và đứng vững, còn DN nào không quan tâm thì sẽ dẫn đến phá sản.